Tòa Thánh góp đôi giầy vào cuộc vận động môi sinh tại Paris

Các nhà lãnh đạo thế giới đã khai mạc hội nghị của Liên Hiệp Quốc về khí hậu tại Paris nhằm đạt một thỏa hiệp cụ thể có tính trói buộc để giới hạn việc hâm nóng địa cầu ở mức 2 độ bách phân so với thời tiết trước cách mạng kỹ nghệ.

PopeFrancis-shoes.jpg
Ảnh: time.com

 

Cả Tổng Thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Pháp Francois Hollande đều góp tiếng kêu gọi các giới chức dấn thân vào việc giảm thiểu khí thải.

 

Obama cho biết nước ông thừa nhận vai trò của mình trong việc tạo ra cuộc khủng hoảng thay đổi khí hậu và nhất định sẽ lãnh trách nhiệm hàng đầu trong việc chống lại sự thay đổi này.

 

Ông nói thêm: hội nghị này tượng trưng cho “một hành vi thách thức” có tính hoàn cầu để chứng tỏ rằng thế giới không hề sợ sệt trước những cuộc tấn công của bọn ISIS tại Âu Châu và ở những nơi khác.

 

Ông nói: “Còn bác bỏ nào lớn hơn đối với những kẻ mưu toan xé nát thế giới chúng ta cho bằng kết hợp các cố gắng của chúng ta để cứu vớt nó”.

 

“Các quốc gia chúng ta cùng có một cảm thức khẩn trương đối với thách đố này và càng ngày càng hiểu rõ rằng chúng ta có khả năng làm một điều gì đó cho nó”.

 

“Một trong các kẻ thù mà chúng ta đang chiến đấu chống lại tại hội nghị này là chủ nghĩa hoài nghi… sự tiến bộ của chúng ta nên đem lại hy vọng cho chúng ta trong hai tuần lễ này”.

 

Trước đó, ông Hollande kêu gọi các nước đã phát triển can đảm nhận trách nhiệm về cuộc khủng hoảng và giúp đỡ các nước đang bị các thay đổi về khí hậu đe dọa.

 

Ông nói: “Tôi nghĩ tới các hòn đảo rất có thể biến mất nay mai… các nước đã mở mang phải nhận lấy trách nhiệm. Họ là những nước trong bao nhiêu năm qua đã thải các thứ khí nhà kính nhiều nhất”.

 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã góp tiếng nói của ngài vào vấn đề này. Ngài nói rằng các nhà lãnh đạo thế giới phải giải quyết vấn đề hâm nóng địa cầu “ngay bây giờ hay không bao giờ cả”.

 

Ngài nói: “Mỗi năm, vấn đề mỗi trở nên tồi tệ hơn. Chúng ta đang ở tận điểm. Nếu có thể dùng một từ mạnh mẽ, tôi dám nói chúng ta đang ở trên bờ tự sát”.

 

Những người đứng đầu 147 quốc gia và chính phủ đang hiện diện tại Thủ Đô Paris của Pháp để tham dự hai tuần lễ thương thảo gay cấn. Chương trình nghị sự hôm Thứ Hai bao gồm các bài diễn văn của các nhà lãnh đạo và các bộ trưởng môi sinh của nhiều quốc gia, trong đó có Đức, Băng Đảo, Peru, Tô Cách Lan, và Tòa Thánh (Đức Hồng Y Parolin).

 

Có tất cả 25,000 viên chức đại diện cho các quốc gia tận lực làm việc trong hai tuần lễ này với hy vọng đạt được một thỏa hiệp có tính trói buộc về luật pháp để mọi quốc gia buộc phải hạn chế việc thải khí cácbon.

 

Thỏa hiệp này cần phải có hiệu lực từ năm 2020 khi các cam kết hiện nay theo Công Ước Kyoto hết hạn.

 

Các cuộc thương thảo hy vọng giải quyết được các lo lắng của các nước lớn đang phát triển, như Ấn Độ chẳng hạn. Nước này nói rằng họ lệ thuộc các nhiên liệu hóa thạch (fossil fuel) để thúc đẩy việc phát triển kinh tế, trong khi các quốc gia giầu có hơn tuy đang chuyển hướng sử dụng các nguồn năng lượng sạch hơn nhưng vẫn tiếp tục thải rất nhiều khí cácbon vào khí quyển.

 

Các nước nhỏ và nghèo hơn vốn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của việc thay đổi khí hậu thì hết sức vận động để có được một thỏa hiệp biết lấy sự an toàn của họ làm ưu tiên.

 

Phóng viên Nick Clark của Al Jazeera, tường trình từ Paris, cho hay: Trung Quốc, trước đây vốn bị coi gây trở ngại cho việc đạt thỏa hiệp, nhưng các nhà lãnh đạo của họ gần đây đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc phải truy tìm các nguồn năng lực có thể đổi mới được để thay thế cho nhiên liệu hóa thạch.

 

Ký giả này viết: “Trung Quốc vốn là nước rất hư hỏng trong các hội nghị về khí hậu trước đây nhưng nay xem ra đã thay đổi đường lối và ô nhiễm là một trong các lý do tại sao… nên họ thực sự muốn thanh tẩy hành vi của họ trong mặt trận này”.

 

Tổng Thống Obama sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo các quốc gia khác trong thời gian 2 tuần ở Paris, trong đó có Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cẩn Bình và Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi.

 

Ông Obama nói thêm rằng “chúng ta hãy bảo đảm có được một thoả hiệp để xây dựng một cách có tham vọng ở những nơi tiến bộ đã dọn đường cho các mục tiêu được cập nhật hóa thường xuyên. Các mục tiêu không được thiết lập cho mỗi nước chúng ta nhưng được mỗi nước chúng ta thiết lập, có kể đến các dị biệt mà mỗi nước chúng ta phải đương đầu.

 

“Chúng ta biết sự thật này: nhiều quốc gia góp phần đôi chút vào việc thay đổi khí hậu nhưng sẽ là những nước đầu tiên cảm nhận được các hiệu quả hủy hoại nhất của nó”.

 

Hội nghị thượng đỉnh diễn ra giữa các cuộc va chạm bạo động giữa cảnh sát Pháp và các nhà tranh đấu chống việc hâm nóng địa cầu. Những nhà tranh đấu này diễn hành bất chấp lệnh cấm vốn được đặt ra sau các cuộc tấn công của khủng bố tại Paris.

 

Hôm Chúa Nhật, cảnh sát dùng hơi cay để giải tán các người biểu tình. Những người này thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới phải đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm ngăn ngừa việc thay đổi khí hậu.

 

Trước đó cùng ngày, trong một cố gắng tránh né các biện pháp an ninh, hàng ngàn chiếc giầy đã được đặt tại một quảng trường đông đúc ở trung tâm thành phố để tượng trưng cho các công dân hằng tha thiết uớc nguyện có được một thỏa hiệp về khí hậu.

 

Các nhà tổ chức cuộc trưng bầy này cho hay Tòa Thánh có tặng một đôi giầy mang tên Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

 

Vũ Văn An