“Những gì xảy ra ở Pháp cho thấy rằng không ai có thể tránh khỏi các mối đe dọa khủng bố”, Đức Hồng Y Pietro Parolin nói với tờ báo Pháp La Croix trong một cuộc phỏng vấn được công bố ngày 15 tháng 11.
Ngài ủng hộ hành động quân sự toàn cầu chống lại bọn ISIS, là nhóm đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công hôm thứ Sáu ở Paris, Ngài lặp lại lời tuyên bố cuả Đức Giáo Hoàng Phanxicô hồi tháng 8 năm ngoái trên đường từ Hàn Quốc trở về Roma, khi đề cập đến sự can thiệp của quốc tế ở Iraq, rằng “việc ngăn chặn những kẻ xâm lược bất chính là hợp pháp”.
“Vì có ý nghĩa quan trọng về tôn giáo cho nên Vatican có thể là một mục tiêu. Chúng tôi có khả năng gia tăng mức độ an ninh tại Vatican và các khu vực xung quanh. Nhưng chúng tôi sẽ không để cho mình bị tê liệt vì sợ hãi,” Ngài nói.
Một video cuả bọn ISIS đã đe doạ các thành viên của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu là các mục tiêu kế tiếp cuả chúng. Trong số các địa điểm bị đe dọa là London, Washington, Roma và Iran.
Mặc dù bản thân Đức Giáo Hoàng Phanxicô là mục tiêu lớn nhất ở Roma, Đức Hồng Y Parolin nói rằng Đức Giáo Hoàng sẽ không để sự sợ hãi ngăn chặn Ngài tiến tới. “Sự kiện ấy không thay đổi chương trình nghị sự của Đức Giáo Hoàng.”
Đức Hồng Y nhắc lại quan điểm cuả Đức Giáo Hoàng khi tuyên bố về cuộc tấn công ở Paris là một phần của “cuộc chiến tranh tiệm tiến cuả Thế Chiến thứ ba.”
Đức Hồng Y giải thích “tiệm tiến” có nghĩa là một cuộc chiến tranh “không được công bố, một cuộc chiến tranh không đối xứng; một cuộc chiến tranh không có chiến trường, trong đó các nạn nhân là những người vô tội, từ bé cho đến lớn và những người già cả. “
Nó cũng có nghĩa là “chúng ta không biết các sự cố tiếp theo sẽ diễn ra ở đâu”, Ngài nói. Sau Paris, “Bọn Daesh [tên khác của ISIS] đã cảnh báo rằng đây chỉ là sự khởi đầu. Không trừ một nơi nào, là hành động khủng bố cuả phong trào Hồi giáo cực đoan. “
Khi được hỏi rõ hơn về câu nói cuả DGH (“ngăn chặn kẻ xâm lược bất chính là hợp pháp”) thì Toà Thánh có ý nói đến các cuộc không kích liên tục ở Syria là hợp pháp không? Đức Hồng Y Parolin nói, “Vâng, bởi vì bạo lực mù quáng là không thể chấp nhận được, bất kể nguồn gốc là từ ở đâu tới.”
Nhắc lại, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói với các phóng viên: “Trong những trường hợp bất chính đó, tôi chỉ có thể nói rằng việc ngăn chặn kẻ xâm lược là hợp pháp.”
“Tôi muốn nhấn mạnh động từ ‘stop.’ Tôi không nói “đánh bom” hoặc “gây chiến”, (nhưng)’ngăn chặn nó,” DGH đã nói.
Đức Hồng Y Parolin giải thích rằng DGH Phanxicô đã không nói bất cứ điều gì mới, nhưng chỉ là trích dẫn sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, trong đó ‘điều 2308’ nêu ra rằng trong khi “mọi công dân và tất cả các chính phủ có nghĩa vụ phải tránh chiến tranh,” nhưng các chính phủ “không thể bị từ chối quyền tự vệ hợp pháp ” khi mà nguy hiểm của chiến tranh còn đe doạ, khi không một cơ quan quốc tế có quyền lực nào ngăn chặn được chiến tranh và khi tất cả các nỗ lực hòa bình đã thất bại.
“Vì lý do này, những người có thẩm quyền hợp pháp cũng có quyền sử dụng vũ khí để đẩy lùi quân xâm lược và để bảo vệ cộng đồng dân sự đã được giao phó cho họ,” Đức Hồng Y Parolin nói.
Sách Giáo lý năm 1992 ban hành dưới triều đức Gioan Phaolô II đưa ra nhiều “điều kiện nghiêm ngặt”, theo đó một lực lượng quân sự có thể phản ứng tự vệ chính đáng (điều 2309):
– Thiệt hại gây ra bởi kẻ xâm lược trên đất nước hoặc cộng đồng các quốc gia là kéo dài, nghiêm trọng và chắc chắn;
– Tất cả các phương tiện khác nhằm chấm dứt nó không thể thực hiện được một cách thực tế hoặc không có hiệu quả;
– Phải có triển vọng thành công một cách nghiêm chỉnh;
– Việc sử dụng vũ khí không thể tạo ra những sự dữ lớn hơn và rối loạn nghiêm trọng hơn là những sự dữ muốn được loại bỏ đó.
Đức Hồng Y Parolin nói rằng những điều kiện này cũng áp dụng “vào việc phòng vệ chính đáng của một quốc gia trong phạm vi biên giới của mình để bảo vệ công dân của mình và đẩy lùi những kẻ khủng bố.”
Trong cuộc phỏng vấn với báo La Croix, Đức Hồng Y Parolin nói rằng “không có sự biện minh nào cho những gì đã xảy ra” ở Paris và một sự huy động toàn cầu là cần thiết để có thể đáp trả.
“Cần huy động tất cả các phương tiện an ninh, lực lượng cảnh sát và thông tin – để nhổ tận gốc tệ nạn này của chủ nghĩa khủng bố,” Ngài nói, và lưu ý rằng cũng phải cần huy động các nguồn lực tinh thần, để cung cấp “một hiệu quả tích cực đối với điều ác. “
Cần phải giáo dục người dân về tầm quan trọng là phải bác bỏ hận thù và đưa ra câu trả lời cho những người trẻ đang muốn tham gia vào các hoạt động thánh chiến.
Mọi cấp độ của xã hội phải tham gia vào việc giáo dục này, Ngài nói, bao gồm mọi người trong các lĩnh vực chính trị và tôn giáo, quốc gia và quốc tế.
“Cần phải có nỗ lực chung trong cuộc chiến này. Nếu không có sự đoàn kết này, thì trận chiến khó khăn này sẽ không thể thắng được. “
Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước đây đã đưa ra quan điểm là cần phải đối thoại với những kẻ cực đoan, nói rằng, dù có khó khăn, nhưng vẫn có thể.
Nhưng Đức Hồng Y Parolin đã không lạc quan. Ngài nói với tờ báo Công Giáo CNA ngày 29 tháng 10 rằng: “Tôi nghĩ việc đối thoại với các phong trào cực đoan là không thể làm được.”
“Đối thoại,” Ngài nói “được thực hiện với những cuộc nói chuyện nhỏ (giữa những) người cùng tham gia vào một mối quan hệ, phải không? Vì vậy, không thể có một sự bắt đầu được với những người từ chối đối thoại.”
“Tôi không nghĩ rằng có thể đối thoại được với một phong trào cực đoan. Người ta có thể đề nghị đối thoại, nhưng tôi không thấy cơ hội trong việc thiết lập một cuộc đối thoại. “
Tuy nhiên, trong khi không thể đối thoại với các phần tử cực đoan, DHY Parolin cũng nói với báo La Croix rằng những người Hồi giáo bình thường cần phải được bao gồm và tham gia vào cộng đồng, và họ “phải là một phần của giải pháp” chống khủng bố.
Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh của Năm Thánh Thương Xót sắp tới. “Trong một thế giới đang bị giằng xé bởi bạo lực, đây là thời điểm thích hợp để khởi động một cuộc tấn công của lòng thương xót,” Đức Hồng Y nói.
Ngài nói rằng những cảm giác của sự trả thù là tự nhiên sau những cuộc tấn công như ở Paris, nhưng nhấn mạnh rằng “chúng ta phải chiến đấu chống lại sự thôi thúc này.”
“Đức Giáo Hoàng muốn Năm Thánh giúp mọi người nhìn thẳng vào mắt nhau, hiểu nhau và vượt qua sự hận thù. Sau các cuộc tấn công khủng bố vừa qua, thì mục tiêu (vượt qua sự hận thù) này phải được củng cố thêm. Chúng ta sẽ nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa để sử dụng thái độ (thương xót) này đối với người khác. “
Người Hồi giáo gọi Thiên Chúa là “đấng Xót Thương,” DHY nói, đó là “tên gọi đẹp nhất”, mà họ cho Ngài biết.
Ngài bày tỏ hy vọng người Hồi giáo cũng sẽ tham gia vào năm thánh, đó là một mong muốn rõ ràng của Đức Giáo Hoàng.
Trần Mạnh Trác
Nguồn tin: vietcatholi