“Để họ nên một như chúng ta” (24.11.2014 – Lễ trọng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Bổn mạng Hội Thánh Việt Nam)

 

“Để họ nên một như chúng ta”
(Ga 17, 11b-19)

Cùng với toàn thể Giáo Hội, trong Thánh Lễ này, chúng ta mừng kính trọng thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, bổn mạng Hội Thánh Việt Nam. Cụ thể, có tất cả 96 vị thánh tử đạo: 37 thánh tử đạo linh mục và 59 thánh tử đạo giáo dân, nam và nữ. Các vị đã được Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô phong thánh vào ngày 19 tháng 6 năm 1988.

Như thế, đa số các thánh tử đạo là giáo dân nam và nữ. Vậy chúng ta hãy cầu xin cho Giáo Hội và nhất là cho tất cả các Ki-tô hữu, là chính chúng ta, có được niềm xác tín tuyệt đối nơi tình yêu muôn ngàn đời bền vững của Thiên Chúa dành cho chúng ta, bất chấp mọi sự, theo gương của các thánh tử đạo. Như lời thánh Phao-lô nói:

Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.

(Rm 8, 38-39)

 

  1. Ơn gọi trở nên một, như Thiên Cha Ba Ngôi là một

Trong lời nguyện của Người, được kể lại trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay, Đức Giê-su cầu nguyện cho các môn đệ của Ngài được nên một, nghĩa là được hiệp nhất; và khuôn mẫu của sự hiệp nhất, chính là sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thật vậy, Đức Giê-su thưa cùng Chúa Cha:

Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữa các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta.

(c. 11b)

Và trong phần tiếp theo của lời nguyện ngỏ với Chúa Cha (c. 20-26), Đức Giê-su không chỉ ước ao cho các môn đệ được trở nên một, nhưng còn mong muốn sự hiệp nhất này được lan rộng: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta”; “phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một”; và “Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ đượchoàn toàn nên một.”

 

  1. Loài người được Thiên Chúa dựng nên là một

Tuy nhiên ơn gọi trở nên một không phải ở bên ngoài, ở xa xôi hay ở trên cao đối với con người, bởi vì loài người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, nghĩa là được dựng nên là một như Thiên Chúa là một. Thực vậy:

Thiên Chúa sáng tạo các thủy quái khổng lồ, cùng mọi sinh vật vẫy vùng lúc nhúc dưới nước tuỳ theo loại, và mọi giống chim bay tuỳ theo loại” (St 1, 21); Thiên Chúa phán: “Đất phải sinh ra các sinh vật tuỳ theo loại: gia súc, loài bò sát và dã thú tuỳ theo loại”(c. 24); và Thiên Chúa làm ra dã thú tuỳ theo loại, gia súc tuỳ theo loại và loài bò sát dưới đất tuỳ theo loại. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp (c. 25).

Qua những câu chúng ta vừa trích dẫn, toàn thể loài vật, trên trời, dưới đất và trong biển cả đều được tạo dựng theo những “loại” khác nhau. Lời Chúa lập đi lập lại sự đa phức về loài của thế giới loài vật (chúng ta có thể đếm được tới bảy lần!), chính là để làm cho chúng ta nhận ra sự ưu việt của con người, và sự ưu việt của con người chính là ơn huệ hiệp nhất: con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, nghĩa là con người được dựng nên không giống như thế giới loài vật, gồm vô số các loài khác nhau, nhưng được Thiên Chúa dựng nên là một, là hiệp nhất, giống như Thiên Chúa Ba Ngôi là một, là hiệp nhất. Như thế, con người có một tương quan duy nhất với Thiên Chúa mà các loài khác không có; và ở một mức độ nào đó, đó là tương quan cha-con: “Adam con Thiên Chúa” (Lc 3, 38). Thiên Chúa là một; loài người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, cũng là một; thay vì là “đa” như loài vật.

Nhưng “là một” cũng là ơn gọi của con người. Một ơn gọi khó thực hiện biết bao, bởi vì chúng ta đã để cho Ác Thần, cho Thú Tính chi phối và thống trị; như chính Đức Giê-su nói tới trong lời nguyện: “đứa con hư hỏng”, sự ghen ghét, “ác thần” (c. 12-15). Và cuộc “thương khó” của Các Thánh Tử Đạo làm bật lên điều nay, tương tự như cuộc Thương Khó của chính Đức Ki-tô. Và hậu quả tất yếu sẽ là phân tán, chia rẽ và loại trừ lẫn nhau. Chính vì thế Đức Giêsu đã cầu nguyện: “Xin cho chúng nên một, như chúng ta là một”. Chúng ta có một khuôn mẫu hoàn hảo, để sống căn tính của mình, đó là Ðức Giêsu-Kitô, Vị Vua vũ trụ và Vị Vua của chúng ta.

 

  1. “Chính nhờ Người, với Người và trong Người”

Nghe lời nguyện của Đức Giê-su ngỏ với Thiên Chúa Cha, chúng ta nhận ra rằng, Đức Giê-su làm tất cả mọi sự, trao ban tất cả mọi sự, tất cả những gì Ngài có, tất cả những gì Ngài là, tất cả những gì Ngài nhận được từ Thiên Chúa Cha, chính là để cho các môn đệ trở nên một. Điều này làm cho chúng ta nhận ra rằng, chúng ta không thể tự mình trở nên một được, nhưng chỉ có thể để cho Chúa làm cho chúng ta nên một mà thôi. Nghĩa là:

  • Để cho Đức Giê-su giữ gìn chúng ta trong Danh của Chúa Cha.
  • Để cho Ngài canh giữ chúng ta khỏi Ác thần.
  • Để cho Ngài truyền đạt cho chúng ta Lời Thiên Chúa; và Lời Thiên Chúa là Sự Thật có sức mạnh thánh hiến chúng ta.

Và Đức Giê-su còn làm hơn thế nữa: “Con xin thánh hiến chính mình con”. Trong bầu khí của bữa tiệc ly, Ngài thánh hiến chính mình, có nghĩa là Ngài yêu mến những người thuộc về Ngài đến cùng: “Anh em hãy rửa chân cho nhau như thầy rửa chân cho anh em”; “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em”; và “không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (x Ga 13-15)

* * *

Nhờ lời các thánh Tử Đạo Việt Nam cầu bầu, chúng ta xin Thánh Thần ngự đến trong lòng chúng ta, làm bùng cháy lửa yêu mến Chúa đến độ sẵn sáng hiến dâng cuộc đời và sự sống của chúng ta, để làm cho thành sự ước ao của Thiên Chúa, và cũng là ước ao cháy bỏng của Đức Ki-tô, đó là :

Chúng ta được trở nên một, như Thiên Chúa là một.

Như thế, chính trong mức độ chúng ta trở nên một, chúng ta trở nên giống Thiên Chúa Ba Ngôi.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc