Tình hình vài nước được ĐTC nhắc tới trong sứ điệp Giáng Sinh: Ucraina, Burundi, Cộng hòa dân chủ Congo, Nam Sudan, Colombia và các vụ khủng bố đó đây trên thế giới
Trong Sứ điệp Giáng Sinh ngày 25 tháng 12 năm 2015 vừa qua, ĐTC Phanxicô đã duyệt qua một số vùng không có hoà bình trên thế giới, và tha thiết mời gọi mọi người sống thương xót như Thiên Chúa, để cho Chúa Giêsu Kitô Cứu Thế sinh ra trong tâm lòng và cuộc sống hầu có sự bình an, niềm hy vọng và lòng thương xót, loại bỏ mọi thù hận, chiến tranh xung khắc, bất công, và tìm lại được phẩm giá là người và là con cái Chúa của mình. Ngoài vài nước vùng Trung Đông như Siria, Iraq, Libia và Yemen, ĐTC cũng nhắc tới các nước khác như Ucraina, Burundi, Cộng hòa dân chủ Congo, Nam Sudan, Colombia và các vụ khủng bố đó đây trên thế giới.
Năm 2010, trong các cuộc bầu cử tổng thống, ông Viktor Janukovych đã thắng bà Julya Tymoshenko chỉ với một số ít phiếu. Năm 2011, bà Tymoschenko bị liên lụỵ trong một vụ án hình sự liên quan tới việc sử dụng ngân quỹ công cộng trong một vụ ký giao kèo với hãng Gazprom của Nga cung cấp hơi đốt cho Ucraina, nhưng không có lợi cho đất nước. Ngày 29 tháng 8 năm 2012, Toà Thượng Thẩm Ucraina đã xác nhận việc kết án bà Tymoshenko 7 năm tù ở vì tội lạm dụng quyền bính. Nhưng ngày 29 tháng 3 năm 2013, Toà Án Âu châu về các quyền con người đã coi việc giam giữ bà nguyên thủ tướng Tymoshenko là không hợp pháp.
Trong năm 2013, bắt đầu xảy ra các vụ biểu tình đòi gia nhập Liên Hịệp Âu châu chống lại tổng thống Janukovych, có đường lối chính trị phò Nga. Trong tháng giêng và tháng hai, các vụ biểu tình xuống đường biến thành các vụ đụng độ dữ dội khiến cho nhiều người chết và bị thương. Tình hình căng thẳng không thể kiểm soát nổi khiến cho tổng thống Janukovych phải rời khỏi thủ đô Kiev. Quốc hội nhóm họp bầu ông Oleksandr Turcinov làm tân tổng thống.
Biến cố ông Janukovych trốn đi ngày 22 tháng hai năm 2014 khiến cho tương quan giữa Ngà và Ucraina liên tục thêm căng thẳng với các hậu quả trên bình diện chính trị và kinh tế. Nga gia tăng đáng kể giá hơi đốt, trước đó được bán cho Ucraina với giá thân hữu, và liên lạc ngoại giao giữa hai bên căng thẳng hơn. Với sự bất mãn của dân chúng sống trong vùng Đông Ucraina, các nhóm nổi loạn đông Ucraina được sự trợ giúp của quân đội Nga, tuyên bố chống lại tân chính quyền Kiev, và như dấu chỉ của việc phản đối và ly khai, họ đã chiếm nhiều dinh thự chính quyền, quân sự và không quân sự, đặc biệt là trong miền Donbass và các vùng phụ cận. Thế là xảy ra vụ xâm lấn đất đai từ phía các lực lương phản loạn nói tiếng Nga được quân đội và các thiện nguyện viên Nga trợ giúp.
Cuộc khủng hoảng tại Ucraina đã gây ra các âm hưởng khiến cho các tương quan giữa Nga và Tây Âu, đặc biệt là với Hoa Kỳ, căng thẳng. Nếu một đàng Tây Âu tố cáo Nga là yểm trợ quân sự cho các phiến quân ở miền Đông Ucraina, thì Nga nêu bật các vi phạm từ phía chính quyền bất hợp pháp Kiev muốn dùng bạo lực để dẹp các vụ nổi loạn. Từ phiá mình, Nga đã gia tăng việc giàn quân đội tại biên giới với Ucraina, và đã bị khối NATO tố cáo nhiều lần như là một hành động gây hấn.
Ngày 21 tháng 12 năm 2015, Liên Hiệp Âu châu đã triển hạn 6 tháng các cấm vận đối với Nga. Hội Đồng Bruxelles đã kéo dài cho tới tháng 7 các biện pháp đã được đề ra trong mùa hè năm ngoái, nhằm trả đũa sự yểm trợ của chính quyền Matscơva đối với phiến quân phò Nga ở miền Đông Ucraina. Theo các tin tức của Liên Hiệp Quốc từ khi có chiến tranh tại miền Đông Ucraina hồi tháng 4 năm 2014, đã có 9.098 người thiệt mạng, gồm các binh sĩ, các chiến đấu quân và thường dân, hơn 20.000 người bị thương, hơn 1 triệu ngưởi phản tản cư tránh chiến tranh, và biết bao nhiêu thành phố, làng mạc và ruộng đồng bị tan hoang.
Tại Burundi, cuộc chiến đã bắt đầu hồi tháng 5 năm ngoái với các vụ dân chúng xuống đường phản đối chống lại việc tổng thống Nkurunziza tìm mọi cách ra tranh cử lần thứ ba trái với Hiến Pháp. Thật thế, sau thoả hiệp hoà bình ký kết tại Arusha năm 2000 chấm dứt cuộc nội chiến bùng nổ hồi năm 1993 với vụ ám sát tông thống Melchior Ndadaye và sự chống đối giữa hai chủng tộ Hutu và Tutsi, tân Hiến pháp dự trù tổng thống được bầu theo thể thức đầu phiếu đại đồng và nhiều nhất là hai nhiệm kỳ. Tổng thống Pierre Nkurunziza đã được bầu năm 2005 và tái đắc cử năm 2010 với 90% tổng số phiếu. Nhưng ông yêu sách phải được ứng cử lần thứ ba. Các đảng phái đối lập và xã hội dân sự chống lại ước muốn này của tổng thống và tố cáo ông là không biết cai trị đất nước, gian tham hối lộ và thành lập các dân quân trẻ vũ trang thống lĩnh các vùng quê. Hàng trăm người dân Burundi đã bị giết, hàng ngàn người phải tỵ nạn và nền kinh tế lụn bại. Mặc dù có các chống đối kịch liệt của phe đối lập, ông tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ ba ngày 21 tháng 7 năm 2015. Nhưng các phản đối và bạo động vẫn tiến diễn. Hồi đầu tháng 12 năm ngoái, Liên Hiệp Phi châu đã phải quyết định gửi một lực lượng 5.000 binh sĩ bảo hoà tới Burundi vì sợ lại xảy ra cuộc diệt chủng như trong quá khứ.
Tại Cộng hòa dân chủ Congo, tình hình bất ổn cũng vì bối cảnh bầu cử khó khăn. Từ hơn một năm nay, đã xảy ra nhiều vụ biểu tình phản đối chống lại dự luật liên quan tới các cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào năm 2016, và liên quan tới việc kiểm kê dân số trên toàn nước. Việc kiểm kê này sẽ đòi hỏi rất nhiều thời gian và kéo dài nhiệm kỳ của tổng thống Joseph Kabila đã cầm quyền từ năm 2001 tới nay. Tiếp theo đó, Quốc hội đã chấp thuận luật cải tổ bầu cử mà không có khoản bị dân chúng phản đối. Nhưng bầu khí các cuộc đầu phiếu vẫn căng thẳng. Tưởng cũng nên nhớ rằng trong quá khứ, Cộng hòa dân chủ Congo đã có hai cuộc nội chiến: cuộc nội chiến thứ nhất xảy ra giữa năm 1996-1997, cuộc nội chiến thứ hai xảy ra giữa các năm 1998 và 2003, khiến cho mấy trăm ngàn người thiệt mạng, biết bao nhiêu người bị thương, hàng trăm ngàn người phải chạy trốn chiến tranh, thành thị và làng mạc bị tàn phá tan hoang. Ngoài ra, từ nhiều năm qua, tình hình đông bắc vùng Kivu vô cùng bất ổn, vì các vụ tấn công và bắt cóc do các phiến quân cuồng tín thuộc các “Lực lượng liên minh dân chủ” chủ mưu. Các phiến quân này từ Uganda đến và họ đã thành lập các căn cứ trên đất Congo, trong vùng Beni. Cũng trong vùng này, giữa các năm 2012-2013, đã xảy ra các vụ đụng độ giữa quân chính phủ và phong trào độc lập có tên gọi là M23, tức phong trào của ngày 23 tháng 3.
Tại Nam Sudan, bốn năm rưỡi sau ngày độc lập mùng 9 tháng 7 năm 2011 tiếp theo sau cuộc trưng cầu dân ý và sau một cuộc nội chiến dài giữa chính quyền Khartum và Nam Sudan, quốc gia mới này đang phải đương đầu với một cuộc xung đột chủng tộc giữa các lực lượng chính quyền của tổng thống Salva Kiir thuộc chủng tộc Dinka, và các lực lượng trung thành với nguyên phó tổng thống Riek Machar thuộc chủng tộc Nuer. Cuộc xung đột giữa hai bên đã bắt đầu hồi tháng 12 năm 2013 sau một cuộc đảo chánh hụt nhằm lật đổ tổng thống Salva Kiir. Nội chiến đã khiến cho 2 ngàn người chết và 2 triệu người phải bỏ nhà cửa ruộng vườn đi lánh nạn. Ngày 26 tháng 8 năm 2015, chính quyền và phe phiến quân đã ký thoả hiệp ngưng bắn, nhưng các vụ đụng độ vẫn tiếp tục. Theo các thống kê của tổ chức UNICEF của Liên Hiệp Quốc, có 16.000 chiến binh trẻ em bị bó buộc tham gia cuộc nội chiến xâu xé Nam Sudan.
Bên Châu Mỹ Latinh, có cuộc nội chiến tại Colombia giữa quân chính phủ và lực lượng Mặt trận cách mạng vũ trang viết tắt là FARC, bùng nổ từ năm 1964. Đây là cuộc nội chiến dài nhất thế giới kéo dài hơn nửa thế kỷ và đã khiến cho ít nhất 220 ngàn người thiệt mạng, hàng chục ngàn người khác bị thương. Các nỗ lực hoà bình đã bắt đầu vào năm 1998 với tổng thống Pastrana, và đã kéo dài cho tới năm 2002 mà không đem lại kết quả nào. Năm 2008, tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã đề nghị chính quyền Colombia và toàn cộng đoàn quốc tế thừa nhận lực lượng FARC như là lực lượng gây chiến của cuộc nội chiến. Năm 2012 chính quyền Colombia và lực lượng FARC chính thức bắt đầu cuộc thương thuyết hoà bình tại La Habana thủ đô Cuba và đã đạt được các bước tiến khác nhau, đưa tới cuộc cải cách nông nghiệp vào tháng 5 năm 2013, và việc tham chính của các cựu phiến quân vào tháng 11 cùng năm.
Tháng 7 năm 2015, cuộc thương thuyết có được bước tiến mới. Tổng thống Juan Manuel Santos và lãnh vụ phiến quân FARC Rodrigo Londono Echeveri Alias Timoshenko đã đạt một thoả hiệp về vấn đề thành lập các toà án đặc biệt để xét xử các tội phạm của các chiến binh và thành lập một uỷ ban sự thật, bồi thường cho các nạn nhân của cuộc nội chiến dài, và ân xá cho các chiến binh, ngoại trừ những người phạm các tội chiến tranh. Thoả hiệp được nêu bật vào tháng 12 năm 2015, và tổng thống Juan Manuel Santos tuyên bố rằng nội trong ngày 23 tháng 3 năm 2016 cuộc xung đột sẽ đuợc coi như chấm dứt.
Trong sứ điệp Giáng Sinh 2015, ĐTC Phanxicô cũng nhắc tới các vụ khủng bố gây chết chóc tại Bamako bên Mali, Paris bên Pháp, Beirut thủ đô Libăng, Ai Cập và Tunisia.
Ngày 20 tháng 11 năm 2015, một toán khủng bố đã đột nhập khách sạn Radisson Blue tại Bamako, thủ đô Mali, bắt 170 người làm con tin, đa số là người ngoại quốc. Trong vụ nổ súng giữa các toán quân đặc biệt người Mali, Pháp và Hoa Kỳ giải thoát các con tin, đã có 20 người chết, trong đó có 6 người Nga, một người Mỹ và một người Bỉ. Vụ tấn công được nhóm Morabitun có liên hệ với nhóm Al Qaeda nhận mình là thủ phạm. Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra bạo lực do các nhóm hồi thánh chiến chủ mưu trong một đất nước có nội chiến từ ba năm qua, nơi Pháp đã gửi một lực lượng tới yểm trợ chính quyền Bamako.
Bên Pháp, trong năm 2015, thủ đô Paris đã là nơi xảy ra 3 vụ khủng bố do các lực lượng hồi cuồng tín chủ mưu. Ngày mùng 7 tháng giêng, hai anh em Cherif và Said Kouachi, quốc tịch pháp, đã ùa vào toà báo châm biếm “Charlie Hebdo”, từ lâu đã bị đe dọa vì đã đăng các hình hí họa châm biến Đan Mạch liên quan tới Mahomed và xả súng bắn loạn xạ khiến cho 12 người thiệt mạng, trong đó có 2 cảnh sát. Hai ngày sau mùng 9 tháng giêng, một đồng lõa của hai tay khủng bố là Amedy Coulibaly, đột nhập một siêu thị Hypercacher tại Porte de Vincennes, bắt giữ vài con tin và giết 4 người khác. Các biến cố sau đó khiến cho 8 người khác thiệt mạng, trong đó có hai anh em Kouachi, Coulibaly và 4 con tin của hắn và một nữ cảnh sát viên, khiến cho số người chết tăng lên 20. Vụ này được tổ chức Al Qaeda vùng Bán đảo A Rập Ansar al-Sharia, là chi nhánh bên Yemen, thừa nhận.
Vụ khủng bố ngày 13 tháng 11 năm 2015 là đẫm máu nhất với 130 người chết và là vụ khủng bố trầm trọng thứ hai trong Liên Hiệp Âu châu sau vụ khủng bố tại Madrid bên Tây Ban Nha ngày 11 tháng 3 năm 2004. Thủ phạm là 9 người quốc tịch âu châu gốc Magreb, tức Bắc Phi, có liên hệ với Nhà nước hồi IS. Họ đã gây ra ba vụ nổ tại sân vận động Pháp, nơi đang diễn ra trận túc cầu giao hữu giữa Pháp và Đức, cũng như 6 vụ nổ súng khác tại nhiều nơi công cộng khác nhau, trong đó đẫm máu nhất là vụ bắn giết 89 người trong rạp hát Bataclan, nơi đang có buổi hoà nhạc Rock. Ngày 18 tháng 11 sau đó, trong một cuộc lùng bắt tại khu phố Saint Denis, cảnh sát đã giết 3 tên khủng bố trong đó có tên đầu não các cuộc tấn công, là Abdelhamid Abaaoud, và một phụ nữ. Trong khi các vụ tấn công tiếp diễn, tổng thống François Hollande đã tuyên bố tình trạng giới nghiêm trên toàn nước Pháp và tạm đóng cửa biên giới. Các cuộc điều tra cho thấy các vụ tấn công khủng bố này đã được tổ chức trong khu phố Molenbeek tại Bruxelles, bên Bỉ.
Bên Beirut, thủ đô Libăng, ngày 12 tháng 11 năm 2015, đã xảy ra hai vụ khủng bố tự tử cách nhau vài phút trong khu phố Bourj al Barajneh do các lực lượng Hezbollah Sciít kiểm soát. Nhà nước hồi đã nhận mình là thủ phạm để trả thù việc can thiệp của tổ chức Hezbollah ủng hộ tổng thống Al-Assad. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất của tổ chức này chống lại người Sciít trong nước Libăng.
Bên Ai Cập, ngày 31 tháng 10 năm 2015, một máy bay của hãng hàng không Nga Metrojet khởi hành từ Sharm el- Sheikh hướng về San Pietroburgo, đã bị rơi trên bán đảo Sinai, khiến cho 224 người chết. Tổ chức Nhà nước hồi ISIS ở Sinai đã thừa nhận mình là thủ phạm để trả thù Nga ủng hộ ông Al Assad can thiệp vào Siria. Sau khi tìm thấy xác máy bay, người ta đã xác nhận là máy bay rơi vì có một quả bom nổ trong máy bay.
Trong năm 2015, Tunisia cũng đã là nơi xảy ra nhiều vụ khủng bố. Ngày 18 tháng 3, hai tay khủng bố đột nhập viện bảo tàng quốc gia Bardo của thủ đô Tunisi và cho bom nổ khiến cho 24 người chết, trong đó có 21 du khách, một nhân viên công lực, hai tay khủng bố, và 45 người bị thương. Nhà nước hồi đã tự nhận mình là thủ phạm. Ngày 26 tháng 6, một tay khủng bố đã bắn vào các du khách tại Port El-Kantaoui cách Susa 10 cây số về mạn bắc, khiến cho 39 người chết và 38 người bị thương. Tên khủng bố cũng bị giết. Nhà nước hồi cũng nhận mình là thủ phạm vụ giết người này. (SD 25-12-2015)
(Vatican 31.01.2016)
Linh Tiến Khải