Chân Phước Anrê Phú Yên

Chân Phước Anrê Phú Yên BM các Giáo lý viên

Anre-PhuYen.jpgSơ Lược Tiểu Sử Chân Phước Anrê Phú Yên, Thầy Giảng

Vị Tử Ðạo Tiên Khởi của Giáo Hội Việt Nam

VĂN PHÒNG PHỐI KẾT

TÔNG ÐỒ MỤC VỤ VIỆT NAM HẢI NGOẠI

c/o C.I.A.M.

Via Urbano VIII, 16 – 00165 ROMA

vppk, n. 03/2000

Ngày 5 tháng 3 năm thánh 2000, Ðức Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc chân phước một thanh niên Việt Nam, tử đạo ngày 26 tháng 7 năm 1644, và được biết dưới tên thánh Anrê, và đồng thời cũng là thầy giảng.

Ba thế kỷ rưỡi đã trôi qua kể từ ngày Thầy anh dũng dâng hiến mạng sống vì trung thành với đức tin Kitô và những lời Thầy cam kết với Chúa Kitô trong tư cách là người truyền bá Tin Mừng và giáo lý Kitô, nhưng ký ức về Thầy vẫn không suy giảm; trái lại, tấm gương của Thầy Anrê vẫn là một nguồn mạch nâng đỡ và khích lệ đích thực cho các tín hữu Công Giáo tại Việt Nam, giúp đỡ họ sống phù hợp và trung thành với đức tin, mặc dù đất nước phải trải qua nhiều thăng trầm phức tạp và khó khăn.

Thầy Giảng Anrê, gốc tỉnh Phú Yên (giáo xứ Mằng lăng, Giáo phận Quy Nhơn), là con út của một phụ nữ tên thánh là Gioanna. Tuy góa bụa nhưng bà đã giáo dục con cái với tất cả lòng tận tụy và khôn ngoan. Anrê là một cậu bé mảnh khảnh, nhưng tư chất rất thông minh, có óc phán đoán tốt và tâm hồn hướng chiều về sự thiện. Do lời năn nỉ của bà mẹ, cha Ðắc Lộ, vị Linh Mục thừa sai dòng Tên nổi tiếng, đã nhận cậu Anrê vào số các môn sinh của ngài. Anrê chăm chỉ học chữ Nho và chẳng bao lâu trổi vượt các bạn đồng môn.

Anrê được lãnh nhận bí tích Rửa Tội cùng với mẹ ba năm trước khi bà qua đời, tức là năm 1641, khi Anrê được 15 tuổi. Anrê sinh năm 1625 hay 1626, không rõ ngày tháng, và lúc chịu chết năm 1644, Thày trạc độ 19 hay 20 tuổi.

Một năm sau khi chịu phép Rửa Tội, tức là năm 1642, Anrê được cha Ðắc Lộ nhận vào nhóm cộng sự viên thân tín của ngài, và sau một năm huấn luyện thêm về tôn giáo và văn hóa, Anrê được gia nhập Hội Thầy Giảng gọi là “Nhà Ðức Chúa Trời” mà cha Ðắc Lộ đã khôn ngoan thành lập: các thành viên Nhà Ðức Chúa Trời cam kết, bằng lời hứa chính thức và công khai, suốt đời phụng sự Giáo Hội trong việc giúp các linh mục và truyền bá Tin Mừng.

Lòng hăng say của Thầy Anrê sống trọn điều quyết tâm khi chịu phép Rửa đã chuẩn bị cho Thầy can đảm đương đầu với cuộc tử đạo và ngoan ngoãn đón nhận ơn tử đạo Thiên Chúa rộng ban cho Thầy.

Trước cuối tháng 7 năm 1644, quan Nghè Bộ trở lại tỉnh nơi Thầy Giảng Anrê sinh sống. Quan mang theo sắc lệnh của chúa Nguyễn cấm truyền bá đạo Kitô trong nước: vì thế quan quyết định hành động trước tiên chống lại các thầy giảng.

Cha Ðắc Lộ không hề hay biết ý định này của quan, nên tới thăm quan vì xã giao, nhưng ngay sau đó cha được biết chúa Nguyễn rất giận dữ khi thấy vì cha mà có đông người dân bản xứ theo đạo Kitô. Vì thế cha phải bỏ xứ Ðàng Trong để trở về Macao và không được phép dậy giáo lý cho dân nữa. Còn các tín hữu theo đạo thì bị trừng phạt rất nặng nề.

Rời dinh quan Nghè Bộ, cha Ðắc Lộ đi thẳng xuống nhà tù nơi giam giữ một thầy giảng già 63 tuổi tên là Anrê, mới bị bắt hai ngày trước đó. Trong khi ấy, quan ra lệnh cho lính tới nhà cha lùng bắt một thầy giảng khác tên là Ignatio. Nhưng thầy Ignatio đã đi làm việc tông đồ. Lính chỉ tìm thấy Thày Anrê trẻ: để khỏi trở về dinh quan Bộ tay không, lính đánh đập Thầy Anrê, trói Thầy lại, rồi giải xuống thuyền đem về dinh quan trấn thủ. Chiều ngày 25 tháng 7 năm 1644, Thày đựơc dẫn tới trước mặt quan. Lính thưa với quan rằng họ không tìm thấy thầy Ignatio, nhưng đã bắt được một “thầy giảng khác giống như vậy, vì suốt cuộc hành trình, anh ta luôn nói về đạo Kitô và khuyến khích họ theo đạo”.

Nghe vậy quan tìm mọi cách làm cho Thầy Anrê “từ bỏ cái đạo điên rồ đó và bỏ lòng tin”.

“Nhưng thanh niên can trường ấy trả lời quan rằng mình là Kitô hữu, và rất sẵn sàng chịu mọi khổ hình chứ không từ bỏ đạo mình tuyên xưng: nên xin quan cứ tùy ý chuẩn bị các hình cụ, chàng vui lòng đón nhận, với xác tín rằng, vì đức tin, càng chịu khổ đau chừng nào thì càng chết vinh quang chừng ấy”.

Tức giận vì sự bất khuất của Thầy Anrê không hề sợ hãi trước những lời đe dọa, quan truyền đóng gông và giải Thầy vào ngục, cùng nơi giam giữ thầy Anrê già.

Cha Ðắc Lộ và một vài thương gia Bồ Ðào Nha tới thăm hai thầy: Thầy Anrê trẻ thanh thản và vui mừng vì được chịu khổ đau vì Chúa Kitô đến độ những người đến thăm Thầy bịn rịn không rời Thầy được, và nước mắt tràn bờ mi, họ xin Thầy nhớ đến họ trong lời cầu nguyện. Thấy vậy, Thầy tự nhạo cười mình và xin họ cầu nguyện cho Thầy, để Chúa ban cho Thầy ơn trung thành với Chúa cho đến chết, “dâng hiến mạng sống trong tình yêu trọn vẹn, hầu đáp trả tình yêu thương vô biên của Chúa, Ðấng đã hiến mạng sống vì loài người… những lời Thày luôn lập lại cho đến khi trút hơi thở cuối cùng là: Chúng ta hãy lấy tình yêu để đáp trả tình yêu của Chúa chúng ta, hãy lấy mạng sống đáp trả mạng sống”.

Sáng hôm sau, 26 tháng 7 năm 1644, hai tín hữu Kitô cùng tên Anrê, Anrê già 63 tuổi và Anrê trẻ, cổ mang gông, bị dẫn qua các đường phố đông người qua lại nhất trong thành, băng qua chợ Kẻ Chàm, đến dinh quan trấn thủ để bị tra hỏi công khai. Quan trấn triệu tập một vài quan khác, lôi kéo họ về phía mình và tuyên án tử cho Thầy Giảng Anrê trẻ, rồi ra lệnh dẫn Thầy trở về ngục thất.

Còn thầy Anrê già thì được tha vì lý do tuổi tác nhờ lời xin của cha Ðắc Lộ và các thương gia Bồ Ðào Nha.

Vào khoảng 5 giờ chiều, một viên chỉ huy cùng với 30 người lính vào nhà tù, nơi vị Tôi Tớ Chúa bị giam giữ, và ra lệnh cho Thầy phải đi theo tới nơi hành quyết. Thầy Anrê cảm tạ Chúa vì giờ hiến tế đã tới, và sau khi chào mọi người hiện diện trong tù, Thầy nhanh nhẹn bước đi. Quân lính vây chặt chung quanh và dẫn Thầy Anrê đi qua các đường phố ở Kẻ Chàm, tới một cánh đồng ngoài thành. Cha Ðắc Lộ, nhiều Kitô hữu Bồ Ðào Nha và Việt Nam cũng như nhiều người lương đã đi theo và chứng kiến cuộc xử tử vị Tôi Tớ Chúa.

Theo thói quen tại đây, cha Ðắc Lộ xin và được phép trải một tấm chiếu dưới người Thầy Anrê để hứng lấy máu Thầy, nhưng Thầy Anrê không muốn nhận điều ấy, Thầy muốn máu mình thấm xuống đất, để được giống như máu cực trọng Chúa Kitô đã đổ ra. Trong khi đó, Thầy Anrê nhắn nhủ các Kitô hữu hiện diện hãy luôn kiên vững trong đức tin, đừng buồn phiền vì cái chết của Thầy, và hãy giúp lời cầu cho Thày được trung thành tới cùng.

Cuộc hành quyết Thầy Anrê được thi hành bằng mấy nhát lao đâm thấu cạnh sườn bên trái, và sau cùng khi một người lính sắp dùng đao chém đầu, Thày lớn tiếng kêu lên “Giêsu”.

Cho tới hơi thở cuối cùng, Thầy Anrê đã chứng tỏ lòng kiên trung trong việc chấp nhận dâng hiến tế cuộc sống vì lòng tin yêu Chúa Kitô.

Lạy Chúa, xin cho các giáo lý viên và các bạn trẻ, ở bất cứ hoàn cảnh nào, dù nơi bị cấm cách, hay trong xã hội tân tiến với nhiều quyến dũ, biết noi gương Chân Phước Thầy Giảng Anrê Phú Yên, hăng say loan truyền Tin Mừng Tình Yêu và Hòa Giải và trung kiên theo Chúa Giêsu, hiến mạng sống đáp trả lại tình yêu của Ngài.

(Lời Nguyện Giáo Dân Thánh Lễ Tôn Phong Chân Phước Anrê Phú Yên tại Công Trường Thánh Phêrô, Vatican 5.3.2000)

“Gió chiều phơn phớt lạnh

Lặng cả tiếng thì thầm

Rừng người đứng trầm ngâm

Nghe lý hình than thở:

“Lạy Trời, xin tha thứ

Tôi là kẻ thừa hành

Có đổ máu người lành

Xin Trời Xanh tha tội”.

Than rồi, ông bước tới

Cố nén tiếng thương đau

Lấy ngọn giáo đâm thâu

Xuyên từ sau ra trước.

Thầy An-rê vẫn ngước

Nhìn trời mắt đăm đăm

Rồi quay lại chăm chăm

Thầy chào cha Ðắc Lộ.

Lòng cha bao đau khổ

Vẫn gắng ngỏ một lời:

“Con ơi hãy nhìn trời

Giê-su Ngài đang đợi!”

Thầy nghe lời cha nói

Vội nhìn trời bao la

“Giê-su ! Ma-ri-a!”

Lời thốt ra luôn miệng.

Người lý hình tê điếng

Rút lại ngọn giáo dài

Ðâm một nhát thứ hai

Rồi đâm thêm nhát nữa.

Thầy vẫn chưa gục ngã

Kiên vững cả xác hồn

Trên đôi môi như son

Vẫn kêu giòn danh Chúa.

Thấy cực hình lâu quá

Một người lính đứng gần

Tuốt ra lưỡi gươm trần

Nhắm chém ngay vào cổ.

Nhưng thầy vẫn quỳ đó

Danh Chúa thầy vẫn kêu.

Ngày 26 tháng 7

CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN

Thày Giảng – (1625-1644)

Vinh dự cho người thanh niên đất Việt

Trong lá thư gửi đại hội giới trẻ thế giới lần thứ 17 tại Canada, một thanh niên Việt Nam được Đức Gioan Phaolô II nêu danh ở vị trí thứ hai trong số 10 vị thánh trẻ gương mẫu [1]. Nhân vật có vinh dự lớn lao ấy chính là chân phước Anrê Phú Yên, một thanh niên trẻ trung đất Việt đã làm chứng cho Chúa vào tuổi 19, cũng là vị tử đạo tiên khởi trong số 118 chứng nhân đức tin tại Việt Nam được suy tôn trên bàn thờ.

Anrê Phú Yên sinh khoảng năm 1625, là con út trong một gia đình nghèo tại thôn xóm nhỏ ven biển, thuộc tỉnh “Ranran” tức tỉnh Phú Yên. Sinh quán của anh hiện nay thuộc về giáo xứ Mằng Lăng, tỉnh Phú Yên, giáo phận Quy Nhơn.

Năm 15 tuổi, cùng với thân mẫu, anh đón nhận đức tin với tên thánh là Anrê. Không có tài liệu nào về tên thật của anh, nên mọi người gọi anh bằng tên thánh : Anrê Phú Yên.

 

Thày giảng trẻ tuổi

Tuy góa bụa nhưng bà Gioanna đã giáo dục con với tất cả lòng tận tụy và khôn ngoan. Hai năm sau, bà nài xin và được chính cha Đắc Lộ, vị thừa sai dòng Tên nổi tiếng tại Việt Nam, nhận lời cho con của bà là Anrê khi đó mới 17 tuổi, được gia nhập vào tổ chức thày giảng. Sau một thời gian được huấn luyện thêm về tôn giáo và văn hóa, Anrê đã tuyên khấn tại Hội An năm 1643, và bắt đầu thi hành công tác thầy giảng, theo chân cha Đắc Lộ trên bước đường truyền giáo từ Phú Yên lên Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Quảng Bình.

Dựa theo tài liệu do chính cha Đắc Lộ viết về công cuộc truyền giáo ở Đàng Trong, bên cạnh hai kitô hữu trưởng thành, còn có một nhóm những người trẻ hơn, cũng tuyên thệ công khai tại nhà thờ, hứa cộng tác vào việc cứu vớt các linh hồn, dưới sự hướng dẫn của các thừa sai hoặc bề trên do các ngài chỉ định. Trong số những người trẻ tuổi ấy có thầy Anrê, đã tận hiến đời mình bước theo dấu chân Thày Chí Thánh.

Một số nhân chứng đã gặp thầy tại nhà của cha Đắc Lộ, hoặc chứng kiến cách thức thầy phục vụ cộng đoàn ở Hội An; đều ca ngợi thày là người nhiệt thành và hăng say, khi giảng dạy về đức tin cũng như khi chủ sự các giờ kinh cộng đoàn. Nhiều người xác định thày siêng năng lãnh nhận bí tích Hòa giải và Thánh Thể.

 

Đón nhận những khó khăn cách tự nguyện

Tháng 7 năm 1644, Quan nghè Bộ đang trấn nhiệm tỉnh Phú Yên nhận được sắc chỉ từ phủ chúa Nguyễn ra lệnh cấm truyền bá đạo. Ông tỏ ra hăng say tuân theo mệnh lệnh này. Ông cho lệnh bắt giam một thày giảng lớn tuổi cũng có tên là Anrê và bao vây nhà cha Đắc Lộ để lùng bắt một thầy giảng khác có tên là Ignatio.

Cha Đắc Lộ nghe biết chuyện đã đến gặp viên quan này để tìm cách thương thảo, nhưng quan trấn khẳng định quyết tâm thi hành lệnh nhà chúa. Ông yêu cầu cha trở về Macao và báo trước sẽ trừng phạt nặng nề các tín hữu dám theo đạo mới. Thế nên cha Đắc Lộ chỉ còn cách đi vào nhà giam để thăm thầy già Anrê. Cha xin ở lại một đêm với thày nhưng không được phép.

Khi quân lính tới nhà cha Đắc Lộ để lùng bắt thầy giảng Ignatio thì cả nhà đều đi vắng. Thầy Anrê trẻ là người duy nhất có mặt. Thày đứng ra nhận hết trách nhiệm, nên quân lính bắt trói thày sau khi đã lục lọi các ảnh thánh và đồ thờ đem về trình cho quan trấn. Anrê vui vẻ đi theo họ, và trên suốt quãng đường “không ngừng giảng cho những kẻ dẫn mình vào ngục biết đường tránh hỏa ngục và được lên trời” [2]

Sau khi bị điệu đến quan, bị tố cáo là giáo dân và là thày giảng, thày Anrê bị nhốt chung với thày già Anrê. Cả hai thức suốt đêm mà họ coi như đêm cuối cùng của cuộc đời, cả hai yên ủi nhau với niềm tin tường ngày mai cả hai sẽ về thiên quốc[3]. Theo cha Đắc Lộ : “Thật không thể giải thích được niềm vui của hai tù nhân này lớn lao dường nào khi thấy mình được liên kết với nhau, được vinh dự mang gánh nặng của Thập Giá vì niềm tin nơi Chúa Kitô : những lời chúc tụng của họ liên tục dâng lên Thiên Chúa vì ân huệ ấy, trong cuộc nói chuyện đầy thương mến, họ khích lệ và nhắn nhủ nhau sẵn sàng cho trận chiến tương lai”

Sáng hôm sau, quan truyền đưa hai thày giảng Anrê ra tòa để kết án. Hai vị bị áp tải qua các đường phố, cổ mang gông, băng qua chợ Kẻ Chàm, đến dinh quan trấn. Cha Đắc Lộ và một vài thương gia Bồ Đào Nha tới gặp quan để tìm cách can thiệp. Nhưng quan chỉ chấp nhận tha cho thày già Anrê và kết án chàng thanh niên 19 tuổi cố chấp, dám dõng dạc thưa với quan : “Ước chi tôi có được ngàn mạng sống để hiến dâng tất cả cho Thiên Chúa hầu đền đáp ơn Người”.

Khi nghe bản án tử hình, thầy Anrê tỏ ra thanh thản và vui mừng vì được chịu khổ đau vì Chúa Kitô. Thày khích lệ những người đến thăm. Thày xin họ cầu nguyện cho mình được ơn trung thành với Chúa, và nói lên ước nguyện được dâng hiến mạng sống trong tình yêu trọn vẹn, hầu đáp trả tình yêu thương vô biên của Chúa, Đấng đã hiến mạng sống vì loài người… Lời thầy lập lại nhiều lần nhất là: “Chúng ta hãy lấy tình yêu để đáp lại tình yêu của Chúa chúng ta, hãy lấy mạng sống đáp lại mạng sống”.

Lấy tình yêu để đáp lại tình yêu

Vào khoảng 5 giờ chiều, một toán lính khoảng 30 người vào tù áp tải thầy Anrê đi tới nơi hành quyết. Thầy Anrê cảm tạ Chúa vì giờ hiến tế đã tới, và sau khi chào mọi người bạn tù, thầy nhanh nhẹn bước đi. Quân lính bao vây chung quanh và dẫn thầy đi qua các đường phố ở Kẻ Chàm, tới một cánh đồng ngoài thành, [4]. Cha Đắc Lộ, nhiều tín hữu Việt Nam và Bồ Đào Nha cùng một số dân trong vùng đã đi theo chứng kiến cuộc xử tử vị Tôi Tớ Chúa.

Đến nơi hành hình, quân lính đẩy thầy Anrê quì xuống, rồi đứng vây chung quanh, sau đó họ tháo gông và trói hai tay thầy lại. Cha Đắc Lộ xin và được phép trải một tấm chiếu dưới chân thầy Anrê để hứng máu, nhưng thầy Anrê từ chối, thầy muốn máu mình rơi xuống đất như máu cực trọng Chúa Kitô thuở xưa. Cha Đắc Lộ tôn trọng quyết định của thầy và đứng bên cạnh. Trong khi đó, thầy Anrê nhắn nhủ các tín hữu đang hiện diện, hãy luôn kiên vững trong đức tin, đừng buồn phiền vì cái chết của thầy, và hiệp lời cầu cho thầy được trung thành tới cùng.

Cuộc hành quyết thầy Anrê được thi hành bằng mấy nhát giáo đâm thấu cạnh sườn bên trái. Thày Anrê vẫn nhìn về phía cha Đắc Lộ như âu yếm nói lời vĩnh biệt, nhưng cha nhắc thày ngước nhìn lên trời nơi thày sắp tới và có Chúa Giêsu đón thày. Thày ngước mắt lên cao và không nhìn xuống nữa. Cuối cùng, khi một người lính dùng đao chém đầu, thầy vẫn lớn tiếng kêu lên danh thánh “Giêsu”. Hôm ấy là ngày 26 tháng 7 năm 1644.

Cho tới hơi thở cuối cùng, Thầy Anrê đã chứng tỏ lòng kiên trung chấp nhận dâng hiến tế cuộc sống vì lòng tin yêu Chúa Kitô. Cha Đắc Lộ, sau khi chứng kiến tất cả diễn tiến cuộc hành quyết, đã xin được lãnh thi hài của Thầy Anrê. Ít ngày sau ngài đưa thi thể thày đưa xuống tàu mang sang Macao ngày 15 tháng 8 năm 1644. Các tu sĩ dòng Tên tại đây đã đón rước linh cữu thày và an táng tại đây. Riêng thủ cấp của vị chứng nhân đức tin được cha Đắc Lộ đưa về tận Rôma. Dựa vào các tài liệu của cha viết về cái chết của Thày Anrê, ngay cuối năm 1644, tòa thánh đã bắt đầu khởi sự án phong chân phước cho thày.

Với các tín hữu Việt Nam, Thầy Giảng Anrê Phú Yên chính là vị tử đạo đầu tiên của Đàng Trong, là mẫu gương ngời sáng của một người con Chúa trung thành sống đời kitô hữu. Họ tin tưởng xin Thầy chuyển cầu cho họ nơi tòa Chúa để được sức mạnh can đảm sống phù hợp với đức tin và trung thành với ơn gọi Kitô. Các giám mục Việt Nam khi đi dự Công Đồng Vatican II, đã xin Đức Phaolô VI mở lại án phong chân phước cho Thầy Giảng Anrê. Các vị nhấn mạnh tấm gương của thầy Anrê, qua thái độ bình thản và cương quyết chấp nhận tử đạo, là một trợ lực mạnh mẽ cho những ai giống như thầy, đang chịu đau khổ để bảo vệ đức tin và trung thành với Chúa Kitô và với Giáo hội.

Giữa năm đại thánh 2000, vào ngày 5 tháng 3, Đức Gioan Phaolô II đã suy tôn Thày Anrê Phú Yên lên bậc chân phước.

Lạy Chúa,

xin cho các giáo lý viên và các bạn trẻ,

ở bất cứ hoàn cảnh nào,

dù nơi bị cấm cách hay trong xã hội tân tiến với nhiều quyến rũ,

Biết noi gương Chân Phước Thầy Giảng Anrê Phú Yên,

hăng say loan truyền Tin Mừng Tình Yêu và Hòa Giải

cùng trung kiên theo Chúa Giêsu,

sẵn sàng hiến mạng sống đáp trả lại tình yêu của Ngài. Amen.

[1] Mười vị thánh trẻ được Đức Gioan Phaolô II nêu gương trong sứ điệp gửi nhân ngày Quốc tế giới trẻ lần thứ 17 là : Agnes thành Rôma, Anrê Phú Yên, Pedro Calungsod, Josephine Bakhita, Têrêsa thành Lisieux, Pier Giorgio Frassati, Marcel Callo, Francisco Castellô Aleu, Kateri Tekakwitha, và Iroquois còn được gọi là “Hoa huệ của người Mohawks”.

[2] Alexandre De Rhodes, Hành Trình Truyền Giáo, Bản dịch Hồng Nhuệ, UBĐKCG TpHCM 1994, tr 146

[3] Như trên, trang 147

[4]Hiện nay thuộc giáo họ Phước Kiều, giáo xứ Vĩnh Điện, Quảng Nam, giáo phận Đà Nẵng .

Điều Tra Sơ Khởi Về Cái Chết của Thầy Giảng Anrê Phú Yên:

Biên Bản Nhân Chứng thứ Nhất

Bốn ngày sau khi mọi thủ tục hoàn tất, tức ngày 16 tháng 12 năm 1644, ông João de Rezende de Figuciroa là người đầu tiên trong số 23 nhân chứng được triệu tập để được xét hỏi. Với tư cách là thuyền trưởng, ông đã đến Đàng Trong nhiều lần và lần nầy ông tận mắt chứng kiến cái chết của thầy trẻ Anrê. Trong biên bản , ông cho biết thêm nhiều chi tiết, chẳng hạn thầy bị giam giữ trong “một ngôi nhà bình thường”tức không phải nhà lao đặc biệt như nhiều người mô tả. Thầy An rê bình tĩnh lạ thường, nhiều lần tuyên xưng đức tin và khẳng định là “Kitô hữu và sẵn sàng hiến dâng mạng sống của mình vì điều đó, và thầy đã lặp lại cùng một điều nầy đến bốn năm lần” khiến Ông Nghè Bộ tức giận nhất quyết không tha. Đương sự cho biết nhiều chi tiet: sau khi thầy bị xử trảm, cha Alexandre de Rhodes đã chờ nhận xác thầy trên một bãi cát rồi đưa xuống ghe chuyển về Hội An. Sau đó xác thầy được đưa lên tàu của ông để chuyển về Macau. Tường thuật cuả thầy Torres từ Macau cho biết “Chiếc tàu mang tên Sancto Antonio và Sam João Bautista (Thánh Antôn và Thánh Gioan Tẩy Giả), thuyền trưởng là João de Rezende, đã đến Macau hai ngày trước ngày lễ Mông Triệu của Đức Mẹ Đồng Trinh.” Cũng trong bản tường trình đó, thầy còn viết về ông như sau. “Giữa những biểu lộ của niềm vui, chiếc du thuyền mang trên mình thi thể vị tử đạo thánh thiện bỗng chốc được các du thuyền khác vây quanh mình; và tất cả những hành khách trên các thuyền đó vội chiêm ngưỡng quan tài quàn vị tử đạo vẻ vang, đang được đặt ở phía trên đầu trong vòm che thuyền; và ở ngay bên cạnh đó là thuyền trưởng trong bộ trang phục lễ hội; ông đứng đó như thể chẳng muốn nhường cho bất kỳ ai cái vinh dự đó, ngoại trừ các tu sĩ dòng Tên thánh thiện, bởi đó là hoa trái từ những công khó không hề mệt mỏi của những tôi trung của Dòng này nơi giáo dân Kitô giáo xứ Đàng Trong vinh hiển.”. Thuyền trưởng ấy chính là João de Rezende de Figuciroa.

Bây giờ chúng ta hãy theo dõi biên bản trả lời 8 câu hỏi liên quan đến thầy Anrê do thuyền trưởng trình bày.

 

NHÂN CHỨNG THỨ NHẤT: João de Rezende de Figuciroa

Ngày 16 tháng 12 năm 1644, một ngày làm việc, trong thành phố mang tên Danh Thiên Chúa của Trung Hoa (Macau) tại nhiệm sở của Cha bề trên tổng quyền Manoel Fernandes, phụ tá nhà thờ Chính toà Goa, tại phòng thứ hai của ngôi nhà, là nơi được chỉ định để thực hiện cuộc điều tra, anh João de Rezende de Figuciroa đã có mặt, anh sinh tại Coimbra, đã lập gia đình và sống tại thành phố này. Anh 36 tuổi, con của Balthezars de Rezende Figuciroa và Maria de Misquita; trong thư của Antonio Rangel anh là một nhân chứng được nêu tên, và được chỉ định trong danh sách của thầy Manoel de Figueiredo. Cha tổng quyền cho anh tuyên thệ trên sách Phúc Âm, nhân chứng đặt tay phải và hứa nói sự thật về tất cả những gì anh biết và trả lời những câu hỏi dành cho anh. Trả lời cho câu hỏi năm này anh có xưng tội không và mấy lần, anh trả lời rằng anh xưng tội hai tháng một lần, và anh đã xưng tội hai lần trong mùa chay vừa qua, một lần tại đây sau Lễ Tro, và một lần ở Đàng Trong vào Lễ Phục Sinh với cha Alexandre de Rhodes Dòng Tên, và đã rước Thánh Thể từ tay Ngài. Trả lời cho câu hỏi có bao giờ anh đã bị dứt phép thông công, anh trả lời rằng nhờ tình thương của Thiên Chúa chưa khi nào anh bị dứt phép thông công. Và sau khi nghe cảnh báo hãy suy xét đến việc phạm tội trọng nếu thề gian, anh đáp rằng đã ý thức về tính nghiêm trọng của tội thề gian.

Câu hỏi thứ nhất:

Nhân chứng đã trả lời rằng: anh ta đã biết thầy Anrê ở Đàng Trong [1], có lẽ khoảng chừng 19 tuổi, hơn kém gì đó, người ta bảo cha mẹ thầy là người Kitô hữu, và thầy sống trong nhà Cha Alexandre nơi thầy vẫn phục vụ; thầy đã bị vị quan toàn quyền vùng này bắt giữ và sau đó giết chết tại Kẻ Chàm (Dinh trấn Thanh Chiêm); và điều này nhân chứng nói rằng đã tận mắt nhìn thấy, vì nhân chứng có mặt vào lúc hành quyết; nhân chứng đã đến đó với tư cách là thuyền trưởng của một chiếc tàu năm đó đang đến thăm Đàng Trong, và nhân chứng đã nhìn thấy tận mắt tất cả những gì đã diễn ra.

Câu hỏi thứ hai:

Nhân chứng trả lời rằng anh ta không hiện diện vào lúc diễn ra cuộc bắt giữ và giam tù, nhưng người ta nói rằng thầy Anrê bị đánh đập vào lúc đó; mặt khác vì chính quan Ông Nghè Bộ đã nói cho nhân chứng biết rằng chính nhà quan đã ra lệnh tống giam Anrê vì thầy đã dám nói thẳng với ông rằng thầy là Kitô hữu và sẵn sàng hiến dâng mạng sống của mình vì điều đó, và thầy đã lặp lại cùng một điều này đến bốn năm lần; nhà quan đã nói với nhân chứng rằng ông sẽ không tha, bất chấp chính nhân chứng đã van nài nhà quan; và nhân chứng biết rằng thầy Anrê bị giam giữ trong một ngôi nhà bình thường, với cái gông trên cổ, được làm bằng hai khúc tre mỗi khúc dài một sải rưỡi tay với hai cái chốt khoá cổ lại; và lúc đó còn có một người khác bị bắt giữ, cũng có tên là Anrê, một người đã cao niên và người ta đã tha chết cho ông vì lý do này cũng như vì sự can thiệp của chính nhân chứng và những người bà con của ông. Và như thế thầy Anrê đã chịu tử đạo trong vòng 24 tiếng đồng hồ; và nghe nói rằng những lính tráng và quân sĩ của nhà quan, khi đi bắt giữ thầy Anrê, cũng đã nhận lệnh bắt giam ba hay bốn Kitô hữu khác vốn đang hăng say rửa tội và cải đạo những người khác, như Damaso, Inacio, và những người khác nữa; và chúng không bắt được họ vì chúng không tìm thấy được.

Câu hỏi thứ ba:

Nhân chứng trả lời rằng: quan Ông Nghè Bộ, chức quan tương đương với Quan Tổng Đốc, đã tuyên án tử hình thầy Anrê, dựa vào lệnh nhà vua ban, vì lý do thầy là Kitô hữu; chính vị quan này đã nhắc lại cho nhân chứng rằng câu hỏi ông đã đưa ra cho thầy Anrê liên quan đến Đạo mà thầy tuyên xưng, và thầy Anrê đã trả lời rằng đó là Đạo Chúa Kitô, và thầy sẵn sàng chết và chịu đau khổ vì Đạo đó; và rất muốn có nhiều mạng sống để hiến dâng tất cả vì Đạo mà thầy tuyên xưng; quá tức giận và phẩn nộ vì Anrê dám trả lời kiểu đó; Ông nói rằng nếu thầy Anrê trả lời ông rằng thầy hạ mình phục dịch Cha Alexandre vì nghèo khổ, và vì đĩa cơm người ta ban cho, thì nhà quan tha cho ngay, nhưng vì Anrê dám trả lời như trên nên ông không thể ân xá; tất cả những điều đó, chính vị quan đã kể và đã lặp lại cho nhân chứng. Như thế nhà quan tuyên án tử hình tại Kẻ Chàm và thầy Anrê đã sẵn lòng đón nhận bản án; và chính nhân chứng đã nhìn thấy thầy Anrê và đã nói chuyện với thầy tại nơi giam giữ, và chứng nhận rằng thầy Anrê rất hài lòng với cái tin người ta mang đến cho thầy, thầy phải chết. Và ngày 26 tháng 7, vào buổi chiều trước khi mặt trời lặn, vào năm 1644 này, thầy Anrê bị quân lính với mã tấu và giáo hai mũi giải đi công khai từ nhà tù đó, còn Anrê thì đi giữa họ bị xích và đeo gông như đã nói, đi đến một nơi không xa lắm; và ở đó khi vừa đến nơi thầy ngồi xuống và sau đó quì lên lúc người ta muốn lấy mạng sống thầy; và khi những lý hình lấy gông khỏi cổ thì thầy Anrê tuyên bố rằng thầy sung sướng chịu chết vì thầy đang hiến dâng mạng sống mình cho Đấng đã hiến mạng sống cho thầy, và tất cả mọi người phải biết rằng thầy không chết như một tên trộm cắp, cũng không vì một tội ác nào mà thầy đã phạm, nhưng thầy bị giết chết chỉ vì thầy là người Kitô hữu. Và bởi vì thầy cứ quỳ luôn như thế nên một người lính cầm giáo đã đâm thầy một nhát, đó là một loại giáo có đầu nhọn bằng sắc dài ba gang tay và rộng ba ngón tay, và đã tạo ra một vết thương sâu ở bên sườn trái, rồi đâm tiếp lần thứ hai vào cùng một chỗ đó, thầy Anrê ngã xuống đất. Và thầy nằm như vậy, một người lính khác tiến đến cắt cổ, trong khi thầy Anrê chỉ kêu tên Giêsu và Maria. Và chính nhân chứng đã nghe Francisco de Azevedo và Antonio Mendes người Bồ Đào Nha nói rằng, ngay cả sau khi người ta cắt cổ thầy, người ta vẫn còn nghe danh Thánh Giêsu trong hơi thở thoát ra cùng với máu.

Câu hỏi thứ tư:

Nhân chứng trả lời rằng những người chứng kiến cái chết này và có mặt ở các địa điểm, gồm có: Francisco de Azevedo, Antonio Pecanha, Domingos Rodrigue le Castillan, Agostinho da Silva, Antonio Mendes, Manoel da Fonceca, và chính nhân chứng cùng với những người khác nữa, và cha Alexandre Rhodes, Horacio Massa. Và khi màn đêm buông xuống, các Kitô hữu bản địa đón nhận thi thể của thầy Anrê, và trước đó những người hiện diện tại chỗ đã lấy khăn mù soa và khăn vải thấm trong máu thầy, và họ cung kính đón nhận những giọt máu như những giọt máu của một vị tử đạo; và trên các con đường trở về người ta tránh đi ngang qua nhà của quan thống đốc, họ trao thi thể thầy Anrê cho Cha Alexandre Rhodes, ngài vẫn đang ở trên bãi cát ở bờ sông và đang chờ cùng với một chiếc thuyền; rồi họ đi đến Hội An, và Cha ôm thi thể thầy và với sự giúp đỡ của những Kitô hữu khác của thành phố này (Macao) cha đặt thầy trong một quan tài mà chính những người bản xứ Đàng Trong đã dâng cúng để liệm xác, và người ta quàng cho thầy một chiếc áo dài bằng lụa. Rồi Cha trao quan tài đang chứa thi thể đó cho chính nhân chứng, người chở chiếc quan tài đó trên tàu của mình đến thành Macao, ở đó thầy được đón tiếp rất long trọng và tôn kính, với đám rất đông người ta, và một đoàn rước long trọng; người ta đã cho tàu cập vào một bến đã được trang hoàng rất lộng lẫy. Chính trong bầu khí trang trọng của lòng sùng mộ, và sùng kính này, thầy được đưa đến học viện của Dòng Tên và trao lại cho Cha Giám đốc trường. Tất cả những điều kể trên đến là những sự kiện công khai, rõ ràng, và mọi người đều biết.

Câu hỏi thứ năm:

Nhân chứng đã nghe từ chính miệng quan Ông Nghè Bộ rằng ông đã ra lệnh xử tử thầy vì thầy là người Kitô hữu, và đã tuyên xưng đức tin Kitô giáo trước mặt ông và với tất cả những người đã nói ở trên; và trước mặt chính nhân chứng này, quan đã khuyến cáo ông cha nên bỏ đi Macao, và không được làm cho người ta theo Kitô giáo, không được ở lại trên đất nước này nữa, bởi vì đó là ý chỉ và mệnh lệnh của nhà vua. Và chính nhân chứng này cũng đã mắt thấy rằng khi những người thi hành bản án đã lấy các ảnh thánh và những đồ trang trí, chẳng hạn: hai tượng chuộc tội, hai bức tranh, một bức về Chúa Cứu Thế và một bức về Đức Mẹ, chúng mang đến trước mặt nhà quan, chính vì thế mà nhân chứng đã nhìn thấy, và nhờ có sự can thiệp và khẩn nài của chính nhân chứng và những người Bồ khác mà những thứ này cũng như đồ trang trí và chén thánh được giao lại cho cha Alexandre Rhodes, cùng với lời cảnh cáo đã nói trên, tức là cha chỉ có thể đến và quay trở lại Nam Việt cùng với những người Bồ Đào Nha.

Câu hỏi thứ sáu:

Nhân chứng trả lời rằng: thầy Anrê đã không bị kết án tử và không bị giết vì bất cứ một tội ác hay tội lỗi nào mà thầy đã phạm cả, nhưng ngược lại chỉ vì một lý do duy nhất thầy là Kitô hữu, và vì đã công bố đức tin mà thầy vẫn tuyên xưng, thầy đã làm việc này trước mặt nhà quan, theo những gì chính nhà quan đã tiết lộ cho nhân chứng, và cho những người Bồ Đào Nha đang có mặt, điều này nhân chứng đã nói ở trên rồi. Và nhân chứng còn tiết lộ rằng khi thầy Anrê đã bị giải đến nơi chịu tử hình, thầy đã không muốn ngồi xuống hay đặt mình trên những tấm chiếu mà một người phụ nữ đã đặt ở đó cho thầy, và bà đã trải chiếu ra để thầy đón nhận cái chết trên đó, nhưng thầy đã muốn ở trên đất, đây là một bằng chứng cho thấy sự khiêm nhượng; và thầy đã tuyên bố mình rất sung sướng chết đi với tư cách là người Kitô hữu, chứng không phải vì một tội nào thầy đã phạm.

Câu hỏi thứ bảy:

Nhân chứng trả lời rằng mọi người đều biết rằng thầy Anrê có những nhân đức đó, và rằng thầy đã chứng tỏ rằng thầy đã có những nhân đức đó, bởi thầy đã chịu đau khổ vì đức tin Chúa Kitô và vì đức mến dành cho Ngài, cùng với đức cậy trông đạt tới vinh quang. Và chính nhân chứng đã mắt thấy vào lúc các lý hình chực hạ sát thầy, thầy đã nói lời vĩnh biệt các Kitô hữu và những người hiện diện ở đó với những dấu chỉ của tình yêu thương và đức mến nồng nàn; ai cũng biết cha Alexandre Rhodes luôn khẳng định rằng thầy Anrê sùng đạo và nhiệt thành phụng sự Chúa, siêng năng tham dự các bí tích Sám Hối và Thánh Thể, và thầy hằng khao khát cải đạo cho những người đồng bào mình, và thầy luôn tham dự Thánh Lễ, và thầy làm việc phụng vụ bàn thờ với lòng sùng mộ và sùng kính.

Câu hỏi thứ tám:

Nhân chứng đã trả lời rằng thầy Anrê đã được tôn kính như một vị tuẫn đạo thật sự và thầy được những người bản địa tại Đàng Trong, những người Bồ hiện diện ở đó, cũng như những người dân trong thành phố này tôn kính như thế. Và chính nhân chứng cũng tôn kính thầy như vị tử đạo; ngoài ra, chính nhân chứng còn tận mắt chứng kiến thi thể của thầy Anrê, cũng như máu và đất nơi thầy ngã xuống, được tiếp đón với sự cung kính như một vị tuẫn đạo ở tại Nam Bộ, và các Kitô hữu nước này đã dâng cúng một chiếc áo quan để đặt thi thể, một chiếc áo dài bằng lụa để choàng thi thể thầy. Và chính nhân chứng cũng có một chiếc mù soa thấm máu đào của thầy Anrê tuẫn đạo. Và cha Alexandre Rhodes đã giao áo quan và thi thể thầy cho chính nhân chứng, như nhân chứng đã trình bày, và nhân chứng đã chuyển đến thành phố này (Macao), và thi thể thầy đang ở Học viện dòng Tên của thành phố. Và chính nhân chứng đã nghe nói rằng ở Đàng Trong sau khi chết, thầy Anrê đã hiện ra với một phụ nữ, đó là người đã đem cho thầy Anrê một ít trầu khi thầy bị bắt giam, và là người đã trải chiếu cho thầy Anrê nhận cái chết trên chiếu khi người ta chực cất mạng sống của thầy. Và nhân chứng không nói gì thêm nữa.

Và sau khi nhân chứng đã đọc lại từng chữ một trong bản chứng từ, anh đã tuyên bố rằng chứng từ này được viết đúng theo sự thật, và anh không còn có điều gì khác để thêm vào hay bớt đi, nhưng ngược lại anh chuẩn nhận và xác nhận; và nhân chứng đã ký tên vào bảng điều tra cùng với Cha Tổng Quyền, và tôi, cha Antonio da Silva, thư ký Bộ Tư Pháp (chưởng ấn) và công chứng viên chính của vụ án này, là người đã viết bảng điều tra. João de Rezende de Figueiroa. Cha tổng quyền Manoel Fernandes, Cha Antonio da Silva ký tên.

Hội An ngày 17 tháng 9 năm 2009.

Linh mục Antôn Nguyễn Trường Thăng

Linh đạo Á Thánh Anrê Phú yên

Theo tôi, để tôn vinh Á Thánh Anrê Phú Yên không đơn thuần chỉ có một vinh quang là “Chứng Nhân Tử Đạo”. Đi sâu vào cuộc đời, cho dù chỉ là một cuộc đời đơn sơ, khiêm tốn, chúng ta có thể nhận ra những nét đẹp tuyệt vời và những định huớng sâu xa cho cuộc sống đức tin của Dân Chúa, không kém gì những nhà tu đức, những vị Thánh Tiến sĩ lừng danh của Giáo Hội. Chúng ta có thể mạnh mẽ xác nhận với nhau rằng : Đã có một “Linh đạo Anrê Phú Yên” ở giữa lòng Hội Thánh.

Và như thế chúng ta có thể triển khai đôi nét đan thanh về Linh đạo nầy trong một nội dung duy nhất “TÌNH YÊU ĐÁP TRẢ TÌNH YÊU”:

A/.. TÌNH YÊU TRUNG THÀNH VỚI CĂN CƯỚC KITÔ HỮU :

“Trung tín” đó chính là sứ điệp, là lời trăn trối cốt yếu và thường xuyên mà Á Thánh Anrê Phú Yên đã để lại cho chúng ta trong những phút giây cuối cùng của Ngài, những phút giây Ngài đang đối diện với những cực hình và thử thách. Chúng ta có thể đọc thấy rõ tư tưởng nầy qua rất nhiều chứng từ còn để lại :

I/.Trích Biên Bản cuộc điều tra cấp giáo phận (Macao, 12- 1644 đến 2- 1645).

Nhân chứng II : Francisco de Azevedo Teixeira

Trước mặt Quan Nghè Bộ, Thầy trả lời: “ Tôi tuyên xưng Đạo Chúa Kitô; tôi là Thầy giảng của Cha Đắc Lộ, và tôi lo việc rửa tội cho người lương tại nước này, tôi là Kitô hữu từ nhiều năm nay, và tôi sẵn sàng hiến mạng sống vì Đạo Chúa Kitô mà tôi tuyên xưng”. Và Ông Nghè Bộ bảo Thầy hãy từ bỏ Đạo Chúa Kitô, Đạo mà Thầy gọi là đạo mới, rồi ông sẽ tha mạng cho Thầy, nhưng Thầy đáp: “ Tôi sẽ không làm điều như thế, và nếu Quan muốn giết tôi, tôi sẵn sàng trả bằng mạng sống món nợ của tôi đối với Thiên Chúa và là Đấng Tạo Thành tôi”.

Vị tử đạo vẫn hướng mặt lên trời, ngã về phía bên phải, miệng vẫn kêu tên Giêsu Maria nhiều lần; và khi Thầy còn ở trong tình trạng đó, một trong những người lính cầm đao, chém đứt cổ trong lúc vị tử đạo còn sống, và Thầy tiếp tục kêu tên cực trọng Giêsu Maria, và chính tôi thấy điều này: sau khi cổ Thầy bị chém lìa, người ta vẫn còn có thể nghe được tên Thánh Giêsu Maria, trong hơi thở vọt ra với máu.

Và ngoài ra, tôi tuyên bố rằng trước khi bị dẫn tới nơi tử đạo, trong lúc còn bị giam trong tù, Thầy Anrê đã nói với đông đảo tín hữu Kitô hiện diện: “ Anh chị em hãy can đảm lên và hãy kiên trì, đừng sợ thấy tôi phải chết. Tôi không chết vì một tội nào đã phạm, nhưng chính vì tôi là Kitô hữu, và vì tôi dạy Đạo Chúa Kitô. Và tôi trả bằng mạng sống món nợ của tôi đối với Chúa Giêsu”.

Trước lời nài nỉ (của Cha Đắc Lộ xin tha cho hai Anrê), quan trả lời rằng Anrê già(Ông trùm Anrê), vì đã cao tuổi, nên được ông tha mạng. Về phần Anrê kia(Thầy giảng Anrê), vì còn trẻ, mà lại trả lời quan một cách rất táo bạo và tự nhiên, rằng mình là Kitô hữu: “ Vì anh ta tuyên bố sẵn sàng chết ngàn lần cho Đạo, nên tôi sẽ kết án tử, và đó là điều chắc chắn, vì đây là lệnh của Chúa Thượng”.

Nhân chứng III : Antonio Pecanha de Mendonca

Trước mặt Quan Nghè Bộ, Thầy Anrê đã can đảm tuyên xưng nhiều lần rằng: “ Tôi là Kitô hữu, và tôi luôn sẵn sàng hiến mạng sống vì Đạo Chúa Kitô”.

… Bấy giờ một đao phủ khác, hay người lính, đến gần, tay cầm đao, và chém lìa cổ Thầy Anrê, trong khi Thầy luôn cương quyết và đầy lòng kiên trì, miệng luôn kêu tên Giêsu và Maria, cho đến khi người ta chém đầu Thầy. Và Thầy vẫn luôn nói rằng mình không chết vì là trộm cắp hay vì đã phạm một tội ác nào khác, nhưng chỉ vì mình là Kitô hữu. Thầy dùng tiếng Bản xứ để khuyên các tín hữu Kitô khác hãy vững tin, và đừng sợ vì cái chết của Thầy. Tất cả những điều đó, tôi đã nghe được, và những người hiện diện đã giải thích cho tôi điều đó.

Nhân chứng IV : Manoel da Fonseca

Tôi đã thấy Thầy ở trong một ngôi nhà tranh có lính canh gác, và cổ đeo gông. Thực vậy, trước đó, Thầy đã trả lời với Quan Nghè Bộ: “ Tôi là Kitô hữu, và nếu vì điều này mà tôi đáng bị hình phạt nào, thì tôi sẵn sàng”.

Trong lúc ấy (khi hành quyết), Thấy Anrê quỳ xuống, mắt hướng về trời. Điều ấy tôi thấy tận mắt ; và tôi đã nghe những người đứng gần Thầy kể lại rằng Thầy đang kêu tên cực trọng Giêsu và Maria.

Bản án được thi hành, và được tuyên bố, chỉ vì lý do Thầy Anrê là Kitô hữu, chứ không phải vì Thầy đã phạm một tội ác nào. Và chính Thầy Anrê đã tuyên bố công khai điều đó, và cả tôi cũng đã nghe Thầy Anrê tuyên bố: “ Tôi chết vì là Kitô hữu, chứ không phải vì tội ác nào đã phạm”.

Nhân chứng V: Antonio Mendes

Thầy Anrê đã trả lời quan một cách rất can đảm: “ Tôi là Kitô hữu, và tôi rất sẵn sàng hiến mạng vì Chúa Kitô”. Và lời tuyên xưng đức tin này đã làm cho quan nổi giận, ông giam Thầy vào tù với gông mang trên cổ.

Chính Quan Nghè Bộ cũng đã tuyên bố rằng Chúa Thượng truyền xử tử Thầy Anrê vì Thầy là Kitô hữu và đã siêng năng làm cho bao nhiêu người trở lại đạo, chứ không phải vì tội ác nào khác cả. Và Thầy Anrê tuyên bố cùng một điều đó trước khi chịu tử đạo, như tôi đã nói. Và chính tôi đã nghe được điều đó.

Nhân chứng VI : Domingos Rodrigues

Lúc người ta muốn trói Thầy lại, Thầy nói: “ Xin đừng trói tôi, tôi là Kitô hữu và tôi không chối bỏ điều ấy, và vì thế tôi sẽ không chạy trốn đâu”. Cũng vậy, tôi nghe những người Bồ Đào Nha nói rằng khi bị điệu tới Kẻ Chàm, trước mặt Quan Nghè Bộ, Thầy Anrê đã công khai tuyên bố trước mặt quan mình là Kitô hữu và sẵn sàng chịu mọi hình phạt vì điều ấy.

Và trong khi Thầy Anrê vẫn tiếp tục kêu tên cực trọng Giêsu và Maria… Thầy khuyên bảo những người hiện diện rằng: “ Tôi rất vui mừng và mãn nguyện được chết vì là Kitô hữu ; đây không phải là chết, nhưng là được sống đời đời, và nếu có ai trong anh chị em bị cùng số phận như vậy, thì hãy hết sức cảm tạ Thiên Chúa, và hãy kiên cường trong niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng mà tôi cũng đang tuyên xưng đây”.

Thầy Anrê đã bị sát hại chỉ vì Thầy là Kitô hữu, chứ không phải vì một tội ác nào khác đã phạm ; đó là điều mà chính Thầy Anrê đã tuyên bố công khai, và Thầy cũng nói trước khi chịu chết: “ Tôi chết trong tư cách là Kitô hữu, chứ không phải vì tội ác nào cả”.

Nhân chứng VII : Agostinho da Silva

Khi (Quan Nghè Bộ) hỏi Thầy xem có phải là Kitô hữu không, Thầy can đảm tuyên xưng điều đó và nói: “ Tôi sẵn sàng nhận mọi hình phạt người ta muốn giáng cho tôi chỉ vì tôi là Kitô hữu”.

Tôi biết vì đã thấy rằng theo lệnh nhận được từ Chúa Thượng xứ Đàng Trong, Quan Nghè Bộ đã tuyên án tử hình cho Thầy Anrê vì Thầy là Kitô hữu; bấy giờ Thầy ở Kẻ

Chàm. Và bản án đó, khi Thầy Anrê biết được, Thầy vui mừng và tỏ cho thấy Thầy rất vui lòng chấp nhận.

Thầy khuyến khích và khuyên bảo các tín hữu Kitô khác hiện diện: “ Anh chị em đừng buồn vì cái chết của tôi, bởi lẽ tôi không chết vì một tội ác nào đã phạm, nhưng chính vì tôi là Kitô hữu; và anh chị em hãy kiên cường trong đức tin”.

Trong lúc, Thầy Anrê tiếp tục kêu tên cực trọng Giêsu và Maria.

Nhân chứng IX : Antonio Fernandes

Thầy Anrê đã bị những ngọn giáo đâm thâu và bị chém cổ ; trong lúc ấy, Thầy vẫn luôn kiên trì tuyên xưng đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô. Một sự kiện ai cũng biết là Thầy Anrê đã tuyên bố trước khi chịu chết: “ Tôi chết vì tôi là Kitô hữu, chứ không phải vì tội ác nào đã phạm”.

Nhân chứng XIV : Pero Pinto de Figueiredo

Trước mặt quan, Thầy đã can đảm tuyên xưng: “ Tôi là Kitô hữu, và lý do này tôi sẵn sàng hiến mạng sống vì Chúa Kitô”.

Thầy đã bị kết án tử hình chỉ vì là Kitô hữu, và vì đã can đảm tuyên xưng mình là Kitô hữu. Và chính tôi, tôi đã thấy rằng Thầy Anrê hài lòng và tuân phục ý Chúa, chấp nhận chết vì đức tin thánh và vì Đạo. Và tất cả những điều ấy, chính tôi đã thấy, vì tôi có mặt lúc đó, và tôi đã nói chuyện với Thầy Anrê trong nhà tù nơi Thầy bị giam giữ.

Thầy bị giết chết bằng những ngọn giáo và bị chém lìa cổ ; trong lúc ấy, Thầy Anrê tiếp tục kêu tên Giêsu và tuyên xưng niềm tin nơi Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta cho đến khi chết ; và trước đó, Thầy đã khuyên bảo các tín hữu Kitô có mặt hãy kiên cường trong đức tin.

Nhân chứng XVIII : Luis de Brito

Quan Nghè Bộ hỏi xem Thầy Anrê có phải là Kitô hữu không và Thầy can đảm đáp: “ Vâng, tôi là Kitô hữu và tôi sẵn sàng chết vì Đạo Chúa Kitô”.

Thầy đã bị một người lính dùng những nhát giáo đâm thâu qua và một người lính khác chém lìa cổ. Trong lúc ấy, Thầy tiếp tục tuyên xưng đức tin nơi Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta và khuyên bảo các tín hữu Kitô khác hãy kiên cường giữ vững đức tin.

Nhân chứng XIX : Cha Onofre Borges( Buergin) S.J

Thầy Anrê bị trói và bị đánh đập vì là Kitô hữu và đã giảng dạy Đạo Chúa Kitô. Và đạo này, Thầy đã can đảm tuyên xưng trước mặt Quan Nghè Bộ rằng: “ Tôi ở trong nhà Cha Đắc Lộ vì tôi là Kitô hữu, và để được học hỏi tường tận hơn về Đạo Chúa”.

Lý do là vì Thầy Anrê là Kitô hữu và Thầy đã can đảm tuyên xưng Đạo Chúa Kitô trước mặt quan.

II/ Trích Bản Tường Trình của Cha Đắc Lộ gửi cho các Bề trên ở Macao

Viết tại Hội An ngày 1.8.1644

… Và ông Nghè Bộ than phiền về nhưng câu trả lời rất thẳng thắn như thế, và nói rằng: “ Giả sử anh ta nói với tôi rằng mình là người nghèo và ở với Cha để có gì mà ăn, thì tôi đã tha thứ và thả anh ra. Nhưng trái lại, anh đã táo bạo trả lời tôi rằng anh là Kitô hữu, và thờ lạy Chúa trời đất, và không có gì trên trần gian làm cho anh từ bỏ đạo thánh anh đã theo, và vì thế anh sẵn sàng hiến mạng sống, chấp nhận mọi hình phạt người ta muốn giáng xuống cho anh ! Vì vậy, – Ông Nghè Bộ nói – vì anh ta điên đến độ ăn nói như thế, nên anh phải chết”; ông đã gọi là điên rồ sự Khôn Ngoan chân thực của Chúa Thánh Linh nói qua miệng Thầy.

B/. TÌNH YÊU CAN ĐẢM ĐÓN NHẬN THẬP GIÁ :

Can đảm đối diện và đón nhận chén dắng thập giá lại là một nét độc đáo và căn bản trong “Linh đạo Anrê Phú Yên”:

“ Anh chị em hãy can đảm lên và hãy kiên trì, đừng sợ thấy tôi phải chết. Tôi không chết vì một tội nào đã phạm, nhưng chính vì tôi là Kitô hữu, và vì tôi dạy Đạo Chúa Kitô. Và tôi trả bằng mạng sống món nợ của tôi đối với Chúa Giêsu”.

(Nhân chứng II : Francisco de Azevedo Teixeira)

“Và ông Nghè Bộ than phiền về nhưng câu trả lời rất thẳng thắn như thế, và nói rằng: “ Giả sử anh ta nói với tôi rằng mình là người nghèo và ở với Cha để có gì mà ăn, thì tôi đã tha thứ và thả anh ra. Nhưng trái lại, anh đã táo bạo trả lời tôi rằng anh là Kitô hữu, và thờ lạy Chúa trời đất, và không có gì trên trần gian làm cho anh từ bỏ đạo thánh anh đã theo, và vì thế anh sẵn sàng hiến mạng sống, chấp nhận mọi hình phạt người ta muốn giáng xuống cho anh ! Vì vậy, – Ông Nghè Bộ nói – vì anh ta điên đến độ ăn nói như thế, nên anh phải chết”; ông đã gọi là điên rồ sự Khôn Ngoan chân thực của Chúa Thánh Linh nói qua miệng Thầy.”

(Trích Bản Tường Trình của Cha Đắc Lộ gửi cho các Bề trên ở Macao

Viết tại Hội An ngày 1.8.1644)

“Thầy Anrê bị trói và bị đánh đập vì là Kitô hữu và đã giảng dạy Đạo Chúa Kitô. Và đạo này, Thầy đã can đảm tuyên xưng trước mặt Quan Nghè Bộ rằng: “ Tôi ở trong nhà Cha Đắc Lộ vì tôi là Kitô hữu, và để được học hỏi tường tận hơn về Đạo Chúa. Lý do là vì Thầy Anrê là Kitô hữu và Thầy đã can đảm tuyên xưng Đạo Chúa Kitô trước mặt quan.”.

(Nhân chứng XIX : Cha Onofre Borges( Buergin) S.J)

“Thầy Anrê đã trả lời quan một cách rất can đảm: “ Tôi là Kitô hữu, và tôi rất sẵn sàng hiến mạng vì Chúa Kitô”. Và lời tuyên xưng đức tin này đã làm cho quan nổi giận, ông giam Thầy vào tù với gông mang trên cổ. Bản án này, Thầy Anrê chấp nhận với nét mặt hân hoan và tươi cười; Thầy nói: “ Tôi rất mãn nguyện vì được trả món nợ của tôi đối với Đức Giêsu Chúa chúng ta”.

(Nhân chứng V: Antonio Mendes)

Quan Nghè Bộ hỏi xem Thầy Anrê có phải là Kitô hữu không và Thầy can đảm đáp: “ Vâng, tôi là Kitô hữu và tôi sẵn sàng chết vì Đạo Chúa Kitô”.

Thầy đã bị một người lính dùng những nhát giáo đâm thâu qua và một người lính khác chém lìa cổ. Trong lúc ấy, Thầy tiếp tục tuyên xưng đức tin nơi Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta và khuyên bảo các tín hữu Kitô khác hãy kiên cường giữ vững đức tin.

(Nhân chứng XVIII : Luis de Brito)

Trước mặt quan, Thầy đã can đảm tuyên xưng: “ Tôi là Kitô hữu, và lý do này tôi sẵn sàng hiến mạng sống vì Chúa Kitô”.

Thầy đã bị kết án tử hình chỉ vì là Kitô hữu, và vì đã can đảm tuyên xưng mình là Kitô hữu. Và chính tôi, tôi đã thấy rằng Thầy Anrê hài lòng và tuân phục ý Chúa, chấp nhận chết vì đức tin thánh và vì Đạo.

(Nhân chứng XIV : Pero Pinto de Figueiredo)

C/. TÌNH YÊU TRỌN VẸN BIẾT ƠN VÀ ĐÁP TRẢ :

Tình yêu của Anrê Phú Yên dành cho Chúa Giêsu là một tình yêu hiếu thảo, biết ơn, một tình yêu sẵn sàng đáp trả đến tận cùng :

“Hỡi anh em, đối với Chúa Giêsu yêu dấu của chúng ta, chúng ta hãy lấy tình yêu đáp lại tình yêu. Chúa đã chịu chết đau khổ vì chúng ta, nên chúng ta hãy lấy mạng sống đáp đền mạng sống…Anh chị em thấy rõ tôi đây bị bắt và sắp phải chết, chẳng phải vì ăn cướp, giết người, hay làm thiệt hại ai, mà vì tôi đã nhìn nhận Chúa Tể trời đất và Con Một Người xuống thế chịu chết chuộc tội cho chúng ta. Mọi sự chúng ta có đều do nơi Người. Thế mà người ta lại muốn tôi xúc phạm đến Người. Tôi chẳng sợ bất cứ hình phạt nào người ta bắt tôi phải chịu, tôi chỉ sợ lửa hỏa ngục đời đời là hình phạt dành cho kẻ từ chối không tin thờ Chúa Giêsu Kitô là Đức Chúa Trời thật. Hỡi anh chị em, hãy coi chừng, đừng từ chối ơn Đức Chúa Trời muốn ban cho anh chị em, phải liệu sao cho khỏi bị xử phạt đời đời”.

“Hỡi anh chị em, ta hãy trung tín cùng Đức Chúa Trời cho đến chết ; cho đến chết, không một điều gì có thể dập tắt lòng thương mến Chúa Giêsu Kitô trong trái tim ta”.

“Hỡi anh chị em, chúng ta hãy giữ nghĩa cùng Đức Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời”.

(Di chúc thiêng liêng sau cùng Của Á Thánh Anrê Phú yên)

“Người ta cũng nhận xét điều này : Thầy Anrê nhiệt thành chỉ nghĩ đến một điều : Cầu xin Chúa ban cho mình được ơn lấy tình yêu đáp trả tình yêu cho đến cùng; vì vậy, Chúa đã muốn rằng qua năm vết thương, Thầy cũng hiến mạng sống vì tình yêu Chúa, Đấng đã từng bày tỏ tình yêu vô biên đối với chúng ta qua năm vết thương cực trọng mà Ngài đã muốn chúng được ghi khắc trong thân xác cực thánh của Ngài.”

(Bản tường trình của Cha Đắc Lộ)

“ Tôi hết sức mong đợi mọi người trên thế giới được biết người đầy tớ tuyệt diệu của Chúa, để thúc đẩy họ nhận biết và yêu mến Đấng bạn trẻ này đã yêu mến đến chịu chết vì Người.”

(Bản tường trình của Cha Đắc Lộ)

D/. TÌNH YÊU KHIÊM HẠ, PHỤC VỤ :

Những giá trị của Tin Mừng, của Tám Mối Phúc Thật đã được Anrê Phú Yên viết lại bằng chính cuộc sống giữa đời thường, đó là khiêm hạ, khó nghèo, phục vụ…

“… Tôi chúc mừng Thầy Anrê vì số phận rất cao cả Thầy đã được, và hôn tay chân Thầy, và cả cái gông nữa, hay đúng hơn là cái ách rất vinh hiển dùng làm xe đưa Thầy về trời, và Thầy luôn hết sức từ chối lời chúc mừng ấy và nói rằng mình chỉ là một người tội lỗi, cần lời cầu nguyện của người khác để Chúa thương ban cho mình ơn trung thành và biết ơn cho đến chết, lấy tình yêu đáp trả tình yêu.”

(Bản tường trình của Cha Đắc Lộ)

“Khi để ý tới những điều đó, ta sẽ không ngạc nhiên khi đọc thấy một số nhân chứng kể lại trong cuộc Điều Tra về sự tử đạo của Thầy Anrê. Một số nhân chứng ấy đã ba lần gặp Thầy Anrê trong nhà của cha Đắc Lộ, nhân dịp họ du hành đến Đàng Trong; vì thế, họ có thể quan sát cách thức Thầy phục vụ cộng đoàn ở Hội An; lòng nhiệt thành xả thân của Thầy, với tất cả lòng trung thành và hăng say, trong việc giảng dạy đức tin Kitô cũng như trong việc cử hành phụng tự của nhóm các tín hữu. Rồi chính Thầy cũng được nhiều người biết đến như một tín hữu Kitô siêng năng lãnh nhận bí tích Thống Hối và Thánh Thể.”

(Lm. Phaolo Molinari S.J

Thỉnh ngyện viên án phong chân phước cho Thầy Giảng Anrê)

E/. MỘT TÌNH YÊU VUI TƯƠI :

Vui tươi được làm con Chúa, vui tươi phục vụ anh em, cộng đoàn, vui tươi cử hành pbụng vụ và nhất là vui tươi bước ra pháp trường để hiến dâng mạng sống vì tình yêu…

“Vì thế, Quan đã tuyên án tại Kẻ Chàm, và Thầy Anrê hân hoan chấp nhận. Chính tôi thấy Thầy Anrê và tôi đã nói chuyện với Thầy tại nơi giam giữ. Tôi làm chứng rằng Thầy rất hài lòng vì tin người ta mang tới cho Thầy về việc Thầy phải chết.

Khi lý hình tháo gỡ gông ra khỏi cổ, Thầy Anrê tuyên bố: “ Tôi chết rất sung sướng, bởi lẽ tôi hiến mạng sống vì Đấng đã ban mạng sống cho tôi; và tất cả mọi người nên biết rằng tôi không chết như một tên trộm, cũng không phải vì tội ác nào cả, nhưng chỉ vì tôi là Kitô hữu”.

(Nhân chứng I : João de Rezende de Figueiroa)

“Tôi nhớ đến anh, một người trẻ vui khi bị bắt, vui khi bị hành hình. Anh không phải là một triết gia lạnh lùng trước sự sống và cái chết. Anh có một niềm hy vọng. Khi theo đạo, anh bước theo Đức Giêsu. Khi nhập Hội Thầy Giảng, anh muốn trở thành cộng sự viên của Chúa. Khi tử đạo, anh hân hoan thấy mình nên giống Chúa trên thánh giá. Đức Kitô đã phục sinh : đó là hy vọng duy nhất của anh. Anh vui vì tìm được niềm hy vọng. Anh vui hơn vì dấn thân với niềm hy vọng. Anh vui nhất khi đạt được niềm hy vọng. Anh trở thành chứng nhân của niềm hy vọng. Những lời cuối cùng từ miệng anh, từ lòng anh, là Chúa Giêsu. Tôi hiểu hết. Đó là trái tim của anh.

Nhìn mọi sự nhạt nhòa đi, tôi thấy anh nổi bật, ít là trong lòng tôi, giữa những người trẻ đã bước theo Đức Giêsu đến cùng : Tôma Thiện, Anrê Trông, Giuse Tuân… Và cả những Luy Gonzaga, những Têrêsa Hài Đồng nữa.”

(ĐGM. Cosma Hoàng Văn Đạt, SJ)

 

F/. MỘT TÌNH YÊU LOAN BÁO TIN MỪNG :

Một tình yêu đích thực dành cho Chúa Giêsu luôn luôn phải dẫn tới hành vi loan báo, truyền giáo. Quả thật “tình yêu Chúa Kitô đã thôi thúc Anrê Phú Yên”

“Vì Thầy khẩn khoản van xin, và nhờ uy tín người mẹ, một tín hữu ngoan đạo, Thầy đã được nhận vào trong tổ chức của Cha với tư cách là giáo lý viên(Thầy giảng) và Cha đã giúp Thầy kiên trì trong đức tin. Ngày 31.07.1643, cùng với một số đồng bạn, Thầy tận hiến đi phục vụ Giáo Hội suốt đời, tức là nhập tổ chức một số giáo dân chuyên cần đi giúp các Linh mục trong việc truyền giáo, hay là- trong trường hợp cần thiết, khi không có Linh mục- họ lo bảo toàn tín ngưỡng của giáo dân và cổ võ người bên lương trở về tòng đạo. Anrê, Tôi tớ Chúa, tiến bước rất mau trên con đường trọn lành : khiêm tốn, công minh và bẩm tính sẵn sàng phục vụ tha nhân, nhất là những người đau ốm. Cha Đắc Lộ, biết rõ Anrê, đã minh chứng : “ Tôi có thể quả quyết chưa gặp một tập viên, hay một tu sĩ nào đã nuôi những tư tưởng cao đẹp và có tâm hồn trong trắng như thế.”

(SẮC LỆNH CỦA BỘ PHONG THÁNH

TUYÊN PHONG CHÂN PHÚC hay là BẢN TUYÊN BỐ VỀ CUỘC TỬ ĐẠO CỦA TÔI TỚ CHÚA ANRÊ Thầy giảng giáo dân ( khoảng 1625- 1644)

“Thầy bước đi giữa toán lính, người thì mang giáo, người khác mang đao; và trên đường đi, Thầy Anrê phúc lộc lên tiếng dạy dỗ họ và chỉ cho họ con đường về Quê Trời. Tới nơi xử hồng phúc, Thầy Anrê tốt lành quì ngay gối xuống ; Thầy chào từ giã các tín hữu, đồng thời khuyên bảo họ hãy trung thành với Thiên Chúa và tín thác trong niềm tin, “để bảo toàn tình bạn với Chúa cho đến hơi thở cuối cùng và cho tới muôn đời”; đó cũng là những lời Thầy lập đi lập lại nhiều lần.”

(Bản từờng trình của Cha Đăc Lộ)

Thay lời kết :

Hội Thánh là một vườn hoa muôn hương muôn sắc. Trong cuộc hành đức tin của Dân Chúa suốt 2000 năm đã ghi dấu bao nhiêu chứng từ sống động về đức tin, đức cậy, đức mến, về tình yêu dành cho Chúa Kitô, về những giá trị của Tin Mừng được khắc họa bằng chính cuộc sống của bao thế hệ Thánh Nhân. Chúng ta hãnh diện ở giữa lòng Hội Thánh Việt Nam, cũng đã có bao nhiêu người con ưu tú đã góp phần làm cho vườn hoa Giáo Hội thêm sắc thêm hương, trong đó, Á Thánh Anrê Phú Yên đã nổi bật lên như một vì sao sáng. Để cảm nhận một cách sâu sắc chân lý nầy, và cũng để một lần nữa thắp nén hương tưởng niệm “Người Chứng Thứ Nhất”, Anrê Phú Yên anh hùng, chúng ta có thể ngâm với nhau bài thơ “Bất Diệt” :

Có những trái tim muôn đời vẫn đập,

Vẫn sáng qua bao thế kỷ mịt mù.

Dù mưa đông hay gió lạnh chiều thu,

Dòng máu thắm nhịp đều theo tiếng thở.

Có những bước chân muôn đời ghi nhớ,

Núi không quên và sông vẫn ngắc hoài.

Bước ngày xưa về đổ lại hôm nay

Cho quán vắng sáng lên niềm hy vọng

Có những ánh sao muôn đời vẫn sáng

Đêm qua đêm thức mãi hẹn người về.

Sao gọi ai bừng tỉnh giữa cơn mê

Khăn gói bước lên đường theo dấu cũ.

Có những ý thơ đã đi vào tuyệt đối,

Thơ kết bằng muôn giọt máu tin yêu.

Lời thơ vang theo tiếng nhạc dặt dìu,

Đang vẫy gọi hồn ai theo lý tưởng.

Vâng, tất cả đã trở thành thần tượng,

Những con người sống trọn nghĩa Chứng Nhân,

Đem máu tim đền đáp nghĩa thiên ân,

Viết khúc nhạc tình yêu bằng hy tế.

Những người ấy qua muôn ngàn thế hệ,

Vẫn sáng lên như tinh đẩu rạng ngời.

Như đuốc thiêng bừng sáng khắp muôn nơi,

Những người ấy, CHỨNG NHÂN, muôn đời bất diệt.


Giuse Trương Đình Hiền