I. RAO GIẢNG TIN MỪNG NHƯ LÀ TRUYỀN THÔNG
Truyền thông rao giảng Tin Mừng (hay truyền thông truyền giáo) là gì? Một chủ chăn tốt không chỉ quan tâm tới những người được giao phó cho mình trực tiếp chăm sóc, mà cũng phải chăm lo cho những người sống quanh mình mặc dù họ không phải là ‘đàn chiên’ trực tiếp của mình. Theo nghĩa này, ở một mức độ nào đó truyền thông mục vụ cũng là rao giảng Tin Mừng. Nhưng quan tâm chủ yếu của người mục tử vẫn là dân ‘của ông,’ là những người ông chăm sóc và truyền thông với họ. Trong cách hiểu này, truyền thông mục vụ chủ yếu là truyền thông đối nội (ad intra) cho cộng đoàn Kitô hữu và Hội Thánh. Tuy nhiên, truyền thông đối ngoại (ad extra) chủ yếu quan tâm tới những người mà cách này hay cách khác không phải là phần tử của đàn chiên. Hội Thánh hiện hữu không chỉ cho cộng đoàn các tín hữu (‘Koinonia’) mà còn được sai đi chia sẻ và loan báo Tin Mừng cho toàn Thế Giới (x. Mt 28,19: ‘Kerygma’).
Công đồng Vatican II (Sắc lệnh về Truyền giáo Ad Gentes, số 2) nhắc nhở chúng ta rằng truyền giáo là thành phần cốt yếu của Hội Thánh. Hội Thánh hiện hữu là để truyền giáo! “Hội Thánh ở trần gian tự bản tính là truyền giáo, vì theo ý định của Chúa Cha, Hội Thánh bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Thông điệp Redemptoris Missio (số 34) cắt nghĩa chi tiết hơn: “Hoạt động truyền giáo đúng nghĩa, tức là sứ mạng ‘đến với muôn dân’ (ad gentes) là hướng tới ‘các dân tộc hay các nhóm người chưa tin Đức Kitô’, ‘những người còn ở xa Đức Kitô’, nơi họ Hội Thánh ‘chưa đâm rễ’ và văn hoá của họ chưa chịu ảnh hưởng của Tin Mừng. Hoạt động truyền giáo khác với các hoạt động khác của Hội Thánh theo nghĩa là nó nhắm tới các nhóm người và các khung cảnh không phải Kitô giáo vì ở đó việc rao giảng Tin Mừng và sự hiện diện của Hội Thánh còn chưa có hay chưa đủ. Vì vậy có thể mô tả nó là hoạt động loan báo Đức Kitô và Tin Mừng của Người, xây dựng Hội Thánh địa phương và cổ xuý các giá trị của Nước Thiên Chúa. Bản chất riêng của sứ mạng ad gentes này hệ tại việc đến với những người ‘ngoài Kitô giáo’”. Đức Giáo hoàng (Gioan Phaolô II) phân biệt giữa việc chăm sóc mục vụ cho các tín hữu, việc Tin Mừng hoá mới và hoạt động truyền giáo chuyên biệt mà ngài gọi là sứ mạng ad gentes.
Truyền thông Truyền giáo liên quan tới sứ mạng ad gentes này. Nó liên quan tới đường lối truyền thông, các phương tiện và cách thức truyền thông ad gentes (cho muôn dân). Nó là sự truyền thông loan báo chứ không chỉ là ‘duy trì’ hay đào sâu hay nuôi dưỡng giống như truyền thông mục vụ theo nghĩa hẹp.
Truyền thông rao giảng Tin Mừng cũng có thể được gọi là truyền thông kerygmatic, truyền thông loan báo hay truyền thông truyền giáo. Nó quan tâm tới việc quảng bá Tin Mừng và mở rộng Nước Thiên Chúa vượt ra ngoài ranh giới hạn hẹp của Hội Thánh. Kể từ ngày đầu của Hội Thánh vào lễ Hiện Xuống, truyền thông truyền giáo đã luôn luôn ở tâm điểm của Hội Thánh và lịch sử Truyền giáo sẽ minh chứng đường lối này.
1.1. Truyền thông rao giảng Tin Mừng trong lịch sử truyền giáo
Truyền thông rao giảng Tin Mừng vẫn luôn luôn ở tâm điểm của cộng đoàn Kitô giáo. Vào ngày lễ Hiện Xuống, khi Thánh Phêrô đứng lên loan báo trong quyền năng Chúa Thánh Thần những hành động và tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô (x. Cv 2,1-41), thì đó là truyền thông truyền giáo, truyền thông loan báo Tin Mừng. Tất cả lịch sử thời kỳ đầu của Hội Thánh là một lịch sử của một hoạt động truyền thông như thế. Sách Công vụ Tông đồ, được coi là quyển sách đầu tiên về Hội Thánh truyền thông, kể lại các hành động của Chúa Thánh Thần trong việc soi sáng cho Hội Thánh sơ khai truyền thông Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô cho một thế giới còn chưa biết Người. Cả cuốn sách giống như bản ‘Hiến Chương’ cho việc truyền thông loan báo Tin Mừng. Tràn đầy Chúa Thánh Thần, các môn đệ đi khắp Châu Á và đến tận Châu Âu để chia sẻ các niềm xác tín và đức tin của họ. Dù những khó khăn như các cuộc bách hại và các trở ngại khác cũng không ngăn cản nổi họ rời xa việc truyền thông Tin Mừng bằng mọi cách. Thực vậy, họ thấy tất cả những trở ngại ấy chính là những hướng đi mà Thần Khí ban cho để thực hiện các cuộc mạo hiểm mới.
Trong lịch sử Hội Thánh luôn luôn có những con người vĩ đại truyền thông tình thương của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu, như các vị truyền giáo mà ĐGH Grêgôriô Cả sai đi với Thánh Augustinô Canterbury tới nước Anh vào thế kỷ 6; các vị truyền giáo người Ai Len đến Trung Âu từ thế kỷ 8 trở đi. Có các vị truyền giáo như Cha John de Montecorvino và các bạn đồng hành của ngài chủ yếu thuộc dòng Phanxicô đã đi đến Trung Á và Trung Hoa. Có các vị truyền giáo và các nhà truyền thông lỗi lạc ở thế kỷ 16 với một tinh thần thích nghi đặc biệt với văn hoá như Cha Mattero Ricci, S.J. (1552-1610) mà ngày nay vẫn được người Trung Hoa coi là một con người đặc biệt; Cha Roberto de Nobili, S.J. (1577-1656) tại Ấn Độ và Cha Bartolome de las Casas, O.P. (1484-1566) tại Châu Mỹ Latinh. Các cao trào truyền giáo vào thế kỷ 19 với việc sáng lập nhiều tu hội truyền giáo là một minh chứng nữa về một ước muốn sống động muốn truyền thông vượt ra ngoài các ranh giới hạn hẹp của Hội Thánh địa phương.
Hồng y Francesco Ingoli, Bộ Trưởng đầu tiên của Thánh Bộ Truyền bá Đức tin tại Rôma chính là người đã phản ánh một cách đặc biệt khía cạnh truyền thông đang thấm nhuần các công nghệ truyền thông tiên tiến của thời ấy. Bốn năm sau khi Thánh Bộ Truyền bá Đức tin được thiết lập, năm 1626 ngài đã mở nhà in riêng có khả năng in hơn 20 thứ tiếng khác nhau, trong đó có cả tiếng Malayalam ở Ấn Độ. Các sách và các ấn phẩm khác trong đó có các sách Kinh Thánh đã được in ra để phục vụ việc truyền thông rao giảng Tin Mừng. Khi bảo vệ sáng kiến này trước các hồng y ở Rôma, Hồng y Ingoli đã đưa ra các lý do sau đây:
- Việc học ngôn ngữ của các nhà truyền giáo tương lai tại Rôma cần có các sách đặc biệt.
- Chi phí in sách với nhà in riêng rẻ chỉ bằng 1/3 chi phí in tại các nhà in khác.
- Chỉ có Nhà In của Thánh Bộ Truyền bá Đức tin là chuyên môn về các ngôn ngữ khác nhau, kể cả các ngôn ngữ Ấn Độ.
- Nếu người Tin Lành in và phân phát nhiều sách Kinh Thánh như thế, thì người Công giáo cũng phải theo gương họ.
- Sứ mạng của Chúa Giêsu buộc chúng ta phải sử dụng sách để hoạt động truyền giáo. “Các nhà truyền giáo không thể hoàn thành sứ mạng nếu không có sách, và sách cũng đến được những nơi mà các nhà truyền giáo không đến được.
- Để truyền bá Lời Thiên Chúa, thì không một sự đầu tư nào là quá đắt (x. Eilers, 2002, tr. 67tt).
Hầu hết các văn kiện Giáo hoàng về Truyền giáo từ thế kỷ 19 trở đi đều nói về nhu cầu truyền thông loan báo Tin Mừng. Các văn kiện ấy khuyến khích sử dụng mọi phương tiện hiện đại đang có, đặc biệt các ấn phẩm, nhưng cả việc phát sóng, phim ảnh và các đa phương tiện hiện đại. Một trong những lời khích lệ gần đây nhất là thông điệp của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II cho Ngày Thế giới Truyền thông 2002 nói về “Internet – Một Diễn đàn mới cho việc Loan báo Tin Mừng”.
1.2. Từ Truyền thông cá nhân đến truyền thông đại chúng
Truyền thông truyền giáo không chỉ giới hạn vào các phương tiện truyền thông hiện đại hay các người truyền thông chuyên nghiệp trong việc phục vụ “Sứ mạng ad gentes”. Truyền thông truyền giáo là mọi hoạt động nhắm vào việc chia sẻ và truyền bá tình thương và ơn cứu chuộc của Thiên Chúa cho loài người vượt qua mọi ranh giới – vật chất hay tinh thần – của cộng đồng Kitô giáo đã được thiết lập. Cách hiểu này cũng đã được diễn tả trong sự “đối thoại ba chiều” của “Liên Hội đồng Giám mục Châu Á” (FABC): đối thoại với người nghèo, với các nền văn hoá, và với các tôn giáo (x. Hội nghị Toàn thể của FABC, Bandung 1990; Rosales/Arevalo 1997, tr. 273-289).
Trong sứ mạng của Người, chính Đức Giêsu Kitô đã truyền thông trên mọi bình diện của mối tương tác con người. Người giảng dạy cho quần chúng bằng các câu truyện, các dụ ngôn, các lời tuyên bố, và Người chia sẻ trong các nhóm nhỏ hơn với các tông đồ và môn đệ của Người. Người cũng gặp gỡ các cá nhân như ông Nicôđêmô, người phụ nữ Samaria và nhiều cá nhân khác bằng một sự chia sẻ sâu xa và rất cá nhân. Việc truyền thông truyền giáo được xây dựng trên mẫu mực của Đức Giêsu Kitô, luôn luôn tìm cách gặp gỡ con người ở trình độ tri thức, tình cảm và hiểu biết của họ để đưa họ từ các kinh nghiệm cuộc đời của họ đến gần với Cha và sự sống vĩnh cửu hơn. Như vậy, truyền thông truyền giáo bao gồm mọi bình diện và mọi phương tiện truyền thông, từ bình diện cá nhân, qua truyền thông nhóm cho tới các phương tiện truyền thông đại chúng và các phương tiện truyền thông hiện đại ngày càng phát triển nhiều hơn, cho tới việc truyền thông trong các nhóm chuyên môn và truyền thông cá nhân qua Internet trong không gian mạng (‘cyberspace’). Việc phát triển phương thức truyền thông như thế trong bối cảnh các phát triển của Hội Thánh thời nay có thể được diễn tả một cách tiêu biểu khi suy nghĩ về Tông huấn Ecclesia in Asia trong một viễn tượng truyền thông truyền giáo (xem số 3 dưới đây).
Hướng chính của truyền thông truyền giáo là đạt đến và nâng đỡ những người chưa là thành viên đầy đủ của cộng đoàn Kitô hữu. Tuy nhiên, nó cũng bao gồm mọi cố gắng truyền thông cho “sứ mạng ad gentes” trong lòng Hội Thánh để chuẩn bị các người rao giảng Tin Mừng và giúp họ có khả năng đến với những người ở ngoài Hội Thánh. Vì vậy các hoạt động như sinh động hoá truyền giáo, cổ vũ truyền giáo và các hoạt động truyền thông của các tu hội truyền giáo cũng phải được coi là truyền thông truyền giáo, theo nghĩa rộng.
1.3. Văn hoá và truyền thông
Truyền thông truyền giáo có một tương quan đặc biệt với văn hoá. Với mối quan tâm bền bỉ của ngài về văn hoá (cũng xem Gaudium et Spes, số 53-62), ĐGH Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh điểm này trong một cuộc triều kiến ngày 9-11-2002 dành cho những người hoạt động trong lĩnh vực này và được sự hỗ trợ của HĐGM Ý. Ngài nhắc nhở họ rằng “truyền thông tạo nên văn hoá và văn hoá được truyền đi nhờ truyền thông. Nhưng văn hoá nào”, ĐGH nói tiếp, “có thể được tạo ra bởi truyền thông mà không đặt trọng tâm vào phẩm giá con người, khả năng giúp giải quyết các vấn đề lớn của cuộc sống con người, bổn phận phục vụ lợi ích chung một cách chân thành, và chú ý tới các vấn đề về sự sống chung trong công lý và hoà bình? Cần có những con người trong lĩnh vực này, để với khả năng thiên phú của đức tin, họ có thể giải thích các nhu cầu văn hóa đương đại, dấn thân vào thời đại truyền thông không phải như một thời đại suy đồi và hỗn loạn, nhưng như một thời đại có giá trị cho việc tìm kiếm sự thật và phát triển sự truyền thông giữa các con người và các dân tộc. Chúng ta phải ngày càng ý thức hơn khi đứng trước ‘Areopago mới’ này, vốn được hình thành chủ yếu bởi các phương tiện truyền thông, khiến cho ‘chính việc loan báo Tin Mừng cho nền văn hoá thời nay tuỳ thuộc một phần lớn vào ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông” (RM, số 37c). Chúng ta có thể cảm thấy mình bất cập và không được chuẩn bị, nhưng dù sao chúng ta cũng không được nản lòng. Chúng ta biết mình không đơn độc: chúng ta được nâng đỡ bởi một nguồn sức mạnh vô biên phát sinh từ cuộc sống của chúng ta với Chúa…”.
1.4. Các hướng dẫn cho việc truyền thông truyền giáo
Có một số hướng dẫn chung cho việc truyền thông truyền giáo mà chúng ta có thể rút ra từ Tông huấn Ecclesia in Asia nói về việc “loan báo Đức Kitô tại Châu Á” (số 20). Các hướng dẫn này có thể tóm tắt như sau:
- Hãy biết rằng “nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần, nơi mỗi cá nhân và mỗi dân tộc đều đã có một sự mong đợi, cho dù là vô thức, được biết sự thật về Thiên Chúa, về con người, và về cách thức làm thế nào chúng ta có thể được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết” (x. RM, số 45).
- “Hội Thánh vâng lệnh Chúa Kitô rao giảng Tin Mừng, vì biết rằng mọi người có quyền được nghe Tin Mừng; Hội Thánh làm việc này không phải vì bị thúc đẩy bởi một động cơ bè phái hay chủ nghĩa chiêu mộ tân tòng hay bất cứ mặc cảm tự tôn nào”.
- Truyền thông truyền giáo là “việc phục vụ tối thượng mà Hội Thánh có thể cống hiến” để “làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô”. Việc phục vụ này đáp ứng “khát vọng thâm sâu của các dân tộc về Đấng Tuyệt Đối: nó bộc lộ những sự thật và những giá trị sẽ bảo đảm cho sự phát triển nhân bản toàn diện của họ”.
- Việc Truyền thông Truyền giáo của Hội Thánh bằng loan báo Tin Mừng phải được làm “với lòng kính trọng thân thương và quý mến đối với người nghe”; việc truyền thông này phải “tôn trọng các quyền của các lương tâm… không vi phạm quyền tự do, vì đức tin luôn luôn đòi hỏi một sự đáp ứng tự do từ phía cá nhân”.
- “Tuy nhiên, lòng tôn trọng không loại trừ nhu cầu phải loan báo công khai Tin Mừng trong tất cả sự toàn vẹn của nó”.
- Sự tôn trọng của việc Truyền thông Truyền giáo đối với các tôn giáo khác có hai khía cạnh: a) “tôn trọng con người trong cuộc tìm kiếm các câu trả lời cho các câu hỏi thâm sâu nhất của đời họ; và b) tôn trọng hành động của Chúa Thánh Thần nơi mỗi con người”.
II. TRUYỀN THÔNG TRUYỀN GIÁO TRONG CÁC VĂN KIỆN CỦA HỘI THÁNH
Về việc truyền thông truyền giáo, có nhiều suy tư trong các văn kiện cơ bản của Hội Thánh về truyền thông xã hội và các thông điệp giáo hoàng cho Ngày Thế giới Truyền thông, là những suy tư phải được lưu tâm một cách đặc biệt.
* Theo sau tuyên bố của Inter Mirifica rằng Hội Thánh tự bản chất có quyền truyền thông (số 3), Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio nhấn mạnh về nhu cầu rao giảng (số 126): “Đức Kitô đã truyền cho các Tông đồ và những người kế vị các ngài đi ‘dạy dỗ muôn dân’, làm ‘ánh sáng cho thế gian’ và loan báo Tin Mừng ở mọi nơi và mọi thời. Trong cuộc sống trần gian của Người, Đức Kitô đã tỏ ra là một người truyền thông hoàn hảo, còn các Tông đồ cũng sử dụng mọi phương tiện truyền thông xã hội hiện có vào thời đại của các ngài. Ngày nay cùng một thông điệp ấy cũng cần được truyền đi bằng mọi phương tiện truyền thông đang có hôm nay. Thật vậy, sẽ khó có thể nghĩ rằng lệnh truyền của Đức Kitô được tuân thủ nếu chúng ta không sử dụng mọi cơ hội mà các phương tiện truyền thông hiện đại cống hiến cho chúng ta để loan báo Tin Mừng của Người cho biết bao con người thời nay…”.
* Cùng văn kiện này (số 128) còn cho thấy thêm rằng “các phương tiện truyền thông hiện đại cống hiến những cách thức mới để đưa con người đối diện với thông điệp Tin Mừng, cho phép những người Kitô hữu dù ở những nơi rất xa xôi vẫn có thể cùng tham dự các nghi thức thánh, các việc thờ phượng và các hoạt động của Hội Thánh…
* Một lời đặc biệt về truyền thông truyền giáo được nói ra trong Aetatis Novae, ở đó (số 8) các điều kiện của truyền thông xã hội trong hoạt động truyền thông truyền giáo được cắt nghĩa chi tiết hơn: “Những ai loan báo Lời Thiên Chúa có nghĩa vụ phải lắng nghe và cố gắng hiểu những ‘lời nói’ của các dân tộc và các nền văn hoá khác nhau… Vì vậy Hội Thánh phải duy trì một sự hiện diện tích cực, không ngừng lắng nghe thế giới – một thứ hiện diện vừa nuôi dưỡng cộng đoàn vừa nâng đỡ những con người trong việc tìm kiếm những giải pháp có thể chấp nhận được cho các vấn đề cá nhân và xã hội. Hơn nữa, vì Hội Thánh phải luôn luôn loan truyền thông điệp của mình một cách thích hợp với mỗi thời đại và nền văn hoá của mỗi nước và mỗi dân tộc, nên Hội Thánh hôm nay phải truyền thông trong và cho nền văn hoá truyền thông mới xuất hiện… Vì vậy, khi tìm cách đi vào cuộc đối thoại với thế giới đương đại, Hội Thánh nhất định mong muốn có những cuộc đối thoại chân thành và trân trọng với những người có trách nhiệm về các phương tiện truyền thông… Thế nên một sự đối thoại như thế đòi Hội Thánh phải tích cực quan tâm tới các phương tiện truyền thông thế tục, và đặc biệt quan tâm tới việc hình thành chính sách truyền thông. Thực vậy, người Kitô hữu có trách nhiệm làm cho tiếng nói của mình được nghe thấy trên mọi phương tiện truyền thông, và nhiệm vụ này không chỉ giới hạn vào việc cung cấp các tin tức của Hội Thánh. Đối thoại cũng cần có sự nâng đỡ dành cho các chuyên gia truyền thông; nó đòi hỏi việc triển khai một khoa nhân học và thần học về truyền thông – việc này cũng giúp ích không ít để chính thần học có thể mang nhiều giá trị truyền thông hơn.
* Cũng văn kiện này (số 9) còn mô tả nhiều hơn về sứ mạng của truyền thông truyền giáo qua những lời sau đây: “Tự bản chất của nó, truyền thông trong và bởi Hội Thánh là truyền thông về Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. Đó là loan báo Tin Mừng như là một lời tiên tri, có sức giải phóng cho mọi con người ở thời đại chúng ta. Trước tình trạng thế tục hóa triệt để của thế giới hôm nay, nó là một chứng tá về chân lý của Thiên Chúa và về số phận siêu việt của con người; nó là một chứng tá của sự đoàn kết giữa mọi tín hữu chống lại những xung đột và chia rẽ, một chứng tá về công lý và hoà hợp giữa các dân tộc, các quốc gia và các nền văn hoá. Cách hiểu này của Hội Thánh về truyền thông chiếu rọi một ánh sáng độc đáo vào lĩnh vực truyền thông xã hội và vào vai trò của các phương tiện truyền thông mà Chúa Quan Phòng đã định cho chúng thể hiện để đẩy mạnh sự phát triển toàn diện của con người và xã hội”.
* Một lời đặc biệt về truyền thông truyền giáo được nói lên ở số 11 trong cùng văn kiện: “Cùng với các phương tiện truyền thống như chứng tá đời sống, huấn giáo, tiếp xúc cá nhân, lòng đạo đức bình dân, phụng vụ và các cuộc cử hành mừng lễ, việc sử dụng các phương tiện truyền thông hôm nay là thành phần thiết yếu trong việc rao giảng Tin Mừng và huấn giáo. Thực vậy, ‘Hội Thánh sẽ cảm thấy có lỗi trước mặt Thiên Chúa nếu không vận dụng các phương tiện mạnh mẽ này mà tài năng con người không ngừng làm cho phát triển và hoàn thiện mỗi ngày’ (EN, số 45). Các phương tiện truyền thông xã hội có thể và phải là các công cụ của chương trình tái Tin Mừng hoá và tân Tin Mừng hoá của Hội Thánh trong thế giới hôm nay…”.
* Nhiều thông điệp giáo hoàng cho các Ngày Thế giới Truyền thông lấy việc rao giảng Tin Mừng làm một đề tài đặc biệt: “Rao giảng Tin Mừng trong thế giới hôm nay” (1974), “Loan báo thông điệp của Đức Kitô trong các phương tiện truyền thông” (1992), “Loan báo Đức Kitô trong các phương tiện truyền thông trước thềm thiên niên kỷ mới” (2000), “Rao giảng trên các mái nhà: Tin Mừng trong thời đại truyền thông toàn cầu” (2001) và “Internet: Một hình thức mới để loan báo Tin Mừng” (2002).
1974 là năm của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới về Rao giảng Tin Mừng, sự kiện này cũng đã ảnh hưởng tới chủ đề của ngày Chúa Nhật Thế giới Truyền thông năm ấy. Trong thông điệp của ngài nhân dịp này, ĐGH Phaolô VI đã trích lời của chính ngài trong Thông điệp Ecclesiam Suam khi nêu lên một trong các lý do của việc truyền thông truyền giáo: “Nếu Hội Thánh thực sự ý thức Chúa muốn Hội Thánh phải như thế nào, thì từ nơi Hội Thánh phải tuôn trào một ước muốn sung mãn và một sự thôi thúc mãnh liệt để loan truyền một sứ mạng vượt lên trên chính Hội Thánh, một lời loan báo mà Hội Thánh phải truyền đi” (Eilers 1997, số 597). ĐGH nói tiếp rằng bổn phận này “bị chi phối bởi các hoàn cảnh đặc thù của mỗi thời đại lịch sử”, và ngài trích dẫn thêm Communio et Progressio (số 126): “Thật vậy, sẽ khó có thể nghĩ rằng lệnh truyền của Đức Kitô được tuân thủ nếu chúng ta không sử dụng mọi cơ hội mà các phương tiện truyền thông hiện đại cống hiến cho chúng ta để loan báo Tin Mừng của Người cho biết bao con người thời nay…”. ĐGH còn nói: “Rao giảng Tin Mừng là một phần thiết yếu của sứ mạng Hội Thánh, được Đức Kitô sai vào thế giới để loan báo Tin Mừng cho mọi tạo vật” (Mt 16,15), và ngài vạch ra tầm quan trọng của việc làm chứng bằng đời sống: “Suy nghĩ kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy rằng toàn thể cuộc đời người Kitô hữu sống phù hợp với Tin Mừng thì liên tục ở trong tình trạng rao giảng Tin Mừng giữa thế giới… Họ mang chứng tá Tin Mừng, đóng góp sự cống hiến của mình như hạt men Kitô giáo, một ảnh hưởng Kitô giáo từ bên trong. Và trong thế giới truyền thông xã hội, ảnh hưởng Kitô giáo này tìm được một viễn tượng rộng lớn và có một tầm quan trọng ghê gớm”.
ĐGH Phaolô VI nhìn thấy 3 điểm đáng chúng ta đặc biệt suy nghĩ:
- “Có nhu cầu đặt các kênh thông tin hiện đại và các dịch vụ liên hệ vào trong một dòng phát triển có thể giúp phổ biến Tin Mừng và tạo một bầu khí thuận lợi cho việc kiện cường các khái niệm như phẩm giá con người, công lý, tình huynh đệ đại đồng; các giá trị giúp cho con người dễ hiểu hơn về ơn gọi đích thực của mình và đồng thời mở đường cho một sự đối thoại xây dựng với người khác và sự kết hợp với Thiên Chúa”.
- “Có cuộc tìm kiếm các phương pháp tông đồ mới và tiên tiến bằng cách ứng dụng các dụng cụ nghe nhìn mới và các dụng cụ tương tự cho huấn giáo, hoạt động giáo dục dưới nhiều hình thức, việc giới thiệu về đời sống, phụng vụ và các mục tiêu của Hội Thánh, nhưng trên hết là ứng dụng vào việc làm chứng đức tin và đức ái, là những nhân đức làm cho Hội Thánh luôn luôn sinh động và đổi mới không ngừng”.
- “Người Kitô hữu phải tìm cách sử dụng tốt nhất các phương tiện truyền thông xã hội để đến được với các quốc gia, các xã hội và các cá nhân mà hoạt động tông đồ bằng lời không thể trực tiếp đến được vì các hoàn cảnh đặc thù, hay vì thiếu các thừa tác viên, hay vì Hội Thánh không thể thi hành sứ mạng một cách tự do được”.
Thông điệp tiếp theo cho Ngày Thế giới Truyền thông, trực tiếp liên quan tới truyền thông truyền giáo là thông điệp cho năm 1992: “Loan báo Thông điệp của Đức Kitô qua các Phương tiện Truyền thông Đại chúng”, Trong thông điệp này, Đức Gioan Phaolô II nhìn thấy các cách thức khác nhau sau đây để loan báo và rao giảng Tin Mừng:
- “Chúng ta nói lên điều đó trước tiên bằng chứng tá đời sống của chúng ta, vì như Đức Phaolô VI đã nói một cách khôn ngoan: ‘Con người thời nay thích nghe các chứng nhân hơn là các thầy dạy, và nếu họ nghe các thầy dạy, thì đó là vì những người này là những chứng nhân’ (EN, số 41). Người ta mong đợi chúng ta phải như một thành trì trên ngọn đồi, một cái đèn trên giá đèn, để ai cũng có thể thấy được, ánh sáng của chúng ta phải chói lọi như ngọn hải đăng, để chỉ lối an toàn tiến về quê trời bình an (x. Mt 5,13,14).
- “Khi đời sống cá nhân và cộng đoàn của chúng ta biểu thị các niềm tin và các giá trị mà chúng ta tuyên nhận trong tư cách người Kitô hữu, việc ấy không thể không lôi kéo sự chú ý của thế giới bởi mọi phương tiện truyền thông phản ánh thực tại của các sự vật. Loan báo thông điệp của Đức Kitô bằng cách này đã có thể tạo được một lợi ích lớn rồi…”.
- “Nhưng các người theo Đức Kitô còn phải loan báo Người một cách công khai hơn nữa. Chúng ta có nghĩa vụ loan báo niềm tin của chúng ta ‘giữa thanh thiên bạch nhật’ và ‘từ trên các mái nhà’ (Mt 10,27; Lc 12,3) mà không sợ hãi hay xuyên tạc, thích nghi thông điệp của Thiên Chúa một cách tự nhiên với các cách nói năng và suy nghĩ của họ’ (C&P, số 11), và luôn luôn tỏ ra tế nhị đối với các niềm tin và xác tín hiện có của họ giống như chúng ta muốn họ cũng tỏ ra như thế đối với các niềm tin của chính chúng ta. Việc rao giảng của chúng ta phải luôn luôn thấm nhuần lòng tôn trọng dưới hai khía cạnh mà Hội Thánh nhấn mạnh: tôn trọng mọi người không trừ một ai trong cuộc tìm kiếm các câu trả lời cho các câu hỏi thâm sâu nhất của đời họ, và tôn trọng hành động của Chúa Thánh Thần vốn luôn hiện diện một cách bí nhiệm nơi tâm khảm mọi người (x. RM, số 29)”.
- “Chúng ta nên nhớ Đức Kitô không bao giờ áp đặt lời dạy của ngài trên một ai. Người trình bày giáo huấn của Người cho mọi người không trừ ai, nhưng để cho mỗi người tự do đáp lại lời mời của Người. Đây là mẫu mà chúng ta là môn đệ Người phải theo… Chúng ta không cảm thấy có bổn phận phải xin lỗi vì cống hiến thông điệp của Đức Kitô cho mọi người, chúng ta tuyên bố với đầy xác tín rằng quyền và bổn phận của chúng ta buộc chúng ta không được làm ít hơn thế”.
- “Có một quyền và nghĩa vụ tương ứng là sử dụng mọi phương tiện truyền thông mới của thời đại chúng ta vì mục đích này. Thật vậy, Hội Thánh sẽ cảm thấy có lỗi trước mặt Thiên Chúa nếu không vận dụng các phương tiện mạnh mẽ này mà tài năng con người không ngừng làm cho phát triển và hoàn thiện mỗi ngày’ (EN, số 45)”.
Ba thông điệp đầu tiên cho Ngày Thế giới Truyền thông ở đầu thiên niên kỷ thứ ba và thế kỷ 21 đặc biệt nói về việc truyền thông truyền giáo của Hội Thánh.
Đức Gioan Phaolô II (2000) nhắc chúng ta nhớ lại tinh thần truyền thông truyền giáo rất sinh động của các Kitô hữu thời kỳ đầu như được thuật lại trong sách Công vụ Tông đồ, tinh thần này cũng rất cần hôm nay. Cơ bản nó diễn ra ở 3 mức độ: 1) Truyền thông cá nhân; 2) Các cách thức truyền thông xưa kia trong xã hội loài người; và 3) Truyền thông qua các phương tiện kỹ thuật hiện đại. Trong tất cả các mức truyền thông này, người truyền thông Kitô giáo, “ngoài việc loan báo gián tiếp… cũng phải tìm ra các cách thức để nói công khai về Đức Giêsu chịu đóng đinh và phục sinh, về chiến thắng của Người trên tội lỗi và sự chết, một cách thích hợp với phương tiện sử dụng và với khả năng của người nghe”. Để làm việc này, không chỉ cần sự đào tạo chuyên môn: “Để làm chứng cho Đức Kitô, cần phải đích thân gặp gỡ Người và nuôi dưỡng mối quan hệ thân thiết với Người qua kinh nguyện, Thánh Thể và Bí tích Hoà Giải, đọc và suy niệm Lời Chúa, học các giáo thuyết Kitô giáo và phục vụ người khác. Và nếu việc này được làm một cách trung thực, thì đó luôn luôn là công việc của Chúa Thánh Thần hơn là của chính chúng ta”.
Đức Giáo Hoàng coi việc truyền thông truyền giáo ở đây “không chỉ là bổn phận mà là một đặc ân”. Khi nói về mối tương quan ngày càng gia tăng giữa thực tại và truyền thông đương đại, ĐGH Gioan Phaolô II năm 2001 nhắc nhớ chúng ta về ‘sứ mạng ad gentes’ của Hội Thánh rằng truyền thông là một thách thức đặc biệt đối với việc truyền thông truyền giáo. “Thực thế, mọi loại phương tiện truyền thông có thể đóng một vai trò thiết yếu trong việc rao giảng Tin Mừng trực tiếp và trong việc đem đến cho con người các sự thật và các giá trị nâng đỡ và thăng tiến phẩm giá con người. Trên thực tế, sự hiện diện của Hội Thánh trong truyền thông là một khía cạnh quan trọng của việc hội nhập Tin Mừng được đòi hỏi bởi cuộc Tin Mừng hoá mới mà Chúa Thánh Thần đang kêu gọi Hội Thánh thực hiện trên khắp thế giới”.
Các khả năng mới cho việc loan báo Tin Mừng trên Internet là một quan tâm đặc biệt của thông điệp năm 2002: “Đối với Hội Thánh, thế giới mới của không gian mạng là một lời kêu gọi đi vào cuộc mạo hiểm vĩ đại của việc sử dụng các tiềm năng của nó cho việc loan báo thông điệp Tin Mừng. Thách thức này nằm ở tâm điểm của việc thực thi vào đầu thiên niên kỷ này lệnh truyền của Chúa: ‘Ra chỗ sâu mà thả lưới’ (Duc in altum, Lc 5:4)… Internet có thể cống hiến những cơ hội tuyệt vời cho việc rao giảng Tin Mừng nếu chúng ta biết sử dụng nó một cách tài tình và biết rõ những điểm mạnh cũng như điểm yếu của nó”.
Trong thông điệp của ngài, Đức Giáo Hoàng thấy Internet đóng một vai trò đặc biệt cho sự gặp gỡ thông điệp Kitô giáo lần đầu tiên và cả sau này để đào sâu và sống trung thành với đức tin Kitô giáo. Internet không thể thay thế cho kinh nghiệm đức tin của cá nhân, nhưng bổ sung cho kinh nghiệm này.
Trong một ghi chú quan trọng, cũng có liên quan tới truyền thông truyền giáo, Đức Giáo Hoàng nhận xét: “Internet định nghĩa lại một cách cơ bản mối tương quan tâm lý của một người với thời gian và không gian. Sự chú ý được gắn chặt vào những điều có thể thấy được, sờ được, có lợi và có thể có tức khắc; các kích thích để suy tư sâu hơn có thể thiếu. Nhưng con người có một nhu cầu sống còn về thời gian và sự yên tĩnh nội tâm để suy nghĩ và xem xét cuộc đời và các bí ẩn của nó, và để lớn lên dần dần tới mức trưởng thành trong việc làm chủ bản thân mình và thế giới xung quanh. Sự hiểu biết và khôn ngoan là kết quả của một con mắt biết chiêm ngắm thế giới, chứ không đến từ sự chồng chất các sự kiện, cho dù thú vị đến đâu…”. Nhưng dù sao, “việc nhờ Internet mà con người nhân rộng được các mối tiếp xúc xưa nay chưa ai nghĩ tới đã mở ra những tiềm năng kỳ diệu cho việc truyền bá Tin Mừng”.
Tất cả các Thông điệp về Truyền giáo từ Đức Bênêđictô XV tới Đức Piô XI và Piô XII đều đã vạch ra nhu cầu sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt là báo chí, cho việc rao giảng Tin Mừng. Điều này cũng được Đức Gioan Phaolô II vạch ra trong Thông điệp Redemptoris Missio khi ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của máy in và các phương tiện nghe nhìn, đặc biệt cho việc sinh động hoá truyền giáo (số 83). Nhưng ngài còn đi xa hơn các lời nhắc nhở và đề xuất này khi ngài nhấn mạnh về các phương tiện truyền thông hiện đại và thế giới truyền thông Xã hội như là ‘areopagus’ hàng đầu, nghị trường hàng đầu của thời đại chúng ta. Một văn hoá mới đã được tạo ra, nó ngày càng định đoạt nếp sống của con người. Nhưng ngài nói: “Tuy nhiên, tham gia các phương tiện truyền thông đại chúng không chỉ có nghĩa là làm tăng sức mạnh của việc loan báo Tin Mừng. Còn có một thực tại sâu hơn: vì chính việc Tin Mừng hoá nền văn hoá hiện đại lệ thuộc một phần lớn vào ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông, nên việc sử dụng các phương tiện này chỉ để truyền bá thông điệp Tin Mừng và giáo huấn chân chính của Hội Thánh mà thôi thì không đủ. Còn phải tích hợp thông điệp ấy vào ‘nền văn hoá mới’ do truyền thông hiện đại tạo ra. Đây là một vấn đề phức tạp, vì ‘văn hoá mới’ phát sinh không phải chỉ từ bất cứ nội dung nào được diễn tả ra, mà còn từ chính sự kiện có những cách thức truyền thông mới, với các ngôn ngữ mới, các kỹ thuật mới và một tâm lý mới…” (số 37c).
III. TRUYỀN THÔNG TRUYỀN GIÁO TRONG ÁNH SÁNG ECCLESIA IN ASIA
Dưới đây là một suy tư đặc biệt và một ví dụ tiêu biểu về cách nhìn Truyền thông Truyền giáo trong ánh sáng của một văn kiện đặc trưng ‘Ecclesia in Asia’ tiếp theo sau một trong các Thượng Hội Đồng cấp châu lục tại Rôma để chuẩn bị mừng Năm Thánh 2000 và bước sang thế kỷ mới.
Loan báo Tin Mừng (hay Truyền giáo) có nghĩa là truyền thông. Loan báo Tin Mừng là chia sẻ các kinh nghiệm đức tin với người khác. Evangelii Nuntiandi (EN) nói đó là truyền thông “Tin Mừng vào mọi giai tầng của nhân loại và nhờ ảnh hưởng của nó mà biến đổi nhân loại từ bên trong, đổi mới nhân loại” (số 18). Việc truyền thông Tin Mừng này đã xảy ra trong giai đoạn đầu tiên qua việc làm chứng bằng đời sống như “một hành vi loan báo Tin Mừng đầu tiên” (số 21). Nhưng cũng cần phải truyền thông công khai về Chúa Giêsu Kitô:
“Không có loan báo Tin Mừng đích thực nếu không có sự truyền thông về tên, lời dạy, cuộc đời, các lời hứa, nước và mầu nhiệm của Đức Giêsu Nazareth, Con Thiên Chúa!” (EN số 22).
Truyền thông Truyền giáo bắt đầu với việc hiểu biết tình hình của con người, các kỳ vọng của họ, các tâm trạng và hoàn cảnh sống của họ, là nơi mà thông điệp phải được truyền thông và chia sẻ. Chỉ từ chỗ này chúng ta mới có thể bắt đầu quyết định phải chọn và sử dụng các phương tiện và phương pháp nào.
3.1. Tình hình
Trong tình hình của Châu Á, Thượng Hội Đồng đặc biệt tại Rôma (1998) cũng như văn kiện chung cuộc của Thượng Hội Đồng này, Tông huấn Ecclesia in Asia, đã đối diện với các thách thức này và trực tiếp hay gián tiếp đề cập đến hoạt động truyền thông truyền giáo.
- Khi mô tả “các thực tại kinh tế và xã hội” của Châu Á, Ecclesia in Asia phàn nàn về ảnh hưởng tiêu cực của các phương tiện truyền thông đại chúng và cả về “cách thức chúng bị kiểm soát và sử dụng bởi những người có những quan tâm chính trị, kinh tế và ý thức hệ đáng nghi ngờ”. Các phương tiện truyền thông này được coi là “đe dọa các giá trị truyền thống, đặc biệt sự bền vững của gia đình. Hậu quả của các hình ảnh bạo lực, chủ nghĩa khoái lạc, chủ nghĩa cá nhân buông thả và chủ nghĩa duy vật ‘đang đánh vào giữa lòng của các nền văn hoá Á Châu, đánh vào tính chất tôn giáo của các dân tộc, các gia đình và toàn thể xã hội’ (Thượng Hội Đồng Châu Á: Instrumentum Laboris IL, số 9). Tình hình này đặt ra một thách thức lớn cho Hội Thánh và cho việc loan báo thông điệp của Hội Thánh” (số 7).
Ở phần sau, Ecclesia in Asia một lần nữa nhắc đến “tính xâm nhập của các phương tiện đại chúng” như là một trong các “hình thức khai thác và thao túng bỉ ổi” làm cho người ta dễ trở thành nô lệ cho những kẻ cường quyền” (số 39).
Chúng ta không thể trốn tránh thực tại này! Trong tư cách Hội Thánh, chúng ta phải đối diện những thách thức này thế nào và việc rao giảng của chúng ta phải như thế nào trong một tình hình như thế? Làm thế nào chúng ta có thể một cách nào đó phản ứng và đáp ứng cụ thể? Hội Thánh phải:
* Củng cố các giá trị truyền thống, đặc biệt sự bền vững của gia đình với nhiều sự chăm sóc cá nhân hơn, nhiều trí tưởng tượng và sáng tạo hơn, tuỳ theo các hoàn cảnh và khả năng địa phương. Để làm điều này, cần có những người giàu sáng tạo, các linh mục, tu sĩ và giáo dân không chỉ là những người quản lý và kế toán, mà là những người có thiện chí ‘lắng nghe’ và cũng có sự dũng cảm để ‘thử những vùng nước mới’. Một cách đặc biệt, họ phải nghe và hiểu ngôn ngữ, tình cảm và nhu cầu của tuổi trẻ, là những người sinh ra giữa nền ‘văn hoá’ truyền thông và lớn lên với con chuột máy tính.
* Tương tự, phải nghe thấy tiếng kêu của người nghèo, hoạt động cho công lý và hoà bình, và giúp bảo tồn sự toàn vẹn của tạo dựng. “Không có hoà bình nếu không có công lý, và không có công lý nếu không có tha thứ”, ĐGH Gioan Phaolô II nói trong thông điệp Angelus Đầu Năm Mới 2002. “Cùng nhau chúng ta phải kiên cường chống lại cám dỗ của lòng căm thù và bạo lực, nó chỉ tạo ra ảo tưởng giải quyết các xung đột nhưng thực chất nó gây ra những thiệt hại thực sự và lâu dài. Ngược lại, lòng tha thứ xem ra có vẻ là yếu đuối, nhưng đòi hỏi sức mạnh tinh thần to lớn và bảo đảm những lợi ích lâu dài”.
- Châu Á cũng không thể trốn tránh tiến trình toàn cầu hoá, được cổ xuý qua các phương tiện và kỹ thuật truyền thông hiện đại. Động năng của toàn cầu hoá đang “nhanh chóng lôi kéo các xã hội Châu Á vào một nền văn hoá tiêu thụ toàn cầu vừa duy thế tục vừa duy vật, “dễ dàng làm xói mòn các giá trị truyền thống gia đình và xã hội mà cho đến nay đã giữ vững loài người và xã hội…” (số 39). Nhưng đồng thời Ecclesia in Asia nhấn mạnh nhu cầu “toàn cầu hoá nhưng không phân hoá giàu nghèo” (globalization without marginalization). Trong một tình hình như thế:
“Đối thoại giữa các nền văn hoá đặc biệt cần thiết hôm nay vì ảnh hưởng của kỹ thuật truyền thông mới đối với cuộc sống của các cá nhân và các dân tộc. Thời đại chúng ta là một thời đại truyền thông toàn cầu, nó đang hình thành xã hội theo con đường của các mẫu văn hoá mới ít nhiều cắt đứt với các mẫu cũ. Ít là trên nguyên tắc, bất cứ ai ở bất cứ đâu trên thế giới đều có thể tiếp cận các thông tin chính xác và cập nhật. Sự lưu hành tự do các hình ảnh và lời nói trên qui mô toàn cầu đang biến đổi không chỉ các mối quan hệ chính trị và kinh tế giữa các dân tộc, mà thậm chí cả sự hiểu biết của chúng ta về thế giới. Nó mở ra hàng loạt những tiềm năng xưa nay chưa từng được nghĩ tới, nhưng nó cũng mang một số khía cạnh tiêu cực và nguy hiểm…” (Thông điệp của Đức Gioan Phaolô II cho Ngày Thế giới Hoà bình 2001, số 11).
Sự “đối thoại giữa các nền văn hoá” như thế là một phần của sự đối thoại ba chiều đã được cổ vũ từ nhiều năm bởi “Liên Hội đồng Giám mục Châu Á” (FABC) cùng với “đối thoại với các tôn giáo” và “đối thoại với người nghèo”. Thực vậy, song song với việc củng cố các giá trị truyền thống, cũng phải có sự cởi mở trước các phát triển và các giá trị mới, tích cực cũng như tiêu cực, của các nền văn hoá toàn cầu khác. Chúng ta không còn có thể sống cô lập nhưng phải cởi mở để hiểu biết và chấp nhận những người khác mà không đánh mất bản sắc của mình. Ecclesia in Asia cho thấy hướng đi này khi nói:
“Cách tốt nhất để phát hiện và khẳng định bản sắc Châu Á không phải là sự đối đầu và đối kháng, mà là trong tinh thần hòa hợp và bổ sung cho nhau. Trong khung cảnh này… Hội Thánh có thể truyền thông Tin Mừng sao cho vừa trung thành với truyền thống riêng của mình vừa hợp với tâm hồn người Châu Á” (số 6).
Thực tại truyền thông ở Châu Á không chỉ mang tính đe doạ nhưng cũng thách thức và là một cơ hội lớn cho hoạt động loan báo Tin Mừng của Hội Thánh.
- Trong một đoạn đặc biệt về truyền thông xã hội, Ecclesia in Asia (số 48) trở về lại với góc nhìn về truyền thông xã hội của Thông điệp Redemptoris Missio về Truyền giáo (1990), ở đó các phương tiện truyền thông được gọi là “Areopagus”, nghị trường (hay nơi họp chợ) hàng đầu của thời đại mới. Chúng “đã trở thành quá quan trọng đến nỗi nhiều người coi chúng là những phương tiện chính của thông tin và giáo dục, của hướng dẫn và soi sáng trong cách ứng xử của các cá nhân, gia đình và xã hội. Cách riêng thế hệ trẻ đang lớn lên trong một thế giới bị chi phối bởi các phương tiện đại chúng. Từ chỗ này, Ecclesia in Asia kết luận: “Vai trò phi thường của các phương tiện truyền thông xã hội trong việc hình thành thế giới cũng như các nền văn hoá và các lối suy nghĩ của thế giới, đã dẫn tới những thay đổi mau lẹ và sâu rộng trong các xã hội Châu Á” (số 48). Chúng tạo nên một ‘văn hoá mới’ được nhận thấy rõ ràng ở Châu Á ngày nay, và điều này dẫn đến một khía cạnh quan trọng khác nữa lĩnh vực truyền thông truyền giáo. (Xem Phần III, 5 dưới đây).
3.2. Các phương thức truyền thông truyền giáo
Việc rao giảng Tin Mừng không thể thực hiện mà không có các phương tiện truyền thông xã hội hiện đại. Ngay từ Thông điệp Evangelii Nuntiandi (1975), ĐGH Phaolô II đã tuyên bố: “Hội Thánh sẽ cảm thấy có lỗi trước mặt Thiên Chúa nếu không vận dụng các phương tiện mạnh mẽ này mà tài năng con người không ngừng làm cho phát triển và hoàn thiện mỗi ngày” (số 45).
Ecclesia in Asia đưa yếu tố này vào trong viễn tượng loan báo Tin Mừng với lời tuyên bố: “Vì các phương tiện đại chúng ngày càng có ảnh hưởng lớn cả ở các vùng xa xôi ở Châu Á, chúng có thể trợ giúp rất nhiều cho việc loan báo Tin Mừng tới mọi góc cùng của châu lục” (số 48).
Việc này không đơn giản, nhưng đòi phải có các phương thức “tích hợp triệt để các phương tiện đại chúng vào trong kế hoạch và hoạt động mục vụ, để nhờ sử dụng chúng một cách hiệu quả, sức mạnh của Tin Mừng có thể vươn ra xa hơn nữa tới mọi cá nhân và mọi dân tộc, và truyền vào các nền văn hoá Á Châu những giá trị của Nước Chúa” (số 48). Tại nhiều nơi, các hoạt động tông đồ vẫn còn được thực hiện một cách riêng lẻ và không được tích hợp đủ vào các hoạt động khác của Hội Thánh như tông đồ Kinh Thánh, huấn giáo và giáo dục.
Các chi tiết khác nữa trong Ecclesia in Asia về rao giảng Tin Mừng vạch ra một số hướng dẫn, tuy rằng các hướng dẫn này chủ yếu liên quan tới việc truyền thông đối nội trong Hội Thánh và việc cải thiện tổ chức hoạt động này. Các hướng dẫn này là:
* “Bao có thể”, mỗi giáo phận phải có “một văn phòng về truyền thông và về phương tiện truyền thông”. Điều này đã được nêu lên bởi Sắc lệnh Inter Mirifica (số 20) của Vatican II và được đòi hỏi bởi Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio (các số 168tt).
* Giáo dục truyền thông phải trở thành một phần ngày càng quan trọng của việc đào luyện các linh mục, chủng sinh, tu sĩ, giáo lý viên, các chuyên viên giáo dân, các học sinh trong các trường Công Giáo và các cộng đoàn giáo xứ”. Việc giáo dục truyền thông này chủ yếu không phải là việc sử dụng các phương tiện truyền thông để giáo dục cho bằng giáo dục cách sử dụng các phương tiện truyền thông “gồm việc đánh giá có phê phán các hiệu quả của các phương tiện được sử dụng”. Tại một số quốc gia, môn học này cũng gọi là “Văn hoá Truyền thông”, nó giúp chúng ta ‘đọc’ và nhận thức một cách có phê phán và có trách nhiệm các thông điệp truyền thông. Đôi khi chúng ta chỉ là những khán giả ‘mù’, những người tiêu thụ mù quáng các phương tiện truyền thông, hay như tờ “The Straits Times” của Singapore gần đây có viết về tuổi trẻ ở Hàn Quốc trên Internet “trở thành những con ma sống” trong cơn nghiện ‘game vi tính’.
* “Vì ảnh hưởng sâu rộng và ghê gớm của các phương tiện truyền thông đại chúng”,
cần có sự hợp tác đại kết và liên tôn để “bảo đảm có một chỗ cho các giá trị thiêng liêng và đạo đức trong các phương tiện truyền thông”.
* Cổ vũ việc triển khai các kế hoạch mục vụ truyền thông “ở cấp giáo phận và quốc gia” theo ước muốn của Huấn thị Mục vụ Aetatis Novae. Tuy nhiên các kế hoạch này phải “lưu ý thích đáng tới các hoàn cảnh đang phổ biến ở Châu Á”.
* Một điển hình rất cụ thể và hiệu quả về truyền thông truyền giáo cho Hội Thánh tại Châu Á là ‘Đài Chân Lý Á Châu’ (RVA: Radio Veritas Asia). Trong khi một số chương trình bằng 17 thứ tiếng Á Châu được phát sóng chủ yếu để sử dụng trong nội bộ Hội Thánh, như Chương Trình tiếng Quan Thoại dành cho Hội Thánh ‘ngầm’ tại Trung Hoa, hầu hết các chương trình được phát sóng cho những người ngoài Hội Thánh. Chẳng hạn, khoảng 90% thính giả trong 5 ngôn ngữ của tiểu lục địa Ấn Độ (Hinđi, Tamil, Telugu, Bengali, Urđu) là người Hindu và Hồi giáo. Họ đánh giá cao các chương trình, như có thể thấy và cảm nghiệm được tại các cuộc gặp gỡ thường xuyên ở các vùng phát sóng. Tông huấn Ecclesia in Asia có lý khi giới thiệu “Radio Veritas Asia” như là “đài phát thanh châu lục duy nhất cho Hội Thánh tại Châu Á”, và yêu cầu “phải có các cố gắng để gia tăng sức mạnh của công cụ truyền giáo tuyệt vời này, qua các chương trình bằng ngôn ngữ thích hợp, trợ giúp nhân sự và tài chánh từ các HĐGM và các giáo phận tại Châu Á” (số 48; cũng xem Phần III, 6.2.2 ở dưới).
Vì “Liên Hội đồng Giám mục Châu Á” (FABC) chịu trách nhiệm điều hành và tài trợ cho RVA, nên mọi HĐGM đều có một nghĩa vụ đặc biệt, kể cả những HĐGM không trực tiếp được phục vụ bởi một chương trình ngôn ngữ hiện có nào.
“Ban Chương trình Ngôn ngữ” tại các vùng phát sóng khác nhau đặc biệt cố gắng lôi kéo các giám mục địa phương và những người khác đóng góp một cách đặc biệt vào việc lập chương trình, sản xuất, đào tạo và tài trợ cho mỗi chương trình ngôn ngữ. Tại Đại hội Toàn thể của FABC ở Bandung 1990, các chủ tịch của các HĐGM thành viên đã ký một thỏa ước gánh vác hoàn toàn các chi phí trong 5 năm của tất cả các chương trình phát thanh của RVA được thực hiện tại các trung tâm sản xuất của quốc gia họ. Tiếc rằng thỏa thuận này đã không bao giờ được thực hiện đầy đủ.
3.3. Các thái độ đối với truyền thông truyền giáo
Tài năng không phải là vấn đề đầu tiên và trên hết để sử dụng đúng đắn các phương tiện truyền thông hiện đại để đến được với đại đa số dân Châu Á không phải là thành viên của Hội Thánh. Vấn đề quan trọng hơn là phải có một số thái độ và khía cạnh thích hợp. Việc loan báo Tin Mừng đích thực bắt đầu với sự ‘hoán cải’ trong Hội Thánh, nhưng sự hoán cải này cũng phải được đem chia sẻ với ‘người ngoài’. Vấn đề không phải chỉ là xây dựng và sử dụng các phương tiện kỹ thuật như các phương tiện đại chúng, nhưng phải bắt đầu với những yếu tố cơ bản của việc truyền thông nhân bản và Kitô giáo.
- Chứng tá đời sống là đòi hỏi đầu tiên cho việc truyền thông truyền giáo tại Châu Á. Đặc biệt ở điểm này, các lời của ĐGH Phaolô VI trong Evangelii Nuntiandi (số 41; cũng xem số 21.76) phải được áp dụng:
“Con người thời nay thích nghe các chứng nhân hơn là các thầy dạy, và nếu họ nghe các thầy dạy, thì chính là vì các người này cũng là các chứng nhân. Thánh Phêrô đã diễn tả rất hay điều này khi ngài nêu lên gương sáng của một nếp sống đáng kính và trong sạch dù không dùng lời nói mà vẫn chinh phục được những người không muốn vâng nghe Lời (x. 1 Pr 3,1). Vì thế, Hội Thánh phải loan báo Tin Mừng cho thế giới chủ yếu nhờ hạnh kiểm và đời sống của mình. Nói khác đi, Hội Thánh truyền thông nhờ chứng tá sống động về lòng trung thành với Chúa Giêsu – chứng tá về sự nghèo khó và từ bỏ, về tự do đối với các quyền lực của trần gian này, nói tóm, chứng tá về sự thánh thiện”.
Một mẫu gương gần đây nữa cho Châu Á là Mẹ Têrêsa Calcutta. Bà đã loan báo Tin Mừng một cách đơn sơ bằng đời sống của bà. Đối với việc truyền thông Kitô giáo, điều này có nghĩa là chúng ta không được chỉ quan tâm tới kỹ thuật. Tâm trạng và thái độ truyền thông nhân bản của chúng ta phải dựa trên một kinh nghiệm thiêng liêng sâu xa. Theo mô tả về truyền thông trong Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio (số 11), tinh thần truyền thông sâu xa nhất của chúng ta phải là “hiến mình trong tình yêu”.
Chứng tá đời sống như thế thường cũng dẫn tới sự ‘tiếp xúc cá nhân’ như là một phương tiện cơ bản để truyền thông truyền giáo. “Toàn thể sách Công vụ Tông Đồ, được coi là cuốn sách đầu tiên viết về Hội Thánh truyền thông thời kỳ đầu, đã tường thuật và làm chứng rằng đức tin đã lan đi khắp thế giới vào thời đó nhờ chứng tá và sự tiếp xúc cá nhân như là phương tiện chính của việc rao giảng Tin Mừng. Dù không có các phương tiện truyền thông đại chúng, thế giới của thời ấy đã được Tin Mừng hoá trong một thời gian ngắn và phát triển vượt ra khỏi cộng đồng Do Thái để đến Hy Lạp và Rôma và tới tận Tây Ban Nha. Nhiều đoạn trong sách Công vụ Tông đồ là những bài tường thuật và ví dụ về việc truyền thông truyền giáo. Và ĐGH Phaolô VI cũng nhắc nhở chúng ta trong Evangelii Nuntiandi (1975) rằng chính Chúa đã sử dụng cách truyền thông này và vì vậy “không thể để xảy ra tình trạng các nhu cầu cấp bách loan báo Tin Mừng cho muôn dân làm chúng ta quên mất hình thức loan báo này mà nhờ đó một lời hoàn toàn độc đáo từ một người khác đến được và chạm được vào lương tâm của một cá nhân” (số 46).
Các gương điển hình về chứng tá và tiếp xúc cá nhân như thế bao gồm những biểu hiện cụ thể của thái độ đại kết và hợp tác với các tôn giáo khác vì hoà bình và công ích. Lời nói không ‘nói’ được bao nhiêu, nhưng việc làm ‘nói’ lên rất nhiều!
- Truyền thông truyền giáo còn phải được hỗ trợ bởi hình ảnh tập đoàn của Hội Thánh như một tổ chức nhưng cũng còn nhờ hình ảnh công cộng của một cộng đoàn đức tin duy nhất và các thành viên cộng đoàn. Chính Communio et Progressio đã đề nghị áp dụng các nguyên tắc về Quan hệ công cộng cho việc nàyvà Aetatis Novae đòi hỏi việc lập kế hoạch mục vụ phải có nó (số 31). Đối với các người truyền thông truyền giáo, nó có nghĩa là “lưu ý đến loại công chúng mà họ có dịp ngỏ lời vào mỗi lúc khác nhau, đồng thời thiết lập mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau”. Nhưng “việc này chỉ có thể thực hiện nếu người ta có sự tôn trọng và quí chuộng lẫn nhau và hết sức tôn trọng sự thật” (C&P, số 174).
Điều này có nghĩa là không chỉ áp dụng các nguyên tắc về quan hệ công cộng hay truyền thông kinh doanh. Cuối cùng nó lại dẫn tới ‘chứng tá đời sống’ như là điều kiện đầu tiên bởi vì các quan hệ công cộng có nghĩa là: ‘Làm điều tốt và nói về nó’. Điều này trở nên rất cụ thể ở Châu Á, khi Ecclesia in Asia nhắc nhở chúng ta:
“Tại Châu Á, quê hương của các tôn giáo lớn trong đó các cá nhân và toàn thể các dân tộc khao khát Thượng Đế, Hội Thánh được kêu gọi để là một Hội Thánh cầu nguyện, có bản chất thiêng liêng sâu xa cả khi dấn mình vào các mối quan tâm nhân bản và xã hội. Mọi Kitô hữu cần có một linh đạo cầu nguyện và chiêm niệm. Một con người tôn giáo chân chính dễ dàng chinh phục được lòng tôn trọng và có người theo tại Châu Á…” (số 23).
Trong tư cách cá nhân và cộng đoàn, chúng ta thực sự là những “con người tôn giáo chân chính” tới mức nào để trở thành nền tảng cho các mối “Quan hệ Công cộng” tốt?
- Truyền thông truyền giáo tại Châu Á còn dựa trên hội nhập văn hoá. Các lối suy nghĩ, các giá trị và các phương tiện truyền thông, các cách thức và cơ cấu của các nền văn hoá Châu Á phải là cơ sở và bối cảnh cho mọi việc truyền thông Kitô giáo. Chẳng hạn, phải áp dụng các “phương pháp kể truyện gần gũi với các loại hình văn hoá Á Châu” bởi vì “việc rao giảng Đức Giêsu Kitô có thể hiệu quả nhất bằng việc kể lại câu chuyện về Người như các sách Tin Mừng đã làm” (số 20). Cùng với điều này, Hội Thánh và các người rao giảng Tin Mừng “phải cởi mở với các cách thức mới mẻ và lạ lùng qua đó khuôn mặt Đức Giêsu có thể được trình bày tại Châu Á”.
Đây là một cách thức đặc biệt quan trọng đối với giai đoạn khởi đầu của việc rao giảng Tin Mừng như các nhà truyền giáo lớn của Châu Á như Gioavanni Montecorvino, Matteo Ricci và Robert de Nobili đã nêu gương khi các ngài có “cái nhìn trực giác sâu sắc vào các dân tộc và các nền văn hoá của họ” (EA, số 20). Các ngài đã nêu những tấm gương sáng chói về lòng kính trọng nhưng các ngài cũng sáp nhập các nền văn hoá địa phương vào sứ mạng Kitô giáo của các ngài. Các ngài đã đặt nền cho một đường lối tích cực để đi vào Kitô giáo, nhưng tiếc thay đường lối ấy đã bị phá huỷ phần nào do sự thiển cận của một số lãnh đạo Hội Thánh vào thời đó.
Theo một nghĩa rộng hơn, chúng ta cũng có thể thấy một thái độ tương tự trong việc ‘hội nhập văn hoá’ các phương tiện truyền thông hiện đại vào sứ vụ của chúng ta, như ĐGH Gioan Phaolô II đã nói trong thông điệp cho Ngày Thế giới Truyền thông 2002 về “Internet: Một Diễn Đàn Mới cho việc Loan Báo Tin Mừng”:
“Internet có thể cống hiến những cơ hội tuyệt vời cho việc loan báo Tin Mừng nếu được sử dụng một cách thành thạo và ý thức rõ ràng được những điểm mạnh và điểm yếu của nó. Trên hết, nhờ cung cấp thông tin và khơi dậy sự thích thú, nó làm cho có thể có một cuộc gặp gỡ ban đầu với thông điệp Kitô giáo, đặc biệt giữa giới trẻ là những người ngày càng quay sang thế giới của không gian mạng như một cánh cửa sổ mở ra thế giới. Vì vậy điều quan trọng là Cộng Đoàn Kitô giáo phải nghĩ ra những cách rất thực tế để giúp những người tiếp xúc lần đầu với Internet để họ chuyển từ thế giới ảo của không gian mạng sang thế giới thực của cộng đoàn Kitô giáo”.
Nhưng trong giai đoạn thứ hai của việc loan báo Tin Mừng, là giai đoạn chuyên về giảng dạy đức tin trong huấn giáo và hướng dẫn tôn giáo, việc truyền thông trong rao giảng Tin Mừng cũng đòi hỏi một phương thức hội nhập văn hoá. Ecclesia in Asia nhắc nhớ chúng ta phải sử dụng thích nghi “một khoa sư phạm khêu gợi, dùng các câu truyện, các ẩn dụ và các biểu tượng, là những nét rất đặc trưng trong phương pháp luận sư phạm của Châu Á”.
Nhu cầu hội nhập văn hoá cũng được đòi hỏi bởi nguyên tắc truyền thông cơ bản là trân trọng người tiếp nhận và gặp gỡ họ trong thực tế đời sống của họ. Vì vậy truyền thông truyền giáo tại Châu Á phải “quan tâm tới hoàn cảnh của người nghe” và phải “thích nghi với mức trưởng thành của người nghe và dùng hình thức và ngôn ngữ thích hợp… để rao giảng Tin Mừng sao cho nó cuốn hút được khả năng nhạy cảm của các dân tộc Châu Á”. Các hình ảnh về Chúa Giêsu phải được trình bày sao cho “dễ hiểu đối với trí khôn và văn hoá của người Châu Á” (số 20).
- Truyền thông truyền giáo tại Châu Á đặt nền sâu xa trên linh đạo. Các chuyến thăm của Đức Gioan Phaolô II tới Châu Á đã xác nhận quan điểm của ngài “rằng tương lai của việc truyền giáo lệ thuộc một phần rất lớn vào chiêm niệm. Trừ khi người truyền giáo là một con người chiêm niệm, họ không thể loan báo Đức Kitô một cách đáng tin” (EA số 23; x. RM, số 91).
Đây cũng phải là cơ sở cho mọi việc truyền thông truyền giáo và cho mọi người truyền thông Kitô giáo tại Châu Á. Suy cho cùng, việc truyền thông truyền giáo của chúng ta cơ bản là chia sẻ kinh nghiệm. Truyền giáo, cũng như truyền thông truyền giáo, là “hoạt động trong chiêm niệm và chiêm niệm trong hoạt động… Một người truyền giáo mà không có kinh nghiệm sâu xa về Thiên Chúa trong kinh nguyện và chiêm niệm thì sẽ có rất ít ảnh hưởng thiêng liêng hay thành công truyền giáo”, ĐGH Gioan Phaolô II viết trong Ecclesia in Asia (số 23). Cũng đúng như thế đối với mọi người truyền thông Kitô giáo. Truyền thông và rao giảng ở Châu Á cần “những con người thánh thiện dùng đời sống mình để làm cho người khác biết và yêu mến Chúa Cứu Thế. Lửa chỉ có thể được đốt lên bởi một cái gì tự nó đã cháy…”. Chương cuối của Thông điệp về truyền giáo Redemptoris Missio của Đức Gioan Phaolô II bàn đặc biệt về một linh đạo bắt đầu với lòng dễ dạy đối với Chúa Thánh Thần (các số 87-91).
Đi theo mẫu truyền thông Kitô giáo, ở đây cũng vậy, chính Thiên Chúa là người nói, còn sứ giả chỉ là người phục vụ thông điệp của Người. Họ càng biết lắng nghe và tràn đầy thông điệp, họ càng thể hiện tốt sứ mạng sứ giả của họ. Đây là thách thức của một linh đạo sâu xa, là điều kiện tiên quyết cho mọi việc truyền thông truyền giáo và Kitô giáo.
- Đoạn đặc biệt về truyền thông xã hội trong Ecclesia in Asia (số 48) nhắc đến niềm tin của ĐGH Gioan Phaolô II rằng truyền thông xã hội hiện đại là một ‘areopagus’, nghị trường hay nơi họp chợ tạo ra một “văn hoá mới”. Hội Thánh và các cơ chế được nhìn nhận lâu đời như gia đình không còn quyết định các giá trị và các lối sống nữa, đặc biệt đối với giới trẻ. Chính cái “areopagus” này của truyền thông hiện đại ngày càng quyết định cuộc sống và các giá trị của con người.
Truyền thông truyền giáo phải ý thức rằng truyền thông hiện đại tạo ra một ‘văn hoá mới’, “phát sinh không phải từ bất cứ nội dung nào đã được diễn tả ra, nhưng từ chính sự kiện là có những cách thức truyền thông mới, với những ngôn ngữ mới, kỹ thuật mới và một tâm lý mới” (RM, số 37c). Nếu truyền thông truyền giáo không nghiên cứu nghiêm túc các điều kiện mới này, kết cục nó sẽ không có thể thực sự truyền thông và đóng một vai trò trong nghị trường của cuộc sống hiện đại.
Có một số câu hỏi đầy thách thức mà chúng ta phải trả lời: Chúng ta nghiên cứu nghiêm túc tới mức nào các cách thức mới, các ngôn ngữ mới, các kỹ thuật mới và tâm lý mới này? Trong tư cách cá nhân và cộng đoàn, chúng ta có ý thức về các thực tại như thế trong đời sống chúng ta không? Các trường đại học Công giáo và các học viện cao cấp có học các môn ấy không hay chúng (và chúng ta) chỉ biết ngưỡng mộ và sử dụng các kỹ thuật mới mà không có óc phê phán và đào sâu hơn?
Thái độ chúng ta đối với tất cả điều này có những hậu quả quan trọng đối với việc truyền giáo! Nếu chúng ta không muốn chỉ là một thành phần nhưng cũng muốn ảnh hưởng và hình thành “văn hoá mới’ này, chúng ta phải đi tiên phong trong việc nghiên cứu và học hỏi. Redemptoris Missio nói “sẽ không đủ nếu chỉ đơn thuần sử dụng các phương tiện truyền thông để truyền bá thông điệp Kitô giáo và giáo huấn chân chính của Hội Thánh”.
Cho tới nay, có lẽ quan tâm chính của chúng ta mới chỉ là sử dụng các phương tiện truyền thông. Nhưng trong thế giới hôm nay, các phương tiện này không chỉ đơn thuần là những dụng cụ mới và hiện đại của việc truyền thông xã hội…! Chúng hình thành thế giới chúng ta và không chỉ ở các vùng thành thị mà ngày càng gia tăng ảnh hưởng cả ở các vùng nông thôn nữa. Tại vùng nông thôn Tamil Nadu (Ấn Độ), người ta có thể thấy, ví dụ, những cụm nhỏ từ 5 tới 8 căn nhà gỗ có gắn các chảo vệ tinh trên mái nhà. Sự có mặt khắp nơi ngày càng gia tăng của các phương tiện truyền thông mới chính là lý do tại sao một số nhà trí thức Công giáo tại một “hội nghị bàn tròn” do Văn phòng Truyền thông Xã hội của FABC tổ chức tại Đại học Assumption ở Bangkok năm 1999 đã đề nghị một “Lịch trình Nghiên cứu về Giáo hội/Tôn giáo và Truyền thông Xã hội tại Châu Á”. Đề nghị này bao gồm một “Trung tâm Nghiên cứu Châu Á về Tôn giáo và Truyền thông” (ARC=Asian Research Center), được thành lập cùng năm ấy tại Đại học Thánh Gioan, Bangkok. Tiếc rằng cho đến nay chúng ta vẫn còn thiếu các nhà trí thức Kitô giáo dấn thân và có trình độ để đi sâu hơn vào tình hình truyền thông tại Châu Á và tầm quan trọng của truyền thông đối với tôn giáo hay của tôn giáo đối với truyền thông xã hội trong các nền văn hoá của chúng ta.
Đức Giáo Hoàng đã đề cập đến vấn đề này một cách chi tiết trong thông điệp của ngài cho Ngày Thế giới Truyền thông năm 2002 về “Internet: Một Diễn đàn Mới cho việc Loan báo Tin Mừng”. Thay vì nói đến ‘Areopagus’ của Hy Lạp thời xưa như trong Redemptoris Missio, ngài nói đến “Forum” của Rôma như là “địa điểm công cộng nơi diễn ra các giao dịch thương mại và chính trị, nơi thực hành các bổn phận tôn giáo, nơi diễn ra phần lớn đời sống xã hội của thành phố, và nơi phô bày bản chất tốt nhất cũng như xấu nhất của con người”, và ngài so sánh nó với Internet ngày nay.
Sau đó ngài kết luận rằng “đối với Hội Thánh, thế giới mới của không gian mạng là một lời kêu gọi đi vào cuộc mạo hiểm vĩ đại của việc sử dụng các tiềm năng của nó để loan báo thông điệp Tin Mừng. Thách thức này nằm ở tâm điểm của việc thực thi vào đầu thiên niên kỷ này lệnh truyền của Chúa: ‘Ra chỗ sâu mà thả lưới’ (Lc 5,4)”. Nhưng chúng ta cũng được nhắc nhở rằng chỉ chồng chất các thông tin và các khả năng mới cho các giao tiếp của con người thì không đủ để thay thế cho “sự tiếp xúc cá nhân trực tiếp mà việc loan báo Tin Mừng đích thực đòi hỏi. Vì rao giảng Tin Mừng luôn luôn lệ thuộc vào chứng tá bản thân của người được sai đi rao giảng (x. Rm 10,14-15)”.
Đối với Châu Á cũng thế, thách thức của việc truyền thông truyền giáo là: “Làm thế nào để từ những mối tiếp xúc được cung cấp bởi Internet, Hội Thánh dẫn đến sự truyền thông sâu hơn do việc loan báo của Kitô giáo đòi hỏi? Chúng ta xây dựng thế nào từ sự tiếp xúc và trao đổi thông tin đầu tiên mà Internet cung cấp?” (Thông điệp cho Ngày Thế giới Truyền thông 2002).
- Tất cả các điều trên dẫn chúng ta tới nhu cầu phải có một sự đào luyện thích hợp các người truyền thông truyền giáo, những người cần có cái gì đó nhiều hơn là những khả năng kỹ thuật. Bất chấp mọi thực tế kỹ thuật từ Phương Tây đem đến, chúng ta vẫn phải tích hợp mọi việc đào tạo và huấn luyện truyền thông vào với các điều kiện và hoàn cảnh ở Châu Á, như Ecclesia in Asia (số 23) đòi hỏi nơi những người loan báo Tin Mừng:
“Trong quá khứ, việc huấn luyện thường đi theo lề lối, phương pháp và chương trình du nhập từ Phương Tây. Trong khi đánh giá cao việc phục vụ mà cách đào luyện ấy đã cống hiến, các Nghị phụ của Thượng Hội Đồng nhìn nhận những cố gắng tích cực đã được phát triển thời gian gần đây để thích nghi việc đào luyện các người loan báo Tin Mừng với các bối cảnh văn hoá của Châu Á…”.
Nói một cách cụ thể, điều này cũng có nghĩa là cần nhấn mạnh hơn về việc đào tạo những người truyền thông truyền giáo tại chính Châu Á thay vì gửi họ đến các châu lục và các nền văn hoá khác để học tập ở ngoài môi trường sinh sống của họ. Ecclesia in Asia không chỉ nhấn mạnh bổn phận của các giám mục, linh mục, chủng sinh và tu sĩ, mà cả vai trò của giáo dân:
“Hơn ai hết, chính họ là những người được kêu gọi để biến đổi xã hội… bằng việc truyền ‘tinh thần của Đức Kitô’ vào trong não trạng, phong tục, luật pháp và các cơ cấu của thế giới trần tục mà họ đang sống. Một sự hội nhập Tin Mừng một cách sâu rộng hơn ở mọi tầng lớp xã hội tại Châu Á sẽ tuỳ thuộc rất nhiều vào việc đào luyện thích hợp mà Hội Thánh cống hiến được cho giáo dân”.
Ngoài việc làm chứng bằng đời sống, tất cả những ai có liên quan tới sứ mạng loan báo Tin Mừng của Hội Thánh phải có một sự hiểu biết cơ bản về truyền thông xã hội, nếu họ muốn là một thành phần của một Hội Thánh loan báo Tin Mừng. Ngay từ thời Công đồng Vatican II, các Nghị phụ đã đòi hỏi trong Sắc lệnh Inter Mirifica rằng “mọi thành viên của Hội Thánh phải đồng tâm hiệp lực cố gắng để bảo đảm rằng các phương tiện truyền thông được sử dụng để phục vụ rất nhiều loại hoạt động tông đồ khác nhau một cách mau chóng và hăng say bao có thể, ở những nơi và những lúc có nhu cầu… Các vị chủ chăn các linh hồn phải đặc biệt nhiệt thành trong lĩnh vực này, vì nó liên quan mật thiết với nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng của họ” (số 13).
Đòi hỏi này được tiếp nối bởi các Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio (1971, các số 106,108,111) và Aetatis Novae (1992, số 18). Theo Ecclesia in Asia (số 48), nó phải thúc đẩy chúng ta “khám phá ra các cách thức để tích hợp hoàn toàn các phương tiện truyền thông đại chúng vào các kế hoạch và hoạt động mục vụ (của Hội Thánh), để nhờ sử dụng chúng một cách hiệu quả, sức mạnh Tin Mừng có thể vươn xa hơn nữa tới các cá nhân, các dân tộc và truyền vào các nền văn hoá của Châu Á các giá trị của Nước Thiên Chúa”. Đây không chỉ là một bổn phận của những người truyền thông, mà là của mọi Kitô hữu, đặc biệt các lãnh đạo của Hội Thánh. Tất cả chúng ta phải học và thực hành để trở thành những con người truyền thông trên bình diện nhân bản trước, rồi sau đó, một phần nào trên bình diện kỹ thuật.
3.4. Loan báo Tin Mừng trong truyền thông đại chúng
Bây giờ tất cả những điều này có nghĩa là gì đối với truyền thông đại chúng? Các phương tiện truyền thông sẽ tiếp tục thống trị cuộc sống chúng ta. Chúng sẽ cho chúng ta tin tức, thông tin và đặc biệt các mục giải trí. Trong lãnh vực truyền thông truyền giáo, điều này lệ thuộc rất nhiều vào cách chúng ta phản ứng thế nào đối với một ‘nơi họp chợ’ (areopagus) hiện đại như thế.
* Chúng ta có thể sở hữu các phương tiện như thế, và phần nào đi theo trào lưu thời đại. Hội Thánh hiện có những dụng cụ loại này, như Đài Chân Lý Á Châu (Radio Veritas Asia), và ở một số nơi cũng có các đài phát thanh địa phương và cả các nhật báo và nhà xuất bản.
* Chúng ta cũng có thể thử đi vào các doanh nghiệp truyền thông hiện hữu. Chúng ta có thể đề nghị hay bán các sản phẩm của chúng ta, cống hiến các chuyên gia và ý tưởng cho các doanh nghiệp này, hay đề nghị tài trợ. Việc này đặc biệt có thể thực hiện trong các hệ thống truyền thông thương mại.
* Tất cả các việc trên đây đòi phải có nhân sự có trình độ ngang tầm với các chuyên gia ngoài đời về khả năng truyền thông và quản lý truyền thông.
* Có nghĩa là phát hiện, phát triển và cổ võ các tài năng đặc biệt giữa các thanh thiếu niên của chúng ta, cũng như tìm các điều kiện tốt cho việc đào tạo và huấn luyện. Các cơ sở giáo dục Công Giáo của chúng ta có thể cống hiến các chương trình huấn luyện đặc biệt và nhờ đó chúng ta có cơ hội để phát hiện và cổ võ các tài năng trẻ.
* Phải mở rộng sự chăm sóc mục vụ cho các Kitô hữu đã đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông. Họ có quyền mong đợi sự nâng đỡ tinh thần và nghiệp vụ từ các anh chị em Kitô hữu của họ và đặc biệt từ các lãnh đạo của Hội Thánh. Họ có thể giúp ích rất nhiều trong việc tiền-Tin Mừng hoá những con người và cộng đồng.
Chúng ta phải ý thức hơn nữa về các phát triển chuyên môn trong thời gian gần đây, chúng vạch ra cho chúng ta thấy hướng chuyển đổi từ truyền thông đại chúng sang truyền thông đơn thuần. Càng ngày, các phương tiện truyền thông đại chúng không còn là phương tiện duy nhất để nuôi dưỡng ‘quần chúng’. Nhờ hệ thống phát sóng bằng kỹ thuật số và cá nhân hoá truyền thông trên Internet, truyền thông hướng trực tiếp hơn tới các nhóm khán thính giả chuyên biệt. Hệ thống kỹ thuật số giúp gia tăng số lượng các chương trình TV và rađiô và nhờ đó tạo ra nhiều chương trình chuyên biệt hơn, ví dụ, tin tức, thông tin, phim, phong cách sống và cả các chương trình tôn giáo như ở một số nơi có “Eternal Word Television Network” (“Mạng Truyền hình Lời Vĩnh Cửu”) của Mẹ Angelica hay một số chương trình của Tin Lành. Các chương trình chuyên biệt giúp tăng sự tương tác với khán thính giả và nhờ đó mở ra các khả năng mới cho truyền thông truyền giáo.
3.5. Loan báo Tin Mừng và truyền thông
Khi kết luận phần viết về truyền thông xã hội, tài liệu Instrumentum Laboris (số 53) chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Đặc biệt về Châu Á (1998) nhìn thấy thách thức của “Truyền thông đại chúng đối với Hội Thánh tại Châu Á bao hàm 3 lĩnh vực hành động cụ thể sau đây:
- Hội Thánh tại Châu Á cần gia tăng sự hiện diện của mình trong thế giới truyền thông đại chúng để có thể phổ biến thông điệp Tin Mừng cũng như các giáo huấn xã hội và luân lý của Huấn Quyền Hội Thánh.
- Hội Thánh cần đi vào ‘areopagus đương đại’ thông qua các phương tiện truyền thông xã hội để có thể Tin Mừng hoá xã hội và nhờ các giá trị của Tin Mừng mà biến đổi nền văn hoá mới đang được hình thành bởi các phương tiện truyền thông xã hội; và
- Mọi người trong Hội Thánh, giáo sĩ cũng như giáo dân, cần nhận được một sự đào tạo cân xứng và khả năng tiếp cận các phương tiện truyền thông đại chúng và truyền thông xã hội. Đồng thời, Tin Mừng phải được đưa vào cuộc sống của những người đang kiểm soát và những người đang tham gia vào lãnh vực truyền thông đại chúng bằng những cách thức khác nhau”.
Đây là những để nghị rất hay. Nhưng song song với những điều này, chúng ta không được quên rằng truyền thông xã hội không phải chỉ là một hoạt động trong tiến trình loan báo Tin Mừng. Nó là một phần cốt yếu và không thể thiếu của mọi việc loan báo Tin Mừng. Trong một thời gian dài chúng ta đã tỏ ra quá “thiên về công cụ” và coi truyền thông và đặc biệt truyền thông đại chúng như là một phương tiện để loan báo Tin Mừng. Theo cách hiểu của chúng ta bây giờ, điều đó hoàn toàn không đủ. ĐGH Gioan Phaolô II nói trong Redemptoris Missio (số 37c) rằng “sử dụng các phương tiện truyền thông chỉ để truyền bá thông điệp Tin Mừng thì không đủ”.
Thực tại của một “văn hoá mới” cũng phải nhắc nhở chúng ta rằng việc loan báo Tin Mừng có một chiều kích truyền thông, hay đúng hơn nó là truyền thông. Vâng, chúng ta sử dụng các phương tiện nhưng chúng ta phải hết sức lưu ý rằng vượt lên trên các phương tiện, cái quyết định sự ‘thành công’ của mọi hoạt động loan báo Tin Mừng chính là cuộc sống chúng ta, chứng tá của chúng ta, và toàn thể cách cư xử và thái độ giao tiếp của chúng ta, đương nhiên là với ơn của Chúa. Trong Thần Khí của Hội Thánh thời kỳ đầu, mỗi người là một nhà truyền giáo, thì hôm nay cũng vậy, mỗi người Kitô hữu ở Châu Á phải là một ‘người truyền thông truyền giáo’.
Truyền thông truyền giáo bắt đầu bằng chứng tá đời sống, dẫn tới các mối tiếp xúc cá nhân, phản chiếu đời sống Kitô giáo cho những người ngoài và hội nhập vào các nền văn hoá địa phương nhưng không từ chối các ảnh hưởng toàn cầu. Một sự truyền thông như thế chỉ có thể là chân chính nếu nó đặt nền trên một linh đạo thâm sâu được sống vì lòng dễ dạy đối với Chúa Thánh Thần. Truyền thông truyền giáo là một thách thức đặc biệt cho việc đào luyện các sứ giả Kitô giáo và không thể làm ngơ đối với một ‘văn hoá mới’ được tạo ra bởi các phương tiện truyền thông và đặc biệt bởi các kỹ thuật truyền thông mới.
Hồng y Sepe, Bộ trưởng Thánh Bộ Truyền bá Tin Mừng cho các Dân tộc, đã nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của việc truyền thông truyền giáo đối với Bộ của ngài trong một cuộc phỏng vấn cho ngày Chúa Nhật Truyền Giáo Thế Giới năm 2002 (Agenzia Internazionale Fides, 2-10-2002):
“Hội Thánh thời kỳ đầu đã nhìn các con đường của Đế quốc Rôma như là một ân huệ Chúa Quan Phòng ban cho để lên đường đi truyền giáo, mặc dù biết chắc Rôma không xây những con đường đó cho Hội Thánh. Các tông đồ đã nhận lệnh của Chúa “đi khắp thế giới loan báo Tin Mừng cho mọi tạo vật’, các ngài đã không ngần ngại sử dụng các phương tiện giao thông ấy của Đế quốc để đi rao truyền Lời Thiên Chúa. Ngày nay, công nghệ hiện đại cống hiến những con đường mới mà tất cả chúng ta phải sử dụng vì chúng sẽ giúp chúng ta tung ra những mạng lưới xưa nay chưa từng có. ‘Một số lượng khán thính giả đông đảo quá sức tưởng tượng của các vị rao giảng Tin Mừng trước chúng ta. Vì vậy, điều mà thời nay chúng ta cần là một sự dấn thân tích cực và giàu tưởng tượng của Hội Thánh vào lĩnh vực truyền thông. Người Công giáo không được sợ hãi mở toang cánh cửa truyền thông xã hội cho Đức Kitô, để Tin Mừng của Người có thể được nghe thấy từ các nóc nhà trên khắp thế giới’ (Gioan Phaolô II, Thông điệp cho Ngày Thế giới Truyền thông 2001). Thánh Bộ Truyền bá Tin Mừng cho các Dân tộc đặc biệt chú ý tới cả một đại dương những khả năng mà các phương tiện truyền thông cống hiến cho chúng ta; chúng ta tiến bước một cách táo bạo – như lời Đức Thánh Cha nói khi hô hào ‘ra chỗ nước sâu thả lưới’ và chúng ta phải cầu xin Chúa ban cho chúng ta sức mạnh và lòng dũng cảm để thể hiện các sáng kiến mục vụ và thiêng liêng hợp với thời đại mới, nó cho phép chúng ta sử dụng với hiệu quả tối đa các công cụ mà nền văn hoá thông tin cống hiến, khi chúng ta được kiện cường nhờ tin tưởng vào lời Chúa Giêsu”.
Đức Gioan Phaolô II nhắc tới điểm này khi ngài kết luận thông điệp cho Ngày Thế Giới Truyền Thông 2002. Ngài hỏi rằng khuôn mặt và tiếng nói của Đức Giêsu có hiện ra từ hàng tỉ hình ảnh trên Internet hay không, “vì chỉ khi thấy được khuôn mặt và nghe được tiếng nói của Người, thế giới mới biết được tin vui về ơn cứu chuộc của chúng ta. Đây là mục đích của việc rao giảng Tin Mừng” (xem Phần II, 5.3).
IV. TRUYỀN THÔNG TRONG TIẾN TRÌNH RAO GIẢNG TIN MỪNG
Trong tiến trình Rao giảng Tin Mừng, có ba bước phân biệt có thể xét đến: 1. Tiền-Rao giảng Tin Mừng; 2. Rao giảng Tin Mừng thực sự; và 3. Hậu-Rao giảng Tin Mừng. Mỗi bước này có những nhu cầu khác nhau và cống hiến những cơ hội khác nhau không chỉ cho các phương tiện truyền thông khác nhau mà cũng đòi hỏi các phương thức truyền thông khác nhau.
4.1. Tiền-Rao giảng Tin Mừng
Truyền thông cho giai đoạn tiền-Rao giảng Tin Mừng liên quan tới việc tạo ra một thái độ và tâm trạng tích cực đối với đức tin và đời sống Kitô giáo. Quy tắc về quan hệ công cộng ‘hãy làm và nói về nó” có thể đem áp dụng ở đây nhưng còn phải đi xa hơn. Hình ảnh tập đoàn của Hội Thánh và của các tổ chức Kitô giáo và các hoạt động cũng như thế giới quan Kitô giáo có một ảnh hưởng ở giai đoạn này. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là ảnh hưởng của chứng tá cá nhân và sự tiếp xúc với các cá nhân và cộng đồng. Truyền thông trong giai đoạn tiền-Rao giảng Tin Mừng dọn sẵn cái nền và thiết lập các điều kiện để có một sự hiểu biết lẫn nhau sâu xa hơn mà không đòi hỏi diễn tả ra bên ngoài ước muốn theo đạo. Nếu người ta cảm thấy các cá nhân và các cộng đoàn là những người đáng yêu, hiểu biết lẫn nhau, tương thân tương ái và tràn đầy Thánh Thần, họ sẽ phần nào cảm nhận được đức tin Kitô giáo là gì và có khả năng gì.
Truyền thông truyền giáo được diễn tả trước hết và trên hết theo cách này, và mang mọi hình thức và đường lối hiện có trong một hoàn cảnh nhất định.
Ở đây có thể áp dụng tất cả các suy nghĩ về các quan hệ/truyền thông công cộng của Hội Thánh. Mọi hoạt động giáo dục, công cuộc xã hội và trợ giúp y tế của Hội Thánh phải đi theo hướng này và phải được coi một cách nào đó như là hoạt động truyền thông truyền giáo.
Trong số các phương tiện truyền thông đại chúng, có thể các phương tiện điện tử như rađiô, TV và phim ảnh là những phương tiện có một vai trò đặc biệt ở đây. Các phương tiện này phổ biến hơn và không cần phải biết đọc như sách báo. Qua các chương trình của chúng, chúng có thể tạo ra các khung cảnh trong đó các giá trị và kinh nghiệm Kitô giáo có thể được chấp nhận hay thậm chí được đề cao. Truyền thông tiền-Rao giảng Tin Mừng không quan tâm nhiều tới các chương trình Kitô giáo cho bằng tới các giá trị được phản chiếu qua diễn xuất của các nhân vật, các câu truyện và đời sống. Nếu chúng phản ánh trực tiếp hay gián tiếp các giá trị Kitô giáo như giới thiệu các mẫu gương Kitô hữu hay các câu truyện Kitô giáo tiêu biểu, chúng có thể tạo ra một bầu khí tích cực và một tâm trạng tốt hơn để chấp nhận thông điệp của Đức Kitô. Các sách báo có thể cống hiến qua các câu truyện thật hay hư cấu về cùng loại này. Các khóa học trên mạng hay hàm thụ về Kinh Thánh và Kitô giáo có thể cống hiến một sự tiếp cận tích cực đối với Kitô giáo.
Về lãnh vực Internet, ĐGH Gioan Phaolô II thấy nó có một sự đóng góp đặc biệt ở giai đoạn này qua việc cung cấp “thông tin và khơi dậy sự quan tâm” và tạo ra “một cuộc gặp gỡ sơ khởi với sứ điệp Kitô giáo, đặc biệt giữa giới trẻ” (Thông điệp cho Ngày Truyền thông Thế giới 2002).
4.2. Rao giảng Tin Mừng thực sự
Giai đoạn rao giảng Tin Mừng thực sự quan tâm tới việc trình bày thực sự về đức tin Kitô giáo, thông điệp của Đức Kitô và sự cứu chuộc đời sống qua phép Thanh Tẩy và trở thành phần tử của Hội Thánh. Ở giai đoạn này, một lần nữa sự tiếp xúc cá nhân là con đường chủ yếu. truyền thông nhóm có thể đóng một vai trò và cũng giúp những người đã quan tâm đạt đến một sự hiểu biết sâu hơn và cao hơn. Chia sẻ các ý tưởng và kinh nghiệm với những người khác trong một khung cảnh truyền thông nhóm thường giúp cho những người tham dự trở nên vững vàng và xác tín hơn trong đức tin của họ.
Trong số các phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại, các sách báo nhưng một phần nào đó cả các phương tiện nghe nhìn là những phương tiện đặc biệt thích hợp cho tiến trình học tập về đức tin và đời sống Kitô giáo. Ở giai đoạn này, truyền thông truyền giáo vượt lên trên các thông tin đơn thuần và các ấn tượng ban đầu. Trong hoạt động huấn giáo, đức tin được đưa vào một mức độ hiểu biết và chấp nhận sâu hơn bằng việc sống điều mình đã học không chỉ trên bình diện trí tuệ nhưng ảnh hưởng tới con người toàn diện. Bằng cách này, cả phụng vụ, cộng đoàn và hành động Kitô giáo cũng hỗ trợ cho việc học giáo lý.
Trong một tiến trình mang tính cá vị như thế, cái thực sự giúp phát triển sự hiểu biết và kinh nghiệm Kitô giáo sâu xa hơn không phải là các phương tiện điện tử đại chúng cho bằng sự truyền thông trực tiếp cá nhân. Chính Hồng y Ingoli, Bộ trưởng đầu tiên của Thánh Bộ Truyền giáo “Propaganda Fidei” mới được lập tại Vatican năm 1626, khi nói về giai đoạn rao giảng Tin Mừng này, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sách báo, đặc biệt các sách giáo lý, đối với việc truyền thông truyền giáo. Trên thực tế, tại một số nước như Philippin, sách giáo lý (De Doctrina Christiana) là cuốn sách đầu tiên được in tại nước này (1593).
4.3. Hậu-Rao giảng Tin Mừng
Sau khi chấp nhận đức tin Kitô giáo trong Phép Rửa, điều quan trọng là phải đào sâu kinh nghiệm đức tin và sự hiểu biết tôn giáo. Ở đây một lần nữa, các tài liệu in như các sách báo sẽ giúp chia sẻ các nhận thức sâu sắc và các câu truyện dựa trên gương sáng của các thánh và các tín hữu có thể kích thích các thành viên mới của cộng đoàn đức tin.
Đức tin cần được nuôi dưỡng liên tục. Sự nuôi dưỡng này thường xuyên được cung cấp bởi các sách báo cũng như bởi sự gia tăng chia sẻ và hướng dẫn cá nhân. Nó giúp theo dõi các sự kiện diễn ra trong Hội Thánh nhờ các tin tức về Hội Thánh từ báo chí và cập nhật các thông tin về các phát triển và các suy nghĩ của Hội Thánh ở Rôma, đặc biệt các tuyên bố và các hành động của Đức Thánh Cha như việc đưa các ‘Mầu nhiệm Sáng’ vào Chuỗi Mân Côi (2002).
Cả Internet cũng có thể “cung cấp sự nuôi dưỡng liên tục này mà việc rao giảng Tin Mừng đòi hỏi”, như lời Đức Gioan Phaolô II nói trong thông điệp cho Ngày Truyền thông Thế giới 2002. Đặc biệt trong một nền văn hoá không thuận lợi cho Kitô giáo, đời sống Kitô giáo đòi hỏi có sự tiếp tục hướng dẫn và dạy giáo lý, và đây có lẽ là lĩnh vực mà Internet có thể cung cấp sự trợ giúp tuyệt vời”.
Ở giai đoạn cuối này, truyền thông truyền giáo và truyền thông mục vụ gặp nhau trong sự chăm sóc cho các người bạn đồng hành trong đức tin và các thành viên của Hội Thánh.
V. ĐỐI THOẠI NHƯ LÀ TRUYỀN THÔNG TRUYỀN GIÁO
Đối thoại là một hình thức đặc biệt nhưng rất phổ biến của mọi việc truyền thông. Trong việc truyền thông của các tổ chức, đối thoại là “thành phần của đời sống tổ chức hằng ngày”. Ta không được coi nó chỉ như là một cách đặc biệt để cải thiện các mối quan hệ, phát triển “sự khôn ngoan đối thoại” như một số nhà nghiên cứu quan niệm. Đúng hơn, như Kevin Barge và Martin Little (2002, tr. 376) đề nghị, nó là “một cách sống với người khác, đối lập với một cách chỉ suy nghĩ qua các vấn đề và các khó khăn”.
Từ sau Tuyên Ngôn Nostra Aetate về quan hệ giữa Hội Thánh với các Tôn giáo ngoài Kitô giáo (28-10-1965) và Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes về Hội Thánh trong Thế giới Hôm nay (7-12-1965), đối thoại đã trở thành một phần thiết yếu của truyền thông truyền giáo. Cả hai văn kiện trên đều chủ trương đường lối đối thoại trong hoạt động truyền thông của Hội Thánh.
Ngay từ Đại hội đầu tiên của Liên đoàn Giám mục Châu Á (FABC) năm 1974 tại Đài Bắc (x. Rosales/Arevalo 1997, 11-25), tại Châu Á đã có ít là 3 bình diện hay 3 lĩnh vực đặc biệt cho đối thoại của Hội Thánh trong truyền thông truyền giáo: Đối thoại với các tôn giáo khác, đối thoại với dân chúng, đặc biệt với người nghèo, và đối thoại với các nền văn hoá. Lẽ đương nhiên đối thoại đại kết là yếu tố cơ bản cho cả ba lãnh vực đối thoại này nếu Kitô giáo muốn nói vào một môi trường phi-Kitô giáo bằng một tiếng nói thống nhất.
5.1. Đối thoại liên tôn
Theo cách nói của Redemptoris Missio (số 55), đối thoại liên tôn là “một phần của sứ mạng truyền giáo của Hội Thánh”, và vì thế nó là yếu tố cơ bản trong mọi việc truyền thông truyền giáo. Tuyên ngôn Nostra Aetate tuyên bố: “Hội Thánh Công giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó. Hội Thánh xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy rằng có nhiều điểm khác với chủ trương mà Hội Thánh duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của Chân Lý, Chân Lý chiếu soi cho mọi người… Vì thế, Hội Thánh khuyến khích con cái mình nhìn nhận, duy trì và cổ động cho những thiện ích thiêng liêng cũng như luân lý và các giá trị xã hội văn hoá của các tín đồ thuộc các tôn giáo khác, bằng con đường đối thoại và hợp tác cách thận trọng và bác ái với tín đồ các tôn giáo ấy…”. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tiếp nối chủ trương này trong Evangelii Nuntiandi (1975, số 53) khi nói rằng Hội Thánh “tôn trọng và đánh giá cao các tôn giáo ngoài Kitô giáo này, vì đó là những biểu hiện sống động của các nhóm người rất đông đảo. Họ mang theo nơi mình âm vang của hàng ngàn năm tìm kiếm Thiên Chúa, một cuộc tìm kiếm vẫn còn chưa đầy đủ nhưng thường phát xuất từ lòng chân thành và tâm hồn ngay thẳng”.
Redemptoris Missio (số 57) nhìn thấy có các đường lối và phương tiện khác nhau để thể hiện sự đối thoại này: “Từ các cuộc trao đổi giữa các chuyên gia về các truyền thống tôn giáo hay các đại diện chính thức của các truyền thống này tới sự hợp tác cho một sự phát triển toàn diện và bảo vệ các giá trị tôn giáo, và từ sự chia sẻ các kinh nghiệm thiêng liêng của mỗi tôn giáo tới cái gọi là ‘đối thoại đời sống’, qua đó các tín hữu của các tôn giáo khác nhau dùng đời sống của mình làm chứng cho người khác về các giá trị nhân bản và thiêng liêng của mình, và giúp nhau sống theo các giá trị ấy để xây dựng một xã hội công bằng và huynh đệ hơn”. Tông huấn Ecclesia in Asia (số 31) bổ sung mối quan tâm này khi trích dẫn các nghị quyết của Thượng Hội Đồng Giám Mục Châu Á: “Các mối quan hệ liên tôn được phát triển tốt nhất trong một bối cảnh cởi mở với các tín hữu của các tôn giáo khác, thiện chí lắng nghe và ước muốn tôn trọng và hiểu biết các tôn giáo khác trong sự khác biệt của họ. Để đạt những điều này, lòng bác ái đối với người khác là yếu tố không thể thiếu. Nó phải dẫn đến sự hợp tác, hoà hợp và làm giàu lẫn cho nhau”.
Hết mọi người được kêu gọi đến với cuộc đối thoại này và nhờ đó tham gia vào việc truyền thông truyền giáo của Hội Thánh. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II quả quyết trong Redemptoris Missio: “Tôi rất ý thức rằng nhiều nhà truyền giáo và cộng đoàn Kitô giáo coi con đường đối thoại đầy chông gai và thường bị hiểu lầm này là cách duy nhất để họ nêu lên chứng tá chân thật về Đức Kitô và cống hiến việc phục vụ quảng đại cho tha nhân. Tôi muốn khích lệ họ kiên trì làm việc này với đức tin và đức mến, cả ở những nơi mà các cố gắng của họ không được hoan nghênh. Đối thoại là một con đường dẫn tới Nước Thiên Chúa và chắc chắn sẽ sinh hoa kết quả, dù rằng chỉ một mình Chúa Cha biết thời gian và kỳ hạn (x. Cv 1,7).
Có thể liệt kê các lý do và lợi ích như sau (Schoen, 1997, tr. 110):
Đối thoại liên tôn
– Giúp giải tỏa các hiểu lầm
– Cải thiện các mối quan hệ
– Giải thoát con người khỏi sợ hãi lẫn nhau
– Góp phần đào sâu đức tin của mình
– Dẫn tới hợp nhất hơn
5.2. Đối thoại với dân chúng/người nghèo
Tại Đại Hội đầu tiên của Liên Hội Đồng Giám Mục Châu Á (FABC) năm 1974 ở Đài Bắc, các giám mục Châu Á đã nêu lên nhu cầu đối thoại với dân chúng và đối thoại đời sống. Với chủ đề của Đại hội là “Loan báo Tin Mừng tại Châu Á Ngày nay”, các giám mục tuyên bố rằng cuộc đối thoại này ở Châu Á có nghĩa là đối thoại với những người nghèo bởi vì “phần lớn dân Châu Á là những người nghèo” (số 19).
Về phương diện truyền thông truyền giáo, đối thoại này bao gồm “một kinh nghiệm và hiểu biết đích thực về tình trạng nghèo khổ, thiếu thốn và áp bức của quá nhiều người”. Truyền thông truyền giáo không nên là truyền thông cho họ nhưng với họ để hiểu “các nhu cầu và khát vọng thực sự của họ”. Đối thoại như thế phải dẫn tới nhiều “công bằng xã hội trong các xã hội chúng ta” hơn. Phương thức truyền thông này cũng phải giúp “gây ý thức” (Paolo Friere) cho dân chúng để họ “lãnh trách nhiệm và tham dự thực sự vào các quyết định định đoạt cuộc đời họ” và nhờ đó họ tự giải phóng mình. Sự truyền thông này mang tính chất tham dự và giúp phát triển cũng như giải phóng các sức mạnh sáng tạo nơi những người tham gia tiến trình truyền thông.
5.3. Đối thoại với các nền văn hoá
Hiến Chế Gaudium et Spes của Vatican II về Hội Thánh trong Thế giới Hôm nay (1965) mở cửa cho phương thức đối thoại với thế giới đương đại. Một cách đặc biệt phương thức này cũng bao gồm sự đối thoại với các nền văn hoá. Văn hoá là một biểu hiện về cách sống của dân chúng và vì vậy không những nó là một môi trường truyền thông đặc biệt mà còn cung cấp và ảnh hưởng tới những cách thức và phương tiện truyền thông trong một xã hội nhất định. Điều này làm cho việc đối thoại văn hoá đặc biệt quan trọng đối với hoạt động truyền thông truyền giáo: mọi việc truyền thông đều diễn ra trong một nền văn hoá nhất định và phải thích nghi với nó. Vì vậy các suy tư của Gaudium et Spes về văn hoá (các số 52-62) có tầm quan trọng đặc biệt.
Vì Thiên Chúa “nói theo nền văn hóa riêng của mỗi thời đại”, nên Hội Thánh cũng “đã sử dụng các nguồn lực của các nền văn hoá khác nhau trong việc rao giảng của mình để truyền bá và cắt nghĩa thông điệp của Đức Kitô.” Vì vậy, “Tin Mừng của Đức Kitô không ngừng canh tân đời sống và văn hoá” (số 58).
Mọi việc truyền thông truyền giáo đều gắn chặt vào một tình hình đối thoại văn hoá như thế. Các cách thức và phương tiện truyền thông luôn luôn là một phần của mọi biểu hiện văn hoá và phải được tôn trọng và phát huy. Văn kiện trích dẫn một ví dụ khi nhắc đến các cách diễn tả khác nhau của nghệ thuật là cái tìm cách “cung cấp cách diễn tả cho nền văn hoá của con người, các vấn đề và kinh nghiệm của họ nhằm cố gắng khám phá và hoàn thiện mình trong thế giới họ đang sống” (số 62).
Theo cách này, truyền thông truyền giáo cũng là một phần thiết yếu của mọi sự hội nhập văn hoá. Đức tin Kitô giáo không thể trở thành một phần của một nền văn hoá tự bên trong nếu không được truyền thông và hội nhập nhờ truyền thông, đặc biệt nếu sự truyền thông này không chỉ được coi là một sự ‘truyền tải’ đơn thuần nhưng là một sự kiện ‘nghi thức’ theo cách hiểu của James Carey. Sự phát triển mau lẹ của lãnh vực truyền thông liên văn hóa cũng là một biểu hiện của mối quan tâm này.
VI. TRUYỀN THÔNG LIÊN VĂN HOÁ VÀ TRUYỀN GIÁO
Truyền thông truyền giáo liên hệ rất mật thiết với lĩnh vực truyền thông liên văn hoá, một lĩnh vực đang phát triển rất nhanh trong ngành truyền thông xã hội. Việc chia sẻ đức tin với những người khác rất thường diễn ra xuyên qua các biên giới văn hoá và trên thực tế, làm công việc này là một phần thiết yếu của Hội Thánh được sai đi truyền giáo. Vào những ngày đầu của lịch sử Hội Thánh, cộng đoàn Kitô giáo lớn lên từ môi trường văn hoá Do Thái rồi đi vào văn hoá Hy Lạp và các nền văn hoá khác. Theo tường thuật của sách Công vụ Tông đồ (chương 15), Công đồng Giêrusalem là một ví dụ đầu tiên cho thấy việc truyền thông truyền giáo đã được thích nghi và vượt từ một nền văn hoá này sang một nền văn hoá khác như thế nào. Thực vậy, toàn thể lịch sử truyền giáo của Hội Thánh là một câu chuyện về truyền thông liên văn hoá. Câu truyện này mở đầu với sự khai sinh của Hội Thánh vào ngày lễ Hiện Xuống, trong ngày ấy các dân thuộc mọi nền văn hoá của thời đó đều có mặt ở Giêrusalem và trải nghiệm sự tuôn đổ Chúa Thánh Thần trên họ, và như thế đánh dấu khởi đầu của việc truyền thông Kitô giáo (xem sách Công vụ Tông Đồ, chương 2).
Truyền thông liên văn hoá quan tâm tới việc truyền thông giữa những con người hai hay nhiều nền văn hoá khác nhau. Các nhận thức, quy luật và kinh nghiệm của lĩnh vực này cũng có vai trò quyết định rất lớn đối với việc truyền thông truyền giáo. Thành ngữ truyền thông ‘xuyên văn hoá’ (cross-cultural) đôi khi được dùng với cùng một ý nghĩa này. Nhưng nếu xét kỹ hơn chúng ta sẽ thấy rằng thành ngữ ‘liên văn hoá’ (intercultural) thì thích hợp với truyền thông truyền giáo hơn. Đối với nhiều người, thành ngữ ‘truyền thông xuyên văn hoá’ hàm ý ‘vượt qua một biên giới’ nhằm áp đặt hay thậm chí sử dụng nền văn hoá khác cho mục đích riêng của mình như tiếp thị hay bán hàng hóa trong nền văn hoá ấy. Tôi ‘vượt biên’ để vào một nền văn hoá khác không phải để hiểu rõ hơn và tích hợp nhưng để ‘sử dụng’ nền văn hoá ấy cho mục đích riêng của tôi như “Làm thế nào để bán được hàng trong nền văn hoá Nhật?” để tăng lợi nhuận của tôi.
Phương thức ‘xuyên văn hoá’ có vẻ như mang tính thống trị nhiều hơn và ít quan tâm thực sự hơn đối với các văn hoá khác. Ngược lại, truyền thông ‘liên văn hoá’ cố gắng cư xử bình đẳng với người khác và nhằm mục đích chia sẻ các mối quan tâm và kinh nghiệm chung, mặc dù chúng có thể được diễn tả bằng những cách thức văn hoá khác nhau. Truyền thông truyền giáo không quan tâm tới việc muốn thống trị một ai hay áp đặt Tin Mừng cho ai bằng mọi giá. Ngược lại, nó muốn chia sẻ Lời Thiên Chúa và để cho Chúa Thánh Thần tác động đến những con người có liên quan. Nó là một sự truyền thông trên cơ sở bình đẳng giữa A và B giống như trong sự đồng thuận của mẫu truyền thông của Rogers và Kincaid hay mẫu nghi thức của James Carey (x. Eilers, 2002, tr. 30tt).
Truyền thông liên văn hoá cũng như truyền thông truyền giáo được quyết định trước tiên bởi hình thức truyền thông bằng lời hay không bằng lời. Truyền thông không bằng lời là một lãnh vực rất rộng nhưng rất quan trọng cho sự hiểu biết lẫn nhau giữa các văn hoá khác nhau. Rất thường xuyên các sự việc được ‘nói’ không bằng lời hơn là bằng lời. Và cách thức này có thể rất khác nhau giữa hai nền văn hoá. Cùng một cách diễn tả ‘không lời’ có thể có một nghĩa hoàn toàn khác trong một nền văn hoá khác. Chỉ khi chúng ta biết được ý nghĩa thực sự của cách diễn tả ‘không lời’, chúng ta mới có thể thực sự tham dự vào một tiến trình truyền thông liên văn hoá. Ở một mức độ khá lớn, Truyền thông Truyền giáo cũng bao gồm những dấu hiệu ‘không lời’. Nhiều khi các hành động của một người và niềm tin trong tâm hồn họ có tác dụng truyền thông và chứng tá không bằng lời nhiều hơn là bằng lời.
Mặt khác, lời nói cũng có ý nghĩa và sức mạnh riêng của nó. Lời Thiên Chúa luôn giữ vị trí trung tâm trong việc truyền thông truyền giáo và điều quan trọng là cắt nghĩa và dịch lời này như thế nào, không chỉ bằng miệng, sang các nền văn hoá khác. Các nhà phiên dịch Kinh Thánh đã nỗ lực nhiều năm để tìm ra cách thức đúng nhằm phản ánh ý nghĩa thực sự của Lời Thiên Chúa sao cho nó cũng phù hợp với ý nghĩa trong một nền văn hoá nhất định. Các tác giả như Charles Kraft (Christianity in Culture) và Eugene Nida (Message and Mission, 1990) là những ví dụ điển hình về nỗ lực ấy nhờ đó họ cũng đóng góp một phần quan trọng vào việc truyền thông liên văn hoá theo cách hiểu Kitô giáo.
Ngoài ra, truyền thông liên văn hoá cũng như truyền thông truyền giáo còn được quyết định bởi thế giới quan của những người liên quan tới tiến trình này. Các giá trị và các niềm xác tín của họ, các câu truyện và kinh nghiệm của họ thường là một biểu hiện về thế giới quan của họ và là một cơ sở để đức tin và đời sống Kitô giáo có thể được chia sẻ và ăn rễ sâu trong đó. Các cơ cấu xã hội cũng rất thường ảnh hưởng đến cách thức truyền thông truyền giáo. Ai nói cho ai và nói cách nào thường được quyết định bởi các cấu trúc như thế của một xã hội nhất định.
Về cơ bản, tất cả cuộc tranh luận về hội nhập văn hoá giữa các nhà truyền giáo học và các nhà thần học cũng là một vấn đề về truyền thông liên văn hoá: truyền thông liên văn hoá như thế nào và truyền thông truyền giáo bằng những cách nào và những phương tiện gì. Kinh nghiệm đức tin Kitô giáo có thể được truyền thông và tích hợp vào một nền văn hoá như thế nào để nó trở thành một thành phần cốt yếu và không thể thiếu? (x. Redemptoris Missio, số 52).
Đối thoại liên tôn là một biểu hiện và áp dụng cụ thể nữa của việc truyền thông truyền giáo và liên văn hoá. Tôn giáo quyết định rất nhiều các nền văn hoá, và đối thoại giữa các tôn giáo một phần lớn cũng là đối thoại và truyền thông giữa các nền văn hoá. Truyền thông truyền giáo nhìn thấy ở đây một lãnh vực quan tâm đặc biệt bởi vì mục đích của nó trước tiên không phải là cải đạo mà là khởi sự một cuộc chia sẻ các kinh nghiệm đức tin và các niềm xác tín xuyên qua các biên giới văn hoá và tôn giáo (x. Redemptoris Missio 1990, số 55-57). “Qua đối thoại, Hội Thánh tìm cách mở ra những ‘hạt giống của Lời’, mở ra một ‘tia sáng của sự thật chiếu soi mọi người’; các hạt giống này được tìm thấy nơi các cá nhân và các truyền thông tôn giáo của loài người. Đối thoại được đặt nền trên hy vọng và yêu thương, và sẽ sinh hoa kết quả trong Thánh Thần. Các tôn giáo khác tạo thành một thách đố tích cực cho Hội Thánh: các tôn giáo ấy kích thích Hội Thánh khám phá và nhận ra những dấu chỉ về sự hiện diện của Đức Kitô và hoạt động của Thánh Thần, cũng như xem xét sâu hơn về căn tính của mình… (RM, số 56; x. Ecclesia in Asia, số 29).
Để tìm hiểu chi tiết hơn về truyền thông liên văn hoá dưới góc nhìn Kitô giáo và truyền giáo, xem: Franz-Josef Eilers, Communicating between Cultures, 2nd Edition, Manila (Divine Word), 1992.
VII. CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG TRUYỀN GIÁO
Có nhiều phương tiện khác nhau để dùng cho việc truyền thông truyền giáo. Các phương tiện này bao gồm từ phương pháp truyền thông của truyền thống không có phương tiện kỹ thuật đặc biệt nào cho tới các phương tiện của truyền thông đại chúng và các phương tiện hiện đại trong không gian mạng.
7.1. Truyền thông người-với-người và các phương tiện của ‘truyền thống’
Chúng ta luôn luôn học hỏi được nhiều điều khi đọc Công vụ Tông đồ như quyển sách đầu tiên về truyền thông truyền giáo của Hội Thánh. Thời ấy không có các phương tiện đại chúng hay các kỹ thuật đặc biệt cho việc truyền thông. Chính các lời nói bằng miệng, các rao giảng và dạy dỗ và đặc biệt các chứng tá của đời sống cá nhân và cộng đoàn là những cái thuyết phục được người ta và đưa họ đến với đức tin. Đồng thời mọi Kitô hữu tự nhận thấy nhu cầu truyền thông truyền giáo khi họ đi đến bất cứ đâu.
Từ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, đức tin Kitô đã từ Israel lan tới toàn vùng Địa Trung Hải cho tới Rôma và tới tận Tây Ban Nha. Các phương tiện truyền thông được dùng cho việc này chỉ là truyền thông từ người đến người và từ cộng đoàn tới cộng đoàn qua những chứng tá cá nhân, các thư từ và truyện kể. Một cách đặc biệt, chính Thánh Thần đã thúc đẩy các Kitô hữu tiên khởi vào việc truyền thông truyền giáo. Họ chăm chú lắng nghe và đi theo sự soi sáng của Người. Vào lễ Hiện Xuống, cả thế giới của thời ấy đều tụ tập và nghe những lời giảng tràn đầy Thánh Thần của Thánh Phêrô. Ngày nay, truyền thông truyền giáo cũng phải bắt đầu theo cách ấy. Chính con người cởi mở và đầy tràn Thánh Thần có sức truyền thông tốt nhất.
Trong số tám phương pháp hay phương tiện truyền giáo khác nhau được mô tả trong Tông huấn Mục vụ Evangelii Nuntiandi (1975, các số 40-48), 7 phương pháp có liên quan tới cách thức truyền thông, mà hầu hết đều không nhắc đến một phương tiện kỹ thuật nào ngoài một ít sách hay tài liệu giảng dạy. Các phương pháp này dựa trên sự chia sẻ người với người của các cá nhân hay các nhóm như trong các cuộc cử hành phụng vụ. Truyền thông bằng dạy giáo lý, giảng, chứng tá và truyền thông người với người thường không cần những dụng cụ hay kỹ thuật đặc biệt nào để truyền thông. Ecclesia in Asia (số 20) đưa ra một hướng cơ bản khi nói rằng “sứ vụ của chính Đức Giêsu cho thấy rõ giá trị của sự tiếp xúc cá nhân, nó đói người rao giảng Tin Mừng phải lưu tâm tới hoàn cảnh của người nghe để có thể cống hiến những lời rao giảng phù hợp với mức độ trưởng thành của người nghe, với một hình thức và một ngôn ngữ thích hợp. Dưới góc nhìn này, các nghị phụ Thượng Hội Đồng nhiều lần nhấn mạnh nhu cầu phải rao giảng phải thế nào để lôi cuốn được sự nhạy cảm của các dân tộc Châu Á…”.
Lòng đạo đức bình dân là phương tiện truyền giáo được liệt kê cuối cùng trong Evangelii Nuntiandi. Lòng đạo đức này được xây dựng rất nhiều trên các phương tiện truyền thống như chia sẻ nhóm, hành hương, ca hát, diễn kịch, hoạt cảnh, ca múa hay các phương tiện tương tự để diễn tả “một khát vọng về Thiên Chúa mà chỉ những con người đơn sơ nghèo khổ mới có thể cảm nghiệm. Nó làm cho người ta trở nên quảng đại và có thể hi sinh tới mức anh hùng khi cần phải biểu lộ niềm tin” (số 48).
Đây cũng là một trường hợp điển hình cho thấy rằng trong mọi việc truyền thông giữa con người với nhau, các yếu tố cơ bản như lắng nghe, hiểu biết và kính trọng lẫn nhau, và cả sự quan tâm lẫn nhau phải được bộc lộ như thế nào. Một sự truyền thông nhân bản trong đó người ta cảm thấy mình được thấu hiểu và được chấp nhận cũng là một cách diễn tả sự truyền thông truyền giáo vì nó phản ánh thái độ nhân bản của Đức Kitô đối với dân chúng, đặc biệt những người nghèo khổ.
Về cách truyền thông này, các giám mục Châu Á khuyến khích phương pháp kể truyện: “Nên chọn phương pháp kể truyện vì chúng gần gũi với các hình thức văn hoá của Châu Á. Thực vậy, việc rao giảng về Đức Giêsu Kitô có thể được thực hiện một cách hiệu quả nhất nhờ kể chuyện về Người, như các sách Tin Mừng đã làm. Các khái niệm siêu hình liên hệ… có thể được bổ sung bằng các bối cảnh có tính quan hệ, lịch sử và vũ trụ hơn” (Ecclesia in Asia số 20).
Các hình thức và phương pháp khác được dùng trong việc giáo dục không chính quy cũng có giá trị cho việc truyền thông truyền giáo. Chẳng hạn, các câu truyện và các tiêu chuẩn khác nhau để sử dụng chúng có thể rất hữu ích. Kịch nghệ và trò chơi cũng có thể dẫn đến một sự hiểu biết sâu hơn về thông điệp Kitô giáo. Các phương tiện truyền thông truyền thông lâu đời như ca múa, kịch, hành hương và hình ảnh, có thể gọi là ‘truyền thông nhóm’, là một phần có liên quan và cốt yếu của mọi việc truyền thông truyền giáo.
Để có một trình bày chi tiết về các phương pháp này, xem: Yvon Ambroise, P. John Britto: Methods of Non-Formal Education. APSSS Publications, Secunderabad (India) 2002.
7.2. Truyền thông nhóm
Tất cả các kinh nghiệm về truyền thông nhóm trong hoạt động mục vụ (xem Phần II, 5.2) cũng phải được áp dụng cho truyền thông truyền giáo. Tuy nhiều khi nó có thể bắt đầu bằng việc truyền thông người với người, nhưng việc chia sẻ đức tin cũng diễn ra trong các nhóm như trong nhiều trường hợp đối thoại liên tôn. Ở đây cũng vậy, cần phải lưu tâm tới tâm trạng của những người tham dự cũng như môi trường vật chất và tinh thần. Các kinh nghiệm tôn giáo trong cộng đoàn là một phần của việc truyền thông nhóm, cũng như các lễ nghi tôn giáo phối hợp như các buổi cầu nguyện chung, các cuộc chia sẻ kinh nghiệm đức tin và cả cuộc thảo luận về các hành động phối hợp vì một lợi ích chung.
7.3. Truyền thông đại chúng phục vụ truyền giáo
Trong các Thông điệp ban đầu về Truyền giáo của các ĐGH Bênêđictô XV, Piô XI và Piô XII, việc sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng cho việc truyền giáo được coi là một cơ hội mới và quan trọng mà Hội Thánh phải tận dụng. Như Đức Phaolô VI viết trong Evangelii Nuntiandi (số 45), đã được chúng ta trích dẫn nhiều lần: “Hội Thánh sẽ cảm thấy có lỗi trước mặt Thiên Chúa nếu không vận dụng các phương tiện mạnh mẽ này mà tài năng con người không ngừng làm cho phát triển và hoàn thiện mỗi ngày”. ĐGH có thể hơi quá lạc quan khi cho rằng các phương tiện đại chúng “có khả năng gia tăng hầu như vô hạn lĩnh vực mà trong đó Lời Thiên Chúa được nghe thấy”, nhưng quả thực chúng mở ra những tiềm năng ghê gớm cho việc truyền giáo. Đúng là các phương tiện đại chúng giúp cho Tin Mừng đến được với hàng triệu con người.
Trong các thông điệp ban đầu về truyền giáo, các ĐGH chủ yếu khuyến khích việc sử dụng sách báo cho việc truyền thông truyền giáo, bởi vì “ai cũng biết rằng báo chí có thể được dùng một cách hiệu quả như thế nào để trình bày sự thật và nhân đức trong chính ánh sáng của chúng và nhờ đó tạo ấn tượng trên tâm trí con người, hay để phơi bày các lý luận sai lạc được ngụy trang dưới cái vỏ sự thật, hay để bác bỏ một số ý kiến sai lầm nghịch với tôn giáo hay gây thiệt hại lớn về thiêng liêng bằng cách trình bày một cách xuyên tạc các vấn đề gai góc của xã hội” (Piô XII, Evangelii Praecones, 1951).
Các phương tiện truyền thông sẽ còn tiếp tục thống trị đời sống chúng ta. Chúng sẽ cho chúng ta tin tức, thông tin và giải trí. Nhưng nó còn tùy thuộc rất nhiều vào cách chúng ta phản ứng thế nào trước cái ‘nơi họp chợ’ hiện đại này. Trong lĩnh vực truyền thông truyền giáo, chúng ta có thể sở hữu các phương tiện truyền thông ấy, như chúng ta làm chủ Đài Chân Lý Á Châu (Radio Veritas Asia), đài phát thanh châu lục duy nhất của Hội Thánh tại Châu Á, và cả các đài phát thanh địa phương, các nhật báo và các công trình truyền thông khác. Nhưng chúng ta cũng có thể thử đi vào các doanh nghiệp truyền thông hiện có bằng cách cung cấp hay bán các sản phẩm của chúng ta, cống hiến các chuyên gia và các ý tưởng cho các doanh nghiệp này, không phải để trực tiếp chiêu dụ người ta theo đạo nhưng để tỏ sự quan tâm của chúng ta đối với cuộc sống, công ích, và để nêu một gương sáng của đời sống Kitô giáo. Tuy nhiên, tất cả các việc này đòi phải có nhân sự có trình độ ngang tầm với các chuyên gia ngoài đời về khả năng truyền thông và quản lý truyền thông. Đôi khi cũng cần có một sự tham gia tài chính nào đó.
Chúng ta phải ý thức hơn nữa về các phát triển mới nhất trong lãnh vực truyền thông, chúng vạch ra cho chúng ta thấy hướng chuyển đổi từ truyền thông đại chúng sang truyền thông đơn thuần (x. Eilers 2002, tr. 79). Càng ngày, các phương tiện truyền thông đại chúng không còn là phương tiện duy nhất để nuôi dưỡng ‘quần chúng’. Nhờ hệ thống phát sóng bằng kỹ thuật số và cá nhân hoá truyền thông trên Internet, truyền thông hướng trực tiếp hơn tới các nhóm và các cá nhân khán thính giả chuyên biệt (các kênh và chương trình TV chuyên biệt). Hệ thống kỹ thuật số giúp gia tăng rất nhiều chương trình TV và rađiô và nhờ đó tạo ra nhiều chương trình chuyên biệt hơn, ví dụ, tin tức, thông tin, phim, phong cách sống và cả các chương trình tôn giáo. Hiện tượng này đòi có sự nghiên cứu sâu hơn về các nhu cầu và tiềm năng cho việc truyền thông truyền giáo trong khung cảnh mới này của các phương tiện truyền thông. Chúng cống hiến những khả năng mới cho các giai đoạn khác nhau của tiến trình truyền giáo. Chúng ta phải ý thức điều này và có hành động thích hợp.
Trong Tông huấn Mục vụ Ecclesia in Africa (1995, số 124), ĐGH Gioan Phaolô II nhắc nhở chúng ta thêm rằng “các phương tiện đại chúng hiện đại không chỉ là các dụng cụ truyền thông mà cũng là một thế giới phải được Tin Mừng hoá. Về phương diện thông điệp chúng truyền đi, cần phải bảo đảm rằng chúng truyền bá cái tốt, cái thật và cái đẹp.” Ở chỗ này Đức Giáo Hoàng cũng diễn tả sự “quan tâm sâu xa đến nội dung luân lý của rất nhiều chương trình mà các phương tiện truyền thông đang đổ vào Châu Phi. Cách riêng tôi khuyến cáo chống lại những cảnh khiêu dâm và bạo lực đang tràn ngập các nước nghèo này… Mọi người Kitô hữu đều phải lo sao để các phương tiện truyền thông là một kênh truyền tải tinh thần Tin Mừng. Nhưng các Kitô hữu là chuyên gia trong lãnh vực này phải đóng một vai trò đặc biệt. Họ có nhiệm vụ bảo đảm rằng các nguyên tắc Kitô giáo phải ảnh hưởng tới việc hành nghề của họ, kể cả trong khâu kỹ thuật và quản lý”.
Sách báo
Vẫn còn phần nào liên hệ với các phương thức truyền thông cá nhân và truyền thống nhưng cũng đã dùng tới các vật liệu là các Trung tâm Thông tin và Tìm hiểu hiện có tại một số nước như Ấn Độ. Tại đây, người ta có thể tìm hiểu về Kinh Thánh, đức tin và đời sống Kitô giáo và thậm chí cũng có thể tham dự các khoá học chuyên môn với sự hỗ trợ của các ấn phẩm. Các trung tâm này thường quảng cáo trên các nhật báo và cả ở những nơi công cộng khác. Chúng sử dụng các áp phích, tờ rơi và các vật liệu thông tin khác để làm cho đức tin Kitô giáo được biết đến và hiểu rõ hơn.
Sách có một tầm quan trọng đặc biệt cho việc truyền thông truyền giáo. Chúng cần trong việc huấn giáo để dẫn nhập và đào sâu đức tin cũng như trong việc giảng dạy các đề tài khác có liên quan. Chúng đôi khi cũng có thể là dụng cụ trực tiếp để rao giảng Tin Mừng như được chứng tỏ qua qua câu chuyện cuộc đời của Thánh Edith Stein, Têrêsa Cruce: Lớn lên trong một gia đình Do Thái, trong khi bà đến thăm một người bạn là một triết gia và ở lại qua đêm tại đó, bà đọc một cuốn sách tiểu sử Thánh Têrêsa Avila và được thúc đẩy gia nhập Hội Thánh và xin rửa tội. Ngay từ khi mới thành lập Thánh Bộ Truyền bá Đức tin ở Rôma (1622), Hồng y Ingoli đã từng tuyên bố rằng sách có thể đến được những nơi mà các vị truyền giáo không đến được.
Các tạp chí chuyên về truyền thông truyền giáo trực tiếp viết cho những người không thuộc về Hội Thánh còn khá hiếm. Tuy nhiên tại một số nước Châu Âu cũng có những cố gắng theo hướng này cho việc “Tân Tin Mừng hoá”. Chẳng hạn, tổng giáo phận Vienna đã triển khai một kế hoạch xuất bản trong đó bao gồm một tờ nguyệt san được phân phát cho mọi gia đình trong tổng giáo phận bất luận họ thuộc tôn giáo nào.
Một cơ hội khác cho việc truyền thông truyền giáo gián tiếp có thể là các tạp chí viết về các quan tâm chung chung. Chúng có thể gồm các câu truyện mang tính chất Kitô giáo, hay trong tinh thần tiền-rao giảng Tin Mừng, kể lại các sự kiện và nhân vật biểu thị các giá trị, đời sống và niềm tin Kitô giáo.
Một phần công việc truyền thông truyền giáo qua sách báo bao gồm các tạp chí về việc rao giảng Tin Mừng và sinh động hoá truyền giáo trong Hội Thánh để nâng đỡ việc rao giảng Tin Mừng cũng như các hoạt động truyền giáo. Có một số tạp chí xuất bản bởi các Tu hội Truyền giáo hay các Hội Giáo hoàng Truyền giáo. Vì hỗ trợ các sáng kiến truyền giáo, nên các tạp chí này giúp ích cho các nhà truyền giáo nhưng không trực tiếp viết cho những người phải được tiếp cận qua việc truyền thông truyền giáo. Các tạp chí này chủ yếu chỉ giúp các tín hữu trong nghĩa vụ truyền giáo của họ, sinh động họ để hỗ trợ việc truyền thông truyền giáo qua sự trợ giúp cá nhân, thiêng liêng và tài chính.
Phát sóng: Radiô và TV
ĐGH Gioan XXIII trong Thông điệp Princeps Pastorum (1959) về Truyền giáo đã mở rộng các lời khuyến khích của các Giáo hoàng tiền nhiệm về việc sử dụng báo chí trong truyền thông truyền giáo bằng cách thêm vào cả việc sử dụng các phương tiện truyền thông điện tử: “Phải sử dụng tới mức đầy đủ nhất các phát minh khoa học mới nhất cho việc truyền thông và phát sóng về chân lý”.
Việc phát sóng trên radio và TV có thể được dùng để giảng và trình bày Tin Mừng như được làm bởi nhiều nhóm và nhà giảng thuyết thuộc phái Tin lành cực đoan. Tuy nhiên đây không luôn luôn là phương pháp tốt nhất và cũng còn lệ thuộc nhiều vào điều kiện pháp lý tại mỗi nước. Ở đâu được phép có những đài phát sóng tư nhân, các đài này có thể đi vào loại truyền thông này, nhưng việc chọn một phương thức đối đầu như thế – kêu gọi ‘sấm sét’ giáng xuống trên những người không (chưa) được rửa tội hay thuộc một tôn giáo khác – thường là không thích hợp và không khôn ngoan. Phương thức được Vatican II chọn trong Sắc lệnh Nostra Aetate có lẽ là phương thức tốt hơn, vì nó kính trọng những gì là tốt lành trong các tôn giáo khác và coi các tôn giáo ấy như là những bước đầu trên con đường tìm kiếm Đức Giêsu Kitô. Trong tinh thần đối thoại liên tôn này, có lẽ tốt hơn là nhìn các phương tiện phát sóng như một khả năng để trước hết phát triển một sự hiểu biết nhau hơn và nhờ đó giúp nhau hướng tới một đời sống có ý nghĩa hơn.
Cách làm này được phản ánh trong nhiều chương trình phát sóng của Radio Veritas Asia (‘Đài Chân Lý Á Châu’), một đài phát thanh châu lục của Hội thánh Công giáo phát sóng từ Quezon City, ngoại ô Manila. Đài phát thanh này phát bằng 17 thứ tiếng khác nhau của Châu Á và trong nhiều trường hợp 90% lượng thính giả là những người Hồi giáo, Hindu hay các tôn giáo khác. Khi tham dự các cuộc gặp gỡ dành riêng cho các thính giả của năm ngôn ngữ (Tamil, Telugu, Hinđi, Bengali, Urđu) thuộc tiểu lục địa Ấn Độ, nhiều thính giả lặp lại cùng một lý do khiến họ thích nghe đài này: Các chương trình của đài giúp họ tạo được ý nghĩa cho cuộc đời họ và xử lý các vấn đề hằng ngày của họ một cách có trách nhiệm hơn và tốt hơn. Họ không tìm được sự trợ giúp nào giống như thế ở các đài phát thanh khác ngoại trừ Đài Radio Veritas Asia. Họ luôn luôn xin có thêm nhiều giờ phát sóng hơn và điều kiện truyền sóng tốt hơn. Khi được sự giúp đỡ của các chương trình này, họ cũng phát triển một thái độ tích cực hơn với Kitô giáo mà không bỏ tôn giáo riêng của họ. Tuy nhiên thỉnh thoảng cũng có một ít cá nhân và nhóm tìm được đường vào cộng đoàn Kitô giáo.
Phát sóng trên truyền thanh và truyền hình có lợi thế đặc biệt là thường hiệu quả hơn trong tiến trình tiền-rao giảng Tin Mừng. Thực ra chúng không phải là rao giảng trực tiếp mà là giúp người ta hiểu và quý chuộng cuộc đời họ trong ánh sáng các giá trị nhân bản và Kitô giáo. Nhờ vậy người ta trở nên mở lòng ra với Kitô giáo hơn và đi theo Đức Kitô bằng con đường riêng của họ.
Ngoài các đài phát thanh riêng của mình cho việc truyền thông truyền giáo như Đài Radio Veritas Asia, Hội Thánh cũng có thể cống hiến các chương trình riêng lẻ cho các đài phát thanh và truyền hình đã có sẵn. Trong trường hợp này, hiệu quả nhiều hay ít lệ thuộc rất nhiều vào chất lượng chuyên nghiệp của các chương trình và cả ‘môi trường’ chương trình của mỗi đài phát. Nếu các chương trình ấy được đặt xen kẽ các mục biểu diễn rất nhẹ, chúng sẽ khó có thể thực sự truyền tải được thông điệp. Cũng còn vấn đề tài chánh nữa, bởi vì các đài thương mại thường đòi một khoản tiền nào đó cho thời lượng phát sóng của họ, và đôi khi số tiền phải trả này rất cao nếu chương trình được phát vào giờ cao điểm.
Truyền bá các giá trị Kitô giáo cả bằng các chương trình thế tục cũng là một hình thức gián tiếp khác nữa của việc truyền thông truyền giáo. Ví dụ, nếu những người chủ trương một chương trình radio hay TV biểu thị các giá trị Kitô giáo trong các hành động của họ, thì một cách nào đó họ cũng được coi là những người truyền giáo bằng việc chia sẻ các giá trị của Đức Kitô cho người khác.
Sau đây là một ví dụ về việc phát sóng truyền giáo được UCANews (Bangkok / Hongkong) thuật lại liên quan tới chương trình bằng tiếng Hindi của đài Radio Veritas Asia từ ngày 9-12-2002:
RADIO VERITAS ĐỔI MỚI VÀ TRUYỀN CẢM HỨNG CHO HÀNG TRIỆU NGƯỜI TẠI ẤN ĐỘ
Bài của Prakash Chand Dubey
PATNA, Ấn Độ (UCAN) ― Anh Sudhir Mishra, một người Hindu tại một làng hẻo lánh ở Ấn Độ, nói rằng sở dĩ anh vẫn còn sống là nhờ một đài phát thanh Công giáo tại Philippines. Người cha 27 tuổi này có ba đứa con và sinh sống tại làng Barwa của bang Bihar. Anh thú nhận anh đã định tự tử vì không chịu đựng nổi những giày vò của những người trong gia đình vì anh bị thất nghiệp, cho tới một lần tình cờ nghe đài phát thanh anh đã thay đổi cuộc đời mình.
Chuyện xảy ra hồi tháng giêng vừa qua. Anh nghe một bài giảng trên đài bằng tiếng Hindi nói về dụ ngôn Đứa Con Hoang Đàng của Tin Mừng Thánh Luca. Misha sau đó viết về sự thay đổi này trong tâm hồn mình và gửi đến đài phát thanh do Liên Đoàn Giám Mục Châu Á điều hành và đặt cơ sở ngay ở ngoại ô Manila.
Theo Linh mục Dòng Tên Arun Ignatius Abraham, trợ lý điều hành chương trình Radio Veritas bằng tiếng Hinđi, các lá thư như của Mishra cho thấy hàng ngàn người ở Bắc Ấn Độ tìm thấy ý nghĩa mới trong cuộc sống nhờ chương trình này.
Radio Veritas nhận được trung bình 6 ngàn lá thư mỗi năm từ các thính giả Hinđi, theo lời Cha Abraham, giám đốc một trung tâm truyền thông vùng ở thủ phủ Bihar của Patna, cách New Delhi 1.015 kilômét về phía đông. Ngài cho UCA News biết các lá thư ấy cho thấy “số lượng thính giả chúng tôi đạt tới là khổng lồ vì tình trạng biết chữ rất thấp trong số thính giả chúng tôi nhắm tới,” và ngài ước tính rằng chương trình của ban phát thanh tiếng Hindi đến được với hàng triệu người ở Bắc Ấn Độ.
TGM Telesphore Toppo của giáo phận Ranchi ca ngợi đài phát thanh này như là ‘nhà truyền giáo trên đất Hinđi”, vì đài này đang làm điều mà giới giáo sĩ không làm được trên đất bởi vì quá thiếu người. TGM nói nhiều triệu người nghe đài trong vùng này là thổ dân và những người dalit (những dân không thể nào tiếp cận được).
Trong số những thính giả hâm mộ đài tại địa phương này có ông Tirtharaj Kushwaha, 54 tuổi, ở làng Rampurwa, cách Patna 300 kilômét về phía bắc. Người dân làng Hindu này cho UCA News biết hồi tháng 11 rằng ông đã “hầu như nghiện” đài Satya Swar (‘Tiếng Nói Chân Lý’) phát lúc 7 giờ tối bằng tiếng Hin Đi từ ba năm nay. Ông nói ông tình cờ bắt được đài này trong lúc mở nghe tin tức của đài BBC.
“Đương nhiên có các đài khác cho bạn các tin tức chính trị và các sự kiện xã hội khác, nhưng Satya Swar nói cho bạn những điều rất cơ bản của đời sống”, Kushwaha giải thích. Ông cũng nói ông không thấy có gì mang tính chất phe phái trong chương trình này, mặc dù nó đặt nền trên các giáo huấn Kitô giáo và Kinh Thánh. Radio Công giáo “hoàn toàn không’ phương hại gì đến đức tin Hinđu của ông, ông khẳng định như vậy, mà chỉ giúp ông quan tâm nhiều hơn tới lợi ích của dân làng của ông.
Các tình cảm như thế của thính giả đã thúc đẩy Cha Carlos Lariosa Dòng Thừa sai Lời Chúa và là Tổng Giám đốc của Radio Veritas, gọi chương trình phát thanh bằng tiếng Hindi là “tiếng nói của Hội thánh Công giáo” tại Bắc Ấn Độ. Vị linh mục có trụ sở đặt tại Philippin này đã nói chuyện với UCA News hồi tháng mười đang khi ngài đến Patna thuyết trình cho các giám mục của vùng nói tiếng Hindi.
Cha Deepak Sulaya, một đồng nghiệp đặc trách điều phối chương trình, cho nhận xét rằng tiếng Hindi là ngôn ngữ có số người nói đông thứ ba trên thế giới, sau tiếng Trung Quốc và tiếng Anh. Cha nói với tờ UCA News rằng chương trình phát sóng 30 phút sáng và tối của Đài Satya Swar trình bày các giá trị của Nước Thiên Chúa “trong môi trường văn hoá và xã hội địa phương”.
Cha nói rằng các chương trình đề cập tới “hàng loạt vấn đề khác nhau nói lên các giá trị của Nước Thiên Chúa” và cống hiến những nhận thức sâu sắc về các giá trị văn hoá, xã hội và gia đình. Trong chương trình có các mảng về “Các Lời dạy của Đức Kitô” và “Cuộc đời các Thánh”.
Theo Cha Abraham, 97% người nghe đài này là người thuộc các tôn giáo khác, đa phần là Hinđu. Họ ở độ tuổi từ 15-40 và làm các nghề khác nhau, gồm cả nghề nông và nghề giáo.
Linh mục Dòng Tên này nói đa số các thư đến từ các câu lạc bộ nghe đài. Có vài trường hợp, cả một làng là một câu lạc bộ và những người có học trong số họ viết thư. Các lá thư chứng tỏ rằng các chương trình đã giúp thay đổi lối sống và các giá trị của họ, khơi nguồn cảm hứng cho họ theo Đức Kitô trong việc phục vụ tha nhân, Cha nói.
Khi Misha gửi thư hồi tháng 6, anh nói anh đang kiếm được tiền nhờ dạy học cho các trẻ em trong làng. “Nhưng trên hết, tôi đã trở thành một con người đáng kính trong làng,” anh cử nhân này nói thêm. Anh nói anh tự hỏi không biết anh có thể ra như thế nào nếu anh đã không nghe câu chuyện về Udau Putra (Đứa Con Hoang Đàng).
“Đúng vậy, chương trình này đã cho tôi punarjanama (‘tái sinh’), anh nói.
***
Truyền hình cũng có thể được sử dụng cho việc truyền thông truyền giáo. Kênh chủ yếu Tin Lành “Tele-evangelists” tại Hoa Kỳ có một thời khá thành công trong các chương trình của nó. Với một định hướng nhấn vào sức khoẻ và giàu sang nhờ đức tin Kitô giáo, các chương trình này đã thu hút được khá đông khán thính giả và nhờ đó đã xây dựng được các cộng đồng xung quanh chương trình của họ. Thêm vào đó, họ còn thu nhận được khá nhiều tài trợ nên trong vài trường hợp họ đã có thể mở các cơ sở và trường đại học của họ. Tuy nhiên sau một số vụ tai tiếng và các vấn đề khác nữa, ảnh hưởng ban đầu của họ giảm dần, mặc dù các chương trình của họ đã phổ biến khắp thế giới với một định hướng và phương thức nhắm nhiều hơn tới khán thính giả Mỹ. Với cách làm này, họ đương nhiên không đáp ứng các nhu cầu và kỳ vọng của dân chúng tại các nước Châu Âu, huống hồ các nước không Kitô giáo tại Châu Âu hay Châu Phi. Tại hầu hết các nước Châu Á, ngoại trừ nước Philippines mà phần đa dân số là người Công giáo, thì việc đưa các chương trình thuần tuý Kitô giáo lên màn hình TV quả là rất khó, trừ một vài dịp đặc biệt như các lễ Giáng Sinh và Phục Sinh. Tại các nước ấy, có lẽ phương thức “thuyết phục gián tiếp” có nhiều cơ may thành công hơn nhưng cũng không dễ thực hiện.
Các truyện truyền hình kiểu ‘telenovelas’ có xuất xứ từ Châu Mỹ Latinh nhưng cũng được áp dụng cho các môi trường Châu Á có thể có một hiệu quả truyền thông truyền giáo nếu chúng dọi chiếu các giá trị và nếp sống Kitô giáo. Người ta thường rất dễ bị cám dỗ theo gương các ‘người hùng’ trong truyện và cách sống và ứng xử của những người này.
Vai trò chính của truyền hình trong việc truyền thông truyền giáo thực sự là ở giai đoạn tiền-rao giảng Tin Mừng: chuẩn bị một bầu khí và mảnh đất để đức tin Kitô giáo được dung nạp và có thể được chấp nhận một cách tích cực như một đối tác. Về phương diện này, một tường thuật về các nhân cách lỗi lạc như Mẹ Têrêsa Calcutta hay ĐGH Gioan Phaolô II sẽ có tác dụng rất lớn. Một tường thuật về các chuyến đi của Đức Giáo Hoàng đôi khi tạo được một ảnh hưởng vượt quá một khu vực riêng lẻ, và trở thành biểu tượng cho khát vọng hoà bình và hiệp nhất của thế giới nếu chẳng hạn ngài đi thăm một đền thờ Hồi Giáo hay các lãnh thổ của Palestine tại Israel.
Tuy nhiên việc thiết kế chương trình TV cho truyền thông truyền giáo đòi hỏi một sự bén nhạy đặc biệt của nhà sản xuất và tất cả những người có liên quan, để họ biết kính trọng phẩm giá và các niềm xác tín của những nhân vật được tường thuật hay được nói tới.
Các câu truyện là những phương tiện truyền thông rất mạnh. Riêng đối với truyền thông truyền giáo cũng vậy. Các câu truyện kể trực tiếp diện đối diện, và cả các câu truyện phát sóng trên đài, rất dễ tạo ảnh hưởng đối với con người. Tuy nhiên các công trình nghiên cứu cho thấy rằng các vở kịch phát trên radio thường có ảnh hưởng mạnh hơn các màn trình diễn trên TV. Nhờ chăm chú nghe trên radio, trí tưởng tượng của người nghe được kích thích và thách thức mạnh hơn các câu truyện trên TV, vì trên TV cái gì cũng được phô bày và cái gì cũng có thể xem thấy. Trong các vở kịch trên TV, không có nhiều chỗ được dành cho trí tưởng tượng của người xem hoạt động. Một câu truyện TV thường được chấp nhận và trải nghiệm như một thông tin hơn là một cái gì mà người xem trực trực tiếp tham dự. Ngược lại kịch rađiô buộc người nghe phải tham dự vào bằng trí tưởng tượng của mình. Dầu sao vẫn phải lưu tâm tới sức mạnh đặc biệt của các hình ảnh.
Sự tiếp xúc cá nhân và các câu truyện cuộc đời luôn luôn có giá trị lớn trong truyền thông truyền giáo và thường tác động mạnh hơn bất cứ lý thuyết hay suy tư tốt nhất nào.
Phim
Người ta thích nghe các câu truyện và dễ bị ảnh hưởng bởi chúng. Ngay từ lúc mới được phát minh năm 1895, phim ảnh đã muốn thỏa mãn tính tò mò của con người. Phim diễn lại các câu truyện cuộc đời bằng nhiều cách khác nhau và các câu chuyện về những mảnh đời thường khơi dậy nhiều cảm xúc. Dần dà với sự phát triển của nó, phim đã trở thành một mảng nghệ thuật, đặc biệt trong nghệ thuật kể truyện. Chẳng hạn phim có thể kể những câu chuyện về các thánh và các người tội lỗi trong số các vĩ nhân trong lịch sử, cũng như những con người bình thường trên đường phố. Các truyện phim trình bày các giá trị và gương đời sống và bằng cách này chúng dễ có một hiệu quả truyền thông truyền giáo. Các giá trị Kitô giáo trong các phim chia sẻ một điều gì đó của Tin Mừng. Trong lịch sử, các phim đã vẽ lên chân dung của các thánh như Thánh Phanxicô Assisi hay Vinhsơn Phaolô, đã trình bày câu truyện Lộ Đức (“Bài ca của Bernadette”) và cuộc đời của các linh mục và tu sĩ như “Nhật ký của một Linh mục Miền Quê” (Bresson).
Cũng có khá nhiều phim kể truyện Chúa Giêsu như phim “Tin Mừng Thánh Matthêu” (Pasolini) hay vẽ lại chân dung Đức Giêsu dựa trên Kinh Thánh. Ấn Độ cũng sản xuất một phim về cuộc đời Chúa Giêsu được khởi xướng bởi Amruthavani, trung tâm truyền thông của Tổng giáo phận Hyderabad, phim rất được hưởng ứng bởi những người Hindu và Hồi Giáo và được lồng hai thứ ngôn ngữ khác nhau của Ấn Độ. Phim loại này có thể được coi là một ví dụ về truyền thông truyền giáo.
Cũng có những phim mà các vai chính trở thành phần nào “các diện mạo Đức Kitô” phản ánh cách này hay cách khác chính Đức Giêsu Kitô hay một cách đặc biệt các giá trị của Đức Kitô.
Ví dụ, nếu Babette, một người tị nạn từ Paris đến Jutland ở Đan Mạch, trong phim “Bữa Tiệc của Babette”, đã tiêu toàn bộ số tiền chị nhận được từ cuộc chơi lô-tô ở Pháp để chiêu đãi một bữa ăn trong một nhà dòng, thì mặc dù chị không có mặt trong bữa ăn, câu truyện cũng được xem như phản ánh tiệc Thánh Thể và hành vi tự trao ban của chính Chúa Giêsu Kitô. Có nhiều phim khác với các hành động và các diện mạo của Đức Kitô giống như thế, làm cho khán giả cảm thấy sinh động và suy tư về cuộc đời và số phận của mình. Communio et Progressio thậm chí còn nhắc nhở chúng ta rằng “trong số những phim được công nhận là kinh điển, nhiều phim đã bàn chuyên về các đề tài tôn giáo. Sự kiện này không những chứng minh rằng điện ảnh là một kênh truyền tải những đề tài cao đẹp như thế, nó còn là một sự khích lệ mạnh để sản xuất các phim loại này”.
Những lời ĐGH Piô XII đã viết trong Thông điệp Miranda Prorsus từ năm 1957 (số 74) vẫn còn giá trị hôm nay cho việc truyền thông truyền giáo: “Điện ảnh… ngày nay phải được kể trong số những phương tiện quan trọng nhất nhờ đó các ý tưởng và khám phá của thời đại chúng ta được biết đến”.
Khi bình luận về 100 năm Điện ảnh, ĐGH Gioan Phaolô II trong Thông điệp cho Ngày Thế giới Truyền thông 1995 đã nhắc nhở chúng ta: “Với khả năng to lớn của nó, điện ảnh có thể trở thành một phương tiện mạnh mẽ cho việc rao giảng Tin Mừng. Hội Thánh thúc đẩy các nhà sản xuất, các đạo diễn và mọi người có liên quan, những người tự nhận mình là Kitô hữu và hoạt động trong thế giới phức tạp và độc đáo này của điện ảnh, hãy hành động một cách nhất quán với Đức Tin của mình và có những sáng kiến can đảm… để nhờ hoạt động chuyên nghiệp của họ, thông điệp Kitô giáo với nội dung là Tin Mừng cứu độ cho mọi người có thể hiện diện nhiều hơn trên thế giới”.
ĐGH nhìn thấy tiềm năng truyền giáo của Điện Ảnh đặc biệt trong mối tương quan giữa phim ảnh và văn hoá. Trong một cuộc tiếp tân ngày 25-11-1999 dành cho các nhà sản xuất phim, ngài nói: “Tôi cũng tin tưởng rằng các phim quí vị sản xuất sẽ là một trợ cụ hiệu quả trong cuộc đối thoại cần thiết đang diễn ra giữa văn hoá và đức tin trong thời đại chúng ta. Trong thế giới điện ảnh và truyền hình, nơi đồng qui của lịch sử, nghệ thuật và ngôn ngữ biểu cảm, hoạt động của quý vị trong tư cách là các nhà chuyên môn và là tín hữu, đang tỏ ra đặc biệt cần thiết. Tự chính bản chất của nó, văn hoá là truyền thông: truyền thông của các cá nhân với nhau và của con người với môi trường sống của họ. Được đức tin soi sáng, văn hoá có thể phản ánh cuộc đối thoại của cá nhân với Thiên Chúa trong Đức Kitô. Vì vậy đức tin và văn hoá được kêu gọi gặp gỡ nhau và tương tác với nhau ở chính trong lãnh vực truyền thông. Đặc biệt ở thời đại chúng ta được đánh dấu bởi sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng, văn hoá bị ảnh hưởng và về nhiều phương diện được hình thành bởi các khả năng mới của các phương tiện truyền thông. Lưu ý đến sự kiện này là điều quan trọng”.
Truyền thông đa phương tiện: Truyền giáo điện tử
Trong Văn kiện Gaudium et Spes về Hội Thánh trong Thế giới Hôm nay, các Nghị phụ Công đồng viết rằng tiến bộ kỹ thuật đã đang “biến đổi bộ mặt trái đất” và đang vươn tới chinh phục không gian (GS số 5). Theo hướng này, thông điệp cho Ngày Thế Giới Hòa Bình năm 1990 của ĐGH Gioan Phaolô II về ‘thông điệp Kitô giáo trong một văn hoá máy tính’ quả quyết rằng các Nghị phụ Công đồng đã “nhìn nhận rằng các phát triển về công nghệ truyền thông… sẽ tạo ra những phản ứng dây chuyền với những hậu quả không thể lường trước được.” Nhưng cũng theo tinh thần này của Gaudium et Spes, “dân Thiên Chúa (phải) sử dụng với óc sáng kiến các khám phá và các kỹ thuật mới vì lợi ích nhân loại và sự hoàn thành ý định của Thiên Chúa đối với thế giới.” Trong lãnh vực này, “Hội Thánh được cống hiến thêm phương tiện hoàn thành sứ mạng của mình”. Ngoài việc gia tăng sự truyền thông đối nội (‘ad intra’), Hội Thánh với sự giúp đỡ của các công nghệ mới cũng có thể “sẵn sàng hơn để loan báo cho thế giới biết các niềm tin của mình và cắt nghĩa các lý do cho lập trường của mình đối với mọi vấn đề và sự kiện liên quan”.
Điều này tạo ra những cơ hội mới cho việc truyền thông truyền giáo của Hội Thánh, dựa trên các nhận xét chung của Vatican II (GS số 58) rằng “Thiên Chúa đã nói với loài người tuỳ theo nền văn hoá riêng của mỗi thời đại. Cũng vậy, Hội Thánh trong dòng lịch sử đã tồn tại giữa các hoàn cảnh khác nhau, đã sử dụng các nguồn lực của các nền văn hoá khác nhau trong việc rao giảng của mình để truyền bá và cắt nghĩa thông điệp của Đức Kitô”. ĐGH Gioan Phaolô II đã hiểu theo tinh thần này khi ngài vạch ra chức năng truyền giáo của Internet trong cuộc gặp gỡ các giám đốc của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo của Hoa Kỳ ngày 23-2-2003. Ngài nói: “Sự phát triển của Internet những năm gần đây cống hiến một cơ hội chưa từng có để mở rộng cánh đồng truyền giáo của Hội Thánh, vì nó đã trở thành một nguồn thông tin và truyền thông hàng đầu cho biết bao con người thời đại chúng ta, đặc biệt là giới trẻ”.
Các chương trình trên mạng
Chính trong thông điệp cho Ngày Thế giới Truyền thông năm 2002 về “Internet: Một Diễn Đàn Mới cho việc Rao giảng Tin Mừng”, ĐGH Gioan Phaolô II đã nói chi tiết hơn về việc phải sử dụng Internet thế nào cho việc truyền thông truyền giáo.
Qua Internet, Hội Thánh không chỉ tham gia cuộc đối thoại của xã hội giống như người ta ngồi nói chuyện ở nơi họp chợ (Forum, Areopagus) của thế giới. Nhờ Internet mà các thông tin và suy tư về đức tin Kitô giáo cũng được truyền đạt. Internet có thể kích thích sự quan tâm “và làm cho cuộc gặp gỡ đầu tiên với thông điệp Kitô giáo có thể thực hiện được”. Điều quan trọng là phải duy trì và phát triển mối quan tâm này, đặc biệt giữa giới trẻ. Tuy nhiên, ta phải ý thức rằng cuối cùng người ta cũng sẽ phải bỏ thế giới ảo để vào thế giới thật của cộng đoàn Kitô giáo.
Một khả năng nữa trong việc sử dụng Internet cho việc truyền giáo là cung cấp sự giúp đỡ tiếp theo sau cuộc gặp gỡ ban đầu. Các chương trình Internet có thể giúp đào sâu đức tin và nhận thức. Chúng có thể được dùng cho việc giảng dạy giáo lý ban đầu và thường xuyên, và cũng được dùng để chia sẻ kinh nghiệm đức tin, trả lời các câu hỏi và cung cấp một bối cảnh tốt hơn cho các cuộc gặp gỡ ban đầu và các kinh nghiệm đức tin.
Nhưng việc sử dụng Internet trong truyền thông truyền giáo cũng có một số hạn chế. Trong một nền văn hoá sống dựa trên cái phù du, người ta dễ rơi vào nguy cơ tin rằng cái quan trọng là các sự kiện chứ không phải các giá trị. Internet cung cấp những sự hiểu biết hết sức rộng rãi, nhưng không dạy các giá trị; và khi các giá trị bị coi thường, thì chính nhân tính của chúng ta cũng bị hạ thấp và người ta dễ đánh mất phẩm giá siêu việt của mình. Bất chấp những tiềm năng to lớn của nó cho sự thiện, ai ai cũng đã thấy rõ ràng một số cách thức đê hèn và bần tiện mà việc sử dụng Internet gây ra…”.
Các chương trình được thiết kế đặc biệt cho truyền thông truyền giáo trên Internet có thể là hình thức cung cấp thông tin đơn giản qua các website (vd., www.vatican.va), nhưng cũng có cả các dịch vụ tư vấn, các thắc mắc và trả lời; chúng có thể là các ‘phòng-chat’ hay các hình thức đối thoại khác để trao đổi kinh nghiệm và ý kiến. Có thể có các chương trình huấn luyện và đào tạo qua Net cho các cuộc tiếp xúc đầu tiên và cả cho việc đào sâu hiểu biết và xác tín. Các chương trình Internet có thể sinh động hoá và khuyến khích thêm nhiều cuộc tiếp xúc và kinh nghiệm đức tin sâu hơn. “Nhờ Internet người ta có thể gia tăng các mối tiếp xúc bằng các cách xưa nay chưa từng được nghĩ tới, sự kiện này mở ra những tiềm năng tuyệt vời cho việc loan báo Tin Mừng. Nhưng cũng đúng là các mối quan hệ được thiết lập bằng các phương tiện điện tử không bao giờ có thể thay thế cho sự tiếp xúc cá nhân trực tiếp mà việc loan báo Tin Mừng đích thực đòi hỏi. Vì rao giảng Tin Mừng luôn luôn lệ thuộc vào chứng tá bản thân của người được sai đi rao giảng (x. Rm 10,14-15). Làm thế nào để từ những mối tiếp xúc được cung cấp bởi Internet, Hội Thánh dẫn đến sự truyền thông sâu hơn do việc loan báo của Kitô giáo đòi hỏi? Chúng ta xây dựng thế nào từ sự tiếp xúc và trao đổi thông tin đầu tiên mà Internet cung cấp?” (Thông điệp cho Ngày Thế giới Truyền thông 2002).
Các thừa sai mạng
Một số người không chỉ chế ra từ “Tin Lành điện tử” (e-vangelism) theo mẫu các thuật ngữ tương tự như “thương mại điện tử” (e-commerce) và “ngân hàng điện tử” (e-banking). Tin Lành điện tử là một cố gắng hệ thống nhằm sử dụng Internet và không gian mạng (cyberspace) cho việc truyền thông truyền giáo. Tin Lành điện tử sử dụng các chức năng khác nhau của Net để rao giảng và chia sẻ Tin Mừng của Đức Kitô. Những người muốn hiến đời mình cho một hoạt động như thế được gọi là các “thừa sai mạng” (cyber missionaries). Họ đi lại trên không gian ảo như ở nhà mình và chia sẻ Tin Mừng với bất cứ ai họ gặp. Để sử dụng phương pháp này, rõ ràng họ phải là các chuyên gia tin học, đặc biệt về ngành lập trình, và có khả năng xử lý Mạng thành thạo. Nhưng họ cũng phải là những người đầy đức tin và có kinh nghiệm bản thân về Đức Kitô để họ có thể chia sẻ. Đồng thời họ phải là những người hiểu biết mọi nhu cầu và khát vọng của con người. Họ cũng cần ý thức rằng cuối cùng đức tin được sống trong thực tế chứ không phải trong không gian ảo. Bằng cách này, vai trò của các ‘thừa sai mạng’ thường chỉ giới hạn ở giai đoạn gặp gỡ đầu tiên. Họ chỉ mở ra cánh cửa của thực tại ảo để chỉ con đường tới đời sống thực, chạm đến mọi kinh nghiệm của con người. Các ‘thừa sai mạng’ là những chuyên gia ở giai đoạn Tiền-Rao giảng Tin Mừng và họ quảng đại nhường nhiệm vụ đào sâu bên kia không gian ảo cho những người trong các cộng đoàn đức tin sống thực, ở đó sự truyền thông người-với-người chuẩn bị giai đoạn chót cho một cuộc dấn thân sâu xa hơn với Đức Kitô.
“Internet làm cho hàng tỉ hình ảnh xuất hiện trên hàng triệu màn hình máy tính trên khắp hành tinh này. Từ ngân hà hình ảnh và âm thanh này, liệu khuôn mặt Đức Kitô có hiện lên không và tiếng nói của Người có được nghe thấy hay không? Vì chỉ khi khuôn mặt Người được nhìn thấy và tiếng nói Người được nghe thấy, thế giới mới biết được tin vui về sự cứu chuộc của chúng ta. Đây là mục đích của rao giảng Tin Mừng. và đây là điều sẽ làm cho Internet trở thành một không gian con người đích thực, vì nếu không có chỗ cho Đức Kitô, thì cũng không có chỗ cho con người” (Ngày Thế giới Truyền thông 2002).
VIII. LẬP KẾ HOẠCH VÀ ĐÀO TẠO CHO TRUYỀN THÔNG TRUYỀN GIÁO
Việc lập kế hoạch cho truyền thông truyền giáo sử dụng cùng những nguyên tắc cơ bản giống như việc lập kế hoạch cho các lĩnh vực truyền thông khác. Tuy nhiên nó phải đặc biệt bao gồm một sự suy xét về những con người phải đạt tới. Đôi khi nó có thể có nghĩa là dựa ít hơn vào cơ cấu nhưng xây dựng trên sự linh động, sáng tạo và cởi mở với Chúa Thánh Thần. Nhưng dù vậy, truyền thông truyền giáo không thể thực hiện mà không có một kế hoạch và cơ cấu căn bản. Giống như mọi công trình tương tự, nó cần có kế hoạch thích hợp về nhân sự, hoạt động và tài chánh để có thể tồn tại chứ không chỉ là một công việc ‘đầu voi đuôi chuột’.
Việc truyền thông truyền giáo hiệu quả cũng cần có sự đào tạo. Ngoài đào tạo và huấn luyện tổng quát về truyền thông cho các loại phương tiện khác nhau, còn cần có tài năng, các đường hướng và thái độ thích hợp.
Vì truyền thông truyền giáo rất thường xuyên đối xử với những người của các nền văn hoá và các bối cảnh văn hoá khác nhau, nên nó cần những hiểu biết căn bản và có thể cả những năng khiếu về truyền thông liên văn hoá. Các hiểu biết căn bản gồm một sự ý thức về những khác biệt trong các nền văn hoá cũng như sự nhạy cảm và sự đáp ứng cả đối với những thái độ và cách ứng xử khác với văn hoá của chính người truyền thông. Truyền thông truyền giáo cần có khả năng phần nào bỏ qua một bên nền văn hóa riêng của mình để đi tới văn hoá của người khác với những cách nhìn, kinh nghiệm và lối sống khác với của mình. Một con người có sự nhạy cảm liên văn hoá phải có thể sống một cách thoải mái trong hai hay nhiều nền văn hoá khác nhau mà không đánh mất căn tính riêng của mình.
Nhiều doanh nghiệp quốc tế có các phương thức đào tạo đặc biệt để dạy nhân viên của họ cách ứng xử trong các nền văn hoá khác để thành công hơn trong công việc buôn bán. Có vẻ như trong các cộng đoàn Kitô giáo chưa có cách thực hành này, mặc dù không phải như thế trong các cộng đoàn chuyên lo việc truyền giáo ad gentes. Các sách giáo khoa chuyên về đào tạo và các nghiên cứu thực địa sâu rộng cũng như các tạp chí nghiên cứu về truyền thông liên văn hoá hiện có nhiều nhưng có vẻ như rất ít người Kitô giáo để ý đến điều này. Để làm bất cứ việc truyền thông nào, cần có ít là một khoá học cơ bản.
Một sự học hỏi và kinh nghiệm về đối thoại liên tôn hay lĩnh vực tôn giáo so sánh cũng rất ích lợi. Khi đối xử với những người thuộc các tôn giáo khác, có ít là một chút hiểu biết cơ bản về họ tưởng cũng là hợp lý.
Từ sau Công đồng Vatican II, người ta ngày càng gia tăng sự xác tín về nhu cầu đối thoại liên tôn và đối thoại với văn hoá, là một phần của tiến trình truyền thông truyền giáo. “Đối thoại liên tôn là một phần của sứ mạng truyền giáo của Hội Thánh. Hiểu như là một phương pháp và dụng cụ để hiểu biết lẫn nhau và làm giàu lẫn cho nhau, đối thoại không đi ngược với sứ mạng ad gentes, thực ra nó có liên hệ đặc biệt với sứ mạng này và là một trong các cách diễn tả của sứ mạng này…” (Redemptoris Missio, số 55).
Cũng theo triền tư tưởng này, sẽ hết sức ích lợi nếu người truyền thông truyền giáo thông thạo các lĩnh vực khác nhau của truyền giáo học. Truyền giáo học như một môn thần học của Hội Thánh trong sứ mạng ad gentes không chỉ bao gồm các môn học như lịch sử truyền giáo, phương pháp truyền giáo và nền tảng Kinh Thánh của truyền giáo. Nó cũng bao gồm học thuyết thần học làm cơ sở của việc truyền thông truyền giáo. Khi học về các phương pháp truyền giáo, cũng phải học về vai trò của truyền thông xã hội. Trong quá khứ, rất thường xuyên truyền thông được coi chỉ đơn giản như là biết cách sử dụng các phương tiện đại chúng vì các mục đích truyền giáo chẳng hạn. Nhưng theo cách hiểu ngày nay, truyền giáo tự nó là một sự kiện truyền thông và phải được coi và học giống như mọi lĩnh vực thần học khác dưới góc cạnh truyền thông này như một nguyên tắc thần học. Thông điệp của ĐGH Gioan Phaolô II cho Ngày Thế giới Truyền thông 1990 về “Thông điệp Kitô giáo trong một nền Văn hoá Máy tính” vạch ra cùng một hướng ấy khi nói:
“Ngày nay không ai còn nghĩ hay nói về truyền thông xã hội như chỉ là các dụng cụ hay kỹ thuật. Ngược lại truyền thông xã hội bây giờ được nhìn như một phần của một nền văn hoá còn chưa mở ra hết và các hệ luỵ của nó còn chưa được hiểu hoàn toàn, cũng như các tiềm năng của nó tạm thời mới chỉ được khai thác một phần”. Cùng năm ấy, Thông điệp Redemptoris Missio (số 37c) nói về truyền thông xã hội như là nơi họp chợ (‘areopagus’) hàng đầu của thời đại chúng ta với một ‘văn hoá mới’ phát sinh từ “chính sự kiện là có những cách thức truyền thông mới, với những ngôn ngữ mới, những kỹ thuật mới và một tâm lý mới”.
Trong các suy tư Kinh Thánh của ngài về truyền thông xã hội, Hồng y Carlo Martini đặt một nền móng nữa cho một đường lối truyền thông truyền giáo như thế, nó phải là thành phẩm của mọi việc đào tạo.
Truyền thông truyền giáo phải được coi như một cố gắng liên ngành được xây dựng dựa trên các môn thần học, xã hội học cũng như nhân chủng học. Tương tự, điều này cũng đúng với truyền thông mục vụ. Hoạt động mục vụ và truyền giáo của Hội Thánh phải nghiêm túc lấy chiều kích truyền thông làm một cơ sở thần học với những hệ quả xa rộng và thực tiễn.