Bạn thân mến!
Mùa Noel lại sắp về trên quê hương yêu dấu, bước vào Mùa Vọng cũng là lúc người người nô nức, nhà nhà hân hoan với cờ đèn nến hoa muôn màu muôn sắc… Niềm vui chào đón Noel rạng ngời trên từng nét mặt các em thiếu nhi và giới trẻ khi tham gia hoạt cảnh và vũ điệu Giáng sinh, ban ca đoàn rộn lên khúc nhạc Đêm nay Noel về để Vinh Danh Thiên Chúa… Tất cả làm nên chủ đề xuyên suốt Mầu Nhiệm Tình Thương và Sự Sống: Em-ma-nu-el,“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14).
Chúng ta tự hỏi: Noel năm nay có gì vui không? Với bạn, vui Noel phải chăng là tổ chức thánh ca, văn nghệ hoành tráng, là sao đèn rực rỡ, là yến tiệc linh đình?
Noel đến Noel lại đi, những vũ điệu Noel sẽ được tiếp nối bằng những vũ điệu của nhịp sống hằng ngày với buồn vui kiếp người, những lắng lo bôn ba một đời. Quả thật, cuộc đời nhiều ngần ngại lắm: Nó là hoang mang của một chọn lựa, là yếu lòng của một tiếng gọi, là mệt mỏi của một chiến đấu, và có khi là buồn bã cho một bỏ cuộc, là yên lặng cho một rút lui…
Biết bao nhiêu trăn trở khắc khoải (tại sao?) không một lối đi về? Chúa đã đến mà sao không ấm áp, Ngài ở cùng mà vẫn thấy tim đơn?
Vậy hỡi bạn: tôi và bạn có những tâm tình nào khi đón chờ Chúa đến? Tôi đang đón Chúa nào? Có phải tôi đang mong đợi một Thiên-Chúa-ở-cùng, Người đã sinh trong hang, sống trên đường và chết trên đồi, hay một vị Thiên Chúa ngự đến với vẻ uy nghi cao cả trên chín phẩm thiên thần, Ngài ngồi trên ngai tòa mà phán, ngồi mát ăn bát vàng?
Đã bao lần tôi đi tìm Chúa, muốn Chúa ngự đến như một vị vua chúa trần gian với hy vọng tôi được làm hoàng tử, làm công chúa mà ngồi mát ăn bát vàng, ăn trên ngồi chốc, kẻ hầu người hạ…
Tôi đâu có ngờ một Thiên Chúa đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế (Pl 2, 6-7), sinh vô gia cư, chết vô địa táng như vậy. Ngờ đâu, một Thiên Chúa hiện diện giữa những sao động của đời nhân thế, giữa những nổi trôi bon chen của kiếp người. Có khi Chúa đang ở trong tôi và bạn mà ta đâu có hay, bởi cái tôi ấy chứa đầy tham-sân-si, bởi cái tôi ghen ghét giận hờn, cái tôi ích kỷ tiền tài đê mê…Đó cũng chính là kinh nghiệm khắc khoải tìm Chúa của thánh Augustino: “Lạy Chúa, Chúa ở trong con mà con cứ đi tìm Chúa ở bên ngoài”, hay tôi đã vô tâm khi sứ điệp bài hát: “Ngài có đó” vang lên: Ngài có đó khi con tưởng mình đang cô đơn, Ngài yêu con khi đời con lỗi tội…”
Thưa các bạn! Cùng với những trang hoàng cho đêm ân tình, đêm của mầu nhiệm tình thương 2015, tôi và bạn cùng suy tư đôi điều về Em-ma-nu-el:Thiên Chúa ở cùng…qua cuộc đối thoại của nhà đạo sĩ và người học trò:
– Con yêu quý! Ngày con đau, mẹ con không là thầy thuốc. Bà không có quyền lực cứu con khỏi bệnh, sao bà cứ đứng bên giường nhìn con, ngay cả khi con ngủ?
– Bạch thầy, vì thương con.
– Bà có chữa con hết bệnh được không?
– Bạch thầy, không.
– Không chữa được vậy đứng đó làm gì?
– Người học trò có vẻ ngập ngừng rồi đáp: Vì thương con.
– Thương nhưng không làm sao chữa bệnh cho con được.
– Vậy thương là gì?
Người học trò bắt đầu nhận ra rằng: tình yêu không cứ là doing (làm gì), nhưng là being (ở cùng, ở với), một sự hiện diện tròn đầy.
Từ đây, kinh nghiệm về Tình Yêu cứ lan tỏa sâu thẳm nơi người học trò, và anh ta nhận ra rằng: Có nhiều khi, nỗi đau là không có ai đau cùng, chứ chưa hẳn là không có ai cất cho mình nỗi đau; hạnh phúc và đau khổ không phải chỉ là cứu, là cho, mà là ở-cùng. Ở cùng để chung chia thân phận kiếp người và nếm trải vị ngọt của tình yêu: yêu nhau không chỉ có nghĩa là làm cho nhau hết khổ, nhưng có khi là đau với nỗi đau của nhau.
Trong cuộc sống, tôi cần có một người nhìn tôi, nói với tôi là cuộc sống có họ ở cùng với tôi, thế là đủ, vì hạnh phúc chỉ đơn giản là ở cùng. Nhưng có người lại lý luận rằng: chỉ ở cùng- chỉ đau với nhau thôi thì nào có ích gì, nếu người ấy không cứu tôi khỏi đau, khỏi chết, nếu không ban tặng tôi món quà mà tôi xin, những điều tôi nguyện ước…
Bạn mến! Miên man với những suy tư trên là chúng ta đang tiến gần đến Mầu Nhiệm Tình Thương, Mầu nhiệm Nhập Thể: Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.
Thiên Chúa không yêu thương con người bằng cách từ trên cao nhìn xuống, không cứu chuộc con người bằng cách từ trên cao vớt con người lên, thay vì cứu con người khỏi đau thì lại đau với con người… Còn thánh Âu-tinh đã một đời khắc khoải về chữ yêu thì tâm sự: Khi yêu, người ta không còn biết đến đau khổ, mà nếu có đau khổ ập đến thì họ dễ dàng đón nhận, giải hóa và thăng hoa nó. Trong đời sống hôn nhân gia đình: Nếu vợ chồng biết đón nhận nhau, biết trao ban và đón nhận Tình Yêu thì cái ách của mỗi người sẽ trở nên êm ái, cái gánh cuộc đời sẽ trở nên nhẹ nhàng…
Có lẽ cũng vì thế mà nhiều người đã thích lắng nghe nhạc chờ điện thoại với lời mời gọi tha thiết: Nếu một ngày nào đó, bạn cảm thấy thật buồn và muốn khóc. Hãy gọi cho tôi! Tôi không hứa sẽ làm cho bạn cười, nhưng biết đâu tôi sẽ khóc cùng bạn. Nếu một ngày nào đó, bạn cảm thấy vô cùng đơn độc. Hãy gọi cho tôi! Tôi sẽ đến bên bạn, chỉ để im lặng không nói một lời, nhưng tôi muốn bạn biết rằng luôn có tôi bên cạnh. Và trên hết, nếu bạn muốn bình an đích thực, bạn hãy nối mạng với Chúa-Hài-Đồng, Ngài luôn lắng nghe và thấu hiểu cung lòng thâm sâu nơi bạn, và cùng bạn vững bước tin yêu…
Chớ gì khi đón chờ Chúa đến, chúng ta hãy san cho bằng những hố sâu của những ngăn cách hận thù, và hãy gạt đi những đồi cao của sự kiêu căng tự mãn để Mầu Nhiệm Tình Thương được lớn mãi trong hang đá nhỏ của tôi và bạn. Một hang đá đơn sơ chân thành, nơi đó có những cọng rơm của sự hy sinh, quảng đại, những ngôi sao của niềm hy vọng, niềm hạnh phúc vô biên vì được Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.