Câu chuyện cuối tuần

 

 

CHẾT VÌ ĐẠO

 

Năm nay Hội Thánh Việt Nam cử hành trọng thể lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam hơi sớm, vào Chúa nhật 16.11.2014; tuy nhiên ngày chính lễ vẫn được giữ (24.11.2014).

Ngày nay, người ta thường nghĩ rằng “tử đạo”, “chết vì Đạo” là chuyện đã hoàn toàn thuộc về quá khứ, còn bây giờ chẳng có ai phải chết vì niềm tin tôn giáo nữa. Thế nhưng Bản Tường trình năm 2014 của Tổ chức “Trợ giúp các Giáo Hội lâm nguy” (KIN) về Tự do tôn giáo trên thế giới lại trình bày một thực tế khác hẳn. Theo đó, 20 quốc gia bị xếp vào hạng “nguy hiểm cao” vì chủ trương bách hại tôn giáo. Trong số này, có 14 quốc gia là những nước Hồi Giáo với chủ trương quá khích; còn 6 quốc gia khác, ví dụ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, bị xếp loại đàn áp tôn giáo. Điều đáng nói là ngay cả trong những quốc gia vốn tự hào về tôn trọng tự do, như Hoa Kỳ và các nước Âu châu, thì tình trạng tự do tôn giáo cũng bị coi là xấu đi.

Bản tường trình cho thấy hai yếu tố gắn liền với sự bất khoan dung về tôn giáo.

Yếu tố thứ nhất là sự độc tài, chuyên chế. Trong số 20 quốc gia bị xếp vào hạng nguy hiểm trong việc bách hại và đàn áp tôn giáo, hầu hết là các nước độc tài như các nước chủ trương Hồi giáo cực đoan, các nước Cộng sản. Ngoài ra, còn phải nói đến thứ “độc tài của chủ nghĩa tương đối”, là điều đang diễn ra tại các quốc gia thuộc châu Âu và Bắc Mỹ.

Yếu tố thứ hai là chính trị. Nếu có những quốc gia Hồi giáo bị xếp vào hạng bách hại tôn giáo thì thật ra, không phải là chính Hồi Giáo, theo nghĩa tôn giáo thuần túy, chủ trương như thế, nhưng chỉ là thứ Hồi Giáo bị chính trị hóa nhằm phục vụ cho một mục tiêu chính trị. Ẩn đằng sau những cái bị gọi là “chiến tranh tôn giáo”, thật ra chỉ là những tính toán và âm mưu nhằm thâu tóm quyền lực.

Như thế, dù sống ở thời đại nào và trong môi trường nào, người Kitô hữu cũng phải chấp nhận thân phận “tử đạo”, đến nỗi có thể nói việc “chết vì Đạo” đã ăn vào máu thịt của Kitô hữu. Bởi lẽ Đức Giêsu Kitô, Đấng mà chúng ta tin nhận, là “vị Chứng nhân trung thành – Tử đạo trung thành” (Kh 1,5), thì đương nhiên các Kitô hữu – những người thuộc về Đức Kitô – cũng phải đi theo con đường chứng nhân của Ngài.

Đồng thời phải bảo vệ sự tinh tuyền của tôn giáo, không để bị biến thành công cụ chính trị, dù là lập trường nào. Sống tinh thần tử đạo không chỉ có nghĩa là sẵn sàng chịu chết vì Đạo, nhưng còn là góp phần xây dựng một thế giới mới, trong đó không còn ai phải đau khổ và bị bách hại vì niềm tin tôn giáo của mình.

Ngày 15.11.2014

Người Mỹ Tho