Vì sao lễ Tro thường hay rơi vào dịp Tết ta?

Chắc không người Công Giáo Việt Nam nào mà không nhận ra lễ Tro của Giáo Hội Công Giáo thường rơi vào đúng ngay dịp Tết âm lịch, tức Tết Nguyên Đán truyền thống của Việt Nam, trước hoặc sau mồng 1 vài ngày. Vì thế, nhiều người không khỏi thắc mắc “Sao một ngày lễ mang tính buồn sầu lại hay diễn ra vào một mùa vui như vậy?” hoặc “Vì lẽ nào mà Giáo Hội lại cứ sắp cho lễ Tro vào ngay dịp Tết như thế?”

Phải hiểu nguyên lý tính ngày của 2 lễ này thì mới hiểu lý do. Nguyên nhân căn cốt của vấn đề nằm ở chỗ: 2 ngày này đều được tính theo lịch âm. Và chuyện 2 lễ này hay trùng nhau chỉ là tình cờ của lịch sử.

Thật vậy, từ năm 2010 đến năm 2020, có 5 lần lễ Tro rơi vào khoảng từ 29 đến mùng 6 Tết (2010, 2013, 2015, 2016, 2018). Từ 2020 đến 2030, chuyện này cũng xảy ra 5 lần nữa (2021, 2023, 2024, 2026, 2029); năm 2021, lễ Tro rơi vào mùng 6 Tết, và vào 2023 thì nhằm mùng 3.

Cách xác định ngày lễ Tro

Thứ tư lễ Tro là ngày lễ nhắc nhở về sự chết, điểm khởi đầu của mùa Chay 40 ngày thống hối để đón chờ mầu nhiệm Chúa Giêsu phục sinh từ cõi chết. Lễ Tro phụ thuộc vào lễ Phục Sinh, vốn không có ngày cố định theo dương lịch trong lịch Phụng Vụ như lễ Giáng Sinh 25/12, lễ Truyền Tin 25/3 hay lễ kính một vị Thánh bất kỳ. Do có nguồn gốc từ lễ Vượt Qua theo âm lịch của Do Thái, lễ Phục Sinh căn cứ một phần vào âm lịch, khiến lễ Tro cũng tính theo âm lịch.

Cụ thể như sau: theo quy tắc của Công đồng Nixêa, lễ Phục Sinh là ngày Chúa nhật đầu tiên tính từ kỳ trăng tròn đầu tiên sau ngày 21/3 DL (ngày Xuân phân). Bắt từ Chúa nhật Phục Sinh, đếm về trước 6 tuần là Chúa nhật 1 mùa Chay; 4 ngày trước CN 1 mùa Chay chính là thứ tư lễ Tro. 

Cách xác định ngày Tết Nguyên Đán

Tết Nguyên Đán là ngày đánh dấu năm mới âm lịch của các quốc gia chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Quốc như Việt Nam, Hàn Quốc hay Singapore, là lễ hội lớn nhất trong năm của người Việt ở khắp nơi. Tuy năm âm lịch chạy theo chu kỳ mặt trăng, thực tế nó vẫn phải dựa vào chu kỳ mặt trời của dương lịch để xác định lễ tiết. Mối quan hệ giữa âm lịch phương Đông và dương lịch được định như thế này: ngày Đông chí 22/12 DL nằm trong tháng âm lịch nào thì tháng đó là tháng 11 âm. 2 tháng sau sẽ là ngày Tết Nguyên Đán. Nếu giữa ngày 22/12 năm này và 22/12 năm kế tiếp có 13 lần trăng non, thì năm âm lịch đó là năm nhuận.

Lễ Tro và Tết Nguyên Đán dễ gặp nhau…

Bởi vì lễ Tro và Tết Nguyên Đán đều căn cứ vào lịch mặt trăng, nên 2 ngày này dễ bị đụng nhau. Tết ta là ngày trăng mới thứ hai sau Đông chí, lễ Tro là 6 tuần trước ngày rằm sau Xuân phân. Điểm gặp nhau thường là một thứ tư gần ngày 1/1 hoặc 1/2 ÂL hoặc trễ hơn tối đa 1 tuần.

Về lý thuyết, nếu ngày 21/3 DL đến trước rằm tháng 2 ÂL Việt Nam, thì lễ Phục Sinh diễn ra sau ngày rằm này vài hôm, và 1 tháng rưỡi trước đó, lễ Tro rơi vào đầu tháng giêng âm, tức ngay dịp Tết. Trường hợp ngày 21/3 DL đến sau rằm tháng 2, thì lễ Tro sẽ đến trễ hơn Tết khoảng 1 tháng.

Chẳng hạn, năm 2013, ngày 21/3 DL nhằm 10/2 ÂL, lễ Phục Sinh rơi vào 20/2 ÂL, nên lễ Tro nhằm ngày mùng 4 Tết; năm 2018, Xuân phân là 5/2 ÂL, Phục Sinh ngay sau ngày rằm tháng 2, nhằm 16/2 ÂL, nên lễ Tro nhằm 29 Tết. Năm 2017, 21/3 DL rơi vào 24/2 ÂL, Phục Sinh phải đợi đến Chúa nhật sau 15/3 ÂL, nhằm 20/3 ÂL, nên lễ Tro diễn ra vào 4/2 ÂL, sau Tết 1 tháng.

… chỉ là chuyện ngẫu nhiên…

Thế đó, lễ Tro và Tết ta thường trùng nhau chỉ là chuyện ngẫu nhiên, căn cứ theo 2 quy tắc tính ngày đã tồn tại hàng ngàn năm độc lập với nhau. Giáo Hội không quyết định chuyện này, và cha ông ta cũng không bao giờ nghĩ có ngày con cháu lại phải giữ chay dịp lễ hội như vậy.

Mong đừng ai đổ lỗi cho Giáo Hội “sắp lễ Tro vào ngày Tết làm chi” cho người Việt Nam phải bồn chồn vừa ăn Tết vui hát hò, vừa xức tro sám hối ăn chay; bồn chồn không phải vì người Việt ta ngại khó ngại khổ chuyện kiêng ăn, mà là bởi lòng đạo đức, sợ lỗi luật Chúa do bị cám dỗ trước cơm thịt, bánh trái phủ phê.

Thật ra cũng không phải lúc nào Tết âm lịch cũng gặp lễ Tro. Cứ 1, 2 năm “ăn Tết giữ chay” thì được 1, 2 năm “ăn Tết rồi mới lo chay tịnh”. Từ 2019 đến 2030, lễ Tro chỉ gặp Tết có 5 lần nữa thôi, mà cũng không bao giờ vào đúng mùng 1. Ăn chay có 1 ngày, còn ăn Tết được đến cả tuần, nửa tháng kia mà.

… nhưng không hề rắc rối

Dù sao, nhờ sự thông cảm của Toà Thánh và các Đức Giám Mục Việt Nam, ngày chay lễ Tro nếu rơi vào giữa dịp Tết thường được dời lại sau mùa Tết để thuận lợi đôi đường cho người Công Giáo Việt Nam: ăn Tết thoải mái không sợ lỗi chay, và giữ chay an toàn không sợ cám dỗ thịt Tết.

Âu cũng là một an bài của Chúa để nhắc nhở người Việt Nam ta về cùng đích của cuộc đời (người Tây ăn tết Tây Không được nhắc nhở thế này đâu): mùa xuân trần ai có đẹp mấy thì cũng vẫn khiếm khuyết bất toàn và chất chứa nỗi buồn; mùa xuân đích thực toàn hảo đáng mong ước chính là mùa xuân Thiên Quốc vĩnh cửu sẽ chỉ đến sau khi thân xác ta trở về bụi tro.

Xin Thiên Chúa lòng lành và Đức Mẹ từ bi dẫn dắt chúng ta đến mùa xuân bất diệt trên trời, nơi không còn thiếu thốn, không còn nhạt nhoà, không còn khuyết điểm gì nữa.

Gioakim Nguyễn biên soạn