Tìm hiểu lịch sử được biết: “Xứ này có đã lâu đời, có khi là trước hết trong Địa phận, vì năm 1607 Cha Cao đã nhận mà coi xứ này rồi… Xứ này gồm 27 họ, thuộc về 13 xã, mà trong 13 xã này chỉ có một xã Trung Lao toàn tòng mà thôi.” (Sử ký Địa phận Trung in tại Phú Nhai Đường, tr 143). Cùng với bề dày lịch sử của đất, ngôi thánh đường bị cháy được xây dựng từ năm 1888. Như vậy, ngôi nhà thờ đã gắn bó với giáo xứ 129 năm và chứng kiến bao đổi thay của xã hội và con người nơi đây.
Những gì đã mất không thể lấy lại được nữa, nhưng với cặp mắt đức tin, chúng ta hãy nhìn Đền thánh hoang phế đó để nhận ra điều Chúa muốn nói. Có người nêu câu hỏi : Không biết lúc nhà thờ cháy Chúa có trong đó không? Sao Chúa không ra tay giập tắt ngọn lửa cho họ? Ôi! Nếu Chúa cứ làm theo những thắc mắc, yêu sách của con người thì Chúa có còn làm Chúa được chăng? Bao giờ cũng thế, cứ khi có sự chẳng lành xảy ra là con người lại đặt câu hỏi hoài nghi sự hiện diện của Chúa mà quên rằng.
Chúa là Cha từ tâm và giàu lòng thương xót. Trong vụ cháy đó không có ai thiệt mạng, nhưng Chúa thì có. Ngài hiện diện trong nhà Chầu. Thánh Thể ở đó chịu ngọn lửa thiêu và thấy nó hủy hoại mọi thứ trước mặt. Đâu chỉ có lúc này, còn nhiều nơi khác trên thế giới, Chúa cũng đang bị thiêu hủy do ngọn lửa của căm hờn và phỉ báng. Những bè đảng kéo vào thánh đường nã súng giết người dân vô tội, máu của họ đổ ra tưới ướt đất thánh, thấm ướt thân thể Chúa. Những kẻ quá khích đập phá đền thờ, kéo đổ mọi tượng ảnh xuống đất mà giày xéo. Nhìn những cảnh tượng đó, bạn và tôi đều đau, nhưng Chúa còn đau hơn chúng ta bội phần.
Nỗi đau của một người Cha giàu có và quyền uy, mọi người đứng trước mặt đều phải cung kính cúi chào, kẻ thù cũng bó tay vì không thể thắng được ông vua quyền lực ấy. Nhưng người Cha ấy lại bất lực trước đứa con ngỗ nghịch của mình. Có phải vì ông không thể làm gì để trừng phạt những đứa con hư hỏng ấy chăng? Không phải lý do đó, nhưng vì thương. Trong mắt người cha, kẻ ngỗ nghịch chống đối kia vẫn là con, là một đứa trẻ đáng thương hơn đáng ghét. Vì vậy người cha vẫn nhìn đứa con với ánh mắt hy vọng, chờ đợi nó buông dao, bỏ súng mà trở về cùng cha hơn là giơ tay trừng phạt.
Thế đó, Chúa là Chúa được, chính bởi Ngài có sức chịu đựng, im lặng và kiên nhẫn. Ngày hôm nay, ngôi thánh đường vật chất bị phá hủy nhưng biết đâu từ đống đổ nát một thánh đường mới, ngàn thánh đường đức tin lại mọc lên sừng sững trong con tim người dân Trung Lao. Chúng ta có tin như thế không? Hơn lúc nào hết giờ đây là lúc mọi tín hữu Trung Lao cần chứng minh cho mọi người thấy, chính mỗi người sẽ là một đền thánh. Hãy dâng Chúa chính tâm hồn mình làm nhà Tạm thay cho Đền thánh đã cháy.
Khi viết ra điều này, người viết chỉ muốn bày tỏ lòng cảm thông sâu sắc với người dân Trung Lao, đây còn là nỗi buồn cho cả Giáo Hội nữa. Dẫu biết rằng: “Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời, một thời để lìa thế; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây; một thời để giết chết, một thời để chữa lành; một thời để phá đổ, một thời để xây dựng.” (Gv 3, 1-3). Nhưng sao lòng người vẫn không thôi luyến tiếc những gì từ dĩ vãng tốt đẹp đang dần vuột mất. Giáo phận đón nhận đức tin đã mấy trăm năm, nhưng chứng tích lịch sử thì đang dần nhạt nhòa. Trong giáo phận hiện nay, chỉ còn rất ít thánh đường có độ tuổi trên trăm năm. Chẳng dám ngó xa, nhìn rộng, chỉ nhìn quanh thôi cũng thấy tủi buồn cho sự nghèo nàn về giá trị tinh thần của dân mình. Tín hữu trẻ của giáo phận mai này nhìn vào đâu để thấy được dấu tích đức tin đã mấy trăm năm của tiền nhân? Xã hội hiện đại, mọi thứ có thể làm giả, nhưng thời gian thì không ai làm giả được.
Lạy Chúa, vẫn biết mọi sự có sinh ắt có tử, có xây thì cũng có phá, nhưng sao con vẫn không thôi luyến tiếc những công trình của cha ông đang bị phá hủy do thiên tai hoặc nhân tai. Mỗi viên gạch, viên ngói của ngôi thánh đường già cổ kính đã đổ và sắp đổ có thể đã thấm cả máu đào của cha ông xưa. Xin Chúa hướng lòng chúng con về thánh đường trên Thiên quốc nơi không thế lực nào có thể phá hủy được.
Nt. Xuân Ân, Đaminh Bùi Chu
Nguồn tin: GP. Bùi Chu