Làm chứng cho Chúa bằng yêu thương nhau, đó là một niềm vui lớn lao. Được như vậy, trước hết là nhờ ơn Chúa, sau đó cũng phải nhờ đến cộng đoàn.
1.
Khi được Tòa Thánh bổ nhiệm làm giám mục phó Giáo Phận Long Xuyên tháng 4 năm 1975, tôi đã chọn cho mình khẩu hiệu “Điều răn mới”. Điều răn mới là một Lời Chúa, trích từ câu Chúa phán trong buổi tiệc ly: “Thầy ban cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy yêu thương các con” (Ga 13, 34).
Từ đó, yêu thương trở thành tiếng Chúa gọi, gây thao thức trong suốt hành trình mục vụ, truyền giáo và tu đức của tôi.
2.
Ngay những ngày đầu cuộc đời giám mục, Chúa Giêsu đã đến với tôi, để dạy tôi yêu thương như Người đã yêu thương. Yêu thương đó đòi phải cụ thể và quảng đại.
Cụ thể là ưu tiên để ý đến những người đau khổ xác hồn.
Quảng đại là cho đi, bằng sự đồng cảm sâu sắc chân thành, bằng hy sinh, cầu nguyện và chia sẻ.
Tôi đã cố gắng thực hiện như vậy.
Nhờ vậy, mà tôi có cảm tưởng là đã thực hiện được phần nào nhiệm vụ làm chứng cho Chúa. Đúng như Lời Chúa phán: “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là các con có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35).
3.
Làm chứng cho Chúa bằng yêu thương nhau, đó là một niềm vui lớn lao. Được như vậy, trước hết là nhờ ơn Chúa, sau đó cũng phải nhờ đến cộng đoàn. Cộng đoàn được hiểu theo nghĩa rộng. Về cộng đoàn, tôi thấy thế này:
4.
Nhiều năm trước đây xem ra cộng đoàn làm chứng cho Chúa bằng yêu thương nhau hơn cộng đoàn hiện nay. Ngay gia đình là một loại cộng đoàn rất nhỏ, thế mà hiện nay số gia đình làm chứng cho Chúa bằng yêu thương nhau đâu còn nhiều. Thậm chí nhiều cộng đoàn những người đi tu cũng là một thứ gia đình, làm chứng cho Chúa, nay đâu còn bằng yêu thương nhau một cách dễ dàng như xưa nữa đâu. Thiết tưởng thực tế đau buồn đó cũng khiến chúng ta phải nhận ra điều này: Khủng hoảng lớn hiện nay cho Hội Thánh không phải chỉ về đức tin, mà cũng về yêu thương một cách trầm trọng.
5.
Cần nhận ra sự thực đó, để có những việc làm chân thật về sám hối, về mục vụ và về truyền giáo. Nếu không, sẽ là lừa dối mình và lừa dối kẻ khác.
6.
Sẽ là lừa dối, nếu tôi quả quyết yêu thương là việc dễ. Bởi vì yêu thương đích thực bao giờ cũng đòi phải hy sinh. Tình yêu không hy sinh là tình yêu giả. Hy sinh không tình yêu là là hy sinh thừa. Nhưng hy sinh đâu là chuyện dễ.
7.
Sẽ là lừa dối, nếu tôi quả quyết yêu như Chúa yêu là việc dễ. Bởi vì Chúa Giêsu khi yêu chúng ta, đã hy sinh chính mạng sống mình. Người chịu rất nhiều đau đớn. Còn Đức Mẹ, thì khi yêu thương Chúa và loài người, đã như bị lưỡi đòng đâm thâu qua trái tim (Lc 2, 45).
Riêng tôi, xin thú thực là, để yêu như Chúa và Mẹ đã yêu, tôi phải phấn đấu rất nhiều.
8.
Cũng rất may là hiện nay đang xuất hiện những chứng nhân mới, làm chứng cho Chúa bằng yêu thương một cách mạnh mẽ lạ lùng. Họ là những cộng đoàn, họ là những cá nhân. Tôi đang thấy họ là những dấu chỉ, mà Chúa Thánh Thần đào tạo nên, để được sai vào Hội Thánh tại Việt Nam. Họ đang hiện diện một cách âm thầm, mà lại tỏa sang.
9.
Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, những cá nhân và những cộng đoàn đang làm chứng cho Chúa bằng yêu thương nhau, đã đánh thức lương tâm tôi.
Tôi nhận ra rằng: Thực sự tôi đã cố gắng làm chứng cho Chúa bằng yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương. Nhưng tôi cũng phải thú nhận rằng: Nhiều khi tôi đã làm chứng không đúng, không đủ. Tôi sám hối về mọi lỗi lầm trong bổn phận làm chứng Chúa bằng yêu thương.
10.
Để sám hối, tôi thường cầu nguyện theo Thánh vịnh 50(51) của vua Đavid. Xin trích những đoạn mà tôi hay dừng lại lâu:
“Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm.
Xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy…
Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy.
Xin đừng lỡ đuổi con, không cho gần Nhân Thánh, Đừng cất khỏi lòng con Thần Khí Thánh của Ngài.
Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con”.
11.
Điều mà Thánh vịnh sám hối đã nhiều lần giúp tôi được vui, đó là tin, dù tôi yếu đuối, Chúa vẫn có quyền và lòng thương xót đổi tôi ra mới. Nhìn về quá khứ, tôi tin Chúa thứ tha, nhìn về tương lai, tôi tin Chúa đỡ nâng và cứu độ tôi.
Sám hối, như trên đây, đang giúp tôi lạc quan trên đường làm chứng cho Chúa bằng yêu thương.
12.
Một điều khác cũng đang giúp tôi lạc quan, để có những sáng kiến làm chứng cho Chúa bằng yêu thương. Điều đó là thế này:
Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ của Người rằng: “Các con gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm. Vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho các con, để các con cũng làm như Thầy đã làm cho các con” (Ga 13, 13-15).
13.
Hiện nay, trong một số cộng đoàn những người tin theo Chúa, đang thực hiện Lời Chúa dạy trên đây. Họ yêu thương nhau, đến nỗi rửa chân cho nhau, nghĩa là họ có những sáng kiến rửa những lỗi lầm, những mặc cảm, những vết thương lòng của nhau bằng tình thương khiêm tốn tế nhị. Họ rất nhiệt thành lo cứu các linh hồn.
14.
Những người làm như thế đang còn là một thiểu số nhỏ, nhưng số nhỏ đó đang giới thiệu về những người tin theo Chúa nay vẫn có nhiều khả năng làm chứng cho Chúa bằng yêu thương.
Điều quan trọng đặt ra cho chúng ta là, chúng ta có đón nhận những giới thiệu đó không?
15.
Riêng tôi, tôi đã nhận được nhiều gương sáng, được chính Đức Mẹ Maria giới thiệu về cách làm chứng cho Chúa bằng yêu thương. Tôi không thể kể ra hết được. Qua đó, tôi tin việc Chúa Thánh Thần đang làm trong Hội Thánh là vô cùng lớn lao, và rất bất ngờ.
Sự chúng ta biết được chỉ là một phần rất nhỏ. Về vấn đề làm chứng cho Chúa bằng yêu thương, chúng ta cần khiêm tốn, rất khiêm tốn, luôn luôn khiêm tốn.
Long Xuyên, ngày 07.10.2017
+ Gm. G.B. Bùi Tuần