Ý Nghĩa Kinh Truyền Tin

Trong Tông huấn về lòng sùng kính Ðức Trinh Nữ Maria (Marialis Cultus, 41), Ðức Phaolô VI ân cần khuyên nhủ giữ mỹ tục đọc kinh Truyền tin hằng ngày ba lần: sáng, trưa, và tối. Kinh Truyền tin là kinh rất quen thuộc mà giáo dân Việt nam vẫn thường đọc:

angelus.jpgXướng: Ðức Chúa Trời sai thánh thiên thần truyền tin cho Rất Thánh Ðức Bà Maria.

Ðáp:  Và Rất Thánh Ðức Bà chịu thai bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần.

Ðọc chung: Kính mừng Maria… Thánh Maria…

Xướng: Này tôi là tôi tá Ðức Chúa Trời.

Đáp: Tôi xin vâng như lời thánh thiên thần truyền.

Ðọc chung: Kính mừng Maria… Thánh Maria…

Xướng: Chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người.

Đáp: Và ở cùng chúng con.Ðọc chung: Kính mừng Maria… Thánh Maria…

Xướng: Lạy Rất Thánh Ðức Mẹ Chúa Trời, xin cầu cho chúng con

Đáp: Ðáng chịu lấy những sự Chúa Kitô đã hứa.

Lời nguyện: Lạy Chúa, chúng con xin Chúa ban ơn xuống trong linh hồn chúng con là kẻ đã nhờ lời thánh thiên thần truyền, mà biết thật Chúa Kitô là Con Chúa đã xuống thế làm người, thì xin vì công ơn Chúa chịu nạn chịu chết trên cây thánh giá, cho chúng con ngày sau khi sống lại được đến nơi vinh hiển, cùng vì công nghiệp Chúa Kitô là Chúa chúng con. Amen. (Lời nguyện này là kinh nguyện Nhập lễ Chúa nhật IV mùa Vọng).

Lịch sử kinh Truyền tin
 

Nội dung kinh Truyền tin diễn tả biến cố thiên sứ Gabriel truyền tin cho Ðức Trinh Nữ Maria chịu thai Ngôi Lời nhập thể. Còn bản kinh hiện nay và thời giờ đọc đã được diễn tiến từ thế kỷ XIII. Thoạt tiên, Ðức Grêgoriô truyền dạy đánh chuông buổi chiều cầu cho các nghĩa binh thánh giá. Năm 1269, Thánh Bonaventura dạy các tu sĩ khuyến khích giáo dân đọc kinh Kính mừng chào kính Ðức Mẹ sau kinh đêm và đánh chuông để tưởng niệm mầu nhiệm Nhập Thể. Thời đó, tu sĩ Bonvesin Riva (1260-1315) truyền bá việc đánh chuông đọc kinh Kính mừng buổi chiều cho các giáo xứ thành phố Milan và các vùng phụ cận. Dần dần mỹ tục này được truyền bá khắp các miền Kitô giáo. Ngày 13 tháng 10 năm 1318, Ðức Gioan XXII chuẩn nhận mỹ tục đọc kinh Kính mừng vào buổi tối, và ngày mồng 7 tháng 5 năm 1327, ngài truyền đánh chuông đọc ba kinh Kính mừng buổi chiều tại thành Rôma. Ngài cũng ban ân xá cho việc đó.

Thế kỷ XIV các đan viện đánh chuông trong khi đọc ba kinh Kính  Mừng lúc giờ kinh ban mai. Năm 1386 Công đồng Prague (nước Áo) có nói đến mỹ tục đánh chuông đọc kinh Kính mừng buổi trưa các ngày thứ Sáu kính  nhớ cuộc khổ nạn của Chúa và cầu cho hoà bình. Năm 1456, Ðức Calixtô III truyền dạy đánh chuông đọc kinh Kính mừng buổi trưa mọi ngày trong tuần để tạ ơn Ðức Mẹ cho nghĩa binh thánh giá chiến thắng quân Hồi giáo Thổ nhĩ kỳ. Vua Louis XI nước Pháp (1423-1483) cũng sùng mộ mỹ tục buổi trưa đó để cầu bình an. Ðang khi cưỡi ngựa mà  nghe chuông kinh Kính mừng buổi trưa, vua xuống ngựa, quì gối đọc kinh. 

Đến thế kỷ XVI, mỹ tục đánh chuông đọc ba kinh Kính mừng cả ba buổi sáng, trưa, và tối. Bản kinh Truyền tin hiện tại đã được Ðức Benedictô XIV hoàn toàn phê nhận năm 1724. Ðức Benedictô XIV, Ðức Leo XIII, và Ðức Piô XI ban ân xá: mỗi lần mười năm ân xá, nếu đọc hằng ngày cả ba buổi trong một tháng thì được một ơn đại xá.

Ngày nay, Ðức Gioan Phaolô II theo mỹ tục của các vị tiền nhiệm buổi trưa đứng ở cửa sổ điện Vatican đọc kinh Truyền tin chung với khách hành hương tại quảng trường thánh Phêrô, và đọc thêm kinh Sáng danh và kinh cầu cho các tín hữu đã qua đời.

Kinh Kính Mừng 

Kính mừng Maria đầy ơn phúc. Lạy Mẹ Ðồng Trinh Vô nhiễm chí thánh, Mẹ là thụ tạo hết sức khiêm nhu và hết sức cao trọng trước mặt Chúa, Mẹ đã tự nhìn nhận Mẹ rất nhỏ bé, nhưng Chúa lại nhìn nhận Mẹ là Mẹ rất cao sang, đến nỗi tôn vinh Mẹ làm Mẹ Người, và làm Nữ Vương trời đất. Con cảm tạ Chúa vì đã cao tôn Mẹ nhường ấy, con vui mừng cùng Mẹ, vì Mẹ được hợp nhất với Thiên Chúa chí cao, không thụ tạo nào có thể hợp nhất cùng Chúa hơn được nữa. Nhưng thấy Mẹ trọn lành thánh thiện nhường ấy mà vẫn tự khiêm tự hạ, thì con bẽ bàng không dám đến trước mặt Mẹ, vì con kiêu căng, đầy bao tội lỗi. Nhưng, dầu con khốn nạn mọi đàng, con cũng cả dám dâng lên Mẹ lời thiên thần chào Mẹ: Kính mừng Maria đầy ơn phúc. Mẹ tràn đầy ơn phúc, xin cho con được thông phần phúc đức cùng Mẹ.

Thiên Chúa ở cùng Mẹ. Chúa đã luôn luôn ở cùng Mẹ ngay từ khi Mẹ vừa được phôi dựng, nhưng từ khi xuống làm Con Mẹ, lại càng keo sơn gắn bó cùng Mẹ hơn.

Mẹ có phúc lạ hơn mọi nữ nhân. Ôi! Mẹ là nữ nhân phúc đức trong giới nữ lưu, xin Mẹ cũng cầu cùng Chúa chúc phúc chúng con.

Và Giêsu, quả của lòng Mẹ cũng đầy phúc. Lạy Mẹ là cây phúc lộc, đã sinh cho thế giới một quả tuyệt cao, tuyệt thánh!

Thánh Maria Ðức Mẹ Chúa Trời. Ôi! Maria, con nhìn nhận Mẹ là Mẹ thật Thiên Chúa, và để chứng thực chân lý này, con sẵn sàng hy sinh một nghìn lần mạng sống con.

Xin Mẹ cầu cho chúng con là những tội nhân khốn nạn. Nếu Mẹ là Mẹ Thiên  Chúa, thì cũng là Mẹ cứu độ chúng con, Mẹ của chúng con, những tội nhân khốn nạn, vì Thiên Chúa đã làm người để cứu với các tội nhân’ và Chúa đã chọn Mẹ làm Mẹ Người, để lời Mẹ nguyện cầu có quyền năng cứu độ bất cứ tội nhân nào. Vậy, lạy Mẹ Maria, xin cầu cho chúng con.

Khi nay và trong giờ lâm tử. Xin cầu cho chúng con luôn luôn: xin cầu cho chúng con khi nay, lúc mà chúng con chơi vơi giữa biết bao cám dỗ, bao nguy hiểm liều mất Chúa trong đời chúng con. Nhưng nhất là xin cầu cho chúng con trong phút lâm chung, khi chúng con sắp từ biệt thế trần và ra trước toà Chúa, để nhờ công nghiệp cứu độ, một ngày kia, không lo gì phải hư mất nữa, chúng con có thể đến kính chào Mẹ, ngợi khen Mẹ, Mẹ và Con Mẹ, trên thiên đàng đời đời. Amen. (Vinh quang Ðức Mẹ Maria, tập 2, tr. 91-92). 

Câu Truyện về Lễ Mẹ Nhận Tin
 

Năm 1456, thành Belgrade trên sông Danube bị quân Thổ-Nhĩ-Kỳ bao vây và đánh phá ròng rã bốn tháng trời, nhưng vẫn không sao chiếm nổi. Thất vọng vì thấy bao nhiêu nỗ lực bị uổng công, vua Thổ quyết mở một cuộc tấn công đại qui mô. Trong 20 tiếng đồng hồ, đôi bên đánh nhau kịch liệt.

Quân thủ thành nhược sức chán nản vì phải cầm cự lâu ngày quá, họ đã định đầu hàng quân giặc, giữa lúc đó thánh Gioan Capistrano, một tu sĩ đạo đức Dòng Phanxicô, xuất hiện, ngài cầm một tượng Thánh giá, tiến lên, giơ cao cho binh sĩ xem thấy và cầu nguyện lớn tiếng: “Lạy Nữ Vương quyền phép trên trời, Mẹ bỏ các con cái Mẹ rơi vào tay quân vô đạo để chúng tha hồ làm nhục, làm ô danh Con Chí Thánh của Mẹ sao? Chúng sẽ dựa vào sự đắc thắng mà nhạo báng: Thiên Chúa của quân Công giáo ở đâu?” Vừa van xin thánh nhân vừa khóc lóc thảm thiết.

Kích thích bởi lời cầu nguyện và nước mắt thánh nhân, binh sĩ Công giáo hăng hái cách lạ, xông vào quân Thổ đã đột nhập vào thành, giết hàng vạn tên, còn bao nhiêu trốn thoát hết.

Ðược tin chiến thắng cách lạ đó, Ðức Thánh Cha Calixtô III vui mừng hớn hở, truyền cho khắp Giáo hội, trong các nhà thờ phải hát kinh Tạ Ơn Chúa, và ra lệnh từ hôm đó trở đi, vào quãng hai hoặc ba giờ chiều, là giờ chiến thắng, các nhà thờ phải kéo chuông đọc ba kinh Kính mừng để kỷ niệm, đồng thời nhắc nhở lòng tin tưởng vào quyền phép và lòng thương yêu của Ðức Mẹ.

Về sau, hồi chuông được dịch lên giờ trưa, để chia ngày ra hai phần đều nhau đọc ba kinh Kính mừng rồi kinh Truyền tin, nhưng vẫn có ý kỷ niệm cuộc chiến thắng anh dũng đó. (Những ơn lạ Mẹ ban tập 2, tr. 99-100)