Chúa nhật 21.09 vừa qua, Đức giáo hoàng Phanxicô đã đến thăm Albania, một đất nước từng trải qua cuộc bách hại tôn giáo khủng khiếp trước đây, như chứng từ của một linh mục lớn tuổi kể lại cho Đức giáo hoàng nghe; nhưng cũng là đất nước sản sinh nhân vật được cả thế giới ngưỡng mộ và Tổng thống Albania đã tự hào thưa với Đức giáo hoàng: “Chúng tôi là dân tộc của Mẹ Têrêxa Calcutta”.
Trong bối cảnh đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân Albania về điều ngài gọi là “những hình thức độc tài mới” và ngài giải thích:“Nếu chế độ vô thần tìm cách bóp nghẹt đức tin thì những hình thức độc tài mới này có thể bóp nghẹt đức ái. Tôi nghĩ đến chủ nghĩa cá nhân, những xung đột và tranh chấp vô bổ, đó là thứ não trạng thời hiện đại có thể gây nhiễm độc cho cả cộng đoàn Kitô hữu”.
Lời cảnh giác thật đáng quan tâm. Nói đến bách hại tôn giáo thì ai cũng nghĩ đến việc bách hại đức tin chứ mấy ai nghĩ đến chuyện bách hại đức ái. Có khi người ta còn ra sức bảo vệ đức tin bằng những hành động hoàn toàn nghịch với đức ái! Bách hại đức tin thì dễ thấy: cấm cách, bắt bớ, bỏ tù, hành hạ người theo đạo. Còn bách hại đức ái thì khó thấy vì nó rất tinh tế, không những không thấy nguy hiểm mà còn thấy hấp dẫn, vì nó phù hợp với con người ích kỷ tự nhiên của mình. Thế nên phải cảnh giác.
Cũng vì thế, ngày nay, Phúc Âm hóa không chỉ có nghĩa là loan báo nội dung đức tin, nhưng còn phải làm chứng bằng đức ái. Đức Thánh Cha Phanxicô nêu gương trước. Albania là đất nước thuộc hàng nhỏ bé và nghèo khổ ở châu Âu. Nhỏ vì chỉ có 2,8 triệu dân. Khổ vì đã từng trải qua giai đoạn khắc nghiệt dưới chế độ Cộng sản trước đây. Nhưng Albania lại là đất nước đầu tiên ở châu Âu được Đức Thánh Cha chọn đến viếng thăm.
Tổng thống Bujar Nishani của Albania tự hào tuyên bố “Chúng tôi là dân tộc của Mẹ Têrêxa”. Ông tuyên bố như thế trong tư cách là người đại diện cho dân tộc Albania. Còn người Công giáo có thể tuyên bố rằng: Cùng với Mẹ Têrêxa, chúng tôi là dân của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã ban bố điều răn mới, “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Nếu mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn Công giáo có thể tự hào tuyên bố như thế, thì chứng tá đức ái sẽ nở rộ và mang lại mùa gặt phong phú cho Nước Trời.
Người Mỹ Tho