Một chuyên gia xã hội học có uy tín tại Trung Quốc tố cao đích danh hai quan chức cao cấp của Ban Tôn giáo chính phủ thân cận với cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào buôn thần bán thánh, nhận hối lộ để cấp bằng chứng nhận « Phật sống ».
Để đánh phá Phật giáo Tây tạng truyền thống, chính quyền Trung Quốc chỉ công nhận những vị Lạt ma tái sinh theo chủ trương của đảng Cộng sản. Chính sách này đã tạo ra môi trường béo bở cho cán bộ tham ô.
Theo hãng tin Công Giáo Asia News ngày 20/12/2015, hai cán bộ cao cấp đặc trách tôn giáo và lao động ở Tây tạng, tên là Diệp Tiểu Văn (Ye Xiao Wen) và Chu Duy Quần (Zhu Wei Qun) đã bị một nhà xã hội học trong viện Hàn lâm Khoa học Xã hội tố cáo đích danh (Beijng’s Pu Shi Institut).
Trên mạng của Viện, chuyên gia Giáng Biên Gia Thố (Jiangbian Jiacua) đặt câu hỏi : Giám đốc DiệpTiểu Văn, ông đã nhận được bao nhiêu tiền ?
Mỗi giấy chứng nhận « Phật sống » đuợc bán với giá 200.000 nhân dân tệ (30.800 đô la Mỹ). Hơn 10.000 người đã được cấp chứng nhận là Phật sống (tulku) trên khắp Hoa lục. Trong thời gian gần đây, chính quyền Trung Quốc « xem xét » kỷ hơn và chỉ thật sự công nhận 1.700 vị.
Theo nhà xã hội học Giáng Biên Gia Thố, các cơ quan ngoại vi của đảng Cộng sản Trung Quốc nhắm mắt làm ngơ để cho cán bộ làm tiền bất chính.
Từ năm 1949, chính sách tôn giáo của Trung Quố buộc tất cả các cơ sở tôn giáo đều phải đặt dưới sự quản lý của Ủy ban Tôn giáo. Nhân danh « nhân dân », nhà nuớc Trung Quốc tịch biên toàn bộ đất đai, chùa chiền, giáo đường, trường học, tài sản của các Giáo Hội.
Khi Đặng Tiểu Bình lên cầm quyền, một đạo luật ra đời, buộc nhà nuớc phải trả tài sản cho chủ nhân cũ có thẩm quyền. Nhưng theo Asia News, Ban Tôn giáo vẫn tiếp tục trưng thu tài sản của các tôn giáo và đứng tên làm chủ. Tổng số tài sản của Giáo Hội Công Giáo thầm lặng bị tịch biên là vào khoảng 14 tỷ đôla.
(Tú Anh, RFI 20.12.2015)