Vào trong vinh quang ngang qua Thập Giá

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH A.B.C (Cv 4.32-35 ; 1 Ga 5,1-6 ; Ga 20,19-31)

1. LỜI CHÚA: Rồi Người bảo Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin”. Ông Tô-ma thưa Người: “”Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,27-28). 

 

2. CÂU CHUYỆN: ĐỨC KI-TÔ PHỤC SINH PHẢI TRẢI QUA ĐAU KHỔ THẬP GIÁ

 

Một hôm do muốn cám dỗ thánh Martinô phạm tội, nên quỷ đã hiện hình thành một ông vua oai phong và phán rằng “Hỡi Martinô, Ta cám ơn con đã tin vào Ta, và Ta mong rằng từ nay con sẽ luôn ở bên Ta và vâng nghe lời Ta truyền dạy”.

 

Martinô chăm chú nhìn ông vua giàu sang kia và hỏi: “Nhưng thưa ngài, ngài là ai vậy?”. Vua liền trà lời: “Ta là Vua Kitô đây !”

 

    Martinô lại hỏi:  “Vậy những vết thương ở tay chân của Đức Kitô đã biến đi đâu cả rồi ?” Vua liền đáp “Ta từ trời xuống, nên không cần đến các vết thương đó nữa !”

 

       Bấy giờ Martinô nói: “Tôi sẽ không bao giờ tin vào một Đức Kitô không chịu khổ nạn và tay chân không mang thương tích!” Tên vua quỷ nghe vậy liền biến mất.

 

 3. SUY NIỆM:

 

1) Từ thái độ bán tín bán nghi đến đức tin vững chắc vào mầu nhiệm Phục Sinh:

 

Các môn đệ của Chúa Giê-su không phải là những con người dễ tin. Đức tin của các ông đã trải qua một quá trình được các sách Tin Mừng ghi nhận như sau:

 

– Vào sáng ngày Thứ Nhất trong tuần, khi nghe bà Ma-ri-a báo tin xác Thầy biến mất, hai môn đệ Phê-rô và Gio-an đã chạy đến mộ để xác định thực hư. Gio-an đã đạt tới đức tin trước các anh em nhờ nhìn thấy những khăn liệm xác và các dây băng được xếp gọn để lại trong mộ và nhất là nhờ lòng mến đặc biệt dành cho Thầy Giê-su. Như vậy Gio-an “đã thấy và đã tin” nhờ đã quan sát những sự kiện thực tế và nhờ sự trực giác do lòng mến Chúa (x Ga 20,1-8).

 

– Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đã gặp Chúa phục sinh nhưng không nhận ra Người mà bà nghĩ là ông giữ vườn. Bà chỉ tin nhận Chúa Phục Sinh khi nghe Người gọi đích danh tên của bà: “Ma-ri-a !” (Ga 20,16). Như vậy một người sẽ chỉ đạt tới đức tin sau khi đã cảm nghiệm được tình Chúa yêu thương qua lời nói việc làm yêu thương phục vụ của các tín hữu.

 

– Hai môn đệ làng Em-mau đã được gặp Chúa phục sinh và đã nghe Người nói chuyện suốt cuộc hành trình, nhưng các ông vẫn nghĩ Người là một người dân ở Giê-ru-sa-lem. Các ông chỉ nhận ra Chúa khi lòng các ông đã nóng lên lòng mến khi nghe Người giải thích Kinh Thánh. Nhất là khi được tham dự lễ nghi Bẻ Bánh mà Đức Giê-su đã từng làm trước đó (x Lc 24,13-31). Như vậy đức tin chỉ có được qua một tiến trình như sau: Một là phải nghe Lời Chúa giáo huấn qua Hội Thánh để thêm lòng tin yêu và hai là phải năng dự thánh lễ với cộng đoàn.

 

– Bảy môn đệ cùng đi đánh cá tại biển hồ Ga-li-lê cũng chỉ tin Chúa Phục Sinh sau khi đã vâng lời Chúa “thả lưới bên phải mạn thuyền” và đã bắt được mẻ cá lạ lùng (x Ga 21,1-14). Như vậy các dấu lạ bắt nguồn từ việc thực thi Lời Chúa cũng giúp người ta nhận biết Chúa.

 

-Tuy nhiên đức tin của các môn đệ nói trên cũng chỉ ở một mức độ giới hạn. Các ông chỉ đạt tới một đức tin trọn vẹn sau khi đã tĩnh tâm cầu nguyện kết hiệp với Đức Ma-ri-a và các anh em Chúa trong Nhà Tiệc Ly suốt 10 ngày, và đã đón nhận được đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần trong lễ Ngũ Tuần (x Cv 2,1-12); Nhờ đó, các ông đã hăng say chu toàn lệnh truyền loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Chúa: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19-20) và “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

 

2) Về đức tin thực nghiệm của ông Tô-ma (x Ga 20,19-29):

 

Tin Mừng Gio-an hôm nay tường thuật hai lần Đức Giê-su hiện ra với các Tông đồ sau khi Người từ cõi chết sống lại. Cả hai lần Chúa đều hiện ra vào buổi chiều Ngày Thứ Nhất trong tuần nhưng cách nhau một tuần lễ. Lần thứ nhất khi Chúa đến thì Tô-ma vắng mặt. Khi nghe anh em thuật lại sự kiện Thầy đã phục sinh và hiện ra, ông Tô-ma đã khẳng định lập trường mang tính khoa học thực nghiệm là: ông chỉ tin Thầy thực sự sống lại khi được “mắt thấy tay sờ”. Do đó, trong lần hiện ra lần thứ hai sau một tuần lễ, Chúa Phục Sinh đã thỏa mãn đòi hỏi của Tôma bằng việc chỉ cho ông xem các lỗ đinh ở hai bàn tay và vết sẹo do lưỡi đòng đâm thâu ở cạnh sườn Người. Bấy giờ Tôma đã đạt tới đức tin trọn vẹn khi miệng ông thốt ra lời cầu với Chúa như sau: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,28).

 

Trước đây người ta thường coi Tô-ma tượng trưng cho những người cứng lòng tin vào mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa. Nhưng hiện nay người ta lại nhìn thái độ ấy với con mắt cảm thông và theo hướng tích cực. Vì nhờ không vội tin của Tô-ma, mà các tín hữu hôm nay mới có thêm những bằng chứng cụ thể chứng minh mầu nhiệm phục sinh của Chúa. Cũng vì các môn đệ Chúa không dễ tin mà đòi hỏi phải dựa trên cơ sở vững chắc, nên một khi các ngài đã tin thì niềm tin ấy sẽ có giá trị trở thành chỗ dựa vững chắc cho niềm tin của chúng ta hôm nay.

 

3) Phúc thay những người không thấy mà tin:

 

Điều Chúa muốn nói với chúng ta hôm nay là: Chúa đã chọn đi con đường theo thánh ý Chúa Cha là: “Phải qua đau khổ để vào trong vinh quang”, thể hiện qua việc Người đã thỏa mãn đòi hỏi của Tô-ma khi cho ông được nhìn xem những lỗ đinh ở bàn tay và kiểm tra vết thương ở cạnh sườn Người. Qua đó Người đã nhắn nhủ Tô-ma và qua ông nhắn nhủ các tín hữu chúng ta hôm nay: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20,29).

 

Ngày nay để tin Chúa phục sinh, chắc chắn chúng ta sẽ không có cơ hội “mắt thấy tay sờ” như ông Tô-ma xưa, nhưng chúng ta vẫn cần chấp nhận đi con đường của Chúa Giê-su đã chọn theo ý Chúa Cha là: “Qua đau khổ để vào vinh quang”, phải cùng chịu chết và được an táng với Chúa Giê-su để cùng được sống lại với Người. Mỗi ngày chúng ta phải biết “bỏ mình đi”, nghĩa là loại bỏ ý riêng để vâng theo ý Chúa qua lề luật và các lời giáo huấn của Hội Thánh. Mỗi ngày các  tín hữu chúng ta phải quyết tâm loại trừ mối tội đầu của mình bằng việc tập luyện nhân đức đối lập như trong kinh “Cải tội bảy mối có bảy đức” đã dạy. Mỗi ngày chúng ta còn phải chấp nhận vác thập giá là vui lòng chịu đựng các tai ương bệnh tật và những điều trái ý cực lòng do hoàn cảnh hay do người chung quanh gây ra để bước theo chân Chúa trên đường thánh giá.

 

4) Loan báo Tin Mừng hôm nay là thể hiện Lòng Chúa Thương Xót:

 

Giống như Tôma xưa, con người ngày nay cũng không dễ tin: họ luôn đòi phải được “mắt thấy tay sờ”, phải thấy được bằng chứng đáng tin. Do đó, các tín hữu cần trình bày khuôn mặt của Chúa Phục Sinh cho người khác thấy và tin.

 

Thực vậy: Làm sao họ có thể tin vào Chúa Phục Sinh, nếu không được xem những vết chai cứng nơi bàn tay lao động, những khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi vì phục vụ những người nghèo khổ của các tín hữu chúng ta?

 

Làm sao họ tin Chúa đã yêu thương chịu chết đền tội thay và sống lại để ban sự sống đời đời cho loài người, nếu họ không nhìn thấy những dấu chỉ yêu thương quên mình phục vụ trong cộng đòan tín hữu hay các hội đòan công giáo tiến hành gần nhà…

 

Chúng ta phải noi gương yêu thương hiệp thông và bác ái chia sẻ của cộng đòan thời Hội Thánh sơ khai tại Giêrusalem đã được sách Công vụ Tông đồ ghi nhận như sau: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ Bẻ Bánh và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kính sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải , lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ Bẻ Bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ,. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được tòan dân thương mến. Và Chúa cho cộng đòan mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2,42-47). Có thể nói cộng đoàn Hội Thánh Sơ Khai đã trở thành dấu hiệu đích thực của người môn đệ Đức Giê-su như Người đã dạy: “Ở điểm này , mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em có lòng yệu thương nhau” (Ga 13,35).

 

Cũng vậy, con người ngày nay luôn đòi phải thấy những chứng tích tình yêu như thế nơi các tín hữu. Do đó, Hội Thánh đã chọn Chúa Nhật II Phục Sinh làm ngày kính nhớ Lòng Chúa Thương Xót, để mời gọi mọi người chúng ta quan tâm tới tha nhân bên cạnh và thể hiện tình thương của Chúa cho họ. Cần tránh những lời nói, thái độ vụ luật bất nhân của bọn Biệt Phái và Kinh Sư Do thái khi xưa đã bị Chúa nặng lời quở trách, nhờ đó anh em lương dân mới dễ dàng đón nhận đức tin vào Chúa.

 

 4. LỜI CẦU:

 

 Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh.

 

Khi chúng con đi tìm kiếm Chúa trong nước mắt đau thương, xin hãy âu yếm gọi tên chúng con, như Chúa đã gọi tên bà Ma-ri-a đang khóc bên mộ Chúa khi xưa.

 

Khi chúng con chán nản muốn bỏ Chúa,  xin hãy đi với chúng con trên những đọan đường dài, như Chúa đã đồng hành với hai môn đệ trên đường về làng Em-mau.

 

   Khi chúng con đang đóng cửa lòng không muốn giao tiếp vì sợ hãi, xin hãy ban bình an cho chúng con, như Chúa đã đến ban bình an cho các môn đệ vào chiều ngày phục sinh.

 

        Khi chúng con đang hòai nghi bất tín, xin hãy tỏ lòng thương xót và khoan dung tha thứ tội lỗi chúng con, như Chúa đã tỏ lòng thương xót khoan dung trước sự cứng lòng của Tôma.

 

        Khi chúng con gặp phải thất bại trong cuộc sống, xin hãy đến nâng đỡ ủi an chúng con, như Chúa đã đến trao ban và phục vụ bữa sáng gồm bánh và cá nướng cho bảy môn đệ trên bờ biển hồ Ga-li-lê xưa.

 

        Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, xin hãy tỏ mình ra cho chúng con thấy Chúa đang hiện thân nơi những người đau khổ cả về thể xác cũng như tâm hồn, để mời gọi chúng con hãy thể hiện lòng thương xót bằng viẹc quảng đại chia sẻ cơm bánh vật chất và nhiệt tình phục vụ họ như phục vụ chính Chúa, hầu sau này chúng con sẽ được Chúa liệt vào hàng các chiên ngoan trong đàn chiên Chúa.- Amen.

 

LM ĐAN VINH – HHTM