Câu chuyện cuồi tuần số 23: Ô nhiễm môi sinh

o nhiem moi sinh 4Ngày 13.03 vừa qua, Thứ Sáu tuần III Mùa Chay, được đề nghị là Ngày ăn chay và cầu nguyện cho môi sinh. Những “ngày cầu nguyện” như thế này bao giờ cũng nhắm đến hai mục đích, một là hướng lòng lên Thiên Chúa để cầu xin, hai là gây ý thức cho mọi người và thúc đẩy những hành động thích hợp.

Ô nhiễm môi sinh là một thực tế ngày càng được nhiều người quan tâm, vì nó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của hằng triệu người trên thế giới, đồng thời đe dọa tương lai của cả nhân loại. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ là niềm tự hào của nhân loại trong những thế kỷ qua, vì nó đem lại sự phát triển vật chất và cuộc sống tiện nghi cho con người. Thế nhưng đến một lúc nào đó, người ta bắt đầu nhận ra rằng sự phát triển đó đang hủy diệt thiên nhiên và hơn thế nữa, hủy diệt chính sự sống con người. Điều đau đớn là đang khi các nước giàu được hưởng lợi từ sự phát triển kỹ thuật, thì các nước nghèo lại phải hứng chịu hậu quả tàn khốc của những phát triển đó. Những trận bão lũ hằng năm tàn phá Philippines, mực nước biển đang dâng lên và xâm thực đồng bằng sông Cửu Long cũng như dân cư ở đó… Đây chính là những kinh nghiệm cụ thể và gần gũi nhất về ô nhiễm môi sinh.

Với người Công giáo, nhất là trong Mùa Chay, khi nói đến ô nhiễm môi sinh, không thể không nghĩ đến một lãnh vực khác, đó là môi sinh tâm linh cũng đang bị ô nhiễm trầm trọng. Hãy lấy một ví dụ cụ thể. Cái gọi là “Cách mạng tình dục” được phương Tây đề cao và ca tụng vì giải thoát con người khỏi những “cấm kỵ” (taboo) phi lý. Thế nhưng theo dòng thời gian, người ta nhận ra rằng cuộc cách mạng đó cũng là nguyên cớ dẫn đến đủ thứ tệ nạn xã hội, từ mãi dâm đến phá thai và ly dị, đời sống gia đình lung lay và trẻ thơ là nạn nhân đầu tiên. Bầu khí quyển tâm linh bị ô nhiễm giống như làn khói độc che mờ và xói mòn nhiều giá trị văn hóa làm nền cho đời sống lành mạnh của con người.

Giữa ô nhiễm môi sinh vật chất và ô nhiễm môi trường tâm linh, có mối liên hệ chặt chẽ. Chính Đấng Tạo Hóa đã dựng nên con người và trao cho họ trách nhiệm cai quản trái đất (x. St 1,28). Cũng chính Lời Chúa vạch đường chỉ lối cho con người để có thể thực hiện trách nhiệm đó cách tốt đẹp nhất. Vì thế, để thoát ra khỏi tình trạng ô nhiễm môi sinh thể lý cũng như tâm linh, phải quay về với Lời Chúa, Lời được đóng ấn bằng chính sự chết và phục sinh của Con Thiên Chúa. Đã hẳn Lời Chúa không cung cấp những thông số cho phát minh kỹ thuật và tính toán tài chính, nhưng Lời Chúa cung cấp những định hướng căn bản, dẫn lối cho mọi hoạt động của con người, để con người có thể góp phần xây dựng thế giới này thành “vườn địa đàng” (Eden), và mỗi người cũng gặp được sự sống hạnh phúc ở đó.

Ngày 14.03.2015

Người Mỹ Tho