Cùng thời gian, chính quyền Trung Quốc thông báo chương trình hành động thứ 3 về nhân quyền trong giai đoạn 2016-2020
Cho đến nay đã có hơn 22.000 người ký tên trong cuộc vận động
xin chữ ký kêu gọi trả tự do cho Đức Giám mục thuộc Giáo hội bí
mật Peter Shao Zhumin của Ôn Châu. Ảnh: citizengo.org
Hơn 22.000 người đã ký tên vào danh sách online yêu cầu chính quyền Trung Quốc trả tự do cho vị giám mục được Vatican chấp thuận, bị bắt đi đến một trong các tỉnh vùng sâu vùng xa của Trung Quốc.
Cuộc vận động xin chữ ký yêu cầu trả tự do cho Đức Giám mục thuộc Giáo hội bí mật Peter Shao Zhumin, trình bày bằng 7 thứ tiếng trên website CitizenGo, được gửi đến các đại sứ Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu.
Chính quyền Trung Quốc đã “tạm giữ và đưa” Đức cha Shao “đi khỏi giáo phận của ngài”, theo tờ đơn, ngoài ra chính quyền làm như thế là để ngăn không cho ngài “nhậm chức tân giám mục (và giám quản chính thức) của Chiết Giang (Ôn Châu)”.
Tờ đơn còn nói thêm chính quyền cần nghiêm túc xem xét lập trường của mình về quyền tự do tôn giáo vốn được công nhận trong “thế giới phát triển” về nhân quyền. Trả tự do và phục chức cho Đức cha Shao là một khởi đầu tốt.
Đức cha Shao không được chính quyền Trung Quốc hay Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc do nhà nước kiểm soát công nhận.
Một nguồn tin Giáo hội nặc danh từ Ôn Châu cho ucanews.com biết cuộc vận động xin chữ ký này cần thiết vì “nó gây áp lực, ảnh hưởng đến việc chính quyền quyết định đối phó giám mục của chúng tôi”.
Nguồn tin còn cho biết không có thông tin rõ ràng về thời gian Đức cha Shao trở về.
Lúc đầu chính quyền Trung Quốc bắt Đức cha Shao đi khỏi giáo phận để ngăn không cho ngài chủ tế lễ tang cho vị tiền nhiệm là Đức Giám mục Zhu Weifang, qua đời ngày 7-9, vì điều này thể hiện ngài là người kế nhiệm.
Đức cha Shao được phép trở về sau lễ tang hôm 13-9. Nhưng ngài lại bị bắt đến Thanh Hải thuộc miền tây bắc Trung Quốc do Đức Giám mục Anthony Xu Jiwei, người được cả hai bên công nhận và trông coi cộng đoàn công khai trong giáo phận Taizhou gần đó, qua đời ngày 25-9.
Đức cha Shao được Vatican giao trông coi cộng đoàn bí mật ở Taizhou từ năm 2011. Mọi người đều biết lần thứ hai ngài bị ép buộc đi khỏi giáo phận là để ngăn không cho ngài chủ tế Thánh lễ an táng cho Đức cha Xu.
Tình hình làm tăng thêm căng thẳng giữa Vatican và Bắc Kinh ngay cả khi hai bên tiếp tục đàm phán nhằm nỗ lực hài hòa việc bổ nhiệm giám mục vốn được nối lại năm 2014 sau khi tất cả các mối quan hệ bị đóng băng trong vài thập niên.
‘Chương trình hành động’ về nhân quyền
Cuộc vận động diễn ra vào lúc Trung Quốc phát hành chương trình hành động lần 3 về nhân quyền trong giai đoạn 2016-2020 vào ngày 29-9, tuyên bố mục đích của chương trình hành động là tôn trọng, bảo vệ và đẩy mạnh nhân quyền.
“Chương trình hành động chỉ trên giấy tờ. Vấn đề là nó sẽ được thực hiện như thế nào”, Patrick Poon Kar-wai, nhà nghiên cứu Trung Quốc tại tổ chức Ân xá Quốc tế, phát biểu với ucanews.com.
“Trong năm vừa qua có nhiều mục sư Tin lành bị mưu hại và bị kết án vì phản đối chiến dịch tháo dỡ thánh giá. Việc hành đạo của các Phật tử Tây Tạng và người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ vẫn còn bị hạn chế rất lớn. Tôi nghĩ tự do tôn giáo hầu như sẽ không được cải thiện cách cụ thể”, ông nói.
Kitô hữu Trung Quốc, đặc biệt là tín đồ các giáo hội không đồng ý bị chính quyền kiểm soát thường bị dùng các biện pháp ngoại tụng bao gồm bị giam giữ dài hạn và ép buộc mất tích.
“Chính quyền Trung Quốc sẽ tăng cường siết chặt các quyền công dân, bao gồm tự do tôn giáo, trong vài năm tới để củng cố chế độ”, Poon nói.
(UCAN 06.10.2016)