Vai trò của Đại học Công giáo: mở ra với thế giới, không đánh mất bản sắc

Đối với Đức Tổng giáo mục Vincenzo Zani, Tổng thư ký của Bộ Giáo dục Công giáo, các học viện Công giáo phải cải tổ một cách khôn ngoan, trở thành hạt giống tốt cho một xã hội thế tục hóa. Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi: duy trì sự nghiêm ngặt trong nghiên cứu mà không làm mất đi thông điệp Kitô giáo


daihocconggiao.jpgNguy cơ và cơ hội

Từ ngày 28-29 tháng 3 tại Đại học Giáo hoàng Regina Apostolorum, Rôma, có một buổi hội thảo về tương lai của Giáo hội được diễn ra. Tại buổi hội thảo Đức Tổng giám mục Vincenzo Zani, Tổng Thư ký Bộ Giáo dục đưa ra những nguy cơ và cơ hội lớn mà các trường đại học và các học viện Công giáo phải đối diện trong một bối cảnh lịch sử hiện nay: Có một nguy cơ đó là không hiểu được nhu cầu đổi mới, tự phụ trong sự cằn cỗi. Nhưng cũng có một cơ hội để có thể cải cách một cách khôn ngoan và trở thành hạt giống tốt và hiệu quả cho một xã hội thiếu những điểm tham chiếu vững chắc. Đức Tổng giáo mục cũng nói đến Tông hiến ‘Vertitatis Gaudium’ của Đức Giáo hoàng Phanxicô; trong đó ĐTC muốn nhắc nhở “các tổ chức của Giáo hội phải có sự đổi mới khôn ngoan và can đảm, phải có một thay đổi cách truyền giáo đó là một Giáo hội ra đi”.

Năng động với thế giới mà không mất bản sắc

Theo Tổng Thư ký Zani, Đại học Công giáo cần phải có sự năng động là điều đặc trưng của các hệ thống đại học toàn cầu, nhạy cảm với xã hội. Nhưng các trường của Giáo hội cần phát huy nhiều hơn những gì ở nhiều nơi trên thế giới gọi là ‘học phục vụ’, nghĩa là dạy cách phục vụ về loan báo Tin mừng. Đại học Công giáo không chỉ giảng dạy để trở thành những suối nguồn khoa học được bao bọc trong các tháp ngà của chính mình.

Đại học Giáo hoàng: chuyên gia đối thoại

Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, nhắc nhở các trường đại học và các học việc Công giáo cần tăng cường kiến thức về cội nguồn của chính mình nhưng đồng thời mở ra một cuộc đối thoại thực sự với thế giới. Đại học Công giáo một mặt cần phải đào sâu một cách có hệ thống nguồn gốc văn hóa Kitô giáo; tuy nhiên, không quên sự cần thiết phải đối thoại, lắng nghe người khác. Trên tất cả, tránh hai nguy cơ: đó là chủ nghĩa hỗn hợp hoặc tổng quát và chủ nghĩa cơ bản, chủ nghĩa chính thống, độc quyền.

Một chiều kích toàn cầu giữa đức tin và lý trí

ĐHY Ravasi xác định một nhu cầu cấp thiết khác: các trường đại học và các học việc Công giáo phải có khả năng bảo tồn, trong một xã hội ngày càng hóa lỏng, một chiều kích toàn cầu, mang tính biểu tượng. Nói cách khác, đó là sự hợp nhất giữa tinh thần và vật chất, giữa đức tin và lý trí, cá nhân và xã hội. Sứ điệp Kitô giáo như ngôi sao dẫn đường.

Đức Hồng Y Ravasi đề nghị cách thức để có thể đạt được những điều trên Trước hết phải có sự nghiêm túc trong việc nghiên cứu; đây là điều tất cả các trường đại học phải thực hiện, đặc biệt đối với các trường đại học Công giáo. Nhưng trên hết các trường đại học Công giáo phải có một ngôi sao dẫn đường đó là thông điệp Kitô giáo. Một thông điệp phong phú vì từ quan điểm thần học, nhân học và văn hóa nó chứa đựng một điểm tham chiếu đặc biệt.

Hiện diện trong thế giới, tránh chủ nghĩa thế tục

Nhiều trường đại học Công giáo sợ rằng quá nhiều cuộc đối thoại với thế giới có nguy cơ hủy bỏ tính đặc thù của mình. Làm thế nào để né tránh điều này? ĐHY cho biết khởi đi từ một sự nhận thức: thế giới không nằm dưới dấu hiệu của lời chúc dữ. Nhưng chúng ta cũng biết rằng hiện nay chủ nghĩa thế tục cố gắng xóa bỏ mọi chiều kích siêu việt, vì thế nhiệm vụ của các trường đại học Công giáo phải làm cho Tin Mừng là một nguyên tắc hòa nhập.

Ngọc Yến

(VaticanNews 03.04.2019)