Câu chuyện chiều thứ bảy: Bé con của mẹ !

 

Tôi đến nhà chị vào một buổi sáng đẹp trời giữa cái nắng trong veo của vùng đất Bảo Lộc quanh năm khí hậu thật mát mẻ. Nắng đẹp là vậy nhưng xem ra căn nhà gỗ của mẹ con chị khá tối tăm, mảnh đất mà mẹ con chị cắm dùi cũng khá tối tăm luôn. Đậu xe ở trước cổng thấy một bà già áo tà trên tà dưới, đầu thì cuốn cái khăn theo dạng khăn mỏ quạ đã ố màu của thời gian. Đoán chắc là bà mẹ, tôi gọi lớn tiếng để như một sự thông báo có khách tới:

 

– Bà Chín ơi, bà Chín phải không? Con vào nha.

 

Bà cụ lật đật phủi tay hớn hở chạy vào nhà để mở cửa:

 

– Vâng, mời Dì vào chơi, đang tranh thủ ngày Chúa Nhật không đi vườn thì ở nhà nhổ tí cỏ xung quanh nhà. Khổ vậy, nhà có người mà như cái nhà hoang vậy, cỏ mọc um tùm. Vì bận mải quá mà cũng không có thời gian chăm lo cho nhà cửa gì cả.

 

Vừa nói, vừa như một thói quen bà dẫn tôi vào căn phòng phía trong- nơi có cô con gái của bà đã bất toại 27 năm. Nói là căn phòng cho oai nhưng thực ra nó chỉ là cái buồng nhỏ tí, tối tăm. Nơi căn buồng của chị thường tối tăm như thế, vì bà đóng cửa kín mít cả ngày đặc biệt là vào các ngày trong tuần từ thứ hai đến thứ bảy, chỉ có cái cửa sổ là nơi có chút ánh sáng mặt trời chiếu dọi vào. Chị đang được cho ngồi khoanh chân ở cái ghế dựa, đôi mắt ngây dại nhìn ra phía có chút ánh nắng mặt trời. Phải, đã 27 năm kể từ ngày đổ bệnh chị đã gắn bó với cái buồng này không rời một giây, thì đôi mắt của chị làm sao mà không ngây dại được. Thấy có người vào, chị bịt miệng liếc liếc chút nhưng cũng không mấy chút phản ứng. Bà Chín nhanh nhảu:

 

– Bé con của mẹ nằm xuống nha.

 

Rồi bà nhanh chóng xốc chị lên và cho chị nằm xuống giường, vừa làm bà vừa nói:

 

– Mẹ đi ra ngoài làm sợ tiểu ra phản nên phải cho ngồi vậy. Tội nghiệp bé con.

 

 

Nhìn bà già người chỉ có da bọc xương, hàm răng thì móm mém cái còn cái mất, đã gần đất xa trời phải chăm đứa con tội nghiệp đến 27 năm có lẽ không ai mà không ứa nước mắt. Mặc dù vậy, nhưng bà vẫn luôn dịu dàng với con, vì có lẽ bà đã quen và coi đó như món quà của cuộc đời bà. Bà luôn tâm niệm chị như em bé mới sinh ngày nào, không biết đến cả những nhu cầu dù nhỏ của bản thân, cho cái gì thì biết cái đó. Chị cũng chỉ ú ớ và im lặng cả ngày, ngay cả ốm đau hay làm sao chị cũng không biết luôn. Phần chị, chính bản thân chị giờ đây không mấy cảm nhận được mọi điều ở thế giới xung quanh nữa, nhưng thâm sâu trong cõi lòng có lẽ chị cũng cảm được tình thương của người vẫn ngày đêm tần tảo chăm sóc cho mình. Nên khi bà đưa tay bế chị cũng biết quàng vào cổ để cho bà nâng chị được dễ dàng hơn. Với số tuổi không còn mấy ít ỏi(42 tuổi), hàm răng rụng chỉ còn lưa thưa vài cái, và mái tóc ngắn cũng đã điểm chút hoa râm cũng đủ là một chặng đường đời để cho mọi người đáng lưu tâm. Mà thực ra, chị bị như vậy không phải là bẩm sinh mà theo như lời mẹ chị kể là do góp từ những lần té ngã hồi còn nhỏ, tới 15 tuổi chị mới hoàn toàn nằm một chỗ như vậy:

 

Năm ba tuổi, do theo một số bạn lớn hơn leo lên lầu mà khi trở xuống chị không biết cách xuống trong khi đó các bạn đã xuống hết. Chị sợ hãi chạy, và kết quả là chị bị lăn từ cầu thang lầu 2 xuống. Xốn xang đưa chị đi cấp cứu nhưng các bác sĩ đều lắc đầu và bảo bà là cho con bé về rồi nó thích ăn gì thì cho nó ăn. Bà buồn bã ẵm con từ bệnh viện về mà khóc hết nước mắt. Nhưng lạ thay, khi về đến nhà chị lại tỉnh hơn. Thấy có hy vọng, bà mẹ hết sức ngày đêm chăm sóc, trò chuyện. Không phụ công của bà, chị đã tỉnh lại và khỏe mạnh bình thường, chị cũng được đến trường như ai. Cho tới năm 6 hay 7 tuổi gì đó chị lại bị té từ trên cây xuống do cùng đi trèo cây hái quả với một số bạn trong xóm, lần này chị sốt nhiều nhưng rồi cũng qua khỏi. Đến 15 tuổi- cái tuổi ngày xưa gọi là trăng tròn chị đã hoàn toàn rơi vào tình thế bất động và không còn nói được gì với bà và mọi người xung quanh: Hôm đó, như thường lệ bà vẫn chuẩn bị chi con đi học rồi bà đi làm. Nhưng đến giữa buổi bà thấy trong người bồn chồn lắm. linh tính báo có sự không hay xảy ra trong gia đình nên bà lật đật bỏ giở công việc chạy về. Và quả thực người ta đang nhớn nhác tìm để báo tin cho bà con gái của bà đi xe đạp bị vướng cái dây người ta cột chân cây dù cho khỏi bị đổ nên bị té gẫy răng, con bé đang nằm một chỗ và mệt lắm. Biết con mình như vậy, nên bà lật đật đưa chị đến bệnh viện với hy vọng chị sẽ lại tỉnh táo, khỏe khoắn trở lại như những lần trước. Nhưng không, lần này thì chị im luôn, chị đã không thắng được như những lần trước, chị đã gục ngã ở cái tuổi trăng tròn. Có lẽ những lần té ngã đã đều có ảnh hưởng đến não nên để lại di chứng quái ác này. Mẹ chị đau khổ đưa con từ bệnh viện về mà khóc ròng cả tháng, vì thương con, vì xót xa cho cô bé vừa xinh đẹp, vừa giỏi giang với đủ thứ nghề đan lát, may vá khéo tay. Bà kể lúc đầu cũng nản lắm vì chưa quen. Nhưng sau ngần ấy năm bà đã quen và coi đó như hơi thở của mình vậy, bà coi đó như món quà đặc biệt của cuộc đời bà. Bà thường gọi chị là “bé con của mẹ”- vì với bà chị mãi là đứa bé sơ sinh ngày nào. Bà chỉ có một ước mong nhỏ nhỏ mà hằng ngày bà vẫn tâm niệm đó là cho chị được chết trước bà, vì không có bà không biết chị sẽ như thế nào….

 

Nhìn bà, nhìn căn nhà gỗ đơn sơ cũ nát, nhìn mảnh vườn u tối hoang sơ lòng tôi cảm thấy chua xót quá, chua xót cho phận người, chua xót cho định mệnh. Thế nhưng, chua xót là vậy nhưng tôi lại vẫn thấy quá đẹp và cảm phục cái tâm của bà, cả con người của bà nữa. Xã hội ngày hôm nay đã có không ít những bà mẹ cướp đi sự sống đang xanh tươi mơn mởn trên đứa con do chính mình sinh ra. Vậy mà bà già này lại sẵn sàng hy sinh chăm sóc đứa con tật nguyền ròng rã mấy chục năm trời. Với tôi bà quả là bầu trời kỳ diệu, bà đã cho tôi biết cám ơn cuộc đời vì đã sắp xếp để bà là mẹ của chị chứ không phải là ai khác, để rồi dù bệnh tật chị cũng được đón nhận tình thương quá cao vời của tấm lòng người mẹ. Chị vẫn được là “bé con của lòng mẹ” ở cái tuổi 42.

 

Sr. Mar Bùi An