Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Xin cha cho biết liệu các thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ có thể lưu giữ Thánh Thể tại nhà qua đêm, để trao Thánh Thể cho người khác vào ngày hôm sau chăng. Điều này sẽ là bất tiện nhưng chắc chắn không phải là rất khó khăn cho họ, để trở lại nhà thờ lấy hộp đựng Mình Thánh của họ vào ngày hôm sau. – P. H., St. John’s, Antigua và Barbuda.
Đáp: Câu trả lời ngắn gọn là không. Bộ Giáo luật nói khá rõ ràng về vấn đề này. Xin mời đọc:
“Ðiều 934: §1. Thánh Thể:
“1 / phải được lưu trữ trong nhà thờ chính tòa hoặc nhà thờ tương tự, trong nhà thờ giáo xứ, trong nhà thờ hay nhà nguyện của một tu viện hoặc của tu đoàn tông đồ;
“2 / có thể được lưu trữ trong phòng nguyện của Giám Mục, và nếu có phép của Bản Quyền sở tại, trong các nhà thờ, nhà nguyện và phòng nguyện khác.
“§2. Tại những nơi lưu trữ Thánh Thể, luôn luôn phải có người chăm nom và, trong mức độ có thể, một tư tế phải cử hành Thánh Lễ ít nhất mỗi tháng hai lần.
“Ðiều 935: Không ai được phép giữ Thánh Thể trong mình, hoặc đem đi đường với mình; trừ khi nhu cầu mục vụ khẩn trương đòi hỏi, và phải giữ các chỉ thị của Giám Mục giáo phận”.
Đối với nhà tạm, Bộ giáo luật quy định:
“Ðiều 938: §1. Thánh Thể thường chỉ được lưu trữ trong một nhà tạm của nhà thờ hay nhà nguyện.
“§2. Nhà tạm lưu trữ Thánh Thể được đặt vào một vị trí cao trọng và dễ nhìn thấy trong nhà thờ hay nhà nguyện; lại phải được trang hoàng đẹp đẽ và thuận tiện cho việc cầu nguyện.
“§3. Nhà tạm lưu trữ Thánh Thể thường xuyên phải bất di dịch, làm bằng chất liệu vững chắc, không nhìn qua được, và phải khóa cẩn thận để tránh tối đa nguy cơ xúc phạm.
“§4. Vì lý do quan trọng, được phép lưu trữ Thánh Thể, nhất là ban đêm, trong một nơi khác xứng đáng và an toàn hơn.
“§5. Người coi sóc nhà thờ hay nhà nguyện phải liệu giữ chìa khóa nhà tạm lưu trữ Thánh Thể thật chu đáo” (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục: Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh).
Đối với nhà tạm, Bộ giáo luật quy định:
“Ðiều 938: §1. Thánh Thể thường chỉ được lưu trữ trong một nhà tạm của nhà thờ hay nhà nguyện.
“§2. Nhà tạm lưu trữ Thánh Thể được đặt vào một vị trí cao trọng và dễ nhìn thấy trong nhà thờ hay nhà nguyện; lại phải được trang hoàng đẹp đẽ và thuận tiện cho việc cầu nguyện.
“§3. Nhà tạm lưu trữ Thánh Thể thường xuyên phải bất di dịch, làm bằng chất liệu vững chắc, không nhìn qua được, và phải khóa cẩn thận để tránh tối đa nguy cơ xúc phạm.
“§4. Vì lý do quan trọng, được phép lưu trữ Thánh Thể, nhất là ban đêm, trong một nơi khác xứng đáng và an toàn hơn.
“§5. Người coi sóc nhà thờ hay nhà nguyện phải liệu giữ chìa khóa nhà tạm lưu trữ Thánh Thể thật chu đáo” (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục: Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh).
Điều này được làm rõ hơn trong huấn thị Redemptionis Sacramentum (Bí Tích Cứu Độ) năm 2004:
“[131.] Ngoài các quy định của điều 934 §1 của Bộ Giáo Luật, cấm không được lưu giữ Mình Thánh Chúa ở một nơi không thuộc quyền thực sự của Giám Mục giáo phận, hay trong một nơi có nguy cơ bị xúc phạm. Nếu có trường hợp như vậy, Giám Mục giáo phận phải hủy bỏ ngay quyền cho lưu giữ Thánh Thể, đã được ban trước.
“[132.] Không ai được đem Mình Thánh Chúa về nhà mình hay đến một nơi khác, việc này là nghịch với quy tắc của giáo luật. Vả lại, phải nhớ rằng việc đem hay lưu giữ Mình Thánh Chúa với mục đích phạm sự thánh, cũng như ném Mình Thánh Chúa xuống đất là những hành vi thuộc loại những tội phạm nặng hơn (graviora delicta), mà việc xá giải được dành cho Bộ Giáo Lý Đức Tin.
“[133.] Linh mục hay phó tế, hoặc, vì thừa tác viên thông thường vắng mặt hay bị ngăn trở, thừa tác viên ngoại thường đem Mình Thánh cho một bệnh nhân rước lễ, nếu có thể được, từ nơi Mình Thánh Chúa được lưu giữ, phải đi ngay đến nơi bệnh nhân ở, không chia trí ở dọc đường, như vậy để tránh xa mọi nguy cơ xúc phạm và minh chứng một lòng hết sức tôn kính Mình Thánh Chúa Kitô. Luôn luôn phải tuân giữ nghi lễ cho bệnh nhân Rước Lễ, như đã ấn định trong sách Nghi Thức Rôma” (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).
Trước tiên, chúng ta thấy từ Ðiều 934.2 rằng Thánh Thể có thể được lưu trữ trong phòng nguyện của Giám mục. Do đó, ngay cả một linh mục cũng không thể lưu trữ Thánh Thể trong nhà mình mà không có phép của Giám mục.
Mặc dù một số Giám mục ban phép này cho các linh mục, thường là nếu nhà xứ có một phòng dành riêng cho nhà nguyện, vốn đáp ứng các điều kiện được đề cập trong Điều 938.
Tuy nhiên, Điều 935, trong khi nêu rõ điều cấm chung, cho phép Giám mục đưa ra một số ngoại lệ, thậm chí là ổn định nữa, bằng cách ban hành các quy định và tiêu chuẩn cụ thể.
Có thể có một số tình huống, mà trong đó một thừa tác viên thông thường hoặc thừa tác viên ngoại thưởng có thể cần lưu giữ Thánh Thể tại nhà mình hoặc nơi khác bên ngoài nhà thờ – thí dụ như, nếu thừa tác viên sống cách xa nhà thờ và cần trao Thánh Thể cho người bệnh và người hấp hối. Trong các trường hợp như thế, Giám mục có thể cho phép ngoại lệ. Tuy nhiên, phải tuân thủ khuyến nghị của điều 133 trong Huấn thị Redemptionis Sacramentum để tránh các nguy cơ xúc phạm trong khi mang Thánh Thể theo.
Nói tóm lại, trong khi cho phép các trường hợp đặc biệt, các ngoại lệ này cần phải được tránh.
Có vẻ như không có bất kỳ lý do đặc biệt nào cho trường hợp ngoại lệ trong trường hợp do bạn đọc của chúng ta đưa ra, và do đó phải tuân theo sự thực hành thông thường.
Thật vậy, theo quan điểm thiêng liêng, sẽ tốt hơn cho các thừa tác viên ngoại thường cho Rước Lễ là hãy nhận lấy Thánh Thể được truyền phép trong Thánh lễ mà họ tham dự. Bằng cách này, mặc dù đó không phải là một yêu cầu, nó có thể giúp cho các người bệnh hoặc người phải ở nhà trải nghiệm một cảm thức hiệp thông rộng lớn hơn với cộng đoàn thờ phượng.
(Nguyễn Trọng Đa, Zenit.org 7-11-2017)