Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến

tin-cay-menKhi tin, tôi sẽ dám gởi trao

Khi tôi trông cậy, tuyệt vọng sẽ dừng bước

Và khi yêu mến, tôi sẽ dám cho đi chính bản thân

Người xưa có câu: “Vững như kiềng ba chân.” Hay “Dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”. Và có người đã thắc mắc, sao không vững như kiềng bốn chân?

Thật là thú vị, không biết cha ông xưa có học vật lý hay do kinh nghiệm sống, nhưng đã biết áp dụng một cách tài tình nguyên tắc vật lý trong việc sáng tạo ra chiếc bếp kiềng. Nói một cách đơn giản nguyên tắc ấy là: ba điểm luôn luôn tạo thành một mặt phẳng. Do vậy, dù cho mặt đất có bằng phẳng hay không thì bếp kiềng luôn đứng vững với ba chân. Và tất nhiên, việc này sẽ không xảy ra nếu có nhiều hơn ba chân (hoặc với điều kiện là nền tiếp xúc phải thật bằng phẳng). Nhưng khổ nỗi, ở nơi miền quê nghèo, nhà nền đất, nấu nướng trên nương rẫy thì lấy đâu ra nền bằng phẳng. Chính vì thế, bếp kiềng ba chân như một chọn lựa tối ưu và tiện lợi.

Ngày nay, hầu như ở các thành thị và những nơi phát triển, bếp kiềng dần vắng bóng đi, và thay vào đó là bếp gas, bếp điện hay bếp từ. Tuy vậy, nếu đi về các làng quê nghèo, ta vẫn sẽ dễ dàng bắt gặp được hình ảnh chiếc bếp kiềng. Có lẽ, không ai biết rõ bếp kiềng đã có từ bao giờ, nhưng nó đã gắn bó rất thân thuộc với những người con dân Việt, đặc biệt nơi những làng quê.

Từ chuyện chiếc bếp kiềng, tôi lại liên tưởng đến ba nhân đức Tin, Cậy và Mến, cũng như sự tác động của ba nhân đức này trong đời sống của tôi.

Có thể nói, đối với niềm tin Ki-tô giáo thì đức Tin, Cậy và Mến là ba nhân đức trụ, được xem là nền tảng cho mọi nhân đức khác. Và cách nào đó, ba nhân đức này được ví như ba chân của chiếc bếp kiềng giúp ta luôn đứng vững trong cuộc đời lắm bấp bênh và gập ghềnh.

Đôi khi một hành động nhỏ, một lời nói thoảng qua cũng khiến lòng ta dậy sóng và ngổn ngang, ta dừng lại tự hỏi chuyện gì đang “dâng trào” trong lòng ta? Và thật khó để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi này. Hay lắm khi những biến cố lớn ập đến bất chợt trong đời ta, và dù là tin vui hay buồn, chúng cũng dễ làm ta xốn xang. Phận người thật mỏng manh và con người thật yếu đuối nếu chỉ dựa vào riêng khả năng của mình. Do vậy, đức Tin – Cậy – Mến sẽ là “bộ chìa khóa”, tựa như bộ ba chân của chiếc bếp kiềng, để giúp ta đứng vững trước sóng gió của cuộc đời.

Thật lòng, biết là nói thì đơn giản, nhưng để sống được tinh thần của ba nhân đức này trong đời sống không phải là điều giản đơn. Bởi cuộc sống thì muôn hình vạn trạng và chuyển vần liên tục, trong khi sức chịu đựng và khả năng của con người thì có giới hạn. Chính vì thế, ta sẽ phải cố gắng thật nhiều và kiên nhẫn với chính bản thân mình, và cần lắm sự trợ giúp của ơn trên.

Xin Chúa giúp con luôn nỗ lực để sống và làm triển nở đức tin – cậy – mến trong cuộc sống của con, xin làm cho chúng trở nên như ba chân của chiếc kiềng, giúp con vững vàng hơn trong cuộc sống.

Tôi và bạn, dù là ai, nhưng khi sống hết mình, thì luôn có những điều tốt đẹp đang chờ ta ở phía trước.

Paul Khuê, S.J.