Kêu gọi Vatican công nhận hai chính phủ

Có quan ngại rằng Bắc Kinh có thể buộc Đức Giáo hoàng từ bỏ 300.000 người Công giáo ở đảo quốc này

 Taiwan-embassy-at-Rome.jpg
Đại sứ quán Cộng hòa Trung Hoa (Đài Loan) tại Tòa Thánh ở Rôma.
Ảnh: ucanews.com

Những người chủ trương độc lập cho Đài Loan vừa kêu gọi Đức Giáo hoàng Phanxicô vẫn giữ quan hệ ngoại giao với Đài Loan khi Vatican khảo sát khả năng thiết lập quan hệ với Trung Quốc đại lục.

Một bức thư mở của Hội Cộng sự Formosa (FATA), một nhóm vận động hành lang thúc đẩy độc lập cho Đài Loan, đã kêu gọi Đức Thánh cha “cân nhắc tới việc ‘công nhận kép’ cả hai chính phủ ở Bắc Kinh và Đài Bắc”.

Bức thư xuất hiện khi Trung Quốc và Vatican bước vào một vòng đàm phán nữa, hãng tin Reuters đưa tin rằng một thỏa thuận có thể được hình thành. Trong khi các cuộc đàm phán được nói là sẽ bàn việc bổ nhiệm giám mục ở Trung Quốc, thì ở Đài Loan có quan ngại rằng cuối cùng thì điều này có thể dẫn tới những thay đổi trong quan hệ ngoại giao giữa Đài Loan và Vatican.

Phát hành hôm 8-8 trên trang Facebook của FAPA, chủ tịch nhóm vận động này là Peter Chen nói với Đức Giáo hoàng, thông qua bức thư, rằng đảng Cộng sản Trung Quốc bắt buộc các quốc gia chọn giữa việc duy trì quan hệ ngoại giao với hoặc Đài Bắc hoặc Bắc Kinh.

“Thậm chí tôi hiểu đầy đủ tầm quan trọng của quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Bắc Kinh, nhưng tôi kính cẩn cầu xin Đức Thánh cha hứa, trong khi Đức Thánh cha cân nhắc thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, rằng sáng kiến của Đức Thánh cha sẽ được dựa trên nguyên tắc không làm tổn hại quan hệ ngoại giao với Đài Loan”, Chen viết.

“Việc công nhận ngoại giao kép sẽ dẫn tới việc không bỏ rơi 23 triệu dân Đài Loan và tín hữu Công giáo ở Đài Loan”.

“Nó cũng sẽ tạo ra một tiền lệ cho các quốc gia khác để cân nhắc. Tin Mừng Luca chương 15 câu 4 nói rằng ‘Mục tử tốt lành không bao giờ bỏ mất dù chỉ một con chiên’”, ông viết.

Hôm 5-8, Bộ Ngoại giao Đài Loan tuyên bố họ “đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến cho thấy Vatican có thể đang tiến gần hơn tới việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc”.

Michael Chen, chủ tịch Đại học Shih Chien, nghĩ rằng nếu Vatican không còn chọn lựa nào khác ngoài việc công nhận Trung Quốc đại lục, thì “việc công nhận cả hai chính phủ Bắc Kinh và Đài Bắc là một chọn lựa tốt”.

“Nhưng tôi sợ rằng việc Bắc Kinh theo đuổi ‘chính sách một Trung Quốc’ vốn coi Đài Loan là một phần của Trung Quốc, có thể ép buộc Đức Giáo hoàng từ bỏ 300.000 người Công giáo ở Đài Loan”, học giả Công giáo này nói.

“Cho dù kết quả như thế nào đi nữa, thì Giáo hội ở Đài Loan nên lên tiếng thật to với Đức Thánh cha, vị đại diện Chúa Kitô trên trần gian, rằng quyết định của ngài sẽ khác với những suy nghĩ của các chính khách hay lãnh đạo nhà nước”, Chen nói với ucanews.com.

Liu Ching-shu, một giáo dân ở Đài Bắc, đồng ý với đề nghị công nhận kép có điều kiện, “nó tốt cho việc cứu rỗi người dân đại lục”.

“Nhưng cùng lúc, tôi hy vọng chính quyền đảo quốc này hiểu và tin tưởng Giáo hội Công giáo. Họ không nên can thiệp vào chuyện của Giáo hội”, ông nói.

(UCAN 12.08.2016)