

ỦY BAN LOAN BÁO TIN MỪNG – HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
72/12 Trần Quốc Toản – Võ Thị Sáu – Quận 3 – Tp.HCM – Việt Nam
Email: evangelization@cbc-vietnam.org; Đt: 0905.505.022
GỢI Ý SUY NIỆM CHẦU THÁNH THỂ – NĂM 2025
Cùng nhau loan báo Tin Mừng
ĐỀ TÀI 6 – TRONG LÒNG HỘI THÁNH CHÚNG TA CÙNG NHAU THI HÀNH SỨ VỤ
Tháng 5/2025
A. Lời Chúa
“Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2, 42-47).
B. Ơn xin trong giờ chầu
Xin cho con luôn biết lắng nghe sự hướng dẫn của Thánh Thần và chân thành cộng tác với nhau để có thể đem Tin Mừng của Chúa đến với mọi người.
C. Gợi ý suy niệm
1. Lắng nghe và được sai đi
– Sách Công vụ Tông đồ kể lại về cộng đoàn tín hữu tiên khởi: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy…” (Cv 2, 42). Việc loan báo Tin Mừng không khởi đi từ ý tưởng cá nhân, mà từ chính Lời Chúa được cưu mang trong lòng Hội Thánh. Người tín hữu được nuôi dưỡng bằng giáo huấn tông truyền, rồi từ đó trở nên người được sai đi.
– Sắc lệnh Ad Gentes xác quyết: Hội Thánh mang bản chất truyền giáo, được sinh ra từ chính sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, để đưa muôn dân bước vào kế hoạch cứu độ của Chúa Cha. (x. AG 2). Như vậy, chính việc lắng nghe Lời Chúa và sống kết hiệp với Hội Thánh làm nên căn tính truyền giáo của mỗi tín hữu. Nói cách khác, sống trong lòng Hội Thánh là sống để được sai đi.
Câu hỏi gợi ý suy tư: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy…” (Cv 2, 42).
Trong tuần/tháng qua, tôi có dành thời gian đọc Lời Chúa mỗi ngày hay mỗi tuần không? Nếu có, tôi có dành đủ thời gian để đọc và nghiệm Lời Chúa, hay chỉ lướt qua cho xong nhiệm vụ? Khi nghe giảng hoặc đọc Thánh Kinh, tôi có ghi nhớ một điều cụ thể để thực hiện trong ngày, hay nghe xong rồi để đó? Tôi có dám chia sẻ với ít nhất một người (bạn bè, gia đình, đồng nghiệp) về một điều tôi cảm nghiệm được từ Lời Chúa không?
Thinh lặng cầu nguyện ít phút, sau đó hát một bài thánh ca thích hợp
2. Hiệp thông là nền tảng cho sứ vụ
– “Các tín hữu luôn luôn hiệp thông với nhau…” (Cv 2,42). Loan báo Tin Mừng không thể là hành động đơn độc. Sứ vụ phát sinh từ đời sống hiệp thông – trong cầu nguyện, trong tình huynh đệ, trong việc cử hành phụng vụ. Sự hiệp nhất là dấu chỉ sống động và là “mảnh đất” cho sứ mạng.
– Sắc lệnh Ad Gentes mời gọi các cộng đoàn Kitô hữu sống hiệp thông như một lời chứng cho thế giới, khi nói rằng: Cộng đoàn Kitô hữu phải tỏ ra như một dấu chỉ của sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế gian, bằng cách sống bác ái huynh đệ và trở nên một tâm điểm tỏa sáng đức tin (x. AG, 15). Sự hiệp thông ấy không chỉ xây dựng nội bộ Hội Thánh, mà còn làm cho Hội Thánh trở nên hấp dẫn và có sức thuyết phục giữa trần gian.
Câu hỏi gợi ý suy tư: Các tín hữu luôn luôn hiệp thông với nhau…
Tôi có tích cực tham dự các sinh hoạt chung (thánh lễ, nhóm nhỏ, công tác bác ái…) hay chỉ “có mặt” cho đủ? Tôi có chủ động xin lỗi, làm hòa hoặc đón tiếp người anh/chị em nào trong cộng đoàn mà tôi đã lơ là hay xích mích không? Tôi có tìm hiểu, hỗ trợ hoặc cộng tác với anh chị em đang phục vụ mục vụ khác để cùng lan tỏa Tin Mừng, hay “giữ khư khư” việc của mình?
Thinh lặng cầu nguyện ít phút, sau đó hát một bài thánh ca thích hợp
3. Cầu nguyện và chứng tá đời sống: phương thế loan báo Tin Mừng
– “Các tín hữu siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện… Họ đồng tâm nhất trí, vui vẻ và chân thành dùng bữa…” (Cv 2,42.46). Không chỉ bằng lời nói, cộng đoàn tiên khởi còn loan báo Tin Mừng bằng đời sống cầu nguyện và chứng tá niềm vui. Người ta nhận ra nơi họ một điều gì đó khác biệt – một niềm vui sâu xa, một sự chân thành thu hút. Cũng như vậy, ngày nay, Hội Thánh vẫn tiếp tục loan báo bằng đời sống thánh thiện và hiệp nhất.
– Sắc lệnh Ad Gentes nói: Lòng đạo đức đích thực và đời sống Kitô hữu thấm nhuần đức tin, đức cậy và đức mến, là một lời rao giảng Tin Mừng âm thầm nhưng đầy sức mạnh (x. AG 11).
Câu hỏi gợi ý suy tư: Các tín hữu siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng…
Tôi có dành thời gian im lặng trước Thánh Thể, hay cầu nguyện chỉ bằng các kinh kệ sẵn có? Tôi có quan tâm đến người nghèo khổ, người đang đơn côi bằng một cử chỉ cụ thể (chia sẻ vật chất, lắng nghe, thăm viếng…) không? Người ngoài nhìn vào cuộc sống hàng ngày của tôi (công việc, học hành, gia đình) có nhận ra niềm vui và sự nhất quán giữa lời tôi nói và cách tôi sống không?
Thinh lặng cầu nguyện ít phút, sau đó hát một bài thánh ca thích hợp
Lưu ý:
1) Những gợi ý cầu nguyện này có thể được suy niệm trong một giờ chầu hoặc mỗi giờ suy niệm một gợi ý. Điều quan trọng không phải là “suy niệm hết ý” nhưng là suy niệm sâu và cầu nguyện sốt sắng.
2) Tùy theo hoàn cảnh mỗi nơi, sau mỗi ý suy niệm, người hướng dẫn có thể mời gọi cộng đoàn dâng lời nguyện tự phát hoặc những hình thức khác thích hợp.
Để lại một phản hồi