Tuần 32 Thường Niên_Sống Lời Chúa hằng ngày_Lm Giuse Minh

THỨ HAI TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN

Tt 1,1-9; Lc 17,1-6

Cớ Vấp Ngã (cc. 1-3)

Sửa Lỗi Anh Em (cc. 3-4)

Sức Mạnh Của Lòng Tin

 

  1. Bối cảnh

Trong đoạn Tin Mừng này, Thánh Luca gom chung 3 lời dạy của Chúa Giêsu, tất cả đều rất thực tế cho cuộc sống chung trong tập thể:

 – Cớ vấp phạm: Tự bản chất có lẽ không xấu, nhưng do nó ở trong một hoàn cảnh không thích hợp nên nó gây ảnh hưởng tai hại. Sống trong một tập thể, tất nhiên không thể không có cớ vấp ngã, nhưng mỗi người hãy đề phòng đừng trở thành cớ vấp ngã cho người khác.

–  Việc sửa lỗi anh em: Trong tập thể nếu có ai xúc phạm tới mình, hãy nói thẳng với người ấy, nếu người ấy hối hận thì ta phải tha thứ cho dù sau đó người ấy lại lỗi phạm nữa thì cũng vẫn phải tha thứ nữa.

–  Đức tin: những người tập thể Giáo Hội hãy củng cố lòng tin của mình. Nếu có lòng tin thì sẽ làm được nhiều điều phi thường.

  1. Tin Mừng mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay mời gọi chúng ta nhìn nhận những thiếu xót của chúng ta.

Chúa Giêsu nói đến hai thứ bổn phận của con người đối với đồng loại:

–   Phải sống thế nào để không trở thành cớ vấp phạm cho người khác.

–   Phải tha thứ cho nhau.

Ngay từ những trang đầu tiên, khi mặc khải về con người, Kinh Thánh đã nói đến “Tình Liên Đới”. Bị Thiên Chúa tra vấn sau khi phạm tội: Ađam đã đổ lỗi cho Evà; đây là khuynh hướng chạy tội và chối bỏ trách nhiệm đối với người khác; cắt đứt liên lạc với Thiên Chúa, con người cũng muốn chối bỏ tương quan với tha nhân. Sự chối bỏ này lại càng rõ nét trong thái độ của Cain sau khi đã giết em mình là Aben “Tôi có phải là người giữ em tôi đâu”.

Sống là liên đới: không thể sống mà không cần người khác, cũng không thể sống mà không cảm thấy có trách nhiệm đối với người khác. Cuộc sống của tôi dù âm thầm đến đâu vẫn có âm hưởng trên người khác; dù tôi có tàn tật và bé nhỏ đến đâu, tôi vẫn là người hữu dụng cho người khác; hành động nào của tôi cũng có liên hệ đến người khác. Thí dụ: ta ném 1 cục đá xuống biển ta thấy những làn sóng lăn tăn, và tầm nhìn của ta có hạn, nhưng những làn sóng đó đang diễn ra đến vô biên, giọng nói của ta vang vọng trong không gian cũng đi đến vô biên. Chính vì lẽ đó mỗi hành đồng của chúng ta đều ảnh hưởng đến người khác ở gần hoặc ở xa.

III. Đó chính là ý nghĩa và giá trị của cuộc đời tôi, tôi có hạnh phúc hay không là tùy tôi có biết sống cho người khác hay không. Nói khác đi, nếp sống của ta sẽ gây ảnh hưởng trên người khác, dù ta cố ý hay không. Ảnh hưởng về phạm vi thể lý lẫn tinh thần: “hữu xạ tự nhiên hương”, “gần mực thì đen gần đèn thì sáng”. Đây là trách nhiệm đối với tha nhân trong cuộc sống. Do đó cần phải lưu tâm tới những ảnh hưởng tốt xấu ta gây nên trong cộng đoàn. Vậy trong nếp sống cộng đoàn, ta hãy biết kiên trì chấp nhận nhau và liên tục tha thứ: đây cũng là một hình thức căn bản của nếp sống bác ái cộng đoàn, bởi vì “giới hạn của tha thứ là tha thứ vô giới hạn”.

Kết luận: Nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm đối với người khác, Lời Chúa hôm nay cũng nói lên phẩm giá cao trọng của mỗi người. Đó chính là lý do đem lại cho chúng ta niềm tin trong cuộc sống mà chúng ta phải không ngừng cầu xin Chúa.

THỨ BA TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN

Tt 2,1-8; Lc 17,7-10

Phục Vụ Cách Khiêm Tốn

  1. Bối cảnh

–   Tiếp tục chương 17, Thánh Luca ghi lại những lời Chúa Giêsu  giáo huấn các môn đệ về tinh thần phục vụ. Muốn phục vụ, trước hết hãy khiêm tốn, khiêm tốn đến mức tự coi mình là đầy tớ.

–   Khi ta đã tự coi mình là đầy tớ rồi thì ta sẽ không ngại phục vụ ông chủ và coi việc phục vụ này là bổn phần phải làm.

  1. Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã dựa vào dụ ngôn người đầy tớ của ông chủ để dạy các môn đệ bài học về khiêm nhường khi phục vụ.

Thật vậy, để cảnh giác các môn đệ không được ỷ lại vào sức mạnh của đức tin (17,5-6) mà tự mãn và vênh vang trước mặt Thiên Chúa và người ta, Chúa Giêsu đã dựa vào phong tục Đông Phương và bổn phận của người đầy tớ đối với chủ để dạy các ông bài học khiêm nhường: bởi vì, đã mang thân phận là người đầy tớ trong nhà ông chủ thì dầu suốt ngày phải làm việc vất vả ngoài đồng hay đi chăn chiên, tối về phải thắt lưng dọn cơm hầu hạ chủ và thu dọn việc nhà, cũng không được kêu ca vì đó là việc bổn phận của người đầy tớ.

Đối với các môn đệ và hết thảy những ai làm việc cho Chúa đều phải nhớ luôn bài học: “chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”. Điều này nhắc nhở người môn đệ khi làm việc cho Chúa thì phải luôn đề cao tinh thần vô vị lợi và vị tha, chứ không được ỷ lại vào công việc của mình mà tự mãn và đòi hỏi Chúa cũng như đòi  hỏi người khác trả công cho mình! Đồng thời phải tránh xa quan niệm “sống đạo để lập công” của người Pharisêu, người con cả trong dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu và Đứa Con Hoang Đàng”. Đây là kiểu sống không có tình: chỉ có tính thương mại so đo: “Mẹ nuôi con như trời như bể, con nuôi mẹ con kể từng ngày”.

Dĩ nhiên, ở đây, Chúa Giêsu không có ý đề cao quan hệ chủ – tớ trong xã hội; Ngài đã xem quan hệ giữa con người và Thiên Chúa như một tương quan cha – con: “Ngài đã mạc khải cho chúng ta gọi Thiên Chúa là cha đó sao?”

Như vậy, ở đây, Chúa Giêsu chỉ muốn dùng hình ảnh người đầy tớ vốn có trong xã hội Do Thái, để nói lên tương quan đích thực giữa con người và Thiên Chúa, đó là con người chỉ sống thực sự khi nó sống cho Thiên Chúa mà thôi. Cái nghịch lý lớn nhất mà Kitô giáo đề ra là càng tìm kiếm bản thân, càng sống cho riêng mình, con người càng đánh mất chính mình; trái lại, càng sống cho Thiên Chúa, nghĩa là càng phục vụ vô vị lợi, con người càng lớn lên và càng tìm lại được bản thân. Giá trị đích thực của con người như Chúa Giêsu đã dạy và đã sống chính là phục vụ cách vô vị lợi.

III. Trong một câu chuyện: khi người ta hỏi Thánh Phanxicô Assisi nhờ đâu và bằng cách nào mà Ngài làm được nhiều việc lớn lao như thế. Thánh nhân đáp: Thiên Chúa ở trên Thiên Đàng nhìn xuống dưới đất, Ngài tự hỏi: “Tìm đâu ra một người yếu đuối nhất, nhỏ bé nhất để có thể đảm đương công việc của Ngài. Ngài nhìn xuống thấy tôi và nói: Ta đã thấy hắn và Ta sẽ làm việc qua con người tầm thường của hắn, để hắn biết rằng Thiên Chúa dùng hắn chỉ vì tình trạng nhỏ bé và dốt nát của hắn mà thôi.” (Christian Herald)

Chúng ta cũng biết mới đây Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã phong Chân Phước cho một nhân vật nổi tiếng trong Giáo Hội hiện nay được Thế Giới nhắc nhở và thương mến nhất đó là Mẹ Têrêsa Calcutta. Một người hiện nay đã được nhiều giải thưởng nhất:

–   Giải Magsaysay do chính phủ Phi Luật Tân vào đầu thập niên 60

–   Năm 1971, Mẹ được Đức Phaolô VI trao giải Gioan XXIII vì hòa bình.

–   Giải thưởng Kenedy do chính phủ Hoa Kỳ tặng. Tất cả số tiền nhận được, Mẹ đã dùng xây dựng Trung Tâm Kenedy tại một khu ổ chuột ở ngoại ô Calcutta.

–   Tháng 12/1972 chính phủ Ấn nhìn nhận sự đóng góp của Mẹ và trao tặng Mẹ giải Neru.

–   Nhưng đáng kể hơn nữa là giải Nobel Hòa Bình năm 1979, đây là giải thưởng đã làm cho tên tuổi Mẹ Têrêsa được cả thế giới biết đến. Cũng như những lần khác, khi một viên chức chính phủ Ấn gọi điện thoại để chúc mừng, Mẹ trả lời: “Tất cả vì vinh quang Chúa”. Đây chính là động lực đã thúc đẩy Mẹ Têrêsa dấn thân phục vụ người nghèo nhất thế giới. Với bao nhiêu danh vọng và tiền bạc, do các giải thưởng mang lại, Mẹ vẫn là một nữ tu khiêm tốn, nghèo khó làm việc âm thầm giữa những người nghèo khổ nhất. Có điều mỗi giải thưởng là một bàn đạp mới, một khởi đầu cho một công trình phục vụ to lớn hơn và làm cho nhiều người biết đến và ngợi khen Thiên Chúa nhiều hơn.

Đối với người tín hữu, qua Tin Mừng hôm nay, Chúa khuyên bảo chúng ta hãy có tâm hồn khiêm nhường và khó nghèo, đồng thời phải có tinh thần vị tha vô vị lợi, vì đã lãnh nhưng không thì phải cho nhưng không. Đồng thời phải luôn tâm niệm rằng: “chúng tôi chỉ là đầy tớ vô dụng”. Đó là tinh thần của người làm việc tông đồ, và đó cũng là tinh thần của những người làm mọi việc vì vinh danh Thiên Chúa.

Kết luận: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết phục vụ Chúa và tha nhân trong yêu thương và khiêm tốn, và luôn ý thức được rằng chúng con chỉ là đầy tớ vô dụng.

 

 

 

 

 

THỨ TƯ TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN

Tt 3,1-7; Lc 17,11-19

Chữa Lành Mười Người Phong Cùi

  1. Bối Cảnh

–  Đây là lần thứ ba Thánh sử Luca nhắc đến cuộc hành trình của Đức Giêsu đi lên Giêrusalem (9,51-13,10; 13,11-17,10;17,11-19,28) và lần này trên đường đi Giêrusalem, khi qua biên giới hai miền Samari và Galilê, thì có một nhóm mười người phong cùi đến gặp Chúa Giêsu xin Người cứu chữa.

–  Khi Chúa Giêsu bảo họ “hãy đi trình diện với các tư tế”, Chúa Giêsu vừa thử đức tin vừa mời họ tin tuyệt đối vào Ngài.

–  9 người Do Thái không trở lại tạ ơn vì họ đã quen được ơn Chúa nên coi đó là việc bình thường. Một người cùi xứ Samari trở lại tạ ơn vì nghĩ rằng mình không xứng đáng được ơn, thế mà lại được.

  1. Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện Đức Giêsu chữa lành cho mười người bị phong cùi; đồng thời qua đó cho thấy thái độ của những người này đối với ơn họ đã nhận được. Đây cũng là một trong những bài Tin Mừng mà Thánh sử Luca có ý đề cao những nét nổi bật của người dân ngoại.

Chúa Giêsu trên đường đi lên Giêrusalem để mừng lễ vượt qua (Lc 18,35), khi tới một làng ở giữa ranh giới Samari và Galilê, Ngài gặp mười người phong cùi ra đón đường. Họ đứng xa xa và kêu xin Ngài chữa bệnh: “Lạy Thầy Giêsu xin dủ lòng thương chúng tôi”, lời kêu xin này biểu lộ niềm tin Đức Giêsu chữa trị được bệnh cho họ.

Chúa Giêsu bảo họ hãy đi trình diện với các tư tế và “đang đi thì họ được sạch” (17,14). Theo luật Do Thái những người bị bệnh như phong cùi không được sống chung với cộng đoàn mà phải sống cách ly. Nếu được khỏi bệnh thì phải đi trình diện với các thầy tư tế mới được chứng nhận để sống hòa nhập với cộng đồng. Ở đây Chúa Giêsu nói với những người bệnh phong cùi đi trình diện trước khi khỏi bệnh có ý thử luyện lòng tin của họ. Vì đức tin phải được thử luyện qua những thử thách để được vững mạnh và “đang khi họ đi thì họ được sạch”. Đây là hiệu quả của đức tin.

Nhận thấy ơn phúc được khỏi bệnh cùi một cách lạ thường, một trong số mười người đã quay trở lại tôn vinh Thiên Chúa. Thái độ trở lại, lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa cho thấy người này quả thực đã tin nhận vào Đức Giêsu là Đấng đã chữa mình khỏi bệnh, vì biết quí trọng “người cho” hơn là “của cho”. Đức Giêsu dùng kiểu nói “tôn vinh Thiên Chúa” cũng là để “mạc khải” chính Ngài là Đấng cứu thế đến để giải thoát con người khỏi ách của sự chết là tội lỗi.

Lúc ấy Chúa Giêsu đặt câu hỏi: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế còn chín người kia đâu?” cho thấy Đức Giêsu muốn tuyên bố cả mười người được khỏi bệnh, nhưng chỉ có một người ngoại trở lại tạ ơn Thiên Chúa. Như vậy Ngài cũng ngầm trách chín người Do Thái kia vì vụ luật trình diện, nên không đến tạ ơn Thiên Chúa.

Và để kết thúc Chúa nói “lòng tin của anh đã cứu chữa anh”. Đức Giêsu muốn nói tới ơn cứu độ hơn là việc khỏi bệnh phong. Lòng tin sau khi khỏi bệnh của anh Samari thật đáng quí, hơn cả lòng tin khi anh và các bạn đến gặp Đức Giêsu để xin chữa lành. Anh đã tin vững vàng nhờ anh đến gặp và tạ ơn Đức Giêsu.

III. Biết ơn là thái độ cần có nơi người chịu ơn. Người làm ơn có thể không đòi được trả nghĩa, nhưng người chịu ơn là phải biết ơn. Cần biết ơn để mình xứng đáng là người hơn và để mình xứng đáng phần nào với ơn nhận được. Thường những ân nghĩa chúng ta rất dễ lãng quên, nhưng oán hờn lại dễ ghi lòng để dạ. Mười người phong cùi được Chúa chữa lành, nhưng chỉ có một người quay lại cám ơn. Tỉ lệ một phần mười! mà người đó lại là người ngoại. Cả hàng ngàn người được Chúa thi ân, nhưng khi Chúa phải vác thập giá siêu vẹo trên đồi Can-vê chỉ có một người bằng lòng vác đỡ, người đó cũng là người dân ngoại. Cả một dân tộc chịu ơn Chúa, nhưng khi Chúa bị đóng đinh trên thập giá, chỉ có một người dám công khai lên tiếng xưng tụng Chúa là người vô tội, người đó lại là người ăn trộm. Phải chăng, phần đông người ta muốn cầu xin và đón nhận ân huệ nhưng lại rất ít người biết tỏ lòng tri ân?

Phần chúng ta, biết bao lần sa ngã phạm tội, chúng ta đã kêu xin Chúa tha thứ, và Chúa nhân từ đã thứ tha, biết bao lần chúng ta bị bệnh cùi trong tâm hồn, khi đến tòa giải tội xin Chúa xót thương, và đã được Ngài xót thương chữa lành; rồi biết bao ân huệ của Chúa đang âm thầm đổ xuống  trên chúng ta, trên gia đình ơn phần hồn, phần xác. Thế nhưng tôi đã biết “trở lại tôn vinh Thiên Chúa” chưa?, chúng ta đã sống tâm tình nào với Thiên Chúa: tâm tình biết ơn hay vô ơn?

Kết luận:  Lạy Chúa, xin ban cho chúng con biết sống tâm tình tạ ơn và tri ân trong mọi biến cố cuộc đời chúng con và biết sống quảng đại liên đới chia sẻ với những anh em thiếu thốn đang cần đến tấm lòng và bàn tay giúp đỡ của chúng con, để mỗi ngày chúng con xứng đáng là con của Chúa hơn.

 

 

 

 

 

THỨ NĂM TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN

Lc 17, 20-25

Triều Đại Thiên Chúa Đang Ở Giữa Các Ông

  1. Bối cảnh:

Triều đại Thiên Chúa.

–   Người Do Thái rất quan tâm đến ngày mà Thiên Chúa thiết lập triều đại của Ngài. Các thầy Ráp-bi và các nhà viết văn khải huyền đều tra tìm những dấu chỉ để có thể xác định ngày giờ ấy.

–   Đối với Đức Giêsu, những điềm báo trước triều đại Thiên Chúa đến không thuộc hiện tượng mà giác quan có thể quan sát, nhưng thuộc lãnh vực đức tin. Chỉ cần đón nhận Đức Giêsu là tìm thấy triều đại Thiên Chúa (x 12,54-56)

–   Bởi vì “Triều đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông”: có nghĩa là vấn đề không phải là xác định nơi chốn và thời gian để tìm đến, mà lại tintheo Chúa Giêsu.

–   Sau khi cho thấy triều đại Thiên Chúa đã đến qua sứ mệnh của Đức Giêsu (c.21), Luca đưa ra một khía cạnh bổ sung cho thực tại ấy: Nước Thiên Chúa sẽ thành tựu ở vào một thời điểm nhanh chóng và bất ngờ không ai biết trước được, vào ngày Con Người  quang lâm.

  1. Sau khi Chúa Giêsu chữa lành cho mười người phong cùi được sạch, và có một người trong số họ trở lại cảm tạ và tôn vinh Thiên Chúa, Chúa nói với anh ta “Đứng dậy và về đi, lòng tin của anh đã cứu chữa anh”. Lúc ấy có một người Pharisêu tiến đến hỏi Chúa Giêsu “Bao giờ triều đại Thiên Chúa đến?” . Ngày giờ triều đại Thiên Chúa đến là một vấn đề lớn đối với Do Thái Giáo thời bấy giờ. (x. Dn 9,2). Bởi vì họ nghĩ rằng đó là một biến cố trọng đại đem lại vinh quang cho Thiên Chúa và họ đang phải sống tủi nhục dưới ách đô hộ của Rôma. Họ muốn biết khi nàoở đâu ngày ấy xảy ra. Bởi thế, hôm nay người Pharisêu hỏi Chúa Giêsu: “Bao giờ triều đại Thiên Chúa đến?”. Thực ra, triều đại Thiên Chúa tuy cũng là một biến cố trọng đại như người Do Thái nghĩ, nhưng không phải theo cặp mắt nhìn trần thế như vinh quang, hùng mạnh, chiến thắng… Với sự xuất hiện của Chúa Giêsu sẽ dần dần đến trong tâm hồn những kẻ tin theo Ngài. Bởi đó Chúa Giêsu nói: “Triều đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: “ở đây” hay “ở kia”, vì triều đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông”. Nói cách khác, vấn đề không phải là xác định nơi chốn và thời gian để tìm đến, mà là tintheo Chúa Giêsu.

III. Thật vậy, khi Đức Giêsu xuất hiện là Nước Thiên Chúa đã đến. Chính Chúa Giêsu đã thiết lập Nước đó bằng hoạt động trong chương trình cứu thế của Ngài, nhưng con người không để ý đến. Triều đại Thiên Chúa đến là lúc cáo chung ách thống trị của Satan, tội lỗi và sự chết trên con người.  Khi rao giảng công khai Chúa nói: “Giả như Ta nhờ thần khí Thiên Chúa mà trừ quỉ, thì vương quốc Thiên Chúa đã đến cho các ngươi rồi” (Mt 12,28)

Tuy nhiên, để có thể thuộc về Nước Thiên Chúa, sống trong Nước Thiên Chúa ngay từ bây giờ, người Kitô hữu phải tin vào Đức Giêsu và hoán cải, phải chấp nhận những đòi hỏi của vương quốc và trở nên môn đệ của Đức Kitô. Thánh Phaolô có cho chúng ta những tiêu chuẩn để xác định được sự hiện hữu của Nước Thiên Chúa: “Nước Thiên Chúa không phải là việc chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17).

Rồi khi chúng ta lãnh Chúa Giêsu Thánh Thể vào lòng, chúng ta nhận chính mầm mống của sự sống đời đời vào lòng. Chúa Giêsu Thánh Thể sẽ dạy chúng ta biết cách xử sự, nói năng, sao cho có thể giới thiệu về Nước Thiên Chúa cho kẻ khác. Nếu cứ sống kiên trì như vậy ngày qua ngày, chúng ta có thể an tâm về ngày quang lâm. Ngày này chỉ là cao điểm của một chuỗi ngày dài trong đó người Kitô hữu đã nếm cảm, đã sống phần nào hương vị của cuộc sống mai sau.

Kết luận: Nguyện xin Chúa ban thêm niềm tin để chúng con không ngừng đón nhận Chúa qua từng biến cố và gặp gỡ hàng ngày.

 

 

 

 

 

THỨ SÁU TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN

Lc 17, 26-37

Ngày Của Con Người

  1. Bối cảnh

–   Sau khi nói về ngày khai mạc và kết thúc Nước Trời ở trần gian, Đức Giêsu nói Ngài sẽ trở lại thế gian trong ngày Cánh Chung.

–   Ngày Chúa đến thật bất ngờ:

Như thời ông Noe

Như thời ông Lót.

–  Vậy hãy tỉnh thức, sẵn sàng canh giác, chăm lo cho số phận mình.

  1. Đoạn Tin Mừng hôm nay tiếp liền đoạn hôm qua về “Ngày của Con Người”, tức là ngày Quang Lâm. Trong đoạn Tin Mừng hôm qua, Chúa Giêsu đã bảo đừng mất công tìm hiểu xem khi nào và dấu nào cho biết ngày ấy đến. Điều quan trọng phải là luôn sẵn sàng. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng nhiều hình ảnh để giải thích rõ hơn điều đó:
    – Trước hết Ngài dùng hai câu chuyện Cựu ước về ông Noe và ông Lót để khuyến cáo các môn đệ mình về tính cách bất ngờ của ngày Chúa Quang Lâm, khiến người ta không kịp xoay sở để đối phó, vì người ta đang bị cuốn hút vào trong những lo lắng cho cuộc sống trần thế như ăn uống, mua bán, cưới vợ lấy chồng, trồng trọt, xây cất… Việc so sánh này có ý cảnh giác con người về ngày Chúa đến thật bất ngờ và nhanh chóng, nếu con người không sẵn sàng thì sẽ phải hư mất.

–   Tiếp theo, Chúa Giêsu đưa ra một số hình ảnh dễ hiểu:

Ngày ấy ai đang ở trên sân thượng thì đừng xuống nhà để lấy đồ đạc; người đang ở ngoài đồng thì cũng đừng trở về nhà: vì khi đó của cải vật chất , đồ đạc không còn quan trọng nữa. Cái quan trọng lúc đó là “sự sống” vĩnh cửu.

Hai người đang nằm chung một giường, hai người đàn bà đang cùng nhau xay bột, hai người đàn ông đang ở ngoài đồng… một người được đem đi, ngưởi kia bị bỏ lại. Ở đây không có ý nói về con số, cũng như về số lượng chia hai phe, nhưng chú trọng về tính cách: người ta ở đời xem ra giống nhau, nhưng ngày phán xét thì phân định kẻ lành người dữ, ai lành thì được chọn, ai dữ thì bị loại. Lối diễn tả này thúc dục người ta chăm lo cho số phận đời đời của mình.

III. Trong những tuần cuối của năm phụng vụ, Hội Thánh cho chúng ta nghe những bài đọc Lời Chúa về thời Cánh Chung, để giúp chúng ta chuẩn bị tâm hồn thì chúng ta phải sống thế nào để được vào trong cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu.

Lời Chúa không dạy chúng ta làm một công việc nào đặc biệt, vì thế chúng ta hãy tiếp tục sinh hoạt trong lãnh vực trách nhiệm của mình, trong hoàn cảnh và khả năng của mình. Có nghĩa là chúng ta vẫn phải sinh sống: ăn uống, dựng vợ gả chồng, mua bán, trồng trọt, xây cất… Những lo lắng này không có gì là tội lỗi.

Tuy nhiên cuộc sống ở trần gian này không phải là tất cả. Cuộc sống cá nhân chóng qua mau tàn, điều ấy đã hiển nhiên rồi, hơn nữa, thế giới này sẽ có ngày chấm dứt: Tận thế! Một cuộc đời chấm dứt là một khởi đầu, một định mệnh không còn đổi thay được nữa. Số phận ấy được ấn định do cuộc phán xét. Chúa căn cứ trên thái độ mỗi người đã chọn giữa lòng tin vào Chúa, hay từ chối đức tin, giữa tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân hay từ khước tình yêu ấy để mà thẩm định: được chọn hay bị loại bỏ. Hẳn là thế, Giáo huấn của Chúa, mệnh lệnh của Ngài, như thư 2 Gioan nói là “Chúng ta phải yêu thương nhau”. Chỉ tình yêu mới là đảm bảo đưa chúng ta về với Thiên Chúa tình yêu. Chính Thánh Phaolô đã nói: “Đức ái không bao giờ qua đi” (1 Er 13,8)

Chúa Giêsu Thánh Thể là tình yêu của Thiên Chúa, sẽ đến với chúng ta, giúp chúng ta luôn có tâm hồn đầy ắp tình yêu. Nhờ đó, ngay khi còn sống ở trần gian giữa những thực tại chóng qua, chúng ta đã sống bằng bầu khí vĩnh cửu nơi Thiên Quốc.

Câu chuyện minh họa:

Ở Mêhicô, Giáo Phận của Đức Cha Samuel Ruiz có tới 80% Giáo dân là người da đỏ. Nhưng không phải tự nhiên mà Ngài làm được việc đó đâu. Trong một buổi nói chuyện tại nhà thờ Chánh Tòa Westminster Mùa Chay 1996, Ngài đã thổ lộ tâm sự như sau: “Suốt 20 năm làm Giám Mục Giáo Phận này, tôi như một con cá đang ngủ, nghĩa là mắt vẫn mở nhưng chẳng thấy gì. Tôi còn hãnh diện vì Giáo Phận có nhiều nhà thờ và Giáo dân đông đúc. Rồi một hôm tôi gặp cảnh một người da đỏ bị trói vào một thân cây và bị ông chủ dùng roi quất túi bụi vì lý do người này không chịu làm thêm 8 giờ phụ trội nữa”. Chính cái biến cố đó đã làm cho Đức Cha Samuel Ruiz “thức dậy”. Từ đó trở đi, Ngài hăng hái đấu tranh cho quyền lợi người da đỏ.

Kết luận: Xin Chúa cho chúng con biết tỉnh thức, sẵn sàng chuẩn bị đón chờ Chúa đến.

 

 

 

 

 

THỨ BẢY TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN

Lc 18,1-8

Dụ Ngôn Quan Tòa Bất Chính Và Bà Góa Quấy Rầy

 

  1. Bối cảnh:

–   Câu dẫn nhập của đoạn Tin Mừng báo trước ý  nghĩa của dụ ngôn và dạy “các môn đệ phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”. Dụ ngôn có hai vai:

Bà góa: Trong xã hội Do Thái, các bà góa chịu nhiều thiệt thòi và không ai bênh vực. Bà góa này có lẽ bị người ta ức hiếp, nhưng vì không ai bênh vực nên chỉ còn biết chạy đến kêu cứu với thẩm phán.

Thẩm phán: lẽ ra nhiệm vụ của ông là bênh vực những người bị ức hiếp, nhưng ông thẩm phán này không bênh vực bà góa vì bà chẳng có lợi gì cho ông cả. Dù vậy, nhờ bà cứ kiên trì kêu xin nên cuối cùng ông cũng xử công bình cho bà.

Bài học: một người bất công như viên thẩm phán mà còn phải chịu thua lòng kiên trì của bà góa. Huống chi Thiên Chúa tốt lành, Ngài sẽ mau chóng bênh vực kẻ kêu xin Ngài cách kiên trì.

  1. Tuy nhiên, có nhiều kẻ không kiên trì nên đã mất lòng tin. Đó là ý nghĩa câu cuối cùng: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”

Nhân nói về ngày Chúa sẽ trở lại thế gian và các thử thách mà các Tông đồ và các tín hữu sẽ gặp, Đức Giêsu dạy các môn đệ phải cầu nguyện liên lỉ để được Thiên Chúa phù hộ. Ngài đã dùng hai dụ ngôn: quan án bất nhân và bà goá (Lc 18,1-8); dụ ngôn người biệt phái và người thu thuế (Lc 18,9-14), để nêu rõ những điều kiện cần phải có để lời cầu nguyện được hiệu quả.

Về thời gian cuối năm phụng vụ, khi chúng ta đang đưa mắt nhìn về biến cố Cánh Chung, trong lòng chúng ta rất có thể đang dâng lên những nỗi băn khoăn, xao xuyến, ngờ vực, nay được nghe báo Tin Mừng như hôm nay, hẳn chúng ta cảm thấy được an ủi và khích lệ.

Thật vậy, một vị thẩm phán bất lương như bài dụ ngôn mô tả “không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta, mà còn phải minh xử cho bà goá nọ, vì bị bà quấy rầy mãi, thì phương chi Thiên Chúa lại không bênh vực cho những kẻ Người đã tuyển chọn hằng kêu cứu với Ngài đêm ngày mà khoan dãn với họ mãi sao?”

III. Bởi vì, trước khi nói đến Thiên Chúa là thẩm phán, chúng ta nhớ Thiên Chúa là tình yêu, Thiên Chúa là người Cha có trái tim yêu thương của người mẹ hiền. Chắc chắn Thiên Chúa luôn luôn đoái nhìn đến những nỗi thử thách và khó khăn của con cái loài người với ánh mắt nhân từ, và Ngài sẽ lo lắng cho con cái với tất cả quyền năng của Ngài.

Tuy nhiên, quyền năng của Thiên Chúa chỉ được biểu lộ tỏ tường nơi sự yếu đuối của con người. Thánh Tông đồ Phaolô đã rất ý thức về chân lý này, một chân lý đã thành như một định luật thường hằng trong lịch sử cứu độ (x. 2 Cr 4,7). Trước nhan Thiên Chúa, chúng ta cũng trắng tay, thân phận chúng ta cũng nghèo hèn như bà goá nọ. Dù có làm được gì, chúng ta vẫn chỉ là những thụ tạo giới hạn, chỉ đang dựa vào quyền năng Thiên Chúa mà sinh hoạt.

Khi nhận thức được như thế, chúng ta phải cầu nguyện luôn, và chỉ có Chúa mới giúp chúng ta được, cũng như bà goá đến nài xin quan tòa, vì chỉ có ông mới minh oan cho bà ấy được. Chúng ta phải cầu nguyện kiên trì với tâm tình phó thác nương tựa vào Chúa, tin cậy nơi Ngài. Nếu Thiên Chúa khoan dãn ban ơn cứu giúp là để tôi luyện đức tin của chúng ta thêm vững mạnh, đồng thời cũng là cơ hội để ta tỏ bày lòng yêu mến Chúa, vì ta cần Chúa hơn ơn Chúa ban. Ước gì lời băn khoăn sau đây của Chúa Giêsu không phải là sự thật đối với chúng ta: “Khi Con Người đến liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”

Kết luận: Có Chúa Giêsu là Lời Thiên Chúa và là lương thực thần linh bồi dưỡng, chúng ta hãy kiên trì tiến đi trên con đường đức tin. Và để chứng tỏ được điều này, chúng ta đọc thư 3 của Gioan đề nghị cho một hướng dẫn cụ thể: “Hãy cộng tác với những hoạt động cho chân lý”.

Lm. Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho