Brisbane, Úc. Lên tiếng giữa những bất đồng đang diễn ra xung quanh việc lạm dụng tình dục ở Úc, Đức Tổng giám mục Mark Coleridge của Brisbane đã nói với Hội Nhà Báo Úc rằng Giáo Hội địa phương đã có nhiều tiến bộ trong nỗ lực giải quyết vấn nạn này, những vẫn còn nhiều khó khăn và không phải là công việc có thể làm trong một sớm một chiều.
ĐTGM nói “Đây là một tiến trình cần thời gian dài để giải quyết. Bởi vì nó không chỉ là vấn đề thay đổi thủ tục và cách tiếp cận mà là xây dựng một nền văn hoá, và việc này cần có thời gian”.
Trong những năm qua, cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục ở Úc đã là một trong những điều gây nhức nhối nhất cho Giáo hội. Theo một báo cáo mới đây của Ủy ban Hoàng gia Úc, đã có tới bẩy phần trăm các linh mục Công giáo ở Úc bị cáo buộc tội xâm phạm tình dục trẻ em trong khoảng thời gian từ 1950-2009.
Một trong những vụ án gần đây là việc ĐHY George Pell của Melbourne bị cáo buộc là đã làm ngơ đối với hành vi lạm dụng tình dục của cha Gerald Ridsdale, người đã bị sa thải khỏi chức vụ linh mục. Chính bản thân ĐHY Pell cũng bị hồi tố buộc tội xâm phạm tình dục vào năm 1961 và ngài tuyên bố là vô tội. Phiên xử sơ thẩm của ngài được ấn định vào ngày 6 tháng Mười.
Vì có nhiều đơn tố cáo lạm dụng khác trong nước đã khiến Ủy Ban Hoàng Gia Úc chính thức thành lập Ủy Ban Đặc Trách Về Lạm dụng Tình Dục Trẻ Em vào năm 2013. Ủy Ban này điều tra các khiếu nại về lạm dụng tình dục cũng như giải quyết vụ việc trong phạm vi cả nước, đặc biệt các khiếu nại trong các môi trường tôn giáo,giáo dục, công sở và thể thao.
Ủy ban đã hăm hở lao vào việc điều tra Giáo Hội Công Giáo Úc và đã đi quá xa trong việc đề nghị các linh mục phải báo cáo những tội lạm dụng tình dục được xưng thú trong tòa giải tội, nếu không thì các linh mục sẽ phạm vào tội hình bất kể nguyên tắc phải giữ kín bất khả xâm phạm của tòa giải tội. Ủy ban còn đề nghị thêm 85 loại tội hình khác trong hệ thống tư pháp Úc.
Một số giáo sĩ đã có phản ứng về cuộc điều tra của ủy ban, trong đó có Tổng Giám Mục Denis Hart của Melbourne và Tổng Giám Mục Anthony Fisher của Sydney, cả hai cùng bày tỏ sự buồn phiền và hối tiếc vì sự thất bại của Giáo Hội trong lãnh vực này.
Một bá cáo mới đây của trường Đại Học RMIT cho rằng Giáo Hội Công Giáo Úc đã “quá tụt hậu” trong việc phát triển những tiêu chuẩn và thủ tục để bảo vệ trẻ em chống lạm dụng tình dục nếu so sánh với các quốc gia tương tự khác.
Tuy nhiên, theo ĐTGM Coleridge thì bản tường trình này có thể không hoàn toàn chính xác, bởi Giáo Hội đã tăng cường nhiều nỗ lực để giải quyết những khiếu nại lạm dụng tình dục sau hậu trường. Ngài cho biết thêm rằng hiện nay Tổng Giáo Phận Brisbane đã có những viên chức an ninh và giám soát những vụ việc. Hệ thống giáo dục Công Giáo ở Úc đã có những tiến bộ. ĐTGM Coleridge nhận định rằng hiện nay trường học Công Giáo có lẽ là “ nơi an toàn nhất trong cả nước mà các em có được.”
Hơn nữa, Giáo Hội Công Giáo vừa thành lập một tổ chức vô vị lợi trong năm 2016 có tên là Giới Hạn Tiêu Chuẩn Chuyên Nghiệp Công Giáo nhằm bảo vệ các em khỏi bị lạm dụng bằng cách giám sát và tường trình về các cơ sở Công Giáo. Những nỗ lực này là dấu hiệu cho thấy Giáo Hội ở Úc đang đi đúng đường, tuy nhiên Giáo Hội cần có thời gian để hoàn thiện.
ĐTGM Coleridge nói rằng “Nước Úc đã làm được một số điều tốt nhưng cũng vấp phải một số điều không tốt, và đó là sự thật của bất cứ quốc gia nào.”
(Giuse Thẩm Nguyễn, vietcatholic 19.09.2017/ EWTN News/CNA)