Câu chuyện cuối tuần số 40 – Những chứng tá âm thầm

Năm nay, Hội Thánh kỷ niệm 50 năm Sắc lệnh của Công đồng Vatican II về Truyền giáo (Ad Gentes), vì thế Ủy ban Loan Báo Tin Mừng trực thuộc Hội Đồng Giám Mục tổ chức Đại hội tại Huế và La Vang. Đương nhiên các bài thuyết trình và những giờ thảo luận đều tập trung vào đề tài Truyền giáo.

Trên chuyến bay từ Huế về lại Sài Gòn, tình cờ tôi đọc được những tâm tư của ông Trần Văn Thủy, đạo diễn những bộ phim nổi tiếng một thời, như Hà Nội trong mắt aihoặc Chuyện tử tế… Ông viết:

“Cho đến thời điểm 1985, hình như chưa có một bộ phim nào, buổi diễn, bài báo nào công bằng với những người Kitô, tức là nói đến những mặt tích cực của họ khi họ đóng góp trí tuệ, công sức, tình cảm, thậm chí cuộc đời của mình để cứu rỗi con người, lo cho con người. Phải nói rằng hầu hết họ là những người tử tế, biết thương người, biết trọng chữ tín, thật thà, không biết dối trá.

“Vào thời điểm làm bộ phim Chuyện tử tế, khi chứng kiến những nữ tu tận tình chăm sóc người bệnh phong ở trại phong Quy Hòa, tôi rất xúc động…Chúng tôi được chứng kiến đời sống thật của các nữ tu. Trong phòng của các bà sơ không có bất kỳ cái gì ngoài cái giường, bề rộng 80cm, bề dài 1m8, và một bộ quần áo tu treo trên cái đinh. Và họ sống bất hợp pháp! Không có hộ khẩu, họ trốn chui trốn lủi từ một nhà thờ nào đó đến trại từ thiện để được phục vụ những người mắc bệnh phong! Họ phải làm vụng trộm vì không được phép…

 

Rồi tác giả đưa ra nhận xét: “Một xã hội gồm những con người vô đạo, không biết sợ cái gì, tin vào cái gì là một xã hội cực kỳ nguy hiểm”; đồng thời nhắc lại câu nói của Napoléon: “Một dân tộc phi tôn giáo thì chỉ có cai trị bằng súng đạn” (Chuyện nghề của Thủy, Nxb. Hội nhà văn, 2013, trang 221-222).

Sự hi sinh phục vụ của các nữ tu, đời sống tử tế của người Công giáo, tất cả là những chứng tá âm thầm, góp phần làm thay đổi suy nghĩ của một người trí thức cộng sản. Đây cũng chính là hình thức truyền giáo đầu tiên và không thể thay thế như Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II dạy: “Con người ngày nay tin tưởng vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, vào kinh nghiệm hơn là giáo huấn, vào đời sống và hành động hơn là lý thuyết. Chứng tá đời sống Kitô hữu là hình thức truyền giáo đầu tiên và không thể thay thế” (Redemptoris Missio, số 42).

Niềm vui Tin Mừng được loan báo không phải bằng sự cưỡng ép hay chiêu dụ nhưng bằng sự cuốn hút từ bên trong và lan tỏa ra bên ngoài trong đời sống vui tươi, yêu thương, phục vụ. Chúng ta rất cần những chứng tá âm thầm như thế.

Ngày 13.09.2015

Người Mỹ Tho