Tình người
25 Khi ấy, có một người thông luật đứng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời”. 26 Người nói với ông: “Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?” 27 Ông trả lời: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình”. 28 Chúa Giêsu nói: “Ông đã trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống”. 29 Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Nhưng ai là anh em của tôi?”
30 Chúa Giêsu nói tiếp: “Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. 31 Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. 32 Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. 33Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. 34 Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc. 35 Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo rằng: ‘Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông’. 36 Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?” 37 Người thông luật trả lời: “Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy”. Và Chúa Giêsu bảo ông: “Ông cũng hãy đi và làm như vậy”.
“Ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?” (Lc 10,36)
A- Phân tích (Hạt giống…)
1. “Ai là người thân cận của tôi?”. Câu hỏi này của vị Luật sĩ phản ảnh phần nào chiều hướng của ông:
– Ông muốn tìm một câu định nghĩa về “người thân cận”. Người Do Thái thời đó hiểu “người thân cận” chỉ là những đồng bào Do Thái với mình.
– Ông muốn nghe một câu trả lời có tính lý thuyết.
2. Dụ ngôn người Samari phản ảnh chiều hướng của Chúa Giêsu:
– Định nghĩa về “người thân cận” không quan trọng bằng thực thi bác ái với người thân cận (câu 37).
– Người thân cận là bất cứ ai (không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, quan điểm…). Hình như hai nhân vật chính trong dụ ngôn này một người là Do Thái và một người là Samari.
– Thay vì tìm hiểu ai là người thân cận, tốt hơn nên tỏ ra mình là người thân cận đối với những kẻ đang cần mình giúp đỡ (câu 36).
B- Suy gẫm (…nẩy mầm)
1. “Sống ở đời, ai ai cũng có những lúc tối lửa tắt đèn, có lúc lá rách cần lá lành, có lúc chị ngã em nâng… Sống ở đời, ai ai mà không cần tới tình yêu. Nhưng ít người thực hiện tình yêu. Hay nếu có, lại chỉ vỏn vẹn trong một khung cảnh gia đình hay trong một lũy tre xanh chật hẹp. Cho nên cũng vì vậy mà trần gian mất đi nhiềunguồn vui thật”. (Trích “TMCGK ngày trong tuần”)
2. “Bác ái là thẻ thông hành có giá trị nhất để vào Nước Trời”. “Bác ái đích thực không tra vấn, không đặt câu hỏi”. (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)
3. Trong thời thế chiến, một sĩ quan Anh thấy một sĩ quan Đức bị trọng thương, đang oằn oại bên hàng rào kẽm gai. Bom đạn ầm ầm, khói lửa ngút trời, nên không thể đưa người thương binh vào chỗ an toàn. Cuối cùng, người sĩ quan Anh tự nhủ:“Mình không đành lòng nhìn một người đau đớn khốn khổ như vậy!” Thế là anh phóng ra giữa lửa đạn, vác người thương binh trên vai và đưa sang phần đất mà quân Đức chiếm đóng. Khi trận chiến tạm dừng, một sĩ quan Đức bước ra khỏi chiến hào, tháo chiếc thánh giá bạc đeo trước ngực và gắn cho người sĩ quan Anh.
(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúa là nguồn lương thực nuôi dưỡng chúng con. Qua bí tích Thánh Thể Chúa đã hiến ban chính Máu Thịt làm của ăn cho chúng con trên đường lữ thứ trần gian. Chúng con xin cảm tạ Chúa. Xin cho chúng con biết hiến dâng chính mình làm lễ vật tình yêu cho Chúa, và cũng trở thành tấm bánh được bẻ ra cho nhân thế hôm nay.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Người đời thường ích kỷ, vụ lợi. Tình người còn mang nhiều toan tính hẹp hòi. Có mấy ai cho đi mà không mong đền đáp? Có mấy ai yêu thương đến quên cả chính mình? Xin tha thứ cho tình người còn khiếm khuyết nơi chúng con. Xin Chúa kiện toàn đức ái nơi chúng con. Một đức ái vô vị lợi, luôn hướng đến tha nhân trong tinh thần xả kỷ hy sinh. Một đức ái chân thành để chúng con quên mình mà phục vụ lẫn nhau. Xin giúp chúng con biết vượt ra khỏi những toan tính tầm thường, để chúng con sống quảng đại với nhau trong tình nghĩa anh em một nhà.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con mang lấy tâm tình từ bi nhân hậu của Chúa, để chúng con biết chạnh lòng thương xót trước những đau khổ của tha nhân, và sẵn lòng chia sẻ với họ bằng một tình mến yêu chân thành. Amen.
(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)