Hãy tỉnh thức ! Chúng ta không còn ở trong thời kỳ chờ đợi Chúa giáng sinh làm người, dù rằng năm phụng vụ mở đầu với mùa vọng, mùa chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh. Và mỗi người chúng ta đang ở trong thời kỳ chờ đợi Chúa đến hoàn tất công trình cứu độ nơi mỗi người, cũng như nơi toàn thể nhân loại.
Trong cuộc sống, chúng ta thường nói: Mấy ai học được chữ ngờ. Nghĩa là có nhiều biến cố xảy đến ngoài dự kiến của chúng ta. Nhưng có một cái bất ngờ, tuy không do chúng ta dự liệu, nhưng lại tuỳ thuộc chúng ta định đoạt số phận, đó là cái chết.
Đọc báo chí, nghe truyền thanh và xem truyền hình, chúng ta thấy cái chết phảng phất ở mọi nơi, và trong mọi lúc. Nào là thiên tai bão lụt giết chết hàng trăm người. Nào là núi lửa, động đất giết chết hàng ngàn người. Nào là chiến tranh, đói khổ giết chết hàng vạn người. Dẫu vậy có ai nghĩ rằng mình cũng sẽ phải chết, mà mấy ai đã tỉnh thức và sẵn sàng cho cái bất ngờ cuối cùng ấy.
Sống và chết… hai từ mang hai nghĩa đối lập nhưng luôn được đi đôi với nhau, tại sao ?.. Bởi vì sự sống và cái chết là một ranh giới rất mong manh, đôi khi ta sống hôm nay mà ngày sau vô tình có nhũng thứ ta không ngờ trước được.
Vào ngày 11/9/2001, một nhóm không tặc đã cùng một lúc cướp bốn chiếc máy bay hiệu Boeing và 2 trong số đó được lái đâm thẳng tòa Tháp Đôi của Mỹ. Vụ việc khiến cả nước Mỹ bàng hoàng. Nhân loại và đặc biệt người Mỹ sẽ chẳng bao giờ quên được ngày 11/9 kinh hoàng. Không có sự trừng phạt của Thánh thần nào hết. Do những cái đầu điên rồ và lương tâm giá lạnh của chính con người ngay trong thế kỷ văn minh này đã mang đến mọi thảm họa bi thương cho con người.
Sự việc đã lấy đi sinh mạng hơn 2.000 người, nước Mỹ rơi vào khủng hoảng tâm lý trầm trọng. Thảm họa thương tâm ấy khiến không ít người đau lòng, tuyệt vọng.
Và hẳn chúng ta còn nhớ xe bus chở người Việt đi Ngày Thánh Mẫu Missouri 2009.
Mong manh giữa sự sống và sự chết. Mỗi năm, cả nước có đến trên chục ngàn người chết vì tai nạn giao thông, hàng ngàn người chết do tai nạn lao động. Tình trạng ngộ độc thực phẩm ngày càng nghiêm trọng đã và đang cướp đi sinh mạng của biết bao người. Có nhiều người còn trẻ đã phải vĩnh viễn ra đi. Biết bao sáng kiến, biết bao quy định, nhưng số người chết vẫn không giảm. Đã nhiều người lên tiếng, nhưng xem ra tình trạng này chưa được cải thiện. Người dân đành phải sống theo kiểu “ai có thân người ấy lo”. Những điều trên đây cho thấy kiếp người thật mong manh, nay còn, mai mất. Mỗi khi ra đường là lo lắng, chỉ khi về tới nhà mới chắc là mình được an toàn.
Ngẫm về sự mỏng manh của kiếp người, tác giả Thánh vịnh đã thốt lên:
“Kiếp phù sinh tháng ngày vắn vỏi,
tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,
một cơn gió thoảng là xong,
chốn xưa mình ở cũng không biết mình” (Tv 103, 15-16).
Chình vì thân phận con người mong manh nên con người phải tỉnh thức để chờ Chúa đến với mỗi người.
Tỉnh thức giữa đêm khuya cuộc đời, theo Kinh Thánh, đêm khuya là thời gian của bóng tối của “quyền lực tối tăm” (x.Lc 22,23; Mc 14,49; Ep 6,12). Do đó đêm tối cũng chính là thời gian của cám dỗ, thời gian của thử thách, do đó chúng ta phải mang tâm tình thức tỉnh.
Tỉnh thức không có nghĩa là không ngủ, vì đó là điều bất khả về phương diện thể lý. Để hiểu đúng ý mà Chúa Giêsu muốn nói, chúng ta có thể nghĩ đến một lời mời gọi tỉnh thức đặc biệt mà chính Chúa đưa ra cho các môn đệ thân tín của Người trong một hoàn cảnh khác.
Trong vườn Ghếtsêmani, vào đêm Chúa Giêsu bị bắt, Người nói với ba đồ đệ thân tín: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện” (14, 38). Trong vườn Ghếtsêmani, lời mời gọi này phải được hiểu trước hết theo nghĩa đen của các từ ngữ. Nhưng điều đó không ngăn cản chúng ta giải thích rằng sự tỉnh thức, sâu xa ra, chính là một thái độ sống hoàn toàn quy hướng một cách rõ ràng về Thiên Chúa, tức là một thái độ cầu nguyện ở mức độ thâm sâu và thực chất.
Áp dụng cách hiểu đó vào lời mời gọi của Chúa, ta có thể hiểu: sự tỉnh thức mà Chúa Giêsu nói đến ở đây chính yếu là một cách sống hoàn toàn trong ý thức liên tục quy hướng về ông chủ và nhiệm vụ mà ông trao phó. Người đầy tớ tỉnh thức là người luôn luôn đặt mình trong ý thức về tư cách của mình là người phục vụ ông chủ và thi hành một cách tốt nhất nhiệm vụ mà ông trao phó cho mình.
Khi ông chủ đi xa, người đầy tớ dễ bị cám dỗ quên ông và quên nhiệm vụ ông trao phó, từ đó hành xử như thể mình là ông chủ, theo hứng riêng của mình từng lúc. Người đầy tớ tỉnh thực sẽ luôn luôn gắn kết cuộc sống mình với ông củ và luôn luôn sẵn sàng trả lời ông về việc thực hiện nhiệm vụ mà ông đã trao phó cho mình. Khi Chúa Giêsu nói các môn đệ của Người phải tỉnh thức như các đầy tớ trong dụ ngôn phải tỉnh thức, là Người muốn nhấn mạnh đến thái độ sống đó, chứ không phải là một sự canh thức về phương diện thể lý đơn giản.
Trong tư thế người phục vụ áo quần tươm tất, gọn ghẽ, nhanh nhẹn, tận tâm và sẵn sàng, nhà cửa sáng sủa, sạch sẽ, chúng ta mới có thể chu đáo đón tiếp Chúa đến bất kỳ khi nào. Với tha nhân cũng thế, chúng ta mới có thể giúp đỡ, hay ứng cứu hiệu quả và kịp thời cho mọi người.
Chẳng thể luộm thuộm, bẩn thỉu áo quần, nhà cửa tăm tối, tâm hồn hoen ố, nhếch nhác tội lỗi mà xứng đáng dón rước Chúa đến thăm. Chẳng thề tham lam, giận ghét, đố kỵ, oán thù, mà đến với tha nhân được.
“Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” (Lc 12, 39-40).
Và như vậy, người Kitô hữu mang tâm tình thức tỉnh và cầu nguyện như Chúa Giêsu kêu gọi để chờ, để đợi. Chờ đợi ngày Chúa Giêsu trở lại trong vinh quang, ngày đó Ngài đến thật bất ngờ, không ai biết được ngày giờ. Cho nên anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra Ngài đến bất thần, bắt gặp anh em đang mê ngủ (x. Mc 13,33-37).
Huệ Minh