Hành hương đến với Lòng Thương Xót

Rất ý nghĩa với tôi khi đang đào sâu Tông huấn Lòng Thương Xót Chúa của thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II lại có dịp đi tĩnh tâm và hành hương tại dòng chị em Đức Mẹ Lòng Thương Xót ở Cracovie và thăm quan một vài địa danh nổi tiếng tại Ba Lan từ ngày 27 đến 30 tháng Tư 2015 vừa qua.
 
Chuyến bay 3815 của hãng hàng không Easyjet đưa chúng tôi đến Cracovie sau hai giờ bay. Riêng tôi có một kỷ niệm đáng nhớ, đó là quên mang theo thẻ cư trú, giấy tờ không thể thiếu để làm thủ tục trước chuyến bay. Rất may, chuyến taxi khứ hồi đã kịp cho phép tôi về nhà lấy giấy tờ và ra trở lại sân bay vừa lúc mọi người bắt đầu xếp hàng lên máy bay.
 
Đến sân bay của thành phố Cracovie, một linh mục Ba Lan và cha Thêm, dòng Ngôi Lời đã đón chúng tôi. Trên xe buýt về chỗ cư trú, cha Thêm đã giới thiệu nhiều về thành phố này, vốn là thủ đô của Ba Lan trước đây. Vì vị trí địa lý và một vài lý do khác mà thủ đô ngày nay đã đặt tại Varsovie cách Cracovie 295 km. Trong suốt hành trình 4 ngày, cha Thêm còn kể nhiều về đời sống chính trị, văn hóa, tôn giáo tại quốc gia này.
 
Sau khi đã nhận phòng tại nhà khách của hội dòng chị em Đức Mẹ Lòng Thương Xót, chúng tôi đã được một nữ tu dẫn đi thăm nhà dòng. Hiện nhà dòng có 90 nữ tu, trong đó có cả người châu Á. Cứ vào 15h00, các chị cử hành giờ cầu nguyện lòng thương xót. Nhà nguyện hầu như chật kín người và cũng có cha giải tội ban bí tích hòa giải cho những ai muốn. Buổi cầu nguyện kéo dài khoảng 20 phút. Dọc theo bức tường vào nhà nguyện, có quốc kỳ của mọi quốc gia và có dòng chữ của mọi ngôn ngữ: Lạy Chúa Giê-su, con tín thác vào Ngài. Chúng tôi vào nhà nguyện, nơi Chúa Giê-su đã hiện ra mạc khải lòng thương xót của Ngài với chị thánh Faustina Kowalska để cầu nguyện và hôn xương thánh nữ. Khi ra cuối nhà nguyện, chúng tôi được giới thiệu bức hình treo dưới cửa sổ của dãy nhà nằm ngay sát nhà nguyện. Sơ đã giới thiệu đây là căn phòng của thánh nữ ở 6 năm cuối đời. Ngày nay là nhà nguyện riêng của chị em. Dưới cửa sổ và trên bức hình nhà nguyện riêng này, luôn luôn có dàn hoa tươi. Sau đó chúng tôi vào căn phòng mà ngày xưa thánh Faustina được trao nhiệm vụ đón tiếp những người đến nhà dòng khi có công việc nào đó. Căn phòng trưng bày những kỷ vật của thánh nữ; cũng có một bức điêu khắc mà chị đưa bát cháo cho kẻ hành khất nhưng chân dung người hành khất là chính Chúa Giê-su; đồng thời có một cái chuông hiệu mà xưa kia thánh nữ vẫn dùng.
 

 
Đến phòng hội nằm ở phía trước nhà dòng, chúng tôi thấy trưng bày tòa giải tội mà thánh nữ thường xuyên lãnh nhận bí tích hòa giải. Có bức ảnh Lòng thương xót ở chính giữa phòng hội, chúng tôi ngồi nghe về cuộc đời thánh nữ và lịch sử bức ảnh này. Tiểu sử thánh nữ rất dài, tôi chỉ nói một câu, đó là phát xuất từ gia đình đạo đức và trải nghiệm công việc vất vả ở ngoài xã hội mà thánh nữ đã quyết định chọn đời tu trì. Bức ảnh lòng thương xót được các họa sĩ vẽ ra chỉ nói lên được phần nào chân dung của Chúa mà thánh nữ thấy được. Nếu có sách, chúng ta sẽ biết nhiều hơn về thánh nữ và bức ảnh lòng thương xót này.
 
Sau bữa cơm tối theo kiểu Ba Lan, chúng tôi nghe giảng tĩnh tâm. Tiếp đến là chầu Thánh Thể và kinh tối tại một nhà nguyện dưới hầm Đền thánh Lòng Thương Xót Chúa. Dưới tầng hầm có tới 5 nhà nguyện và một hội trường cho các nhóm hành hương. Cạnh đó có một tháp cao 76m. Mọi người có thể lên thang máy để quan sát cả thành phố Cracovie. Cũng có nhà nguyện chầu Thánh Thể suốt ngày đêm. Tôi thấy có đủ mọi lứa tuổi đến chầu Thánh Thể. Gần khu hành hương này, lại có một khu hành hương khác, đó là trung tâm hành hương thánh giáo hoàng Gio-an Phao-lô II. Khoảng cách đi bộ giữa hai nơi này khoảng 30 phút. Dịp đại hội giới trẻ thế giới vào năm 2016 tới đây sẽ dùng những nơi này để tiếp đón giới trẻ khắp thế giới. Hiện nay hai nơi này đang tiếp tục được mở rộng và xây thêm nhiều tòa nhà để đón khách hành hương.
 
 
Vì nơi đây là ngoại ô của thành phố, cho nên, sau những ngày tĩnh tâm, chúng tôi vào trung tâm thành phố Cracovie để thăm quan. Đầu tiên, chúng tôi vào cung điện nhà vua của Ba Lan. Vì đây là thủ đô một thời nên có nhiều mộ của các vua. Mộ của họ nằm bên trong nhà thờ chính tòa. Nhà thờ xây theo kiến trúc Ba-rốc, được trang trí huy hoàng lộng lẫy, có thêm các đôm nhỏ xung quanh do các vua cho xây như đánh dấu triều đại của mình. Bên trong không được phép chụp ảnh, lúc nào cũng đông nghẹt người. Chỉ được phép tham quan ngày thường vì ngày cuối tuần dành cho việc cử hành thánh lễ. Các học sinh của Ba Lan đều đến đây để tìm hiểu về lịch sử quốc gia và vẻ đẹp của nhà thờ chính tòa. Sau đó chúng tôi đi bộ thăm chủng viện mà Đức Gio-an Phao-lô II đã từng là chủng sinh và là giáo sư, thăm Tòa Giám Mục nơi ngài là Giám Mục Phụ tá, Tổng Giám Mục và Hồng Y, thăm đại học đầu tiên của thành phố nơi ngài đã học triết học, thăm quảng trường lớn và vương cung thánh đường Đức Bà. Nhà thờ nào cũng thấy trang trí bằng vàng, bạc, hoa văn đủ màu sắc; có những bức phù điêu trạm trổ công phu. Từ trên tháp cao vương cung thánh đường này, cứ vào 12h trưa có một bài kèn được thổi, khách du lịch đều ra sân phía ngang nhà thờ để nghe tiếng kèn buổi trưa này.
 

 
Buổi chiều, chúng tôi đi hơn một giờ xe buýt để đến thăm trại tập trung Đức Quốc Xã Auschwitz và Berrinau. Hai trại tập chung rộng mênh mông, ai cũng mỏi chân khi đi thăm hai nơi này. Hitler đã cho xây nhiều dãy nhà mộc mạc bằng gạch hoặc bằng gỗ để đưa những người Do thái và các tội phạm khác từ khắp châu Âu đến đây bằng tàu hỏa hay bằng các phương tiện khác để giết họ bằng hơi ngạt. Tại đây còn trưng bày hình ảnh, tóc, giày, vali, lược v.v. của các nạn nhân trong đó có cha Maximilian Kolbe. Sau khi bị chết vì hơi ngạt họ bị hủy xác trong lò hỏa thiêu. Những người có sức khỏe thì chúng giữ lại để làm việc, những người già, trẻ em, yếu sức bị giết ngay tức thì. Họ bị lột hết y phục và cắt tóc trước khi chết. Từ một người 75 kg họ bị bỏ đói chỉ còn 25 kg. Nói chung, đến trại tập chung lạnh lẽo này chỉ là đến chỗ chết. Đến đây chúng ta mới hiểu được tội ác diệt chủng của những kẻ độc tài, những kẻ phân biệt chủng tộc. Chỉ trong vòng 5 năm, hai trại tập trung lớn nhất châu Âu này đã giết đi bao nhiêu triệu người vô tội. Rất khó biết con số người chết cách chính xác vì những kẻ bạo tàn chỉ biết giết người chứ không cần tính toán và chúng muốn che giấu tội ác với thế hệ tương lai. Chúng coi thường mạng sống và giết người không một chút tình thương.
 
 
Ngày cuối cùng của chuyến đi Ba Lan, chúng tôi đến trung tâm hành hương nổi tiếng Kalwaria Zebrzydowska, kính Đức Mẹ các thiên thần. Nơi đây có 45 nhà nguyện nhỏ nằm rải rác trên một khu đồi rộng. Người công giáo Ba Lan đến đây rất nhiều, nhất là vào dịp tuần thánh để đi đàng thánh giá mà mỗi chặng là một nhà nguyện nhỏ. Trung tâm này do các cha dòng Phan-xi-cô quản nhiệm, được UNESCO xếp vào danh sách di sản thế giới năm 1999.
 
Sau đó chúng tôi đến giáo xứ quê hương của thánh giáo hoàng tại Wadowice để dâng thánh lễ kính ngài. Nhà của ngài ngay sát nhà thờ. Nhà thờ có kiến trúc cổ và đẹp lộng lẫy. Nhà của cha mẹ ngài nhỏ, nhưng nay đã được mở rộng cả một dãy phố để làm bảo tàng Gio-an Phao-lô II. Tại đây trưng bày tất cả những kỷ vật của ngài từ khi chào đời cho đến khi qua đời. Có rất nhiều kỷ lục được nhắc đến trong cuộc đời giáo hoàng của ngài.
 
Chuyến đi này làm tôi nghĩ rằng nước Ba Lan có được như ngày nay là nhờ Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II. Vì vậy, ngày nay, không một giáo xứ, một trung tâm hành hương của Ba Lan mà không có tượng, hình ảnh và huy hiệu thánh giáo hoàng Gio-an Phao-lô II. Rất nhiều thay đổi từ chính trị, đến kinh tế và tôn giáo nhờ tiếng nói của ngài. Ngài đã nhiều lần trở về quê hương để kêu gọi người dân Ba Lan tìm sự bình an, tự do và niềm tin. Đất nước 95 % công giáo này đã được biết đến nhờ ngài. Đúng là Lòng Thương Xót Chúa mà chính Đức Gio-an Phao-lô II muốn truyền bá đã đến với dân Ba Lan. Họ vẫn giữ được tinh thần đạo đức sốt sắng vào bậc nhất châu Âu. Dân Ba Lan luôn tự hào về Đức Giáo hoàng đầu tiên sau 455 năm mà giáo hoàng toàn là người Italia. Lòng Thương Xót mà Chúa Giê-su mạc khải cho thánh Faustina được thổi bùng lên nhờ thánh giáo hoàng Gio-an Phao-lô II khi mà ngài thiết lập lễ kính lòng thương xót vào chúa nhật II phục sinh và phong thánh cho chị Faustina. Năm 2016 tới đây, Ba Lan sẽ lại được biết đến hơn khi mà giới trẻ công giáo thế giới sẽ quây quần quanh Đức thánh cha Phan-xi-cô tại Cracovie. Người công giáo nói chung và giới trẻ nói riêng lại được biết thêm về thánh giáo hoàng Gio-an Phao-lô II, vị thánh mà ngay khi ngài qua đời, người ta đã giơ cao khẩu hiệu: sancto subito (phong thánh ngay cho ngài) và về đất nước Ba Lan khoảng 40 triệu dân này.
 
Giáo Hội tại Việt Nam cũng rất biết ơn ngài. Ngài cũng rất hiểu hoàn cảnh của Giáo Hội tại Việt Nam vì có những cái giống quê hương của ngài. Ngài đã phong thánh cho 117 anh hùng tử đạo, phong chân phước cho thầy An-rê Phú Yên, đặt Đức Hồng Y Phan-xi-cô Nguyễn Văn Thuận làm chủ tịch ủy ban công lý và hòa bình. Còn rất nhiều ưu đãi khác mà ngài đã dành cho Giáo Hội tại Việt Nam. Vậy, đi hành hương Ba Lan là dịp để biết thánh giáo hoàng Gio-an Phao-lô II, biết quê hương của ngài và tạ ơn ngài; nhất là tăng thêm lòng sùng kính Lòng Thương Xót của Chúa, cũng như tận mắt thấy những chứng tích về thánh Gioa-an Phao-lô II, thánh Faustina, những tông đồ của Lòng Thương Xót và thánh Maximilien Kolbe, ofm.
 
Lm. Vinhsơn Đinh Minh Thỏa