Toàn văn Huấn dụ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhân Đại hội Gia đình Thế Giới lần thứ X

Sau một thời gian bị đình hoãn vì đại dịch Covid-19, Đại hội lần thứ X với chủ đề “Tình yêu gia đình: Ơn gọi và Con đường nên Thánh” do Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống tổ chức đã được khai mạc tại Roma vào chiều ngày 22. 6. 2022. Trước sự hiện diện của khoảng 2.000 đại biểu từ 120 quốc gia tại đại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican, Đức giáo hoàng Phanxicô đã có bài Huấn dụ dành cho các gia đình.

Dưới đây là toàn văn bài Huấn dụ của Đức Thánh Cha:

Các gia đình thân mến,

Tôi rất vui khi có mặt ở đây với anh chị em, sau những biến cố đáng lo ngại mà tất cả chúng ta đã trải qua gần đây: trước hết là đại dịch, và hiện nay là cuộc chiến ở Châu Âu, thêm vào đó là những cuộc chiến khác đang gây ảnh hưởng đến gia đình nhân loại.

Tôi cảm ơn Đức Hồng Y Farrell, Đức Hồng Y De Donatis, và tất cả các cộng tác viên của Bộ Giáo dân, Gia Đình và Sự Sống, và của Giáo Phận Rôma, những người, với sự cống hiến của mình đã làm cho cuộc gặp gỡ này trở nên khả thi.

Tôi cũng muốn cảm ơn các gia đình hiện diện, là những người đến từ nhiều nơi trên thế giới, và đặc biệt là những người đã chia sẻ những chứng từ của mình. Xin cảm ơn các bạn rất nhiều! Thật không dễ dàng để nói trước một lượng khán giả đông như vậy về cuộc sống, về những khó khăn, và về những hồng ân, tuyệt vời nhưng sâu sắc và riêng tư mà các bạn nhận được từ Đức Chúa. Những chứng từ của các bạn đã đóng vai trò như “bộ khuếch đại”: các bạn đã góp tiếng nói vào kinh nghiệm của nhiều gia đình khác trên thế giới, những người mà, cũng giống như các bạn, đang chia sẻ cùng một niềm vui, nỗi buồn, đau khổ và hy vọng.

Đó là lý do tại sao giờ đây tôi muốn ngỏ lời với các anh chị em đang hiện diện tại đây cũng như những cặp vợ chồng và gia đình đang lắng nghe chúng ta trên khắp thế giới. Tôi muốn anh chị em cảm nhận được sự gần gũi của tôi với anh chị em, ngay tại nơi anh chị em đang ở, và trong hoàn cảnh cụ thể của anh chị em. Lời khích lệ của tôi trên hết chính là điều này: Hãy bắt đầu từ cuộc sống thực tế, và từ đó, hãy cố gắng cùng nhau bước đi: cùng nhau như vợ chồng, cùng nhau trong gia đình, cùng với những gia đình khác, và cùng với Giáo hội. Tôi nghĩ đến câu chuyện dụ ngôn về Người Samaritanô nhân hậu gặp một người bị thương trên đường. Ông đến gần, chăm sóc và giúp anh ta tiếp tục cuộc hành trình của mình. Tôi muốn Giáo hội cũng làm điều này cho anh chị em! Một Người Samaritanô nhân hậu đến gần, quan tâm, và giúp anh chị em tiếp tục hành trình, và bước thêm “một bước tiến” nữa, dù chỉ là một bước nhỏ. Xin đừng quên rằng sự gần gũi là “phong cách” của Thiên Chúa: gần gũi, từ bi, và dịu dàng. Giờ đây, tôi cố gắng đề nghị một vài “bước tiến” cần được thực hiện cùng nhau, qua việc suy tư về những chứng từ mà chúng ta đã nghe.

  1. Một bước tiến” hướng tới hôn nhân

Cảm ơn Luigi và Serena, đã kể lại trải nghiệm một cách trung thực, với những khó khăn và khát vọng của chính các bạn. Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều cảm thấy đau lòng khi nghe các bạn nói, “Chúng tôi không tìm thấy một cộng đoàn nào có thể hỗ trợ chúng tôi với vòng tay rộng mở vì chúng tôi như chúng tôi là“. Thật là chua xót! Điều này khiến tất cả chúng ta phải suy nghĩ. Chúng ta cần phải được hoán cải và bước đi như một Giáo hội chào đón, để các giáo phận và giáo xứ của chúng ta ngày càng trở thành “cộng đoàn rộng mở nâng đỡ mọi người”. Trong nền văn hoá thờ ơ ngày nay, chúng ta cần sự chào đón này biết bao! Và các bạn, thật may mắn, đã tìm thấy sự hỗ trợ nơi các gia đình khác mà thực tế, là “những Giáo hội nhỏ”.

Tôi đã được an ủi rất nhiều khi các bạn giải thích lý do thúc đẩy các bạn cho con cái của mình rửa tội. Các bạn đã nói một câu rất hay: “Bất chấp những nỗ lực cao quý nhất của con người, chúng ta vẫn không đủ cho chính mình”. Đúng là, chúng ta có thể có những ước mơ đẹp nhất, những lý tưởng cao cả nhất, nhưng cuối cùng, chúng ta cũng khám phá ra giới hạn của mình -thật là khôn ngoan khi nhận ra điều này- những giới hạn mà chúng ta không thể vượt qua một mình, mà bằng cách mở lòng ra với Chúa Cha, với tình yêu, và ân sủng của Ngài. Đó là ý nghĩa của các Bí tích Rửa tội và Hôn phối: chúng là sự trợ giúp cụ thể mà Thiên Chúa ban cho chúng ta để chúng ta không bỏ chúng ta một mình, vì “chúng ta không đủ cho chính mình”. Thật là tốt khi nghe những lời đó: “chúng ta không đủ cho chính mình“.

Chúng ta có thể nói rằng khi một người nam và một người nữ yêu nhau, Thiên Chúa sẽ ban tặng cho họ một món quà; đó là hôn nhân. Một món quà tuyệt vời, chứa đựng sức mạnh của chính tình yêu của Thiên Chúa: mạnh mẽ, bền bỉ, chung thủy, sẵn sàng bắt đầu lại sau mỗi lần thất bại hoặc những lúc yếu lòng. Hôn nhân không phải là một hình thức phải hoàn thành. Anh chị em không kết hôn để trở thành người Công giáo “theo nghi thức”, để tuân theo một quy tắc, hoặc bởi vì Giáo hội nói như vậy, hoặc để tổ chức một bữa tiệc… Không, anh chị em kết hôn vì anh chị em muốn xây dựng hôn nhân của mình trên tình yêu của Đức Kitô, một tình yêu vững chắc như tảng đá. Trong hôn nhân, Đức Kitô tự hiến chính mình cho anh chị em, để anh chị em có sức mạnh để hiến mình cho nhau. Vì vậy, hãy dũng cảm lên! Và xin hãy nhớ: cuộc sống gia đình không phải là một “nhiệm vụ bất khả thi”! Với ân sủng của bí tích, Thiên Chúa làm cho hôn nhân trở thành một hành trình tuyệt vời, được thực hiện cùng với Ngài và không bao giờ đơn độc. Gia đình không phải là một lý tưởng cao đẹp không thể đạt được trên thực tế. Thiên Chúa bảo đảm sự hiện diện của Ngài trong hôn nhân và gia đình, không chỉ trong ngày thành hôn, mà trong suốt cuộc đời còn lại của anh chị em. Và Ngài luôn nâng đỡ anh chị em trên hành trình này mỗi ngày.

  1. Một bước tiến” để đón nhận Thánh giá

Cảm ơn Roberto và Maria Anselma, vì đã kể câu chuyện xúc động về gia đình các bạn, và đặc biệt là về Chiara. Các bạn đã đề cập đến thập giá, vốn là một phần cuộc sống của mỗi người và mỗi gia đình. Các bạn đã làm chứng rằng thập giá nặng nề của bệnh tật và cái chết của Chiara đã không phá hủy gia đình, hoặc lấy đi sự thanh thản và bình an trong tâm hồn các bạn. Chúng tôi có thể nhìn thấy điều này trên khuôn mặt của các bạn. Các bạn không chán nản, tuyệt vọng, hay giận dữ với cuộc sống. Hoàn toàn ngược lại! Chúng tôi thấy nơi các bạn một sự thanh thản và niềm tin tuyệt vời. Như các bạn đã nói, “Sự thanh thản của Chiara đã mở ra cho chúng tôi cánh cửa đi vào cõi vĩnh hằng”. Chứng kiến cách Chiara trải qua thử thách của bệnh tật đã giúp các bạn ngước nhìn lên, và không để mình bị giam cầm trong đau buồn, nhưng mở ra cho một điều gì đó vĩ đại hơn: những kế hoạch mầu nhiệm của Thiên Chúa, sự vĩnh cửu, thiên đàng. Cảm ơn các bạn vì chứng tá đức tin này! Các bạn cũng trích dẫn điều mà Chiara đã nói: “Thiên Chúa đặt một chân lý trong mỗi chúng ta và không thể sai lầm được“. Thiên Chúa đặt vào trái tim Chiara chân lý của một đời sống thánh thiện, và đó là lý do tại sao cô ấy muốn bảo toàn mạng sống của đứa con bằng cái giá là chính mạng sống của mình. Và với tư cách là một người vợ, cùng với người chồng, Chiara đã bước đi trên con đường Phúc Âm của gia đình một cách đơn giản và tự phát. Trái tim của Chiara cũng đón nhận chân lý của thập giá như một món quà của bản thân: một sự sống được trao tặng cho gia đình cô, cho Giáo hội, và cho toàn thế giới. Chúng ta luôn cần những tấm gương tuyệt vời để noi theo: Ước mong Chiara là nguồn cảm hứng trên hành trình nên thánh của chúng ta, xin Chúa nâng đỡ và làm sinh hoa kết trái nơi mọi thập giá mà các gia đình phải gánh chịu.

  1. Một bước tiến” hướng tới sự tha thứ.

Paul và Germaine, các bạn đã thật can đảm để kể về cuộc khủng hoảng mà các bạn đã trải qua trong cuộc hôn nhân của mình. Chúng tôi xin cảm ơn các bạn về điều này, bởi vì cuộc hôn nhân nào cũng có những khủng hoảng. Chúng ta phải nói ra điều này chứ không giấu giếm, và thực hiện các bước để vượt qua những khủng hoảng đó. Các bạn đã không cố xoa dịu vấn đề bằng một chút đường! Các bạn đã gọi mọi nguyên nhân của cuộc khủng hoảng bằng tên của nó: thiếu thành thật, không chung thủy, lạm dụng tiền bạc, thần tượng quyền lực và sự nghiệp, sự oán giận ngày càng tăng, và sự chai sạn của con tim. Khi các bạn đang nói, tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều sống lại những trải nghiệm đau đớn của chính mình khi đối diện với những tình huống tương tự của những gia đình bị đổ vỡ. Chứng kiến ​​cảnh một gia đình tan vỡ là một bi kịch mà chúng ta không thể thờ ơ. Tiếng cười của vợ chồng biến mất, con cái gặp rắc rối, và sự thanh thản cũng tan biến. Và hầu hết thời gian, chẳng ai biết chính xác phải làm gì.

Đó là lý do tại sao câu chuyện của các bạn là một tia sáng hy vọng. Paul đã nói rằng chính trong thời khắc đen tối nhất của cuộc khủng hoảng, Đức Chúa đã đáp lại ước muốn sâu xa nhất của trái tim anh, và cứu vãn cuộc hôn nhân của anh. Đó là những gì xảy ra. Khát khao sâu thẳm trong trái tim của mỗi người đó là: tình yêu không có hồi kết; câu chuyện tình yêu được xây dựng cùng nhau không dừng lại; và thành quả của tình yêu không bị mai một. Mọi người đều có ước muốn này. Không ai muốn một tình yêu ngắn hạn hoặc được đánh dấu bằng ngày hết hạn. Và đó là lý do tại sao chúng ta vô cùng đau khổ khi những thiếu sót, sai lầm, và tội lỗi của con người làm đắm con thuyền hôn nhân. Nhưng ngay cả giữa cơn giông tố, Thiên Chúa vẫn nhìn thấy những khát vọng trong trái tim chúng ta. Và, trong sự quan phòng của Ngài, các bạn đã gặp được một nhóm giáo dân tận tụy với gia đình. Đó là khởi đầu của một hành trình tái tạo và hàn gắn mối tương quan của các bạn. Các bạn đã tiếp tục nói chuyện lại với nhau, cởi mở và chân thành với nhau, thừa nhận lỗi lầm, cầu nguyện cùng với các cặp đôi khác, và tất cả những điều này đã dẫn các bạn đến sự hòa giải và tha thứ.

Anh chị em thân mến,

Sự tha thứ chữa lành mọi vết thương. Tha thứ là một món quà được tuôn trào từ ân sủng mà Chúa Kitô ban tràn trên mỗi cặp vợ chồng và mọi gia đình khi chúng ta để cho Người hành động, và khi chúng ta hướng về Người. Thật tuyệt vời khi các bạn đã cử hành “Ngày lễ tha thứ” với con cái, và làm mới lời thề hứa hôn nhân của mình trong cử hành Thánh Thể. Điều này làm tôi liên tưởng đến bữa tiệc mà người cha tổ chức cho đứa con hoang đàng trong dụ ngôn của Chúa Giêsu (x. Lc 15, 20-24). Chỉ có điều, lần này người đi lạc là cha mẹ, chứ không phải đứa con! “Cha mẹ hoang đàng“. Tuy nhiên, điều này cũng thật thú vị, và có thể là một chứng tá tuyệt vời đối với con cái. Trên thực tế, những đứa trẻ, ngay từ khi còn thơ bé, đã bắt đầu nhận ra rằng cha mẹ của chúng không phải là “siêu nhân”; không toàn năng, và trên tất cả, không hoàn hảo. Và con cái các bạn đã thấy điều gì đó quan trọng hơn nhiều nơi các bạn: chúng thấy được sự khiêm nhường cầu xin sự tha thứ và sức mạnh mà các bạn nhận được từ Thiên Chúa để đứng dậy sau khi vấp ngã. Trẻ em thực sự cần điều này! Trên thực tế, chúng cũng sẽ phạm sai lầm trong cuộc sống, và rồi sẽ khám phá ra rằng chúng cũng không hoàn hảo, nhưng chúng sẽ nhớ rằng Đức Chúa nâng chúng ta lên, rằng tất cả chúng ta đều là tội nhân được tha thứ, rằng chúng ta phải cầu xin người khác tha thứ, và rằng chúng ta cũng phải tha thứ cho chính mình. Bài học này con cái các bạn học được từ các bạn sẽ còn mãi trong trái tim chúng. Và chúng tôi cũng rất vui khi lắng nghe các bạn. Cảm ơn các bạn về chứng tá về ​​sự tha thứ này!

  1. “Một bước tiến” hướng tới sự chào đón.

Cảm ơn Iryna và Sofia về chứng từ của các bạn. Các bạn đã mang lại tiếng nói cho rất nhiều người có cuộc sống bị đảo lộn bởi cuộc chiến ở Ukraine. Chúng tôi nhìn thấy nơi các bạn những khuôn mặt và câu chuyện của nhiều người đã phải rời bỏ quê hương của họ. Chúng tôi cảm ơn các bạn, vì đã không đánh mất niềm tin vào Sự Quan Phòng, và các bạn đã thấy Thiên Chúa hành động ra sao trong cuộc đời của các bạn, đặc biệt là qua những con người cụ thể mà Ngài đã cho các bạn gặp gỡ: những gia đình bản xứ hiếu khách, những bác sĩ đã giúp đỡ các bạn, và nhiều người tốt bụng khác. Chiến tranh đã khiến các bạn phải đối mặt với sự giễu cợt và tàn bạo của con người, nhưng các bạn cũng gặp được những người có lòng nhân đạo tuyệt vời. Những điều tồi tệ nhất và tốt lành nhất của con người! Điều quan trọng đối với tất cả chúng ta là đừng tiếp tục chìm đắm trong điều tồi tệ nhất, mà là tối đa hóa điều tốt nhất, điều tốt đẹp nhất mà mỗi con người có thể có, và từ đó bắt đầu lại.

Tôi cũng cảm ơn các bạn, Pietro và Erika, vì đã kể câu chuyện của riêng mình, và vì sự quảng đại mà các bạn đã chào đón Iryna và Sofia vào gia đình vốn đã đông đúc của mình. Các bạn đã chia sẻ với chúng tôi rằng các bạn đã làm điều đó vì lòng biết ơn đối với Thiên Chúa, và với tinh thần đức tin, như một lời mời gọi từ Đức Chúa. Erika đã nói rằng sự hiếu khách là một “phúc lành từ thiên đàng“. Thật vậy, sự chào đón là một “đặc sủng” đích thực của các gia đình, và nhất là các gia đình đông con! Chúng ta có thể nghĩ rằng, trong một ngôi nhà đã có nhiều người thì việc đón tiếp những người khác sẽ khó hơn; Tuy nhiên, thực tế không phải vậy, vì những gia đình đông con đã quen nhường chỗ cho người khác. Họ luôn có chỗ cho người khác.

Và điều này, suy cho cùng, là động lực của gia đình. Trong gia đình, chúng ta trải nghiệm việc được chào đón nghĩa là gì. Vì trước hết, vợ chồng “chào đón” và chấp nhận nhau, như họ đã nói với nhau trong ngày thành hôn: “Anh/ em đón nhận em/ anh…” Và sau đó, khi sinh ra những đứa con, họ đã chào đón sự sống của những thụ tạo mới. Mặc dù trong những bối cảnh lạnh lùng và không tên, những người yếu nhất thường bị từ chối, trái lại, trong các gia đình, việc chào đón họ là điều đương nhiên: một đứa trẻ khuyết tật, một người già cần được chăm sóc, một người thân khó khăn không còn ai … Và điều này mang lại hy vọng. Gia đình là nơi được chào đón, và thật tồi tệ nếu điều này biến mất! Một xã hội sẽ trở nên lạnh lẽo và không thể tồn tại nếu không có các gia đình biết chào đón. Những gia đình quảng đại và hiếu khách này mang lại hơi ấm cho xã hội.

  1. Một bước tiến” hướng tớitình huynh đệ.

Xin cảm ơn Zakia, đã kể về câu chuyện của bạn. Thật đẹp và thật an ủi khi những gì bạn và Luca đã cùng nhau vun đắp vẫn tồn tại. Câu chuyện của bạn được phát sinh dựa trên sự chia sẻ những lý tưởng rất cao đẹp như bạn đã mô tả: “Chúng tôi xây dựng gia đình của mình dựa trên tình yêu đích thực, bằng sự tôn trọng, liên đới, và đối thoại giữa các nền văn hóa của chúng tôi”. Và không có thứ nào trong số này bị mất, kể cả sau cái chết bi thảm của Luca. Trên thực tế, không chỉ tấm gương và di sản tinh thần của Luca vẫn còn sống và nói lên lương tâm của nhiều người, mà còn cả tổ chức mà Zakia thành lập, theo một nghĩa nào đó, vẫn đang tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình. Thật vậy, chúng ta có thể nói rằng sứ mệnh ngoại giao của Luca giờ đây đã trở thành “sứ mệnh hòa bình” đối với toàn bộ gia đình bạn. Trong câu chuyện của bạn, chúng ta có thể thấy con người và tôn giáo có thể hòa quyện vào nhau và sinh hoa kết trái tốt đẹp như thế nào. Nơi Zakia và Luca, chúng ta tìm thấy vẻ đẹp của tình người, niềm đam mê cuộc sống, lòng vị tha, và cả lòng trung thành với tín ngưỡng và truyền thống tôn giáo, nguồn cảm hứng và sức mạnh nội tâm.

Lý tưởng của tình huynh đệ đã được thể hiện trong gia đình của bạn. Ngoài việc là vợ chồng, các bạn đã sống như anh chị em trong nhân loại, trong những kinh nghiệm tôn giáo khác nhau, và trong sự dấn thân xã hội. Đây cũng là bài học được học trong gia đình. Sống chung với những người khác mình, trong gia đình chúng ta học trở thành anh chị em. Chúng ta học cách vượt qua sự chia rẽ, định kiến, khép kín và cùng nhau xây dựng một điều gì đó tuyệt vời và tươi đẹp, bắt đầu từ những điểm chung của chúng ta. Những tấm gương sống động về tình huynh đệ, như của Luca và Zakia, cho chúng ta hy vọng và giúp chúng ta tự tin hơn khi nhìn thế giới của mình bị giằng xé bởi sự chia rẽ và thù địch. Cảm ơn bạn về tấm gương của tình huynh đệ này!

Tôi không muốn kết thúc kỷ niệm này của bạn và Luca mà không nhắc đến mẹ bạn. Mẹ của bạn, người đang hiện diện ở đây và là người đã luôn đồng hành cùng bạn trên con đường của bạn. Đây là điều tốt mà các bà mẹ chồng làm trong một gia đình, những bà mẹ chồng tốt, những bà mẹ tốt! Tôi cảm ơn bà ấy vì đã đến đây với bạn ngày hôm nay.

Anh chị em thân mến, mỗi gia đình của anh chị em đều có một sứ mệnh phải thực hiện trong thế giới, và một chứng tá để đưa ra. Đặc biệt, là những người đã lãnh phép rửa, chúng ta được mời gọi trở thành “sứ điệp mà Chúa Thánh Thần rút ra từ sự giàu có của Chúa Giêsu Kitô và ban cho dân Ngài” (Tông huấn Gaudete et Exsultate, 21). Đây là lý do tại sao tôi đề nghị anh chị em tự hỏi mình câu hỏi này: Lời mà Đức Chúa muốn nói, qua cuộc sống của chúng ta, với những người chúng ta gặp gỡ là gì? Thiên Chúa yêu cầu “bước tiến” nào đối với gia đình chúng ta, gia đình tôi hôm nay? Tất cả mọi người nên tự vấn điều này. Hãy ngừng lại và lắng nghe. Hãy để chính anh chị em được Thiên Chúa biến đổi, từ đó, anh chị em cũng có thể biến đổi thế giới và làm cho nó thành “ngôi nhà” cho những ai cần được chào đón, cần gặp gỡ Chúa Kitô, và cảm thấy được yêu thương. Chúng ta phải sống với đôi mắt hướng lên trời: như Chân phước Maria và Luigi Beltrame Quattrocchi thường nói với con cái của họ, khi đương đầu với những khó khăn và niềm vui của cuộc sống, “luôn luôn nhìn từ mái nhà trở lên”.

Xin cảm ơn anh chị em đã đến đây. Cảm ơn anh chị em vì sự cam kết trong việc đưa gia đình của anh chị em tiến lên. Hãy tiếp tục tiến về phía trước, với lòng can đảm và niềm vui. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (22. 6. 2022)