Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Thưa cha, con không bao giờ phụ giúp Thánh lễ mà chỉ mặc áo chùng trắng (alb) và dây Stola (stole). Con nhấn mạnh đến việc con mặc lễ phục bình thường dành cho phó tế, là áo lễ Phó tế (dalmatic) của con. Trong nghi thức cho Rước lễ, con có nên hay không nên mặc áo lễ Phó tế? Liệu lễ phục này này là chỉ dành riêng trong trường hợp bí tích thôi sao, chẳng hạn bí tích Thánh thể? Ngoài ra, liệu một phó tế có thể mặc áo lễ Phó tế khi cử hành phép Rửa tội hoặc chủ sự ban phép hôn phối không? – J. M., Tampa, Florida, Mỹ.
Đáp: Bộ lễ phục thích hợp cho một phó tế trong Thánh Lễ là một áo chùng trắng (với một khăn vai ‘amice’ nếu cần thiết), dây thắt lưng (cincture), dây Stola mang chéo, và áo lễ Phó tế. Dây Stola và áo lễ Phó tế cần cùng màu với phụng vụ ngày đó.
Áo lễ Phó tế là một áo dài tới đầu gối, có tay. Nó phát sinh đầu tiên ở Dalmatia (vì thế có tên là dalmatic), tức nước Croatia ngày nay, và đã được nhập khẩu vào Rôma trong thế kỷ thứ hai.
Lúc đầu áo lễ Phó tế, là dài tới gót chân, và rộng hơn áo hiện nay, nhưng không được đón nhận tốt, vì có vẻ thích hợp với phái nữ hơn. Tuy nhiên sau đó, nó dần trở nên phổ biến nơi các thượng nghị sĩ Rôma và quan chức Đế quốc, như là áo thay thế cho áo choàng rộng (toga), và thậm chí được được sử dụng như là lễ phục riêng cho lễ đăng quang của hoàng đế.
Từ đó, áo đã trở thành một lễ phục riêng cho Giáo Hoàng và các Giám mục. Cuối cùng nó đã được giới thiệu bởi Giáo Hoàng Sylvester I như là một Lễ phục cho các phó tế ở Rôma, trong thế kỷ IV, và dần dần trở thành lễ phục riêng cho các phó tế. Trong một thời gian, đặc biệt là từ thế kỷ IX đến thế kỷ XIV, Giám mục và thậm chí các linh mục đôi khi mặc áo lễ Phó tế dưới áo lễ ngoài (chasuble). Việc sử dụng này vẫn tồn tại ngày nay, nhưng chỉ dành cho Giám mục, khi các ngài có thể mặc áo lễ Phó tế nhẹ bên dưới áo lễ ngoài, trong các cuộc lễ long trọng, đặc biệt là thánh lễ truyền chức thánh.
Theo sự thực hành hiện nay, linh mục cử hành thánh lễ theo hình thức bình thường không bao giờ sử dụng áo lễ Phó tế. Trong hình thức ngoại thường, có một số buổi lễ trọng thể mà trong đó một linh mục thay thế một phó tế và mặc áo lễ Phó tế cho phù hợp. Tương tự như vậy, trong các dịp lễ đặc biệt, Hồng Y phó tế phụ giúp Giáo hoàng cũng mặc lễ phục Phó tế.
Về việc sử dụng quen thuộc, chúng tôi có thể nói rằng áo lễ Phó tế là dành cho phó tế, cũng như áo lễ ngoài là dành cho linh mục. Vì vậy, trong đa số trường hợp, phó tế sẽ sử dụng áo lễ Phó tế, khi các linh mục sử dụng áo lễ ngoài.
Một ngoại lệ cho quy tắc này là khi một phó tế hộ tống một Giám mục hoặc linh mục mặc áo chòang (cope) trong một buổi đọc Các Giờ Kinh Phụng vụ hoặc chầu Thánh Thể.
Như tôi có thể xác định, không có tình huống nghi lễ nào, mà trong đó một phó tế sử dụng áo lễ Phó tế riêng cho mình. Hình như rằng phó tế chỉ mang áo lễ Phó tế khi thực hiện chức năng hộ tống một Giám mục hoặc linh mục mà thôi.
Vì vậy, cũng giống như một linh mục không sử dụng áo lễ ngoài trong nghi thức cho Rước lễ, phó tế cũng không sử dụng áo lễ Phó tế như vậy. Điều này cũng có thể được nói cho các cử hành bí tích và á bí tích khác, chẳng hạn như việc an táng, ngoài Thánh lễ.
Lễ phục thích hợp cho các buổi lễ, như rửa tội, lễ cưới, lễ an táng và các dịp tương tự ngoài thánh lễ, là áo chùng trắng (hoặc áo các phép ‘surplice’ bên ngoài áo Dòng), dây Stola, và áo choàng với màu phụng vụ thích hợp. Trong hầu hết trường hợp, màu sắc thích hợp sẽ là màu trắng, mặc dù màu tím có thể được sử dụng cho lễ an táng. Các lễ phục này thể được sử dụng bởi cả linh mục và phó tế, với sự khác biệt duy nhất là phó tế mang chéo dây Stola. (Zenit.org 23-9-2014)
Nguyễn Trọng Đa
Nguồn: Vietcatholic News
Thiên thần Bản mệnh
Các thiên thần được đề cập hơn 300 lần trong Kinh Thánh, nhưng nhiều người vẫn biết ít về các thiên thần. Thiên thần luôn ở bên chúng ta mà lại bị chúng ta “quên” hoặc “làm ngơ”, đó là Thiên thần Bản mệnh (TTBM), cũng gọi là Thiên thần Hộ thủ – lễ ngày 2 tháng Mười.
Các thiên thần là các “đặc phái viên” (God’s emissaries) của Thiên Chúa, luôn ở bên chúng ta, mọi nơi và mọi lúc, để canh chừng chúng ta, bảo vệ chúng ta, chiến đấu thay chúng ta.
Năm 1985, sau khi chị thị kiến TTBM, chị Vassula Ryden đã viết một cuốn sách về TTBM, cuốn “Heaven is Real, But So is Hell” (Thiên Đàng Có Thật, mà Hỏa Ngục cũng Có Thật), phát hành ngày 16-3-2013, thuộc loại “bestseller” (bán chạy như tôm tươi). Chị đã chia sẻ với hàng triệu người tại 80 quốc gia. Sách của chị được dịch ra 40 thứ tiếng. Trang Facebook của chị là “Jesus Is Returning” (Chúa Giêsu sẽ trở lại) đã có hơn 1 triệu lượt ghé thăm, trang Twitter của chị được hơn 200.000 lượt ghé thăm.
Đây là 9 điều chị chia sẻ về các thiên thần:
1. Thần tốt nhiều hơn thần xấu – Đạo binh thiên thần tốt lành của Thiên Chúa nhiều hơn hẳn về quân số và mạnh hơn hẳn so với tà binh. Ma quỷ tức giận vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta và nên chúng tìm mọi cách để hủy hoại chúng ta. Tuy nhiên, chúng phải chịu “bó tay”.
2. Thiên thần nguyện giúp cầu thay – Vũ khí lợi hại nhất mà chúng ta phải sử dụng trong cuộc chiến tâm linh là cầu nguyện. Chúng ta may mắn vì TTBM luôn cầu thay nguyện giúp cho mỗi chúng ta. TTBM cầu nguyện cho chúng ta thay lòng đổi dạ và biết trở về với Thiên Chúa, giải hòa với Ngài sau khi chúng ta “nổi loạn”.
3. TTBM luôn cận kề – TTBM giống như “lính gác”, không bao giờ rời xa chúng ta. Dù chúng ta đi đâu hoặc làm gì, TTBM vẫn theo dõi, đồng thời TTBM cũng vẫn luôn hiện diện trước Tôn Nhan Thiên Chúa.
4. Thế giới tâm linh bao quanh chúng ta – Xung quanh chúng ta có cả thiên thần và ma quỷ, ảnh hưởng mọi lúc trong cuộc đời chúng ta.
5. Cuộc chiến rất dữ dội – Có những cuộc chiến tâm linh xảy ra trong cuộc đời chúng ta, chính chúng ta vẫn tham chiến dù chúng ta có ý thức hay không.
6. Không phải các thiên thần đều tốt – Các thiên thần sa ngã là ma quỷ. Luxiphe và các ác thần bị Tổng lãnh Thiên thần Micae và các thần lành xua đuổi vì đã dám phản nghịch chống lại Thiên Chúa. Ma quỷ luôn tìm các cám dỗ và hủy diệt con cái của Thiên Chúa, chúng ngăn cản để Ý Chúa không được thực hiện trên thế gian này.
7. Thiên thần bảo vệ chúng ta – Thiên thần bản mệnh bảo vệ chúng ta khỏi sự ác. Một đêm nọ, chị Ryden thấy con rắn (ma quỷ) muốn hại chị. TTBM liền triệt hạ con rắn.
8. Thiên thần muốn tốt cho chúng ta – Khi TTBM đến thăm chị Ryden, ngài cho chị biết tình trạng tội lỗi của chị. Chị cảm thấy hổ thẹn lắm. Chị buộc phải nhìn vào nội tâm và thấy những gì Thiên Chúa cũng thấy. TTBM an ủi chị, muốn chị trở về với Thiên Chúa, và TTBM cho biết sẽ cầu xin Chúa cho chị.
9. Thiên thần và ma quỷ cùng hiện hữu – Một trong các mưu mô thâm độc nhất của ma quỷ là giả vờ như không hiện hữu. Nhiều người không muốn nhắc tới ma quỷ, nhưng ma quỷ là có thật, chúng có thể ảnh hưởng tới chúng ta.
Lòng sùng kính các Thiên thần Bản mệnh bắt đầu phát triển từ khi bắt đầu có truyền thống tu trì. Thánh Bênêđictô thúc đẩy việc này cùng với Bernard Clairvaux, nhà cải cách hồi thế kỷ XII và nhà hùng biện về Thiên thần Bản mệnh. Lòng sùng kính các thiên thần có từ hồi đó.
Lễ kính các Thiên thần Bản mệnh được cử hành lần đầu hồi thế kỷ XVI. Năm 1615, ĐGH Phaolô V thêm lễ này vào lịch Công giáo Roma.
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ)