“Đấng Bảo Trợ sẽ đến”

Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống

Hôm nay Giáo hội long trọng mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống. Có thể nói, lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là kết quả của lễ Chúa Giê-su lên trời. Lý do: vì, trước khi Chúa Giê-su về trời cùng Thiên Chúa Cha, Ngài đã nói với các Tông đồ: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” (Ga 16, 7). Đấng Bảo Trợ mà Chúa Giê-su xin cùng Chúa Cha ban xuống trên Giáo hội chính là Chúa Thánh Thần mà Giáo hội long trọng mững lễ hôm nay.

Trong Kinh Chúa Thánh Thần (mà) chúng ta vẫn đọc mỗi ngày nhắc lại một biến cố quan trọng trong lịch sử cứu độ, đó là: vào ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã đến để canh tân và đổi mới Giáo hội.

Sở dĩ người tín hữu chúng ta trước khi làm bất cứ công việc gì, chúng ta đều đọc kinh Chúa Thánh Thần để xin Ngài thánh hóa mọi công việc, từ khởi sự cho đến hoàn thành, đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen. Cầu xin ơn Chúa Thánh Thần như vậy, vì chúng ta xác tín rằng, mọi hoạt động, nếu muốn thành công, cần phải có sự trợ giúp của ơn Chúa Thánh Thần, vì Ngài chính là Đấng Bảo trợ đến từ Chúa Cha.

Xưa kia, Chúa Thánh Thần đã đến để quy tụ các môn đệ đang tản mát khắp nơi vì hoang mang, sợ hãi. Ngài đến để biến đổi lòng các ông và làm cho các ông trở thành những nhân chứng trung kiên của Đấng Phục Sinh. Lịch sử Giáo hội Công giáo nói chung, nhất là Giáo hội Công giáo tại miền Bắc Việt Nam nói riêng, đã cho thấy sức mạnh kỳ diệu của ơn Chúa Thánh Thần.

Mỗi khi có dịp đọc lại lịch sử Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, con thường lưu tâm tìm hiểu về lịch sử đạo thánh Chúa tại Giáo phận Bùi Chu. Con thấy rằng, trong những năm tháng khó khăn trước đây, đạo thánh Chúa bị o ép, cấm cách tư bề, các linh mục thiếu vắng, việc học giáo lý của các em thiếu nhi gặp nhiều trở ngại, những hoạt động tông đồ giáo dân bị cấm cách, nhưng Chúa Thánh Thần vẫn âm thầm hoạt động. Bằng chứng là: có những ông trùm, bà quản, văn hóa rất khiêm tốn, nhưng nơi họ lại có một tinh thần tông đồ mạnh mẽ đến lạ thường. Dẫu cho có bị cán bộ theo dõi, nhưng họ vẫn âm thầm dạy giáo lý cho các em, thăm hỏi những người ốm đau, bệnh tật… Lý luận của họ rất đơn giản nhưng lại thuyết phục được rất nhiều người tin vào Chúa. Có những cụ ông, cụ bà đạo đức, thánh thiện truyền lại đức tin cho con cháu chỉ bằng những lời kinh Kính Mừng, Sáng Danh rất đơn sơ mỗi ngày, nhưng lại có sức hâm nóng và lan tỏa rất lớn đến đời sống của những người xung quanh.

Nhờ có những chứng nhân đức tin nhiệt tình, chân thành và chất phác ấy mà biết bao ngôi thánh đường được gìn giữ; biết bao cộng đoàn đức tin được duy trì, sinh hoa kết trái như ngày hôm nay. Đó lại chẳng phải là ơn của Chúa Thánh Thần hay sao? Vì thế, Là Đấng Bảo trợ của Hội Thánh, Chúa Thánh Thần hằng gìn giữ, hướng dẫn, canh tân và làm cho Giáo hội không ngừng được phát triển.

Và hôm nay, hơn hai mươi thế kỷ, sau biến cố Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần vẫn đang từng giờ, từng phút gìn giữ, bảo vệ và chở che Giáo Hội, giúp cho Giáo Hội không ngừng được lớn mạnh, mang lại những hoa thơm, trái ngọt, đó là những tín hữu có đời sống đạo đức, thánh thiện, nhiệt thành trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho muôn dân theo lệnh truyền của Chúa Giê-su trước khi Ngài về trời: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15) .

Có thể nói, Chúa Thánh Thần chính là linh hồn của Giáo hội. Ngài làm cho Giáo hội của Chúa Kitô mỗi ngày một trở nên hoàn thiện và lan tỏa vẻ đẹp thánh thiện tới hết mọi người. Vẻ đẹp ấy thể hiện qua tình hiệp nhất giữa các tín hữu; qua sức mạnh của đức tin; qua tính linh thiêng của những nghi thức phụng vụ mà Giáo hội cử hành mỗi ngày.

Chúa Thánh Thần còn làm cho vẻ đẹp của Giáo hội rạng ngời nơi khuôn mặt và cuộc đời của các tín hữu, giúp họ can đảm dấn thân một cách kiên vững để trung thành sống đời chứng tá cho Chúa ngay giữa cuộc đời trần thế hôm nay, nhất là trong năm Phúc Âm hóa đời sống giáo xứ và các Cộng đoàn Thánh hiến.

Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo đã liệt kê những biểu tượng chỉ về Chúa Thánh Thần như: Nước, Lửa, Áng Mây, Ánh Sáng, Chim Bồ Câu… Tất cả những biểu tượng ấy diễn tả những nhu cầu cần thiết để con người có thể sống và đạt được hạnh phúc trên đường lữ hành tiến về quê trời.

Tuy nhiên, để có được hạnh phúc đích thực trong ân sủng của Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần còn ban cho chúng ta bảy ơn thánh của Ngài (chúng ta quen gọi là bảy ơn Chúa Thánh Thần) khi chúng ta lãnh nhận bí tích Thêm Sức: ơn Khôn Ngoan, ơn Hiểu Biết, ơn Lo Liệu, ơn Sức Mạnh, ơn Thông Minh, ơn Đạo Đức, và ơn Biết Kính Sợ Thiên Chúa.

Ca Tiếp liên của phụng vụ ngày lễ hôm nay cũng diễn tả những hoạt động đa dạng của Chúa Thánh Thần. Ngài luôn thực thi sứ mạng “Bảo Trợ” trong suốt đời sống đức tin của mỗi người tín hữu chúng ta. Nhờ sự bảo trợ của Chúa Thánh Thần cùng với những ơn thánh mà Ngài đã ban khi chúng ta lãnh nhận bí tích Thêm Sức, giúp mỗi người tín hữu được liên kết với nhau bằng tình hiệp thông sâu sắc, làm cho thân thể mầu nhiệm của Đức Ki-tô được không ngừng phát triển.

Với lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống hôm nay, Mùa Phục Sinh được khép lại, nhưng Đức Ki-tô Phục Sinh vẫn tiếp tục hiện diện giữa lòng Giáo hội như lời Ngài đã phán: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28, 20). Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện ấy của Đức Ki-tô, đồng thời thêm sức cho chúng ta có đủ can đảm để loan báo Tin Mừng của Đấng Phục Sinh cho mọi người, nhất là những ai chưa nhận biết Chúa để họ được hưởng ơn cứu độ của Ngài. Amen.

Lm. Đaminh Trần Văn Tường