Theo Vatican- Trong buổi tiếp kiến chiều qua, 19.9 với Hội đồng Tòa Thánh về Tân Phúc Âm hóa. Một lần nữa, ĐTC nhắc lại rằng Giáo Hội như một “bệnh viện dã chiến” mà ở đó dân Chúa đang bị thương và cần chúng ta có mặt bên cạnh họ.
“Đối mặt với rất nhiều vấn đề mục vụ và những nhu cầu của con người, chúng ta có nguy cơ sợ hãi, trở nên khép kín, chỉ còn lo bảo vệ bản thân mình. Đây là một cám dỗ nơi chính hàng giáo sĩ khi biến đức tin thành những quy tắc và chỉ dẫn …”.
Chiều hôm qua 19.9, Đức Thánh Cha tham dự khóa họp của Thượng Hội Đồng tại đại thính đường Phaolô VI để bàn về tông huấn,” Evangelii Gaudium” trong bối cảnh trước khi diễn ra khóa họp Ngoại Thường của Thượng Hội Đồng Tòa Thánh về Gia đình.
Mặc dù Đức Thánh Cha không nói trực tiếp nhưng ngài dùng lại hình ảnh Giáo Hội như một “bệnh viện dã chiến”, hiện diện ngay bên cạnh để chăm sóc các thương tích cho “dân Thiên Chúa”.
Đức Thánh Cha dựa vào Tin Mừng Mátthêu để gợi ý gúp suy tư, ngài nói rằng “khi Chúa Giêsu thấy đám đông dân chúng thì Ngài chạnh lòng thương vì họ lầm than như bầy chiên không người chăn dắt.” Hôm nay bên lề của xã hội còn rất nhiều nhiều người đang mệt mỏi, chán nản và đang mong đợi nơi Giáo Hội. Làm thế nào để chúng ta tiếp cận được họ? Chúng ta phải chia sẻ kinh nghiệm đức tin cho họ như thế nào? Chúng ta phải nói cho họ về tình yêu của Thiên Chúa và cuộc gặp gỡ với Ngài ra sao đây? Đó là trách nhiệm của Giáo hội và là công việc mục vụ của chúng ta.” “Còn biết bao nhiêu người nghèo đói, cô đơn mà chúng ta bắt gặp trong thế giới ngày nay! Còn biết bao nhiêu người đang đau khổ và nài xin Giáo hội đứng gần bên họ, để thể hiện lòng thương xót và sự hiệp nhất của Chúa cho họ.
Nhiệm vụ đặc biệt này nhắm đến những người có trách nhiệm chăm sóc mục vụ, đó là các: giám mục trong các giáo phận, linh mục quản xứ, phó tế đang làm công việc bác ái, giáo lý viên dạy giáo lý… Có rất nhiều người đang làm công tác chăm sóc mục vụ trong các lĩnh vực khác nhau đều được kêu gọi để nhận ra các dấu chỉ thời đại và đáp lại bằng lòng quảng đại và sự khôn ngoan.
Các giám mục đang lắng nghe bài huấn từ
Đối mặt với tất cả vấn đề trước mặt của con người ngày nay, chúng ta có khuynh hướng sợ hãi và đối phó bằng việc co cụm và tự bảo vệ mình. Điều này xảy ra khi chúng ta bị cám dỗ của thói giáo sĩ trị, biến đức tin thành những quy tắc và chỉ dẫn. Lúc ấy, chúng ta như các Luật sĩ, Biệt Phái thời Chúa Giêsu. Tất cả mọi thứ được hoạch định cách rõ ràng và lập nên một cấu trúc mục vụ với mô hình có sẵn trong đầu, nhưng người tín hữu thì lại ước ao tìm gặp Thiên Chúa.
Như tôi đã từng nói Giáo Hội được ví như một bệnh viện dã chiến mà ở đó la liệt những người đang thương vong cần sự trợ giúp gần gũi ngay bên cạnh. Họ đang kêu van, nài xin chúng ta thể hiện như chính Chúa Giêsu, đó là: sự gần gũi và băng bó.
Nếu chúng ta hành xử giống như các Luật Sĩ và Biệt Phái, chúng ta sẽ không bao giờ làm chứng về sự gần gũi này. Lần đầu tiên ĐTC đã dùng từ “bệnh viện dã chiến” để nói về Giáo Hội đó là trong cuộc phỏng cho tạp chí La Civiltà Cattolica của Dòng Tên.
Liên hệ với một đoạn Tin Mừng khác, bằng sự hài hước Đức Thánh Cha nói rằng ông chủ vườn nho đã đi ra vào tất cả các thời điểm trong ngày để tìm kiếm thợ làm vườn: “Ông ta không hề ra ngoài một lần. Trong dụ ngôn mà Chúa Giêsu kể, ông chủ vườn nho đã đi ra ngoài ít nhất năm lần: lúc sáng sớm, lúc chín giờ, vào buổi trưa, ba giờ và năm giờ chiều …”
ĐTC xem đồng hồ, và điểm đúng 4:30 pm, ngài cười và nói: “Chúng ta vẫn còn thời gian trước khi Ông chủ đến với chúng ta …” Bằng âm điệu nghiêm trọng ĐTC nói: “Hãy nghĩ đến những người sau cùng: không có ai gọi họ; họ không có gì để đem về nuôi sống gia đình ở nhà. Những ai có trách nhiệm chăm sóc mục vụ hãy lấy cảm hứng từ câu chuyện dụ ngôn này.”
Đức Thánh Cha cảnh giác một nguy cơ cuối cùng rằng: “Chúng ta đừng chạy theo những âm thanh quyến rũ mời mọc chúng ta từ bỏ những sáng kiến mục vụ, không tập trung vào các yếu tố cần thiết trong việc loan báo Tin Mừng. Có vẻ đôi khi chúng ta đang quan tâm nhiều hơn đến việc giới thiệu các sáng kiến mà không tập trung vào việc đưa người ta đến gặp gỡ với Thiên Chúa. Bất kỳ sáng kiến mục vụ nào thiếu tập trung vào điều này đều trở nên vô nghĩa.”
ĐTC nói tiếp trong việc loan báo Tin Mừng “lòng kiên nhẫn và sự kiên trì” là những tính chất cần thiết. “Chúng ta không có chiếc đũa thần để giải quyết tất cả các vấn đề mục vụ. Nhưng chúng ta có niềm tin vào Chúa, Đấng đồng hành trong tất cả mọi nỗ lực của chúng ta. Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta.” “Chúng ta hãy đi ra và làm chứng. Làm chứng là điểm khởi đầu của cuộc truyền giáo. Nó trực tiếp đụng chạm vào tâm hồn người ta và biến đổi họ. Không trở nên chứng nhân chúng ta không làm được gì.”
Kết thúc bài huấn từ, ĐTC gởi lời cảm ơn đến tất cả mọi người hiện diện: “Tôi ban phúc lành của tôi đến anh em và xin anh em đừng quên cầu nguyện cho tôi … xin cho tôi được trở nên là chứng nhân cho đời Kitô hữu!” Một tràng pháo tay vang dội.
Tổng Giám mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Tân Phúc Âm hóa, đại diện gởi lời cảm ơn Đức Thánh Cha và Tông Huấn của ngài “Evangelii Gaudium” (Niềm vui Tin Mừng).
Hoàng Minh