Trong tháng năm tới đây ĐTC mời gọi chúng ta hiệp ý với tín hữu công giáo toàn thế giới cầu xin cho giáo dân biết chu toàn sứ mệnh chuyên biệt của mình, bằng cách dùng óc sáng tạo đương đầu với các thách đố của thế giới ngày nay.
Dù sống trong thời đại nào và ở bất cứ đâu trên trái đất này con người luôn phải đương đầu với rất nhiều thách đố. Thách đố đầu tiên liên quan tới sự sống còn: phải có đầy đủ lương thực để nuôi sống gia đình, có công việc làm chắc chắn với đồng lương cân xứng, có nhà ở với các tiện nghi tối thiểu, có phương tiện tài chánh để cho con cái được học hành giáo dục nên thân nên người và được săn sóc sức khỏe. Vì thế bảo đảm an sinh và phát triển là các thách đố đầu tiên đối với mọi xã hội , cách riêng đối với giới lãnh đạo chính trị. Một chính quyền chỉ thực sự thành công, khi biết lo cho mọi nhu cầu thiết yếu của người dân.
Nhưng rất tiếc trên thực tế, mặc dù thế giới đã bước vào ngàn năm thứ ba rồi, mà vẫn còn có hàng trăm trịệu gia đình chưa có được các điều kiện an sinh tối thiểu. Đây là lý do giải thích tại sao trong các giáo huấn của mình Giáo Hội liên tục khích lệ tín hữu biết tích cực tham gia mọi sinh hoạt chinh trị xã hội, và tận dụng mọi khả năng tài khéo để thăng tiến cuộc sống vật chất và tinh thần cho con người.
Ở đâu càng có nhiều tệ đoan xã hội, băng hoại luân lý, đạo đức suy đồi thì ở đó kitô hữu lại càng phải dấn thân nhiều và quyết liệt hơn nữa. Tình hình tại nhiều nơi trên thế giới cho thấy có nhiều chính quyền qúa yếu kém, ích kỷ, chỉ nghĩ đến các lợi lộc riêng tư, chi lo vơ vét cho bản thân, gia đình, bộ tộc, đảng phái hay phe nhóm của minh, mà không biết lo cho dân cho nước. Bên cạnh đó là nạn gian tham hối lộ, ăn cắp công quỹ, phung phí của công, quản trị dốt nát, kiêu căng mù quáng không chịu học hiểu, thiếu liêm chính và vô luân. Tất cả đều là các thách đố vô cùng nghiêm trọng thuộc trật tự chính trị, xã hội, kinh tế, và luân lý, cần phải được giải quyết. Nếu hàng lãnh đạo không quyết tâm thay đổi, thì xã hội sẽ không bao giờ tiến triển được.
Tuy nhiên, một quốc gia muốn phát triển thì cần có hoà bình và an ninh bên trong và bên ngoài. Đây lại là một thách đố cam go tối quan trọng khác nữa. Một quốc gia bị chiến tranh tàn phá sẽ cần rất nhiều thập niên để tái thiết và phục hồi với các vết thương thể lý và tâm thần không thể chữa lành. Điển hình trước mắt là ba nước Libia, Iraq và Siria hoang tàn vì các cuộc nội chiến khiến cho hàng trăm ngàn người thiệt mạng, biết bao nhiêu người bị thương và hàng triệu người phải tản cư lánh nạn. Hàng chục triệu trẻ em và người trẻ bị thất học và không có tương lai.
Thật thế, cuộc nôi chiến từ hơn 7 năm qua đã biến Siria trở thành bãi tha ma khổng lồ: không có một ngôi nhà nào nguyên vẹn. Là một trong các quốc gia phồn thịnh nhất trong khối A Rập giờ đây Siria chỉ còn là một vùng đất đổ nát và trở thành một nước nghèo, chậm tiến, không có an ninh và hoàn toàn kiệt quệ. Hơn thế nữa chiến tranh Siria có thể trở thành ngòi nổ cho một đệ tam thế chiến, đã bắt đầu từng mảnh. Đây cũng lại là các thách đố vô cùng nghiêm trọng không chỉ đối với các kitô hữu, mà đối với toàn nhân loại.
Thế rồi với chiến tranh bom đạn môi sinh càng thêm ô nhiễm, thời tiết càng thay đổi bất thường, liên lụy đến cả sức khoẻ của mùa màng, thiên nhiên, thảo mộc, súc vật và con người. Ô nhiễm môi sinh, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm thực phẩm, ô nhiễm tinh thần và luân lý là hiện tượng đang xảy ra đó đây trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam.
Riêng đối với Việt Nam đang bị Trung Cộng bủa vây tứ phía và ảnh hưởng sâu đậm trên mọi bình diện địa lý chính trị, kinh tế, xã hội và luân lý đạo đức các thách đố đối với kitô hữu lại càng cam go hơn nữa. Qua Hiệp Ước Thành Đô 1990 Việt Nam đã bị bán đứng cho Trung Quốc. Và trong hai thập niên qua Việt Nam đang từ từ trờ thành một tỉnh của Trung Quốc. Mạng lưới khống chế khổng lồ của Trung Cộng đang vây hãm và bức tử Việt Nam trên biển, trên núi và tại các vừng tự trị, với việc xây đắp các đảo nhân tạo dọc Biển Đông, xây hàng chục đập nước trên sông Mêkong, khai thác Bauxit trên Tây Nguyên, biến cố Formosa, hàng trăm ngàn người Tầu tràn sang sinh sống tại các thành phố và vùng đặc nhượng tự trị rải rác trên toàn nước, các vụ vơ vét thực phẩm sạch đem về Trung Quốc và thải mọi thứ thực phẩm và hàng hóa độc hại vào thị trường Việt Nam, mọi thứ hóa chất độc hại được bán sang thi trường Việt Nam để cho chinh người Việt Nam giết nhau với tật bệnh… Tất cả đều là các móc xích của mạng lưới không lồ chụp xuống nhằm tiêu diệt nhân dân và xóa bỏ đất nước Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Ở đây chỉ có óc sáng tạo và và việc tận dụng mọi tài khéo không thôi không đủ, cần phải có ơn trên trợ giúp nữa. Kitô hữu Việt Nam có hai khí giới tinh thần hữu hiệu có thể và cần phải sử dụng ngay một cách đồng loạt khắp nơi trong nước: đó là phát động phong trào chầu Thánh Thể và lần hạt Mân Côi liên lỉ đồng loạt trong mọi giáo xứ và giáo họ toàn nước. Những gì sức lực loài người không làm được, thì Thiên Chúa có thể làm được, vì đối với Thiên Chúa không có gì là không có thể. Gió ơn thánh sẽ đẩy xa các đám mây đen bao trùm trên tương lại dân tộc và quê hương Việt Nam. Vấn đề là chúng ta có tin, xác tín và sử dụng hay không.
Với các tâm tình trên đây trong tháng 5 tới này hiệp ý với ĐTC và tín hữu công giáo toàn thế giới chúng ta tha thiết cầu xin cho giáo dân biết chu toàn sứ mệnh chuyên biệt của mình, bằng cách dùng óc sáng tạo đương đầu với các thách đố của thế giới ngày nay, cách riêng cho Giáo Hội Việt Nam biết sử dụng hai vũ khí tinh thần hữu hiệu: Chầu Thánh Thể và lần Hạt Mân Côi cầu cho quốc thái dân an và thoát hiểm họa ngoại xâm.
Linh Tiến Khải
(RadioVaticana 27.04.2018)