Bài giảng Thánh lễ kỷ niệm hôn phối tại Nhà thờ Chí Hoà

1. Anh chị em rất quý mến,

Hôm nay chúng ta cử hành Thánh lễ Chúa Nhật XXIII thường niên. Theo ý muốn tốt lành của cha sở, giáo xứ Chí Hòa mừng kỷ niệm cho 142 đôi hôn phối, nhân dịp kết thúc năm tân Phúc Âm hóa gia đình. Xin Thiên Chúa chúc lành cho buổi cử hành của chúng ta. Hãy để cho ánh sáng Lời Chúa chiếu giọi trên Cộng đoàn phụng vụ và trên mỗi người chúng ta.

2. Lời Chúa trong thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Rôma dạy chúng ta “chớ mắc nợ nhau điều gì ngoài ra Tình thương mến”. Tình thương là món nợ không bao giờ trả hết: nợ tình, nợ nghĩa, nợ yêu thương là những món nợ được ghi đậm nét trong tâm hồn chúng ta; vì Thiên Chúa tạo dựng chúng ta theo hình ảnh của Ngài. Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4,8), ai yêu thương thì được sinh ra bởi Thiên Chúa và giống Thiên Chúa. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì không được sinh ra bởi Thiên Chúa, không giống Thiên Chúa. Ai không yêu thương thì giống “thần dữ”, gần với thần dữ, vì thần dữ không yêu mến ai bao giờ.

3. Chúng ta được mời gọi yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn, đồng thời được mời gọi yêu mến người khác như chính mình. Mọi người đều là anh chị em của chúng ta, con cùng Cha trên trời. Theo Phaolô, Yêu thương là chu toàn tất cả lề luật. Vậy thì có gì khó đâu, phải không anh chị em? Nhưng thực tế thì khác, mọi người chúng ta đều bị ma quỷ cám dỗ cách này hay cách khác! Đừng sợ chúng, vì chúng không làm gì được ta, nếu trong cuộc đời ta có Chúa, trong lòng ta có Chúa. Chúa Giêsu vẫn hiện diện ở giữa chúng ta, như lời Người hứa trong bài Phúc Âm Thánh Mátthêu: “Ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy” (Mt 18,20)Mà Chúa là nguồn vui của chúng ta, nên ở đâu có Chúa, ở đó có hạnh phúc, có thiên đàng.

4. Chúng ta không sợ thần dữ, nhưng vẫn phải cảnh giác, như lời Chúa dạy trong đoạn trích sách tiên tri Êdêkien: “Ta đã làm cho ngươi trở nên người lính canh” (Ed 33,7). Trong đời sống hôn nhân gia đình, có những lúc anh chị em bị cám dỗ hay thử thách dữ dội. Người chồng đôi lúc bị cám dỗ nặng nề, nhất là khi không còn nhận ra vẻ đẹp của vợ mình nữa, và gặp một người nữ khác hấp dẫn hơn. Người vợ cũng vậy, chứ không phải riêng gì người chồng. Chính vì thế mà Thánh Phaolô nhắc nhở “chớ ngoại tình”! (Rm 13,9) Cám dỗ khác, cũng mạnh không kém là cám dỗ về tiền bạc, của cải đời này. Của cải vật chất có sức mê hoặc lòng người rất lớn! Phaolô dạy “chớ mê tham” (Rm 13,9), vì tham lam tiền bạc quá đáng, sẽ làm đổ vỡ tình yêu, tan nát gia đình. Chúa Giêsu thường nhắc nhở các môn đệ: không ai có thể làm tôi hai chủ, nếu tôn thờ chủ này, thì phải coi thường chủ kia. Không thể nào vừa tôn thờ Thiên Chúa, vừa tôn thờ “tiền bạc”. Cám dỗ thứ ba trong đời sống gia đình, nhất là trong cuộc đời của những người trẻ, vì yếu đuối mà có những giây phút lỡ lầm, là cám dỗ giết thai nhi vô tội còn trong bụng mẹ, để bảo vệ danh dự của mình và gia đình. Thánh Phaolô dạy “chớ giết người”! (Rm 13,9)

5. Khi ngỏ lời với một số gia đình trẻ mới cưới, Đức Thánh Cha Phanxicô rất thực tế, ngài nói: “các con thật là can đảm, khi dấn thân lập gia đình! Thật là một dấn thân quý báu để làm chứng cho Thiên Chúa Tình Yêu. Người công giáo tin Thiên Chúa là Tình Yêu, nhưng ai có thể làm chứng cho chân lý vĩ đại và vĩnh hằng này, nếu không phải là những “gia đình công giáo đạo đức”. Những gia đình này có thể làm tỏa sáng Tình Yêu của Thiên Chúa trước mặt mọi người. Nhìn vào cuộc đời của một số ông bà, cha mẹ, anh chị em, con cháu; nhìn vào hạnh phúc của những đôi vợ chồng, người ta có thể nhận ra Tình Yêu của Thiên Chúa.

6. Nhưng nếu có ai, đang hiện diện, hoặc có bạn bè gặp khó khăn trắc trở trong đời sống gia đình, sống trong buồn phiền và thất vọng, xin đừng tuyệt vọng, và bảo họ đừng tuyệt vọng, nhưng hãy trông cậy vào Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Tình Yêu của Thiên Chúa khỏa lấp muôn vàn tội lỗi. “Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tràn Tình Yêu của Ngài vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Ngài đã ban cho ta” (Rm 5, 5).

7. Lòng thương xót đó, Chúa thể hiện trong lòng Giáo hội và qua Giáo hội: “những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gở dưới đất, thì trên tòi cũng tháo gỡ” (Mt 16,19). Chúa Thánh Thần vừa là Ngôi Vị Tình Yêu, vừa là Quà tặng của Chúa Kitô Phục Sinh cho Giáo hội, khi ngài hiện ra với các Tông đồ và trao sứ vụ Cứu Thế của Người cho họ: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy sai anh em… Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20, 21-22). Chúa Thánh Thần cũng chính là “Ơn Cứu Độ”, “Ơn Tha tội” của Thiên Chúa, là Tình Yêu và là Niềm Vui trong lòng Thiên Chúa.

Nhà thờ Chí Hoà, thứ Bảy ngày 06.09.2014

Phaolô BÙI VĂN ĐỌC
Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn