Thánh Lễ tối thứ bảy – 28 Tết, nhà thờ vắng hơn một nửa so với bình thường. Một lý do rất đơn giản: mọi người về quê ăn Tết hết rồi!
Nói đến quê, tôi lại liên tưởng đến hơn 150.000 người tị nạn Châu Phi mà tôi đã được cùng chung chia cuộc sống với họ.
Quê hương – điều tưởng chừng như mọi người ai cũng có, nhưng với những người tị nạn này thì lại quá xa vời. Có những người đã phải bỏ chạy khỏi quê hương cả hơn 20 năm và luôn ngóng trông ngày được trở về; nhưng chiến tranh và xung đột không cho ước mơ của họ thành hiện thực. Mặc cho họ ở đây đến bao nhiêu đời thì đây cũng không phải là đất của họ. Họ là công dân của một đất nước khác, còn nước này chỉ cho họ mượn tạm đất để sinh sống bao lâu chiến sự còn diễn ra trên đất nước của họ.
Họ là những người tha hương và con cái họ cũng tha hương! Dẫu cho những đứa trẻ được sinh ra tại đây thì nơi này cũng không phải là quê hương của chúng. Chúng không có được quyền đó. Quê hương của chúng là một nơi xa xôi nào đó trong những câu chuyện kể từ cha mẹ của chúng, còn thực hư quê hương đó thế nào thì chúng không biết. Đây là nỗi đau, một sự khủng hoảng về nguồn cội mà không phải ai cũng có thể cảm thấu và chia sẻ với họ được. Có những cha mẹ phải đứt từng khúc ruột khi giải thích cho con cái biết quê hương đất mẹ của chúng! Nếu không, cuộc sống của chúng sẽ lạc lõng và không biết sẽ về đâu.
Chưa bao giờ tôi thấy thấm bài hát Quê Hương như lúc này: “quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày… Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nỗi thành người!”Quê hương ấy dù thế nào, thì tôi cũng có một nơi để quy chiếu. Hơn nữa, tôi có thể tự hào khi giới thiệu với một ai đó. Quê hương không chỉ là một làng quê nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng còn là một dân tộc nơi đó có những anh chị em đồng loại của tôi.
Tôi nhớ, khi còn là một tập sinh, tôi có một cuộc thực nghiệm hai tháng bán trái cây và trứng cút dạo trên đường với những người lao động. Vào một buổi chiều trời chập tối, tôi bán trái cây ở một khu chợ công nhân. Ở những khu chợ này, trái cây thường rẻ và chất lượng cũng thuộc loại thấp nhất. Hôm đó tôi bán trái thanh long với giá 2.000đ/ký. Bình thường thì người mua trả giá để sao cho giá càng rẻ càng tốt. Nhưng có một cô đến mua thanh long của tôi, cô không những không trả giá mà còn hỏi tôi một câu làm tim tôi phải rung động: “con bán ở đây đã qua bao nhiêu người buôn rồi mà giá hai nghìn một ký thì người nông dân họ ăn gì?”. Đã gần 9 năm trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ nguyên khung cảnh của buổi chiều hôm đó.
Những ngày cuối năm, chợ hoa là nơi diễn ra nhiều tiếng cười nhưng cũng không thiếu những giọt nước mắt. Nước mắt của người trồng hoa phải chống chọi với những thay đổi thất thường của thời tiết, nhưng đáng buồn hơn khi họ phải ngất đi vì đến đêm 30 rồi mà đám hoa của họ vẫn còn nguyên. Họ giữ hoa đến lúc này vì giá hoa bị ép khiến họ không nỡ đầu hàng chịu lỗ ngay từ những ngày đầu. Nhưng đến lúc này, họ phải đầu hàng trong vô vọng. Đám hoa họ nâng niu chăm sóc vất vả cả năm, nay họ phải đứng nhìn những xe hốt rác lùa cuốn đến giỏ cuối cùng. Những cảnh này không hiếm thấy, vì thường diễn ra ngay bên lề đường hoặc ngay trên mặt báo. Nhưng có mấy người nghĩ đến họ, nghĩ rằng họ là đồng hương, là người có cùng một quê hương với mình.
Tết, trở về quê hương, điều ý nghĩa nhất là gặp gỡ sum vầy. Điều này gợi lên một câu chuyện kể mà tôi chỉ còn nhớ man mán. Vào một buổi xế chiều giữa thảo nguyên đầy tuyết lạnh buốt, một vài lữ khách đi ngang qua vùng đất trống trải này và họ phải dừng chân để nghỉ đêm. Họ dừng lại, một người, hai người, ba người… chẳng mấy chốc con số đã lên đến cả chục. Họ ngồi chụm lại với những giọng nói oang oang để kể về hành trình của họ. Giữa màn đêm, âm thanh càng lớn hơn như thể chẳng ai chịu ai. Trong hành lý của họ, ai cũng có những thanh củi, nhưng chẳng một ánh lửa nào được nhóm lên. Càng khuya trời càng lạnh, nhưng ai cũng giữ cái khôn của mình: tôi không dại gì đốt thanh củi của tôi cho những người xa lạ kia hưởng ké. Khi sức chịu đựng cái lạnh đã lên đến tột độ, cộng với những câu “nổ” tung trời của những kẻ đối diện, họ bắt đầu lấy ra những thanh củi từ trong hành lý và đập nhau bằng những thanh củi đó. Đến lúc nhu cầu cứu thương lớn hơn những câu “nổ”, một người trong số họ đã lấy những thanh củi của mình đốt lên để thấy đường. Những người khác cũng bắt đầu bỏ những thanh củi của họ chung vào đốm lửa. Chẳng mấy chốc, ánh lửa bùng lên và sưởi ấm cả nhóm người.
Tết, những bữa tiệc là cơ hội tuyệt vời để diễn tả niềm vui sum vầy. Thật đẹp biết bao nếu mỗi người rút ra từ hành lý của mình một thanh củi để xây dựng quê hương, chứ không chỉ dừng lại ở việc ép nhau từng ly bia chén rượu. Sự đầy tràn chan chứa của những bữa tiệc diễn tả sự thịnh vượng cho Năm Mới, nhưng ước gì nó không trở nên phung phí trong khi việc chung quê hương lại chẳng ai khóc. Ước gì quê hương to lớn lắm cũng có thể nằm gọn trong trái tim từng con người!
Những người tị nạn mong có một quê hương để xây dựng, nhưng tiếc cho họ, họ không có được may mắn đó. Với những người có quê hương để trở về, đẹp biết bao nếu mỗi người đều mang theo trong hành lý của mình niềm khắc khoải cho quê hương! Thật vậy, khi đi xa trở về, ta mới nhận ra quê mình đẹp quá!
Và còn hơn thế nữa, với sự vắn vỏi của kiếp người, tôi không thể lấy cuộc đời này làm quê hương mãi được. Nhưng với sự cao quý của sự sống và phẩm giá con người, tôi có quyền nhận mình xuất thân từ một quê hương vững chắc và lâu bềnh hơn. Thế nên, dù sống ở một quê hương tạm thời, tôi vẫn mơ về một quê hương vĩnh cửu, nơi tình yêu và lòng mến là tiêu chuẩn cho mọi người và mọi sự. Và vì tôi xuất thân từ quê hương rất đẹp ấy, tôi không thể để mình sống cách tầm thường ở quê tạm này, nhưng cách sống của tôi phải xứng hợp với phẩm giá cao đẹp mà từ đó tôi xuất thân và nơi đó tôi trở về. Với tôi, con người không phải là sản phẩm ngẫu nhiên của vật chất, cũng chẳng phải là đứa con mồ côi của vũ trụ, nhưng con người có một quê hương, tại đó nó được sinh ra bởi Tình Yêu và sẽ trở về với Tình Yêu ấy!
Hà Nội 7/2/2016 – 29 Tết
Văn Yên, SJ