Linh mục Lombardi: Người nói vào lỗ tai của các giáo hoàng

Trong vòng mười năm, linh mục Lombardi điều khiển Văn phòng báo chí Tòa Thánh. Hôm nay cha vẽ một chân dung rõ nét của ba triều giáo hoàng vừa qua.
Linh mục Lombardi: Người nói vào lỗ tai của các giáo hoàng

Paris Match: Mười năm đứng đầu Văn phòng báo chí Tòa Thánh, cha là người duy nhất nói vào lỗ tai của hai giáo hoàng.

Linh mục Lombardi: Chức vụ tôi đảm trách ở Vatican từ tháng 7 năm 2006 đến tháng 7 năm 2016 đã cho tôi được gần Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô. Bảy năm gần Đức  Ratzinger, sau đó ba năm gần ‘papa’ Bergoglio. Hai người hai phong cách, hai cách làm việc khác nhau. Trước hết, tôi gặp các ngài ở các buổi tiếp kiến chính thức với các nguyên thủ Quốc gia và trong các chuyến tông du. Sau đó tôi thường xuyên gặp các ngài để đưa tin lại cho các ký giả. Điều thay đổi đối với Đức Phanxicô, là ngài hay có sáng kiến gọi tôi trước, để nói chuyện với tôi mà không qua trung gian thư ký riêng của ngài. Và khi tôi gọi ngài, gần như khi nào tôi cũng nói chuyện trực tiếp được với ngài, nên đã làm cho việc tiếp xúc được đơn giản hơn.

Vì sao cha nói chính xác ngay ngày đầu: ‘Tôi là giám đốc Văn phòng báo chí chứ không phải phát ngôn viên của Đức Giáo hoàng’?

Thể chế tông tòa của giáo triều La mã không dự trù có phát ngôn viên của Giáo hoàng. ‘Giám đốc Văn phòng báo chí’ thường được gọi là ‘phát ngôn viên’ vì người đó chuyển, bình luận các lời nói của Giáo hoàng. Ngoài ra, người giám đốc còn phối hợp, giải thích các thông báo khác nhau của các ban bộ Vatican, như tin tức của Bộ tín lý, bộ Đối thoại liên tôn… và nhiều thực thể khác của Giáo hội La mã. Từ trên cương vị của mình, chính Đức Giáo hoàng cũng tự phát biểu. Phần lớn thời gian sinh hoạt của ngài là chính thức và trước công chúng. Trong các buổi tiếp kiến ở Quảng trường Thánh Phêrô, lời của Đức Giám mục Rôma vang trên bốn chân trời góc biển của thế giới, như thế giám đốc Văn phòng báo chí không cần phải giải thích thêm. Tất cả những giải thích, nếu có cũng chỉ là một vài điểm cần làm sáng tỏ thêm mà thôi. Nhưng chúng ta nên thực tế: nhân vật chính vẫn là Đức Giáo hoàng và chỉ có một mình ngài. Và thời bây giờ, ngài lại nói lên ở ngôi thứ nhất.

“Chúng tôi hiểu nhau vì gốc rễ thiêng liêng
và đời sống tu trì của chúng tôi giống nhau”

Là linh mục Dòng Tên với một Giáo hoàng Dòng Tên, như thế có tạo ra các tương tác không?

Chắc chắn tôi sẽ không dùng chữ tương tác. Tôi sẽ nói, chúng tôi hiểu nhau vì gốc rễ thiêng liêng và đời sống tu trì của chúng tôi giống nhau. Chúng tôi nói cùng một ngôn ngữ như nhau, chúng tôi cùng chia sẻ một loại hình thức hiện sinh; còn về phần tôi, tôi là học trò của các tu sĩ Dòng Tên. Tất cả những chuyện này làm cho các quan hệ được thoải mái. Tuy nhiên, sự sẵn sàng tiếp nhận, và tính dễ thương cực kỳ của Đức Bênêđictô XVI đã tạo nên một sự gần gũi và dễ dàng trong mọi chuyện. 

Cha nghĩ giáo hoàng hiện nay là rất Dòng Tên hay có tính Phan Sinh hơn?

Dòng Tên là một phần đời sống, căn tính, đường lối thiêng liêng trong đời sống hàng ngày của Đức Phanxicô. Tuy nhiên tên Phanxicô phù hợp với các khát nguyện sâu xa, các thách thức của ngài: lo cho người nghèo, sống đơn giản, khắc khổ. Các nguyên tắc riêng của nhà sáng lập Dòng chúng tôi nhưng cũng là của Thánh Phanxicô Axixi. Thánh Phanxicô Axixi đã có một ảnh hưởng rất mạnh trên thánh bổn mạng của chúng tôi và sứ mệnh của chúng tôi đẩy chúng tôi phải là môn đệ của Chúa Kitô và bắt chước các thánh. 

Các tu sĩ Dòng Tên có quyền lực trong máu?

Tôi bác bỏ ý tưởng này. Chúng tôi có tinh thần phục vụ trong máu. Tinh thần của đức tin, của công chính và của đức ái. Sứ mệnh của chúng tôi trước hết là loan báo Lời Chúa và phục vụ Đức Giáo hoàng, mục tiêu lời khấn thứ tư của chúng tôi. 

Cha có được báo cho biết việc Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm không?

Tôi được biết khá sớm để có thể chuẩn bị đối phó về mặt truyền thông. Điều này cũng không làm cho tôi thật sự ngạc nhiên, vì Đức Thánh Cha đã cho biết, ngày mà ngài nhận thấy, trước mặt Chúa và chỉ một mình ngài, ngài không còn đủ sức để thực hiện sứ mệnh của mình, ngài sẽ từ nhiệm. Ở tuổi 85, ngài cảm nhận mình không còn đủ sức lực để cai quản Giáo hội, vì thế ngài từ nhiệm. 

Trước đó ngài cũng đã giữ một chức vụ khó khăn là Tổng Giám mục địa phận Munich, sau đó hai mươi năm làm ở Bộ tín lý trong một thời kỳ nhiều giao động. Một trong những yếu tố đáng kể nhất đối với hành vi lịch sử của ngài, là ngài đã không họp các hồng y để xin ý kiến họ. Ngài hoàn toàn ý thức về quyết định của mình. 

Khá phức tạp để nói về chuyện này!

Điều thiết yếu là giải thích chính xác và ngắn gọn khi mình hiểu công chuyện, chứ không giải thích mập mờ khi có những chuyện không thể nói hết ra. Tôi nghĩ đã luôn minh bạch với bà! 

Cha vừa đứng đầu tổ chức Joseph Ratzinger.

Tôi là chủ tịch hội đồng quản trị. Còn có một hội đồng khoa học với ba hồng y. Tổ chức có nhiệm vụ cổ động cho việc tìm tòi và nghiên cứu thần học trong tinh thần Joseph Ratzinger. Tổ chức cấp học bổng tiến sĩ cho các ứng viên muốn đào sâu tư tưởng thần học của Đức Bênêđictô XVI, tổ chức các buổi hội thảo, trao giải Ratzinger. Giải sẽ được trao lần thứ sáu trong vài tuần tới. Tổ chức cũng phát thưởng cho những ai nghiên cứu các bản văn tôn giáo và thần học, cho các thần học gia cũng như cho các chuyên gia các ngành học khác, bổ túc cho thần học.

“Giai đoạn của những vụ lạm dụng tình dục
là giai đoạn cực kỳ đau khổ cho Giáo hội”

Các kỷ niệm nào đáng kể nhất trong nơi chốn này?

Các chuyến đi với các giáo hoàng: từ Đức Gioan-Phaolô II đến Đức Phanxicô, tôi đã đi sáu mươi chuyến! Vào thời tôi còn là giám đốc các chương trình của Radio Vatican, tôi đi mỗi hai chuyến trong những năm cuối của Đức Karol Wojtyla, sau đó tôi đi trong tất cả chuyến đi của Đức Joseph Ratzinger và mỗi chuyến đi của Đức Phanxicô cho đến tháng 7 vừa qua. Với rất nhiều kỷ niệm cảm động, Ngày Đại hội Giới Trẻ Quốc tế, đi Đất Thánh… Kỷ niệm xúc động nhất là đồng tế với Đức Bênêđictô XVI ở thánh đường Mộ Thánh, nơi Chúa Giêsu chết và sống lại. Thánh lễ ở Nhà nguyện Thánh Mácta với Đức Phanxicô cũng là những kỷ niệm khó quên. 

Giai đoạn nào khó nhất đối với cha?

Chắc chắn đó là giai đoạn của những vụ lạm dụng tình dục. Chia sẻ các lỗi lầm, các sai phạm trầm trọng, các tội ác đối với trẻ vị thành niên và người khác đã tạo một tai hại khủng khiếp, đó là giai đoạn cực kỳ đau đớn với Giáo hội. Đây không phải là tìm một chiến thuật để trả lời cho truyền thông, nhưng là cả một thử thách phải chấp nhận trong khiêm nhường, nghiêm khắc và chân thành. Một sự đau khổ nội tâm và trước hết là bổn phận phải đối diện, với trách nhiệm tôi phải dự vào: đó là trách nhiệm giải thích, thông báo cho truyền thông và quần chúng, thẳng thắn trả lời các câu hỏi. Thật là khủng khiếp và cả một sức nặng của tai ương, tôi phải đảm trách cùng với Đức Giáo hoàng. Đó là con đường thanh tẩy của chúng tôi, bổn phận tương trợ của chúng tôi. 

Cha có thể cho chúng tôi biết ba giáo hoàng cuối cùng?

Đặc sủng của Đức Gioan-Phaolô II, ngài có khả năng nói chuyện với tất cả mọi người, với một quyền uy tự nhiên vô cùng đã làm cho tôi rất kinh ngạc. Ngài như một bậc thầy của các quốc gia. Từ đức tin, từ tầm nhìn nhân bản của ngài tỏa ra một sức mạnh nội tâm đích thực, đi từ lịch sử và từ tiếp cận tinh thần kitô giáo của ngài. Tôi cũng ấn tượng về tầm mức phong phú về văn hóa, chiều sâu trong suy tư của Đức Bênêđictô XVI. Một tổng hợp giữa thần học, tư tưởng và thiêng liêng ở tầm mức cao nhất. Còn về Đức Phanxicô, điều nổi bật nơi ngài là cách nói trực tiếp, ngẫu phát qua một ngôn ngữ cụ thể, nói chuyện được với tất cả mọi người. Thật phi thường khi quan sát ngài đã thành công để chia sẻ các ý tưởng của mình với những người yếu đuối nhất, gần với giáo dân với hai niềm hy vọng cùng một lúc, hy vọng của tình yêu và hy vọng của lòng thương xót. Ngài dùng một loại ngôn ngữ đặc biệt, đôi khi đơn giản và thường là tượng hình, ngài nói tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha và đã làm bao nhiêu tâm hồn rung động. Sứ mạng của Giáo hoàng trước hết là loan báo Lời Chúa, nhưng mỗi người có chữ, có thành ngữ và có cách nói chuyện riêng của mình. Và như bà đã biết, các chủ đề của Đức Phanxicô thì luôn là lo cho người nghèo, tình tương trợ, ưu tiên cho các vùng ngoại vi với hình thức mộ đạo bình dân. Jorge Mario Bergoglio là hoa trái của quá khứ, của kinh nghiệm ‘chiến trường’ của cha. Sứ vụ mục vụ của Giáo hội ở Châu Mỹ La Tinh thì khác với châu lục cổ Âu châu của chúng ta. 

“Đức Phanxicô không giấu giếm ngài muốn có quan hệ
tốt nhất có thể với Trung Quốc”

Một trong những thách thức bí mật của Đức Giáo hoàng có phải là gần với Trung Quốc không?

Chắc chắn, từ đầu các tu sĩ Dòng Tên đã quan tâm đến Trung Quốc. Từ năm 1601, nhà truyền giáo Dòng Tên Matteo Ricci đã vào được triều đình Trung Quốc, đã thiết lập được các quan hệ giữa Trung Quốc và Dòng Tên, và đã làm được một mô hình đối thoại, nhất là về mặt văn hóa cho Giáo hội công giáo. Đức Giáo hoàng hiện nay với lòng tôn trọng và quan tâm đặc biệt, ngài muốn Giáo hội công giáo có thể sống công khai sứ vụ của mình. Đức Phanxicô không giấu giếm mình muốn có quan hệ tốt nhất có thể với Trung Quốc, như ngài thường hay nhấn mạnh. Nhìn dưới góc cạnh này, sự hòa hợp giữa Đức Giáo hoàng và Dòng Tên là thật. 

Ông Greg Burke vừa thay thế cha, ông là thành viên của Opus Dei!

Không có chuyện vì ý thức hệ ở đây. Tôi đã ở chức vụ này khi Đức Phanxicô được bầu chọn. Ngài mong muốn tôi ở lại vì kinh nghiệm của tôi nhiều hơn là vì tôi là linh mục Dòng Tên. Ông Greg Burke là ký giả ở Vatican trước khi làm việc ở phủ Quốc vụ khanh, ông thế tôi làm giám đốc Văn phòng báo chí. Là thành viên Opus Dei chỉ là một chi tiết so với tài năng của ông. Ai biết có ngày sẽ có một phụ nữ ở chức vụ này, tại sao không? Con đường bây giờ đã mở vì hiện nay nữ ký giả Paloma Garcia Ovejero là trợ tá của ông Greg Burke. 

Cha vừa bầu tân bề trên cả mà theo truyền thống người ta gọi là ‘giáo hoàng đen’. Với 17 750 tu sĩ, Dòng của cha là Dòng quan trọng và mạnh nhất thế giới.

Linh mục người Venezuela Arturo Sosa Abascal, 67 tuổi, ngài là chuyên gia về chính trị và khoa học xã hội, từ lâu ngài đã điều khiển một tạp chí uy tín của Dòng Tên và một trung tâm nghiên cứu xã hội cũng rất nổi tiếng ở Venezuela. Ngài cũng là giám tỉnh Dòng Venezuela, viện trường viện Đại học công giáo ở biên giới Colombia. Như thế ngài đã sống tinh thần Phúc Âm trong những trạng huống cực kỳ căng thẳng và nghèo khó. Người Châu Mỹ La Tinh đầu tiên làm bề trên cả Dòng Tên, ‘giáo hoàng đen’ như người ta gọi như thế là hợp với Đức Phanxicô. Tóm lại chúng ta có thể nói đùa, chúng ta có một giáo hoàng đen và một giáo hoàng trắng, cả hai đều Dòng Tên và đều là người Châu Mỹ La Tinh! Linh mục Sosa Abascal rất gần với linh mục Adolfo Nicolas, ngài về hưu ở tuổi 80. Ba vị tiền nhiệm của chúng tôi, các linh mục Pedro Arrupe, Peter-Hans Kolvenbach và Adolfo Nicolas đều sinh ở Âu châu, nhưng suốt đời họ lại đi truyền giáo ở Á châu. Bây giờ chúng tôi có một tân bề trên cả người Châu Mỹ La Tinh, như thế các tu sĩ Dòng Tên không còn ‘tập trung ở Âu châu’. Các khát nguyện của họ là khát nguyện của một sứ vụ tông đồ tận hiến cho tôn giáo, văn hóa và xã hội trên toàn thế giới. Trong hai năm gần đây, linh mục Sosa Abascal đã ở Rôma làm việc tại trụ sở chúng tôi và các công việc liên dòng, tại Giáo hoàng Học viện Gregoria, tại Viện nghiên cứu Thánh Kinh, Giáo hoàng học viện Đông phương… Như thế ngài đã quen với môi trường Vatican. Ngài biết được những gì Giáo hội mong chờ nơi các tu sĩ Dòng Tên, nhất là về mặt văn hóa. Tân bề trên cả của chúng tôi có đủ thì giờ trước mặt  để quản trị, với nghị lực và năng lực cần có cho trách nhiệm nặng nề này.

(Marta An Nguyễn chuyển dịch, phanxico.vn 03.11.2016/
parismatch.com, Caroline Pigozzi, 2016-10-31)