Trên những nẻo đường dài

Bài Thứ Nhất: Theo Thầy Giêsu về Nazareth…

Đọc Tin Mừng Lc 2, 39-40

“Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Nazareth, miền Galilê. Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”.Khám pháTrong những ký ức của Thầy, Nazareth chắc hẳn phải chiếm một vị trí quan trọng vì nơi đây chất chứa biết bao kỷ niệm của tuổi thơ êm đềm: bên Mẹ Maria, bên Cha thánh Giuse, người Cha nuôi, bên anh em họ hàng và bên bạn hữu thân quen. Nazareth là “chùm khế ngọt” của Thầy. Bởi vậy, sau thời gian “đi tĩnh tâm”[1], Thầy đã trở về để thăm lại.

Có hai lần Thầy được sinh ra. Lần thứ nhất, Thầy được sinh ra bởi Chúa Cha về đàng thiên tính từ thuở đời đời, trước khi có thời gian và thế gian. Lần thứ hai, Thầy được sinh ra về đàng nhân tính tự cung lòng Đức Trinh Nữ Maria do bởi phép Đức Chúa Thánh Thần.

Lần thứ hai Thầy được sinh ra ở đâu? Thưa ở Nazareth, miền Galilea, nước Palestina. Nazareth là nơi Thầy được sinh ra và lớn khôn. Nazareth là nơi Thầy được vững mạnh. Nazareth là nơi Thầy được ân nghĩa cùng Thiên Chúa. Nói như vậy đủ để thấy Nazareht thật đáng yêu.

Chúng ta cũng có “Nazareth”. Mỗi chúng ta đều có Nazareth của riêng mình. Nazareth là nơi tôi được sinh ra và lớn lên trong ơn gọi làm người và làm kitô hữu.

Trong cuộc đời dâng hiến, tôi còn có Nazareth thứ hai. Nazareth thứ hai là nơi tôi được trở nên người “bạn nghĩa thiết của Chúa”. Nơi đây tôi được ươm trồng. Nơi đây tôi được đón nhận hồng ân dâng hiến. Và cũng chính từ nơi đây tôi đã được sai đi và nay tôi lại trở về.

Tôi sẽ làm gì khi trở về Nazareth? Tôi sẽ tìm lại chính tôi. Tôi sẽ học lại những bài học mà tôi đã quên khi đi công việc tông đồ. Đó là sự ngăn nắp, giờ giấc, v.v.

Về đây, tôi sẽ cố gắng bỏ đi những thứ không cần thiết cho ơn gọi mà tôi đang có. Tôi sẽ cố gắng tìm lại sự đơn giản của ngày ấy, ngày mà tôi mới bước chân vào dòng. Tôi cũng muốn tìm lại những giây phút êm đềm, thánh thiện mà tôi đã có khi ngồi bên Thầy thuở nào.

Về Nazareth lần này ngoài việc đi tìm những gì đã “đánh rơi” hay bỏ quên khi đi làm việc tông đồ, tôi còn cố gắng học thêm những “bài học sống” từ Nazareth năm xưa đó là sự âm thầm và cần mẫn.

Cần mẫn trong lao tác, cần mẫn trong học tập và cần mẫn trong đời sống cầu nguyện. Tôi phải cần mẫn để nên giống hình bóng Thầy vì Thầy đã chẳng nói: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17).

Còn về sự âm thầm, tôi luôn coi nó là một bài học quý giá. Nhưng sống trong xã hội hôm nay, sự âm thầm đôi khi không được coi là một bài học, không còn được coi là một giá trị. Tôi vẫn còn nhớ có một lần kia trên bước đường tông đồ, tôi bắt gặp một chia sẻ của một người sau đây:

“Hôm ấy, khi tôi chia sẻ với một nhóm đang tìm hiểu ơn gọi, tôi đề cập đến sự âm thầm và siêng năng học tập để sau này có nhiều cơ hội phục vụ. Tôi nói: “Các bạn hãy như một con tằm. Chịu khó học tập, sống âm thầm, để sau này khi các bạn được trao những công việc lớn lao và chính thức, và đến lúc đấy, các bạn sẻ “nhả tơ”. Các bạn đừng sống theo chủ nghĩa thể hiện. Chẳng có là bao mà đã thể hiện ta đây. Lúc ấy, các bạn chẳng khác gì một cái thùng rỗng kêu to”. Khi chia sẻ đến đây, có một bạn đứng lên nói với tôi rằng: “Giới trẻ ngày nay cần phải thể hiện hết mình. Sống âm thầm thì chẳng ai biết mình cả. Mình không thể hiện thì chẳng khác nào một ngôi sao lãng xẹt giữa bầu trời đầy sao”.

Âm thầm có còn là một bài học chăng? Âm thầm có còn là một giá trị? Âm thầm chẳng những là một bài học mà còn là một giá trị rất lớn, một nhân đức mà nhiều người rất coi thường.

Âm thầm để rồi lại lên tiếng. Sách Giảng Viên đã chẳng dạy chúng ta sao?

“Ở dưới bầu trời này,
mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời:
2 một thời để chào đời, một thời để lìa thế;
một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây;
3 một thời để giết chết, một thời để chữa lành;
một thời để phá đổ, một thời để xây dựng;
4 một thời để khóc lóc, một thời để vui cười;
một thời để than van, một thời để múa nhảy;
5 một thời để quăng đá, một thời để lượm đá;
một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn;
6 một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất;
một thời để giữ lại, một thời để vất đi;
7 một thời để xé rách, một thời để vá khâu;
một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng;
8 một thời để yêu thương, một thời để thù ghét;
một thời để gây chiến, một thời để làm hoà.

Người Việt ta có câu: “Sóng trước đổ đâu sóng sau đổ đấy”. Nếu Thầy Giêsu sống âm thầm và ẩn dật, tôi đây cũng sẽ tập sống theo Thầy ẩn dật và âm thầm trong lần trở về này. Âm thầm để cầu nguyện. Âm thầm để học tâp. Âm thầm để tìm lại chính mình.

Cầu nguyện

Lạy Thầy Giêsu,
Con đã trở về đây.
Nhưng Thầy ơi!
Lòng con chơi vơi quá
Vì con vẫn còn tiếc nuối
Vì con vẫn còn tơ vương.

Lần trở về này
Xin Thầy ban cho con
Một trái tim an bình
Trong một ước nguyện tâm tình
Là cho con được in hình bóng Thầy.
Amen.
 

 

[1] X. Lc 4, 1-11.
 
Tác giả bài viết: LM. GNT. Vu