BÀI GIÁO LÝ 9-10-11-12 VỀ KINH TIN KÍNH CỦA ĐTC PHANXICÔ

Hội Thánh là tất cả chúng ta: từ em bé mới được rửa tội lên cho đến các giám mục và Giáo Hoàng, và tất cả chúng ta đều bình đẳng trước mắt Thiên Chúa! Tất cả chúng ta đều được mời gọi đóng góp trong việc sinh ra các Kitô hữu mới trong đức tin; chúng ta được mời gọi để thành những nhà giáo dục đức tin, để loan báo Tin Mừng. Mỗi người chúng ta nên tự hỏi là tôi phải làm gì để những người khác có thể thông phần vào đức tin Kitô giáo? Tôi đang sinh hoa quả trong đức tin của tôi hoặc đang đóng kín?
 
BÀI GIÁO LÝ 9-10-11-12 VỀ KINH TIN KÍNH CỦA ĐTC PHANXICÔ
 
 
BÀI GIÁO LÝ 9 VỀ KINH TIN KÍNH CỦA ĐTC PHANXICÔ:
HỘI THÁNH LÀ DÂN THIÊN CHÚA
 

“[Dân Thiên Chúa] là một dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, Đấng mời gọi tất cả mọi người vào tình bằng hữu với Ngài; thành men làm dậy tất cả đống bột, muối làm cho có hương vị và giữ cho khỏi hư thối, ánh sáng chiếu soi.”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 12 tháng 6 năm 2013 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng trường Thánh Phêrô. Người tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về kinh Tin Kính và Năm Đức Tin. Hôm nay ĐTC nói về Hội Thánh là Dân Thiên Chúa.”

Được biết Năm Đức Tin cũng là trọng tâm của Đại Hội Giáo Lý Việt Nam Toàn Quốc Hoa Kỳ lần thứ XII được tổ chức tại Baton Rouge, Louisiana từ ngày 21 đến 23 tháng 6, 2013. 

* * *

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay tôi muốn suy niệm ngắn gọn về một thuật ngữ khác mà Công Đồng Vaticanô II đã dùng để định nghĩa Hội Thánh, đó là “Dân Thiên Chúa” (x. Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 9; Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, 782). Và tôi làm thế với một số câu hỏi để mọi người có thể suy nghĩ.

1. Làm “Dân Thiên Chúa” nghĩa là gì? Trước hết, nó có nghĩa là Thiên Chúa không thuộc riêng về một dân tộc nào cả; vì chính Ngài kêu gọi chúng ta, triệu tập chúng ta, mời gọi chúng ta thành phần tử của dân Ngài, và lời mời gọi này dành cho tất cả chúng ta, không phân biệt, vì lòng thương xót của Thiên Chúa “muốn mọi người được cứu rỗi” (1 Tim 2:4). Chúa Giêsu không bảo các Tông Đồ và chúng ta lập ra một nhóm riêng biệt, một nhóm ưu tú. Chúa Giêsu nói: hãy đi làm cho muôn dân thành môn đệ (x. Mt 28:19). Thánh Phaolô nói rằng trong dân Thiên Chúa, trong Hội Thánh, “không còn là Người Do Thái hay người Hy Lạp … vì tất cả anh em là một trong Đức Chúa Giêsu Kitô” (Gl 3:28). Tôi cũng muốn nói với những người cảm thấy xa cách Thiên Chúa và Hội Thánh, với những người sợ hãi hoặc thờ ơ, với những người nghĩ rằng họ không còn có thể thay đổi: Chúa cũng mời gọi bạn làm phần tử của dân Ngài và Ngài làm thế với sự tôn trọng và tình yêu lớn lao! Ngài mời gọi chúng ta làm phần từ của dân này, dân Thiên Chúa.

2. Làm thế nào để một người trở thành một phần tử của dân này? Không phải qua huyết thồng (qua việc sinh ra theo thể lý), nhưng qua việc tái sinh. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô rằng một người phải được sinh ra từ trên cao, bằng nước và Thánh Thần để được vào Nước Thiên Chúa (x. Ga 3:3-5). Chính nhờ Phép Rửa Tội mà chúng ta được giới thiệu vào dân này, nhờ đức tin vào Đức Kitô, là một hồng ân của Thiên Chúa mà chúng ta phải nuôi dưỡng và làm cho phát triển suốt đời mình. Chúng ta hãy tự hỏi: làm thế nào mà tôi có thể phát triển đức tin tôi đã nhận nhận được trong Bí tích Rửa Tội? Làm thế nào để phát triển đức tin này mà tôi đã nhận được và dân Thiên Chúa sở hữu?

3. Một câu hỏi khác. Lề luật của Dân Thiên Chúa là gì? Đó là luật của tình yêu, tình yêu dành cho Thiên Chúa và tình yêu dành cho tha nhân theo giới luật mới mà Chúa đã để lại cho chúng ta (x. Ga 13:34). Tuy nhiên, một tình yêu không phải theo tính đa tình vô bổ hoặc một điều gì mơ hồ, nhưng là một tình yêu nhìn nhận Thiên Chúa là Chúa duy nhất của cuộc đời, đồng thời chấp nhận người khác như anh em thật sự, vượt trên những chia rẽ, cạnh tranh, hiểu lầm, ích kỷ; hai điều này đi cùng nhau. Chúng ta còn phải làm cách nào nữa để sống luật mới này một cách cụ thể, luật của Chúa Thánh Thần là Đấng hành động trong chúng ta, luật của đức ái, của tình yêu!

Khi chúng ta xem báo hay truyền hình, chúng ta thấy có rất nhiều cuộc chiến tranh giữa các Kitô hữu; nhưng làm sao điều này có thể xảy ra? Trong dân Thiên Chúa, có quá nhiều chiến tranh! Trong các khu phố, ở sở làm, có biết bao nhiêu cuộc chiến tranh vì đố kỵ và ghen tương! Thậm chí trong cùng một gia đình, có bao nhiêu cuộc chiến tranh nội bộ! Chúng ta phải cầu xin Chúa giúp chúng ta hiểu lề luật của tình yêu này. Đẹp biết bao khi yêu thương nhau như anh em thật. Đẹp biết bao! Chúng ta hãy làm một điều gì hôm nay. Chắc chắn rằng tất cả chúng ta đều có những người chúng ta có cảm tình và không có cảm tình; có lẽ nhiều người trong chúng ta hơi có một chút giận dữ với một người nào đó; như vậy chúng ta hãy thưa cùng Chúa: Lạy Chúa, con đang giận người này hay người kia. Con sẽ cầu nguyện cho anh ấy và cho chị ấy. Cầu nguyện cho những người mà chúng ta giận là một bước tiến tốt đẹp trong lề luật của tình yêu. Chúng ta có làm điều ấy không? Chúng ta hãy làm điều ấy ngày hôm nay!

4. Sứ mệnh có dân này là gì? Là để mang đến cho thế giới niềm hy vọng và ơn cứu độ của Thiên Chúa, là một dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, Đấng mời gọi tất cả mọi người vào tình bằng hữu với Ngài; thành men làm dậy tất cả đống bột, muối làm cho có hương vị và giữ cho khỏi hư thối, ánh sáng chiếu soi. Chung quanh chúng ta, chỉ cần mở một tờ báo – như tôi đã nói – chúng ta có thể thấy rằng có sự hiện diện của sự dữ, là những điều mà Quỷ Dữ làm. Nhưng tôi muốn nói lớn tiếng rằng: Thiên Chúa còn mạnh mẽ hơn! Anh chị em có tin điều này không: Thiên Chúa còn mạnh mẽ hơn? Nhưng chúng ta cùng nhau nói điều ấy, tất cả chúng ta hãy cùng nhau nói: Thiên Chúa còn mạnh mẽ hơn! Và anh chị em có biết tại sao Ngài mạnh mẽ hơn không? Bởi vì Ngài là Chúa, là Chúa.

Và tôi muốn nói thêm rằng thực tại, đôi khi đen tối và bị đánh dấu bởi sự dữ, có thể được thay đổi, nếu chúng ta, là những người đầu tiên, mang ánh sáng của Tin Mừng đến, đặc biệt là bằng đời sống của mình. Nếu ở một vận động trường, nơi đây chúng ta nghĩ đến vận động trường Thế Vận Hội ở Roma, hoặc vận động trường San Lorenzo ở Buenos Aires, trong một đêm đen có một người thắp lên một ánh sáng, thì người ta có thể nhìn thấy chút ít, nhưng nếu hơn 70.000 khán giả mỗi người đều thắp lên ánh sáng của họ, sân vận động sẽ sáng ngời. Hãy làm cho cuộc đời của chúng ta thành một ánh sáng của Đức Kitô; cùng nhau chúng ta sẽ mang ánh sáng của Tin Mừng đến cho toàn thể thực tại.

5. Cùng đích của dân này là gì? Cùng đích của họ là Nước Thiên Chúa, đã khởi sự trên trần thế bởi chính Thiên Chúa, và cần phải được lan rộng cho đến lúc hoàn thành, khi Đức Kitô, sự sống của chúng ta xuất hiện (x. Lumen Gentium, 9). Như thế, lý do chính của cuộc đời là hiệp thông hoàn toàn với Chúa, liên hệ quen thuộc với Chúa, bước vào sự sống thần linh của Người, nơi chúng ta sẽ sống niềm vui của tình yêu vô hạn Người, một niềm vui trọn vẹn.

Anh chị em thân mến, là Hội Thánh, là dân Thiên Chúa, theo chương trình cao cả của tình yêu của Chúa Cha, có thể nói là men của Thiên Chúa trong nhân loại chúng ta, có nghĩa là công bố và đem ơn cứu độ của Thiên Chúa vào thế giới của chúng ta, là thế giới thường bị lạc đường, cần những câu trả lời khích lệ, ban hy vọng cho nó, ban cho nó sức lực mới trong cuộc hành trình. Nguyện xin cho Hội Thánh thành một nơi của cả lòng thương xót lẫn hy vọng của Thiên Chúa, nơi mà mỗi người có thể cảm thấy được đón nhận, yêu thương, tha thứ, khích lệ để sống cuộc sống tốt đẹp của Tin Mừng. Và để làm cho người khác cảm thấy được đón nhận, yêu thương, tha thứ, khích lệ, Hội Thánh cần phải mở các cửa ra, để mọi người có đi vào. Còn chúng ta, chúng ta phải đi ra ngoài qua những cánh cửa ấy và rao giảng Tin Mừng.

 

BÀI GIÁO LÝ 10 VỀ KINH TIN KÍNH CỦA ĐTC PHANXICÔ:

HỘI THÁNH LÀ THÂN THỂ ĐỨC KITÔ

“Sự hiệp nhất là một ân sủng mà chúng ta phải cầu xin từ Chúa, để Người giải thoát chúng ta khỏi những cám dỗ về chia rẽ, khỏi những tranh chấp giữa chúng ta, khỏi tính ích kỷ và ngồi lê mách lẻo.”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 19 tháng 6 năm 2013 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng trường Thánh Phêrô. Người tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về kinh Tin Kính và Năm Đức Tin. Hôm nay ĐTC nói về Hội Thánh là Thân Thể Đức Kitô.”

* * *

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay tôi sẽ chú tâm vào một biểu thức mà Công Đồng Vaticanô II dùng để biểu thị bản chất của Hội Thánh: đó thân thể, Công Đồng nói rằng Hội Thánh là Thân Thể Đức Kitô (x. Lumen Gentium, 7).

Tôi muốn bắt đầu từ một đoạn văn của sách Tông Đồ Công Vụ mà chúng ta biết rõ: việc trở lại của ông Saolô, người sau đó được gọi là Phaolô, một trong những nhà truyền giáo vĩ đại nhất (x. Cv 9:4-5).  Ông Saolô là một kẻ bách hại các Kitô hữu, nhưng trong khi ông đang trên đường đến thành Đamascô, bỗng nhiên một luồng ánh sáng bao bọc ông, ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói: “Saolô, Saolô, sao ngươi bách hại Ta?”.  Ông hỏi: “Lạy Chúa, Ngài là ai?”.  Và giọng nói trả lời: “Ta là Giêsu, Đấng mà ngươi đang bách hại” (câu 3-5). Kinh nghiệm này của Thánh Phaolô cho chúng ta thấy sự liên kết giữa các Kitô hữu và Đức Kitô thắm thiết thế nào.  Khi Chúa Giêsu lên trời, Người không để chúng ta mồ côi, nhưng với hồng ân Chúa Thánh Thần, sự kết hợp của chúng ta với Người đã trở nên thắm thiết hơn. Công đồng Vaticanô II nói rằng Chúa Giêsu“qua việc thông truyền Thánh Thần của Người cho các anh em của Người, tụ tập từ mọi dân tộc, Người làm cho họ một cách mầu nhiệm thành thân thể của Người” (Hiến Chế Tín Lý. Lumen Gentium, 7).

Hình ảnh thân thể giúp chúng ta hiểu mối liên hệ sâu xa này giữa Hội Thánh và Đức Kitô, mà thánh Phaolô đã đặc biệt khai triển trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrinthô (x. ch. 12). Trước hết, thân thể làm cho chúng ta lien tưởng đến một thực tại sống động.  Hội Thánh không phải là một hội từ thiện, văn hóa hay chính trị, nhưng là một thân thể sống động, hành trình và hành động trong lịch sử.  Và thân thể này có một đầu, là Chúa Giêsu, Đấng hướng dẫn nó, nuôi nấng nó và nâng đỡ nó.  Đây là một điểm tôi muốn nhấn mạnh: nếu đầu bị tách ra khỏi phần còn lại của thân thể thì toàn thể con người không còn có thể sống được.Vì vậy, chính trong Hội Thánh, chúng ta phải luôn liên kết mật thiết hơn bao giờ hết với Chúa Giêsu. Nhưng không chỉ có thế: như một thân thể điều quan trọng là các mạch máu phải luân chuyển trong đó, cho nên chúng ta phải để cho Chúa Giêsu hoạt động trong chúng ta, để cho Lời Người hướng dẫn chúng ta, để cho sự hiện diện của Người trong bí tích Thánh Thể nuôi nấng chúng ta, linh động hóa chúng ta, để cho tình yêu của Người củng cố tình yêu tha nhân của chúng ta.  Và điều đó phải luôn luôn! Luôn luôn, luôn luôn!  Anh chị em thân mến, chúng ta hãy luôn hiệp nhất với Chúa Giêsu, chúng ta hãy tín thác nơi Người, chúng ta hãy định hướng đời mình theo Tin Mừng, nuôi dưỡng mình bằng cầu nguyện hàng ngày, bằng lắng nghe Lời Chúa và tham dự các Bí Tích.

Và ở đây tôi đi đến một bình diện thứ nhì của Hội Thánh như Thân Thể Đức Kitô. Thánh Phaolô nói rằng như các chi thể của thân thể con người, mặc dù khác nhau và nhiều, hợp thành một thân thể, vì vậy tất cả chúng ta đã được được rửa tội vào một thân thể duy nhất bởi cùng một Chúa Thánh Thần (x. 1 Cor 12:12-13).  Do đó, trong Hội Thánh, có nhiều nhiệm vụ và chức năng đa dạng; không có sự đồng nhất tẻ nhạt, nhưng có sự phong phú của những hồng ân mà Chúa Thánh Thần ban phát.  Nhưng có sự hiệp thông và hiệp nhất: tất cả đều liên hệ với nhau và tất cả kết hợp để tạo thành một thân thể quan trọng duy nhất, liên kết mật thiết với Đức Kitô.  Chúng ta hãy nhớ rõ: là một phần tử của Hội Thánh có nghĩa là được kết hợp với Đức Kitô và nhận được từ Người sự sống thần linh là sự sống làm cho chúng ta sống như Kitô hữu, nghĩa là luôn hợp nhất với Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục, là công cụ của sự hiệp nhất và hiệp thông; điều này cũng có nghĩa là học cách thắng vượt chủ nghĩa cá nhân và chia rẽ, để hiểu nhau hơn, để hòa hợp sự đa dạng và phong phú của mỗi người; tóm lại, để yêu mến Thiên Chúa và những người lân cận chúng ta, trong gia đình, trong giáo xứ, trong các đoàn thể, hơn.  Để sống, thân thể và các chi thể phải thống nhất! Sự hiệp nhất luôn luôn hơn các xung đột! Các xung đột, nếu không được giải quyết một cách tốt đẹp, sẽ tách biệt chúng ta khỏi nhau, tách biệt chúng ta khỏi Thiên Chúa.  Xung đột có thể giúp chúng ta lớn lên, nhưng cũng có thể chia rẽ chúng ta.  Chúng ta đừng đi theo con đường chia rẽ, con đường tranh chấp giữa chúng ta!  Tất cả hãy hiệp nhất, tất cả hiệp nhất với những khác biệt của mình, nhưng thống nhất, luôn luôn: đây là con đường của Chúa Giêsu.  Sự hiệp nhất luôn luôn hơn các xung đột.  Sự hiệp nhất là một ân sủng mà chúng ta phải cầu xin từ Chúa, để Người giải thoát chúng ta khỏi những cám dỗ về chia rẽ, khỏi những tranh chấp giữa chúng ta, khỏi tính ích kỷ và ngồi lê mách lẻo.  Việc nói hành nói xấu nguy hại biết bao, nguy hại biết bao!  Đừng bao giờ nói chuyện của người khác, đừng bao giờ!  Những chia rẽ giữa các Kitô hữu, tinh thần bè phái, những tư lợi nhỏ nhen, đã gây cho Hội Thánh không biết bao nhiêu là thiệt hại!

Những chia rẽ giữa chúng ta, nhưng còn những chia rẽ giữa các cộng đồng: các Kitô hữu Tin Lành, các Kitô hữu Chính Thống, các Kitô hữu Công Giáo, tại sao chúng ta lại chia rẽ?  Chúng ta phải cố gắng để mang lại sự hiệp nhất.  Tôi sẽ nói với anh chị em một điều: ngày hôm nay, trước khi ra khỏi nhà, tôi đã dành trên dưới bốn mươi phút, hay nửa giờ, với một mục sư Tin Lành và chúng tôi đã cùng nhau cầu nguyện, và cố gắng tìm sự hiệp nhất.  Nhưng chúng ta phải cầu nguyện giữa chúng ta như những người Công giáo và cũng cầu nguyện với các Kitô hữu khác, cầu nguyện rằng Chúa sẽ ban cho chúng ta sự hiệp nhất, hiệp nhất giữa chúng ta.  Nhưng làm sao chúng ta đạt được sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu nếu chúng ta không thể đạt được sự hiệp nhất giữa chúng ta là những người Công giáo?  Có sự hiệp nhất trong gia đình chúng ta không? Biết bao nhiêu gia đình đang lục ục và chia rẽ!  Hãy tìm sự hiệp nhất, sự hiệp nhất làm thành Hội Thánh. Sự hiệp nhất đến từ Đức Giêsu Kitô.  Người sai Chúa Thánh Thần  xuống với chúng ta để tạo sự hiệp nhất.

Anh chị em thân mến chúng ta hãy cầu xin Chúa:  Xin giúp chúng con trở thành những chi thể của Thân Thể Hội Thánh luôn luôn kết hiệp mật thiết với Đức Kitô; xin giúp chúng con không làm cho Thân Thể Hội Thánh bị đau khổ vì những xung đột, chia rẽ và ích kỷ của chúng con; xin giúp chúng con thành những chi thể sống động liên kết với nhau bằng một sức lực duy nhất, là sức lục của tình yêu mà Chúa Thánh Thần đổ vào lòng chúng con (x. Rm 5:5).

BÀI GIÁO LÝ 11 VỀ KINH TIN KÍNH CỦA ĐTC PHANXICÔ:

HỘI THÁNH LÀ ĐỀN THỜ CỦA CHÚA THÁNH THẦN

“Hội Thánh không phải là một hỗn hợp của các sự vật và quyền lợi, nhưng là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần, Đền Thờ mà trong đó Thiên Chúa hoạt động, Đền Thờ mà trong đó mỗi người chúng ta, nhờ hồng ân của Bí Tích Thánh Tẩy, là một viên đá sống động.”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 26 tháng 6 năm 2013 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng trường Thánh Phêrô.  Người tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về kinh Tin Kính và Năm Đức Tin.  Hôm nay ĐTC nói về Hội Thánh là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần.”

* * *

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay tôi muốn đề cập cách vắn tắt đến một hình ảnh giúp chúng ta minh họa mầu nhiệm Hội Thánh: đó là hình ảnh Đền Thờ (x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 6).

Từ Đền Thờ làm cho chúng ta nghĩ đến gì?  Từ này làm cho chúng ta nghĩ đến một tòa nhà, một kiến trúc.  Nhiều người trong chúng ta liên tưởng đến lịch sử của dân Israel được kể trong Cựu Ước.  Tại Giêrusalem, Đền Thờ của vua Solomon đã là nơi gặp gỡ Thiên Chúa trong cầu nguyện; trong Đền Thờ có Hòm Bia Giao Ước, dấu chỉ của sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Ngài; và trong Hòm Bia có Bia Đá Lề Luật, mana và cây gậy của ông Aaron: một nhắc nhở đến sự kiện Thiên Chúa đã luôn luôn hiện diện trong lịch sử của dân Ngài, Ngài đã đồng hành với họ trong cuộc hành trình của họ, đã hướng dẫn các bước đi của họ.  Đền Thờ nhắc lại lịch sử này: chúng ta cũng thế, khi chúng ta đến Đền Thờ, chúng ta phải nhớ lịch sử này, lịch sử của mỗi người trong chúng ta, Chúa Giêsu đã gặp tôi thế nào, Chúa Giêsu đã bước đi với tôi ra sao, Chúa Giêsu yêu thương tôi và chúc lành cho tôi cách nào.

Ở đây, những gì đã được biểu hiện trước trong Đền Thờ xưa kia, được thực hiện, bởi quyền năng Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh: Hội Thánh là “Nhà của Thiên Chúa”, là nơi Ngài hiện diện, nơi chúng ta có thể tìm thấy và gặp gỡ Chúa; Hội Thánh là Đền Thờ nơi Chúa Thánh Thần, Đấng sinh động hóa, hướng dẫn và nâng đỡ Hội Thánh, cư ngụ.  Nếu chúng ta tự hỏi: Chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa ở đâu?  Chúng ta có thể bước vào sự hiệp thông với Ngài qua Đức Kitô ở nơi nào?  Chúng ta có thể tìm thấy ánh sáng của Chúa Thánh Thần soi chiếu cuộc đời chúng ta ở chỗ nào?  Câu trả lời là: nơi Dân Thiên Chúa, ở giữa chúng ta, là Hội Thánh.  Ở đây chúng ta sẽ gặp Chúa Giêsu, Chúa Thánh Thần và Chúa Cha.

Đền Thờ cổ được xây dựng bằng bàn tay con người: họ muốn “dâng một ngôi nhà” cho Thiên Chúa, để có một dấu chỉ hữu hình về sự hiện diện của Ngài giữa dân chúng.  Với việc nhập thể của Con Thiên Chúa, lời tiên tri của ngôn sứ Nathan với Vua David đã hoàn thành (x.  2 Sam 7,1-29): không phải là vua, hoặc chúng ta, là người “xây một ngôi nhà cho Thiên Chúa,” nhưng chính Thiên Chúa “xây nhà của Mình” để đến ở giữa chúng ta, như thánh Gioan viết trong Tin Mừng của ngài (x.  1:14).  Đức Kitô là Đền Thờ sống động của Chúa Cha, và chính Đức Kitô đã xây “ngôi nhà tinh thần” của Người, là Hội Thánh, không bằng đá thể lý, nhưng bằng những “viên đá sống động” là chúng ta.  Thánh Tông Đồ Phaolô nói với tín hữu Êphêsô rằng: anh em đang “được xây trên nền móng là các Tông Ðồ và các ngôn sứ, và chính Ðức Giêsu Kitô là đá tảng góc tường.  Trong Người, toàn thể công trình xây dựng nối kết với nhau và lớn lên thành ngôi Đền Thánh trong Chúa.  Trong Người cả anh em cũng được xây dựng cùng nhau thành nơi cư ngụ của Thiên Chúa nhờ Thần Khí.” (Ep 2:20-22).  Đây là một điều tuyệt mỹ!  Chúng ta là những viên đá sống động của Thiên Chúa, được kết hợp chặt chẽ với Đức Kitô, là đá góc tường nâng đỡ, và cũng là trụ cột ở giữa chúng ta.  Điều này có nghĩa gì?  Điều này có nghĩa là chúng ta là Đền Thờ, chúng ta là Hội Thánh sống động, Đền Thờ sống động và khi chúng ta tụ họp lại, thì Chúa Thánh Thần cũng ở giữa chúng ta, giúp chúng ta phát triển như Hội Thánh.  Chúng ta không bị cô lập, nhưng chúng ta là Dân Thiên Chúa: đây là Hội Thánh!

Và chính Chúa Thánh Thần với những hồng ân của Ngài, là Đấng thiết kế sự đa dạng.  Điều này thật quan trọng: Chúa Thánh Thần làm gì giữa chúng ta? Ngài thiết kế sự đa dạng này là sự phong phú trong Hội Thánh và Ngài kết hợp tất cả mọi sự và mọi người, để tạo thành một Đền Thờ thiêng liêng, trong đó chúng ta không dâng những của lễ hy sinh vật chất, nhưng dâng chính mình và cuộc đời chúng ta (x.  1 Pr 2:4-5).  Hội Thánh không phải là một hỗn hợp của các sự vật và quyền lợi, nhưng là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần, Đền Thờ mà trong đó Thiên Chúa hoạt động, Đền Thờ mà trong đó mỗi người chúng ta, nhờ hồng ân của Bí Tích Thánh Tẩy, là một viên đá sống động.  Điều này cho chúng ta thấy rằng không có ai là vô dụng trong Hội Thánh, và nếu tình cờ có một người nói với ai đó rằng: ‘Hãy về nhà đi, bạn thật vô dụng,” điều này thật không đúng, bởi vì không có ai là vô dụng trong Hội Thánh cả, tất cả chúng ta đều cần thiết để xây dựng Đền Thờ này!  Không có ai là thứ yếu cả.  Không có ai là quan trọng nhất trong Hội Thánh cả; chúng ta đều bình đẳng trước mắt Thiên Chúa.  Một số người trong anh chị em có thể nói: “Này, thưa Đức Thánh Cha, Ngài không ngang hàng với chúng con.”  Phải, tôi cũng như mỗi người trong anh chị em, chúng ta đều bình đẳng, chúng ta là anh em!  Không có ai là vô danh cả, tất cả chúng ta hợp thành và xây dựng Hội Thánh.  Điều này cũng mời gọi chúng ta suy nghĩ về sự kiện là nếu thiếu viên đá của đời sống Kitô hữu của chúng ta, thì vẻ đẹp của Hội Thánh cũng thiếu một cái gì đó.  Một số người nói: “Tôi không liên quan gì đến Hội Thánh cả,” nhưng như thế trong Đền Thờ xinh đẹp này thiếu mất một viên đá.  Không ai có thể bỏ đi được, tất cả chúng ta phải đem đến cho Hội Thánh cuộc sống của chúng ta, con tim của chúng ta, tình yêu của chúng ta, những tư tưởng của chúng ta và công việc của chúng ta, tất cả chúng ta hãy cùng nhau.

Như thế tôi muốn chúng ta tự hỏi: Chúng ta đang sống việc mình là Hội Thánh như thế nào? Chúng ta có phải là những viên đá sống động không, hay có thể nói rằng, chúng ta là những viên đá mệt mỏi, chán nản và thờ ơ?  Anh chị em có thấy một Kitô hữu mệt mỏi, chán nản và thờ ơ đáng buồn thế nào không?  Một Kitô hữu như thế không tốt, một Kitô hữu phải sống động, vui tươi vì là một Kitô hữu; người ấy phải sống vẻ đẹp này của việc được làm một phần tử của Dân Thiên Chúa là Hội Thánh.  Chúng ta có mở lòng ra với hoạt động của Chúa Thánh Thần để trở thành một phần tử tích cực trong cộng đồng của mình không, hay chúng ta đóng kín trong chính mình khi nói rằng: “Tôi có rất nhiều việc phải làm, đó không phải là  việc của tôi”?

Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng và sức mạnh của Ngài, ngõ hầu chúng ta có thể kết hợp chặt chẽ với Đức Kitô, Đấng là đá góc tường, là trụ cột, là tảng đá nâng đỡ cuộc đời chúng ta và toàn thể đời sống Hội Thánh.  Chúng ta hãy cầu xin để, được sinh động hóa bởi Chúa Thánh Thần, chúng ta luôn luôn là những viên đá sống động của Hội Thánh.

BÀI GIÁO LÝ 12 VỀ KINH TIN KÍNH CỦA ĐTC PHANXICÔ:

HỘI THÁNH LÀ MẸ CÁC KITÔ HỮU

“Tất cả chúng ta đều được mời gọi đóng góp trong việc sinh ra các Kitô hữu mới trong đức tin; chúng ta được mời gọi để thành những nhàgiáo dục đức tin, để loan báo Tin Mừng… . Tất cả chúng ta đều thông phần vào tình mẫu tử của Hội Thánh, để ánh sáng của Đức Kitô có thể chiếuđến tận cùng trái đất.”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 11 tháng 09 năm 2013  trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô.  Hôm nay ngài tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về  kinh Tin Kính và Năm Đức Tin và nói về Hội Thánh là Mẹ của các Kitô hữu.”

* * * 

Anh chị em thân mến, Chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta tiếp tục bài giáo lý về Hội Thánh trong “Năm Đức Tin”này.  Trong số những hình ảnh mà Công Đồng Vaticanô II đã chọn để giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản chất của Hội Thánh, có hình ảnh “người mẹ”: Hội Thánh là mẹ của chúng ta trong đức tin và đời sống siêu nhiên (x.  Hiến Chế Tín LýLumen Gentium, 6, 14, 15, 41, 42 ).  Và “một trong những hình ảnh được sử dụng bởi các Giáo Phụ của Hội Thánh trong những thế kỷ đầu và tôi nghĩ rằnghình ảnh này cũng có thể hữu dụng cho chúng ta.  Đối với tôi đó là một trong những hình ảnh đẹp nhất của Hội Thánh: Mẹ Hội Thánh! Hội Thánh là mẹ như thếnào và bằng cách nào? Chúng ta bắt đầu với thực tại nhân loại của việc làm mẹ:cái gì làm thành một người mẹ?

1.  Trước hết một người mẹ sinh ra sự sống, bà cưu mang con trong cung lòng mình trong vòng chín tháng và sau đó mở ra cho nó vào cuộc sống, sinh ra nó.  Hội Thánh cũng giống như thế vì sinh ra chúng ta trong đức tin, qua côngtrình của Chúa Thánh Thần là điều làm cho Hội Thánh sinh hoa trái, như Đức Trinh Nữ Maria.  Cà Hội Thánh lẫn Đức Trinh Nữ Maria đều là những người mẹ;những gì người ta có thể nói về Hội Thánh thì cũng có thể nói về Đức Mẹ vànhững gì người ta có thể nói về Đức Mẹ thì cũng có thể nói về Hội Thánh! Chắc chắn rằng đức tin là một hành động cá nhân: “Tôi tin”, tôi đáp trả cách cá nhânvới Thiên Chúa, Đấng mặc khải chính Mình và muốn thiết lập tình bằng hữu với tôi (x.  TĐ Lumen Fidei, số 39).  Nhưng tôi nhận được đức tin từ những người khác, trong một gia đình, trong một cộng đồng là cộng đồng dạy cho tôi nói “tôi tin”, “chúng tôi tin.” Một Kitô hữu không phải là một hòn đảo! Chúng ta khôngthành những Kitô hữu trong các phòng thí nghiệm, chúng ta không thể tự mình thành những Kitô hữu, bằng sức riêng của mình; đức tin là một món quà, là mộthồng ân của Thiên Chúa, được ban cho chúng ta trong Hội Thánh và qua Hội Thánh.  Và Hội Thánh ban cho chúng ta đời sống đức tin trong bí tích Rửa Tội: đó là lúc mà chúng ta được sinh ra làm con cái Thiên Chúa, là lúc chúng ta được ban cho sự sống của Thiên Chúa, Hội Thánh sinh ra chúng ta như một người mẹ.  Nếu anh chị em đến Giếng Rửa Tội của Đền Thờ Thánh Gioan Lateranô, là vương cung thánh đường của Đức Giáo Hoàng, bên trong có một dòng chữ Latinh đại khái nói lên điều này: “Ở đây sinh ra một dân thuộc dòng dõi của Thiên Chúa, được sinh ra bởi Chúa Thánh Thần là Đấng làm cho những nướcnày sinh hoa quả; Mẹ Hội Thánh sinh ra con cái của mình trong những làn sóngnày.”  Việc này giúp chúng ta hiểu một điều quan trọng: việc chúng ta thành phầntử của Hội Thánh không phải việc bề ngoài và hình thức, không phải là việc điền vào một thẻ mà người ta cung cấp cho chúng ta, nhưng là một hành động nội tâm và thiết yếu; người ta không thuộc về Hội Thánh như thuộc về một công ty,thuộc về một buổi dạ tiệc hoặc bất kỳ tổ chức nào khác.  Mối dây liên hệ này rấtthiết yếu, như một người con có với mẹ mình, bởi vì, như Thánh Augustinô nói: “Hội Thánh thực sự là mẹ của các Kitô hữu” (De moribus Ecclesiae, I,30,62-63;0 PL32, 1336).  Chúng ta hãy tự hỏi: Tôi coi Hội Thánh như thế nào? Nếu tôi biết ơn cha mẹ vì các ngài đã cho tôi sự sống, thì tôi cũng biết ơn Hội Thánh vìHội Thánh đã sinh ra tôi trong đức tin qua Bí Tích Rửa Tội?  Có bao nhiêu Kitô hữu nhớ ngày Rửa Tội của mình? Tôi muốn hỏi anh chị em ở đây câu hỏi này, nhưng tất cả mọi người hãy giữ câu trả lời trong lòng mình, có bao nhiêu người trong anh chị em nhớ ngày Rửa Tội của mình? Một số người giơ tay, nhưng có bao nhiêu người không nhớ?  Còn đối với Hội Thánh ngày Rửa Tội là ngày sinh của chúng ta, ngày mà Hội Thánh Mẹ chúng ta đã sinh ra chúng ta!  Và bây giờ tôi cho anh chị em một bài tập để làm ở nhà.  Khi anh chị trở về nhà hôm nay,hãy đi tìm kỹ xem ngày Rửa Tội của mình là ngày nào, để mừng nó, để cảm tạ Chúa vì hồng ân này.  Được không? Chúng ta có yêu Hội Thánh như một ngườiyêu mẹ mình, dù biết và hiểu những thiếu sót của mẹ không? Tất cả các bà mẹđều có những thiếu sót, tất cả chúng ta đều có những thiếu sót, nhưng khi chúng ta nói về những khuyết tật của mẹ mình, chúng ta che đậy chúng, chúng ta yêumẹ như thế.  Và Hội Thánh cũng có những nhược điểm của mình: chúng ta có yêu Hội Thánh như yêu một người mẹ; chúng ta có giúp Hội Thánh trở nên xinh đẹp hơn, xác thực hơn, theo Chúa không? Tôi để lại cho anh chị em những câu hỏi này, nhưng đừng quên nhiệm vụ: tìm kiếm ngày Rửa Tội của anh chị em để có nó trong tâm hồn và mừng nó.

2 Một người mẹ không những chỉ ban sự sống, nhưng với sự chăm sócchu đáo giúp con cái lớn lên, cho chúng sữa, nuôi chúng, dạy chúng cách sống, luôn luôn đồng hành với chúng bằng những quan tâm, bằng cảm tình và bằng tình yêu của mình, ngay cả khi chúng đã lớn.  Và trong việc này, mẹ cũng biết cách sửa lỗi, tha thứ, hiểu biết; biết cách gần gũi khi con bệnh tật, đau khổ.  Nói tóm lại, một người mẹ tốt giúp con cái đi ra ngoài chính mình, không tiếp tục ở lạicách thoải mái dưới đôi cánh từ mẫu, như một đàn gà con dưới đôi cánh gà mẹ.  Hội Thánh như một người mẹ hiền cũng làm như thế: Hội Thánh đồng hành với việc lớn lên của chúng ta qua việc truyền thụ Lời Chúa, là một ánh sáng soicho chúng ta thấy con đường của đời sống Kitô hữu, cùng qua việc cử hành cácBí Tích.  Hội Thánh nuôi dưỡng chúng ta bằng Bí Tích Thánh Thể, mang lại cho chúng ta ơn tha thứ của Thiên Chúa qua Bí Tích Hòa Giải, nâng đỡ chúng ta khibệnh tật bằng Bí Tích Xức Dầu Thánh.  Hội Thánh đồng hành với chúng ta trong suốt đời sống đức tin của chúng ta, trong suốt đời sống Kitô hữu của chúng ta. Như thế giờ đây chúng ta có thể tự hỏi mình vài câu hỏi khác: tôi có mối quan hệgì với Hội Thánh? Tôi có cảm thấy Hội Thánh giống như một người mẹ giúp tôilớn lên như một Kitô hữu không? Tôi có tham dự vào đời sống Hội Thánh không, tôi cảm thấy là một phần tử của Hội Thánh không? Liên hệ của tôi với Hội Thánhlà một mối liên hệ hình thức hoặc là mối liên hệ thiết yếu?

3.  Một tư tưởng ngắn thứ ba.  Trong những thế kỷ đầu của Hội Thánh, đây là một thực tại khá rõ ràng: trong khi Hội Thánh là Mẹ của các Kitô hữu, trong khiHội Thánh “tạo ra” các Kitô hữu, thì Hội Thánh cũng được “làm nên” bởi họ.  Hội Thánh không phải là một cái gì khác với chúng ta, nhưng được coi như toàn thểcác tín hữu, như “cái chúng tôi” của các Kitô hữu: tôi, anh chị em, chúng ta đều là phần tử của Hội Thánh.  Thánh Giêrônimô đã viết: “Hội Thánh của Đức Kitô không là gì khác ngoài các linh hồn của những người tin vào Đức Kitô” (Tract.,Tv 86: PL 26, 1084 ).  Do đó, tất cả chúng ta, các mục tử và tín hữu, đang sốngtrong tình mẫu tử của Hội Thánh.  Đôi khi, tôi nghe: “Tôi tin vào Thiên Chúa nhưng không tin vào Hội Thánh… Tôi nghe rằng Hội Thánh nói… các linh mục nói…”.  Nhưng các linh mục là một điều, còn Hội Thánh không chỉ được hình thành bởi các linh mục, tất cả chúng ta là Hội Thánh! Và nếu anh chị em nói rằnganh chị em tin vào Thiên Chúa và không tin vào Hội Thánh, thì anh chị em nói rằng anh chị em không tin vào chính mình, và điều này là một điều mâu thuẫn.  Hội Thánh là tất cả chúng ta: từ em bé mới được rửa tội lên cho đến các giám mục và Giáo Hoàng, và tất cả chúng ta đều bình đẳng trước mắt Thiên Chúa! Tất cả chúng ta đều được mời gọi đóng góp trong việc sinh ra các Kitô hữu mới trong đức tin; chúng ta được mời gọi để thành những nhà giáo dục đức tin, để loan báo Tin Mừng.  Mỗi người chúng ta nên tự hỏi là tôi phải làm gì để những người khác có thể thông phần vào đức tin Kitô giáo? Tôi đang sinh hoa quả trong đức tin của tôi hoặc đang đóng kín? Khi tôi lặp lại rằng tôi yêu một Hội Thánh không đóng kín trong nội vi của nó, nhưng có thể đi ra ngoài, di chuyển, ngay cả khi có một số rủi ro, để đem Đức Kitô đến mọi người, tôi nghĩ đến tất cả mọi người, nghĩ đến tôi, đến anh chị em, đến mọi Kitô hữu. Tất cả chúng ta đều thông phần vào tình mẫu tử của Hội Thánh, để ánh sáng của Đức Kitô có thể chiếu đến tận cùng trái đất.  Mẹ Thánh Hội Thánh muôn năm!

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ theo tiếng Ý và tiếng Anh.00000