– Nguy hiểm cơ bản là lối sống không trưởng thành về nhân bản.
– Nguy hiểm đáng sợ là lối sống không trưởng thành về tâm linh.
– Nguy hiểm thường xuyên là lối sống không trưởng thành về tri thức.
I. Nguy hiểm cơ bản là lối sống không trưởng thành về nhân bản
1. Quá chú trọng đến bản thân mình mà ít quan tâm đến tha nhân.
2. Coi trọng việc riêng mà coi nhẹ việc chung.
3. Chỉ làm những điều mình muốn làm mà không làm những điều mình phải làm.
4. Đòi hỏi người khác mà không hề đòi hỏi mình.
5. Góp phần xây dựng thì ít mà chê bai phê phán thì nhiều.
6. Ham quyền hành chức vụ mà không khiêm tốn phục vụ.
7. Phục vụ theo ý mình mà không theo nhu cầu của người khác.
8. Ưa chuộng và quí mến người này nhưng ghét bỏ và khinh thường người kia.
9. Cởi mở và vui vẻ với anh em này nhưng đóng kín và lạnh lùng với anh em khác.
10. Đặt nặng công việc mà coi nhẹ con người. (lấy con người làm phương tiện).
11. Đặt nặng hiệu năng mà coi thường tính cách và ý hướng. (Bệnh thành tích).
12. Đòi hỏi có tự do mà không có khả năng sống tự chủ.
13. Khôn nhưng không ngoan, thẳng nhưng không khéo.
14. Phán đoán bên ngoài mà không tìm hiểu bên trong. (Nông cạn, hình thức)
15. Đánh giá mình và người khác dựa vào công việc, mà không dựa vào phẩm cách.
16. Biết lỗi mà không nhận lỗi; nhận lỗi mà không sửa lỗi. (Cố chấp)
17. Làm theo những gì mình nghĩ, mà không nghĩ về những gì mình làm.
18. Nhiệt thành mà thiếu khôn ngoan. (Chủ quan, nhẹ dạ).
19. Ham nghe người khác tâng bốc mà không muốn nghe sự thật. (tự lừa dối mình).
20. Muốn mọi người phải giúp mình nhưng mình chẳng giúp ai. (ích kỷ).
II. Nguy hiểm đáng sợ là lối sống không trưởng thành về tâm linh
1. Đặt nặng hình thức, tổ chức bề ngoài, mà coi thường nội dung và đời sống bên trong.
2. Ưu tiên cho các phương tiện vật chất, còn ơn thánh thì lại chẳng quan tâm.
3. Lao mình vào sự hiếu động ồn ào, còn nội tâm thì lạnh lùng, trống vắng.
4. Đặt nặng việc hưởng thụ, coi thường việc khổ chế.
5. Bám vào những công việc của Chúa, còn chính Chúa thì phớt lờ.
6. Lo được lòng mọi người mà không lo được lòng Chúa.
7. Chuyên chăm việc đời mà lười biếng việc đạo.
8. Phản ứng tự nhiên mà thiếu tinh thần siêu nhiên
9. Lo bồi dưỡng thân xác mà không lo bồi dưỡng tâm hồn.
10. Sống bác ái mà thiếu chân thật, sống chân thật mà thiếu bác ái.
11. Làm việc vì danh thơm tiếng tốt hơn là vì lòng yêu mến.
12. Tìm cách thay đổi mọi người mà không thay đổi chính mình.
13. Lo xây đắp tương lai mà không sống trọn giây phút hiện tại.
14. Muốn thành quả mà không muốn hy sinh.
15. Thực thi bác ái mà lại không sống công bằng.
16. Yêu mến Chúa mà không yêu mến anh em.
17. Theo đuổi ơn gọi mà không sống ơn gọi: lo tiến thân mà không hiến thân.
18. Nỗ lực sống trung thành nhưng lại thiếu trung thực.
19. Cầu nguyện một đàng, sống một nẻo.
20. Nhiều thiện chí mà không có hành động.
III. Nguy hiểm thường xuyên là lối sống không trưởng thành về tri thức
1. Biết nhiều thứ mà không biết mình.
2. Biết thì nhiều mà sống không bao nhiêu.
3. Biết chẳng bao nhiêu mà tự kiêu tự mãn.
4. Trí thức uyên thâm mà lại thiếu đức độ.
5. Chỉ đạt lý mà không thấu tình.
6. Làm việc mà không xem tình hình, không xét hậu quả.
7. Thông minh tài trí nhưng lại sống ích kỷ, hẹp hòi.
8. Học nhiều, đọc nhiều mà thiếu suy tư nghiền ngẫm.
9. Chỉ nghe biết mà không truy tìm, tra cứu, điều nghiên.
10. Nhai lại tư tưởng người khác mà không khai sáng tư tưởng mình.
11. Chỉ dựa vào sách vở và lý thuyết mà không có kinh nghiệm thực tế.
12. Thấy chi tiết mà không thấy tổng quát.
13. Muốn động tay động chân mà không muốn động não.
14. Hiểu biết nhiều nhưng không biết điều chính yếu.
15. Hiểu biết nhiều nhưng không sát, không sâu.
16. Hiểu biết mau nhưng không nguồn, không ngọn.
17. Hiểu biết nhiều mà không biết những điều mình phải biết.
18. Hiểu biết nhiều mà không biết những điều mình không được phép biết.
19. Hiểu biết nhiều mà không biết sống yêu thương.
20. Hiểu biết sâu xa về nhiều thứ nhưng lại hiểu biết cạn cợt về Thiên Chúa.
Những lối sống trên đây luôn nằm trong tình trạng nguy hiểm. Nhưng hiểm nguy lớn nhất là tôi không nhận ra mình đang trong tình trạng nguy hiểm. Sống tỉnh thức là nhận thấy nguy hiểm do sự thiếu quân bình và cân đối trong đời sống mình về mọi mặt. Chỉ một chút quá đà sẽ gây ra hư hại khó lường. Chỉ một chút hụt hẫng sẽ rơi vào cảnh trống vắng nội tâm, dễ bị ma quỷ khống chế và thống trị.
Thật vậy: “Quỷ thấy nhà bỏ trống, lại được quét tước trang hoàng hẳn hoi. Nó liền đi kéo thêm bảy thần khác dữ hơn nó, và chúng vào ở đó. Rốt cuộc tình trạng của người ấy còn tệ hơn trước” (Mt 12,44-45).
Lm. Thái Nguyên