11.09.2017
THỨ HAI TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN
Lc 6,6-11
Lời Chúa:
“Ngày sabat được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt”. (Lc 6,9)
Câu chuyện minh họa:
Trong một giai thoại về Đức Thích Ca, có kể rằng: Một hôm ngài rơi vào tay một tên cướp. Tên này dọa giết ngài, trước khi chết ngài xin hắn một ân huệ. Ngài chỉ vào một cây lớn trước mặt và nói:
– Ngươi hãy cắt đứt một nhánh cây.
Trong nháy mắt, tên cướp vung kiếp chém đứt một nhánh cây. Đức Thích Ca nói tiếp:
– Bây giờ người hãy tháp nhánh cây vào thân cây.
Tên cướp cười gằn, nói:
– Mi quả là tên khùng nên mới nghĩ rằng ta có thể làm được điều đó. Đức Thích Ca liền dạy hắn một bài học:
– Ngươi mới là tên khùng khi nghĩ rằng sức mạnh sức mạnh con người có thể gây thương tích và phá hủy. Người có sức mạnh thực là người biết sáng tạo và chữa lành.
Suy niệm:
Đôi khi trong công tác tông đồ, chúng ta cũng bị rơi vào tình trạng người khác không chấp nhận quan điểm của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta cứ theo dư luận mà sống, thì chúng ta có thể bị rơi vào tình trạng bi đát nhất, là không còn rao giảng Tin mừng nhưng là phản chứng Tin mừng.
Luật giữ ngày sabat là trung tâm của toàn bộ lề luật. Thế nhưng, con người đã dùng nó để xét đoán, và lên án nhau, thậm chí là giết chết thay vì mang lại sự sống. Chúa Giêsu đã giúp họ nhận ra ý nghĩa đích thực của ngày sabat, là mang lại ơn giải thoát khi chữa khỏi người bại tay. Ngài rất khéo trong cách chữa bệnh: không hành động nhưng dùng lời để chữa lành, nhằm tránh những lời tố cáo của bọn biệt phái.
Lạy Chúa, xin cho con biết khôn ngoan trong cách xử thế, để những việc con làm không là nguyên nhân để người khác tố cáo, ghen ghét hay đố kỵ.
12.09.2017
THỨ BA TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN
Lc 6,12-19
Lời Chúa:
“Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa”. (Lc 6,12)
Câu chuyện minh họa:
Tại Roma có một nhà dành cho các bà mẹ tý hon, dưới tuổi thành niên. Căn nhà này do chị Fancesca Ganmagni điều khiển.
Chị Fancesca đã kể lại cuộc đời của chị như sau: “Tôi sinh trưởng tại Bắc Italia. Năm 20 tuổi, tôi quyết định lên đường qua Phi Châu để làm việc truyền giáo trong bậc giáo dân. Trong những năm lưu lại đây, tôi đã sa ngã và mang thai.
Ý định trở về Italia đến với tôi. Nhưng làm sao bây giờ? Tôi không thể mang cái bụng bầu về nhà cha mẹ tôi được, nhưng tôi cũng không thể đang tâm giết hại cái bào thai.
Trước tình trạng đó, tôi chỉ biết cầu nguyện và xin ơn tha thứ, vì tôi tin chắc là Chúa không bỏ tôi.
Thế rồi tôi đã trở về Italia và cho ra đời đứa con của tôi, trong lúc tôi chỉ có 2 bàn tay trắng. Tôi tìm đến căn nhà dành cho các bà mẹ độc thân, vị thành niên để xin được sống ở đó…”
Trên đây là những lời tâm sự của Fancesca. Nhờ cuộc sống chung với những bà mẹ nhỏ tuổi, Fancesca đã nảy ra ý định phục vụ cho những người đồng cảnh ngộ. Ý định đó đã thành sự thật, vì ngày nay chị đang điều khiển căn nhà dành cho các bà mẹ độc thân vị thành niên ở Italia.
Fancesca không hề mở một lớp học hay tổ chức những buổi nói chuyện về Đức Tin bao giờ. Thế nhưng cách sống cũng như cách làm việc của chị đã làm cho các bà mẹ trẻ sống với chị, đến với Chúa.
Khi được hỏi về việc cầu nguyện của chị, chị trả lời: “Ngày xưa, lúc còn bé, tôi thường dành nhiều giờ cho việc cầu nguyện. Nhưng nay thì tôi ít có thời giờ để cầu nguyện như xưa. Bây giờ tôi có một cách cầu nguyện khác cũng hữu hiệu như lối cầu nguyện trước kia mà lại tự nhiên hơn nhiều, đó là cầu nguyện theo việc làm thường ngày của tôi và qua những cử chỉ nhỏ nhặt thường tình hằng ngày”.
Suy niệm:
Trước mọi biến cố quan trọng, Chúa Giêsu luôn kết hợp với Chúa Cha. Cũng vậy, trước khi chọn các tông đồ, Chúa lên núi thức suốt đêm cầu nguyện với Đấng sai Ngài đến thế gian. Vì thế, những gì Ngài thực hiện luôn phù hợp với thánh ý Chúa Cha. Chúa Giêsu chọn các tông đồ để các ông sống với Ngài, và để thành lập một cộng đoàn mới gồm những người tin Chúa. Đó cũng là bài học cho các ông để những khi phải quyết định hay làm một điều gì phải biết diện kiến Chúa và thực thi ý Ngài.
Đời sống kết hợp với Chúa là quan trọng hơn cả của người Kitô hữu. Xin cho mỗi người chúng con biết dành thời gian sâu lắng bên Thánh Thể Chúa để chúng con kín múc nguồn ân sủng Ngài luôn tuôn đổ trên chúng con.
13.09.2017
THỨ TƯ TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN
Thánh Gioan Kim Khẩu, tiến sĩ Hội Thánh
Lc 6,20-26
Lời Chúa:
“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em”. (Lc 6,20)
Câu chuyện minh họa:
Chuyện được kể rằng: Một vị vua nọ có tất cả mọi sư, nhưng không bao giờ cảm thấy được hạnh phúc. Ngày kia có một người khuyên nhà vua hãy mặc cho kỳ được chiếc áo lót của người hạnh phúc nhất trần gian. Quân lính đã được sai đi khắp nơi để tìm cho bằng được con người ấy, họ đi săn lùng khắp nơi mà vẫn không tìm được người hạnh phúc ấy. Cuối cùng họ bắt gặp một người chăn chiên đang đứng giữa mưa gió mà vẫn ngân nga ca hát. Hẳn người này phải là con người hạnh phúc nhất trần gian. Nghĩ như thế nên họ mới xông đến lột áo người chăn chiên ra. Thế nhưng than ôi, người chăn chiên nghèo đến nỗi không có nổi một chiếc áo lót trên người.
Suy niệm:
Nghèo khó, đói khát, rách rưới… ai lại mến chuộng? Vậy tại sao Chúa lại đề cao những người nghèo khó? Những môn đệ theo Chúa từ bỏ gia đình, chày lưới, vợ con… vì Chúa và vì Tin mừng. Người sẽ bù đắp cho các ông gấp trăm, hứa ban thưởng Nước Trời, và ban dư đầy hồng phúc cho các ông. Hôm nay, Chúa cũng mời gọi mỗi chúng ta biết hy sinh, từ bỏ mình, chịu mất mát, chịu thiệt thòi vì Chúa và vì Tin mừng, thì chúng ta sẽ không mất phần thưởng là muôn vàn phúc lộc mai sau.
Lạy Chúa, xin cho con biết sống tinh thần nghèo khó như Chúa đòi hỏi, để mai sau con cũng được hưởng vinh phúc là thiên đàng Chúa hứa ban.
14.09.2017
THỨ NĂM TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN
Suy tôn Thánh Giá
Ga 3,13-17
Lời Chúa:
“Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy”. (Ga 3,14)
Câu chuyện minh họa:
Huyền thoại của một nước vùng Ấn Độ có câu chuyện này: Thời xưa, đất nước còn hoang sơ, có một con thỏ tên là Pôlixa. Thỏ Pôlixa rất thương người, ai xin gì cũng cho, không từ chối bao giờ. Một hôm có một cụ già lom khom chống gậy đi tới và nói:
– Già đói lắm, suốt mùa nước lũ già không có gì ăn. Chắc già sắp chết rồi, giờ đây già chỉ thèm một miếng thịt thỏ, Pôlixa có cho già được không?
Thỏ Pôlixa nhìn ông già hom hem yếu đuối, tội nghiệp quá. Thỏ Pôlixa bảo ông:
– Được rồi, ông chờ một lát.
Pôlixa đi kiếm củi xếp thành đống rồi nổi lửa, và nói:
– Ông chờ thịt cháu chín, ông lấy mà ăn.
Rồi thỏ chụm chân nhảy vào lửa. Bỗng nhiên lửa tắt, ông già biến mất. Thì ra đó là một vị thần được Thượng đế cho phép tới thử lòng thỏ. Về sau để thưởng công, Thượng đế đã cho thỏ Pôlixa về vui đùa mãi mãi bên mặt trăng.
Suy niệm:
Chúa Giêsu quá yêu thế gian, nên đã hiến mình làm của lễ đền tội cho chúng ta; hơn thế nữa, Ngài còn dùng chính cái chết để mang lại sự sống cho thế gian. Ngài đã tha thứ muôn vàn tội lỗi và tái sinh chúng ta để chúng ta được sống với Người. Khi xưa dân Do Thái đã không trung thành với Chúa, đúc bò vàng thờ lạy, nên Chúa đã cho rắn độc cắn để cảnh cáo họ. Thế nhưng, với tình yêu thương, Người đã cho ông Môsê làm con rắn đồng để ai nhìn lên nó sẽ được cứu. Đó cũng là dấu chỉ sau này Người sẽ phải chết để cứu độ chúng ta. Vì thế, chúng ta cần ăn năn sám hối về tội lỗi của mình, và cậy dựa vào lòng thương xót của Chúa, để được sống với Chúa trong ngày sau hết.
Lạy Chúa, xin cho con biết nhìn lên thập giá Chúa, để chiêm ngắm tình yêu mà Chúa đã trao ban cho nhân loại và cho chính bản thân con, để nhờ đó con biết cải thiện đời sống, hoàn thiện con người hơn để xứng đáng với tình Chúa yêu thương. Amen.
15.09.2017
THỨ SÁU TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN
Đức Mẹ sầu bi
Ga 19,25-27
Lời Chúa:
“Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người…”. (Ga 19,25)
Câu chuyện minh họa:
Trong cuộc viễn chinh mở mang bờ cõi sang phía đông. Napoléon Bonaparte e dè lưỡng lự trong quyết định tấn công một đồn quân Phổ nắm phía bên kia một con sông rộng, chỉ vì ông không biết tình hình đối phương ra thế nào.
Đêm đó ông gọi một thiếu úy trẻ và hỏi anh có sẵn sàng giúp ông bằng cách sang sông dò thám tình hình để ông dễ dàng quyết định trận chiến không? Vị thiếu úy trẻ tuổi hăng hái trả lời sẵn sàng, và nhờ tài tháo vát ngay nửa đêm hôm đó anh đã ở ngay trong lòng địch quan sát tình hình và tinh thần của họ.
Đến 3 giờ sáng nhiệm vụ đã xong, anh đã trên đường về. Nhưng chẳng may cho anh, khi anh đến được giữa dòng sông, đối phương đã phát giác và nã súng như mưa vào anh. Anh bị thương nặng và máu ra nhiều, đuối sức, chỉ còn muốn xuôi tay cho dòng nước cuốn đi.
Nhưng chợt một ánh đèn trên đồn canh của quân nhà rọi xuống dòng sông. Anh biết Napoléon đang sốt ruột chờ anh, đang lo lắng cho số phận của anh và đang ước mong biết được những lợi thế anh đã thu thập được.
Lập tức dường như ánh đèn đó truyền một sức sống mới vào con người của anh. Anh không buông tay phó mặc cho dòng nước nữa, mà nhìn lên ánh đèn cố gắng hết sức để lội vào bờ.
Anh đã đến nơi, và nhờ những lời báo cáo của anh, ngay sau đó Napoléon tấn công và quân Pháp đã thắng trận đó.
Suy niệm:
Trước những khó khăn của cuộc đời, Mẹ luôn đồng hành với chúng ta, vì Mẹ đã cảm nhận được niềm đau khổ tột cùng. Mẹ đau khổ khi nhìn thấy Con Yêu bị hành hạ, bị giết, và chết trên Thập Giá… Mẹ đã ở bên cạnh Chúa trong lúc đau khổ. Chúa cũng muốn Mẹ cảm nhận niềm đau ấy khi Ngài chết lặng trên thập giá. Mẹ như Vị thượng tế dâng của lễ lên Chúa Cha. Trên Thập Giá Con của Mẹ đã chết trong thân xác, nhưng Mẹ đứng dưới chân thập giá cũng chết lịm trong tâm hồn.
Chúa Giêsu đã chấp nhận đau khổ ấy vì ơn cứu độ con người. Và Ngài cũng muốn mỗi người chúng ta biết chấp nhận đau khổ trong cuộc đời như là điều kiện để làm môn đệ Chúa. Và trong những đau khổ ấy, Ngài không muốn chúng ta buông xuôi trong thất vọng nhưng hãy đến với Mẹ Sầu Bi, Người sẽ nâng đỡ ta.
Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết chấp nhận thập giá trong cuộc đời để con luôn can đảm đón nhận trong tin yêu và phó thác như Mẹ.
16.09.2017
THỨ BẢY TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN
Thánh Cornêliô, giáo hoàng và thánh Cyprianô, giám mục
Lc 6,43-49
Lời Chúa:
“Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu,…”. (Lc 6,43)
Câu chuyện minh họa:
Tôi vào thăm gia đình một cựu trung uý Hải quân tại vùng St Louis, Missouri. Anh chị tiếp đón khách rất lịch sự. Trong lúc ngồi nói chuyện, quan sát xung quanh phòng, trên bàn viết…tôi thấy có một dấu khác biệt với các nhà tôi từng đến thăm. Đó là sau cánh cửa ra vào anh chị đã viết một chữ NHẪN to tướng treo ở đó. Trên bàn viết, cũng một chữ NHẪN to không kém. Ngay ở hè, lối vào các phòng bên trong, cũng một chữ NHẪN to cả một gang tay. Tôi đã lựa lời để hỏi anh chị sao lại viết chữ này?
Anh đã gật gù ra chiều ưng ý lắm, rồi bình tĩnh trả lời, “Thưa cha, từ ngày vợ chồng chúng con tìm được biện pháp nhắc nhở này, gia đình con thấy được nhiều thăng tiến hơn. Chữ nhẫn ở cửa nhắc chúng con ra đường, ở sở làm, phải nhẫn nại với mọi người, mọi xe, mọi chờ đợi hoặc bất trắc xẩy ra. Chữ Nhẫn ở bàn viết, nhắc con phải luôn nhẫn nại với bao vấn đề phải giải quyết hằng ngày. Và mỗi lần ra vào bên trong, chữ Nhẫn kia nhắc nhở chúng con phải nhẫn nại bao nhiêu có thể giữa vợ chồng, và trong vấn đề nuôi dạy con cái. Ngoài ơn Chúa, chính chữ NHẪN đã đem lại hạnh phúc cho vợ chồng chúng con, cho việc rèn luyện các cháu.”
Suy niệm:
Việc giáo dục trong gia đình rất cần thiết để những “mầm xanh” của xã hội được lớn lên trong ngay thẳng, trung thực và nhẫn nại. Vì thế, những người con trong gia đình đạo đức phần lớn góp cho xã hội, Giáo hội những thành quả tốt đẹp. Cũng vậy, là những môn đệ Chúa Kitô, chúng ta càng trở nên giống như Người về mọi phương diện, vì chúng ta được tiếp xúc với Chúa nhiều qua việc cầu nguyện, kết hợp với Chúa trong thinh lặng, lắng nghe và thực hành Lời Chúa… Có như thế đời sống đức tin của chúng ta mới đâm rễ sâu vào “lòng đất” và sinh nhiều hoa trái.
Lạy Chúa, xin cho con biết phát huy những gì con nhận được dù nhỏ bé, nhưng với sự cố gắng và với ơn Chúa mỗi ngày, con được triển nở hơn trong đức tin và tình mến Chúa.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho