Gia phả Chúa Giêsu

Gia phả Đức Giêsu được liệt kê từ thuỷ tổ cho tới thánh Giuse, nhưng thánh nhân không liên hệ gì tới sự thụ thai Đức Giêsu cả. Giải thích sau đây sẽ dọi sáng vào một vấn đề tưởng chừng thật dễ gây nhầm lẫn. Chúng ta có hai bản gia phả Đức Giêsu liệt kê trong hai Tin Mừng:

JesseTree.jpg– Mathêu 1:1-17 và Luca 3:23-38

Vì có quá nhiều khác biệt chính yếu trong hai bản (chẳng hạn như nhiều tên tổ tiên liệt kê không phù hợp nhau) nên trải qua bao thời đại hai bản phổ hệ này đã làm nhức đầu nhiều học giả. Một thí dụ: ai là thân phụ của thánh Giuse? Là Jacob (theo Matthêu) hay Êli (theo Luca)?

Có thể đưa ra một câu trả lời là: cả hai bản gia phả đều chỉ là sổ gia đình, nhưng Mathêu cho ta sổ gia đình của thánh Giuse trong khi Luca cho ta sổ gia đình của Đức Maria. Nhưng câu trả lời đó lại đi trật với nguyên tác vì Luca tỏ rõ rằng ông liệt kê tổ tiên Đức Giêsu từ đầu cho đến thánh Giuse. Với những hiểu biết của chúng ta về các dân tộc ở Trung Đông thời cổ xưa thì ta cũng thấy có điều không ổn. Một phổ hệ theo dòng họ người mẹ là điều không bình thường vào thời điểm đó và nơi chỗ đó trong lịch sử.

Chúng ta phải nhớ rằng khởi thuỷ của dân tộc Israel là bộ lạc. Người đứng đầu bộ tộc, điều cần yếu, là một nam nhân vượt trội hơn hết. Muốn sống còn, cá nhân phải gia nhập vào bộ lạc. Trong cuộc sống thực tại nhiều sự việc có thể xảy đến cho dòng máu, vì thế một số luật lệ và phong tục phụ có thể phát triển thêm. Một cá nhân có thể trở thành một phần tử của một bộ tộc mà không nhất thiết phải là người sinh ra trong bộ tộc đó. Một cách là trở thành con nuôi. Một cách khác là sinh ra do một bà mẹ kết hôn với người trong bộ tộc. Cho dầu người chồng của bà đó không phải là cha ruột của đứa bé, ông ta vẫn chính thức là cha hợp pháp của đứa bé, chỉ đơn thuần vì ông ta là chồng của mẹ đứa nhỏ.

Trong Kinh Thánh, các bản gia phả còn có những mục đích khác nữa. Ngoài việc liệt kê lý lịch, các bản này còn có thể được dùng để sắp đặt lịch sử thành những thời đại và xác định dòng họ các người cầm quyền. Đó là lý do tại sao một cá nhân có thể phù hợp ở hai hoặc nhiều bản gia phả tuỳ theo mục đích mà các bản gia phả này được lập ra. Rất ít khi các bản gia phả cổ xưa trong Kinh thánh cho ta một danh sách các bậc tổ tiên chỉ đơn thuần theo huyết tộc. Vậy thì đâu là mục đích của Matthêu và Luca khi liệt kê gia phả của Đức Giêsu? Cả hai liệt kê các tổ tiên khác nhau nhưng đều đồng ý một sự kiện quan trọng nhất: Giuse không phải là cha ruột của Đức Giêsu.

Muốn coi Matthêu đã nhấn mạnh đến điểm này ra sao hãy đọc chậm rãi Tin Mừng Matthêu chương 1 từ câu 1 đến 17. Những câu lặp đi lặp lại “A sinh ra B, B sinh ra C… vân vân, theo nhịp điệu trầm trầm đến buồn ngủ. Điều gì xảy ra khi ta đọc tới câu 16? Mô thức đều đặn, cố định bỗng nhiên đổi khác: “Jacob sinh ông Giuse, chồng của Maria. Và bởi nàng mà Giêsu được gọi là đấng Cứu thế sinh ra.” Với lối liệt kê phổ hệ như vậy Matthêu có thể tuyên bố hai điều: Đức Giêsu được thụ thai trinh nguyên và Ngài hợp pháp là “con của Đavit, con của Abraham (1:1). Đối với tín hữu Do thái của Matthêu thì cách tuyên xưng như thế cũng không khác gì cách nói Đức Giêsu là đấng Messia.

Luca tuyên xưng sự thụ thai trinh khiết của Đức Giêsu khi ông nói rằng Giêsu – thiên hạ vẫn coi Người là – con của Giuse trong câu 3:23. Rồi ông liệt kê gia phả ngược lại cho tới Ađam và đến cả Chúa Cha nữa. Làm thế ông chỉ muốn nói rằng Đức Giêsu là con Thượng đế không hơn không kém.

Vì cả hai nhà chép Tin mừng đều không quan tâm đến tổ tiên huyết tộc của Đức Giêsu, nên danh sách liệt kê trong gia phả có khác nhau và mỗi người có thể trình bày một truyền thống phổ thông khác nhau sao cho phù hợp với mục đích riêng biệt của mỗi vị. Như vậy ta thấy Giuse không phải là cha ruột của Đức Giêsu, nhưng là cha theo pháp luật. Cả hai bản gia phả đều nhấn mạnh điều đó. Và vì vậy chúng ta có thể tuyên xưng theo với Thánh Kinh rằng quả thật Đức Giêsu là con của Đavit, con của Abraham và con của Chúa Cha.

Trần Thị Liên Minh

(dịch theo báo Linguori, Dòng Chúa Cứu Thế)