Được gần Đức Hồng Y Phanxicô, tôi thấy Ngài luôn thao thức cho Hội Thánh Việt Nam biết làm chứng cho đức tin bằng đức ái, và đức khó nghèo.
1.
Ngày 3 tháng 12 là lễ kính thánh Phanxicô Xavie. Tự nhiên năm nay lễ này đưa tôi vào cõi nhớ. Tôi nhớ rất nhiều đến Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận. Hầu như ngày nào tôi cũng nói chuyện với Người Bạn thân thương của tôi. Cho dù Ngài đã bắt đầu bước lên bậc thánh, tôi vẫn gọi Ngài bằng: “Chú Thuận ơi”.
2.
Nhưng mấy ngày nay, tôi tâm sự với Ngài nhiều hơn. Tôi nói với Ngài về tình hình sức khoẻ của tôi. Sức khoẻ thân xác, sức khoẻ tâm hồn, cả hai đều xuống dốc. Tôi hỏi Ngài: Trong một tình hình như vậy, tôi nên làm gì, để ổn định ơn gọi của tôi?
Không lâu, người bạn của tôi thầm nhắc cho tôi là hãy sống theo lời khuyên của thánh Phaolô gởi giáo đoàn Rôma.
3.
Tôi nhớ ngay đến phần “khuyên nhủ” của lá thư đó. Tôi mở Phúc Âm ra, thì gặp đoạn 12 thư đó, đã được ngăn sẵn tự lúc nào không biết.
Lời khuyên mở đầu như sau:
“Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Chúa.
“Anh em đừng có rập theo thói đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm hồn, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa, cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,1-2).
4.
Đức Hồng Y, Bạn tôi, khuyên tôi bằng lời khuyên của thánh Phaolô. Còn tôi thì hiểu lời khuyên đó trên cuộc đời của người bạn thân thiết của tôi là Đức Hồng Y Phanxicô.
Trước hết, tôi hiểu tôi “hãy hiến dâng mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Chúa”.
Tôi nhìn gương Đức Hồng Y, suốt đời Ngài nhất là về cuối đời, Ngài đã là của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Chúa. Nhờ những hy sinh cộng với tình yêu, ở mức độ khác thường, ngay trong những giai đoạn của cuộc sống bình thường. Bây giờ xin đi một chút vào chi tiết.
5.
Của lễ sống động là trong chính bản thân, chứ không trong lý thuyết. Của lễ sống động, mà tôi cảm nghiệm sâu sắc nhất nơi Đức Hồng Y Phanxicô, là tình yêu bén nhạy của Ngài.
Tôi có cảm tưởng Chúa ở trong Ngài, nên Ngài mới có được một tình yêu nhạy bén như thế. Ngài hiểu hoàn cảnh khốn khó của tôi, trước khi tôi tỏ bày với Ngài. Ngài không muốn nghe tôi kể lể, mà chỉ muốn làm hết sức mình để an ủi và nâng đỡ tôi.
6.
Của lễ thánh thiện là như của lễ Chúa Giêsu xưa. Tôi rất cảm động, khi biết Đức Hồng Y chịu thương chịu khó, là để cùng với Chúa Giêsu, muốn đưa tôi vào cộng tác với chương trình cứu độ của Chúa. Cứu độ mọi người bằng yêu thương và hy sinh.
7.
Của lễ đẹp lòng Thiên Chúa, để thờ phượng Thiên Chúa là theo chân lý và trong Thánh Thần (Ga 4,24). Khi bản thân mình là của lễ, thì dù ở đâu, dù ở lúc nào, dù trong hoàn cảnh nào, tôi vẫn thờ phượng Chúa. Của lễ đẹp lòng Thiên Chúa, để thờ phượng Thiên Chúa, trong tình hình hiện nay của tôi, thường được tôi suy nghĩ và hỏi ý kiến Đức Hồng Y. Ngài hay trấn an tôi, như Ngài vẫn làm hồi xưa khi Ngài còn sống. Luôn luôn mọi lời khuyên của Ngài đều dẫn tôi vào tâm tình phó thác khiêm nhường, với những dấn thân nhẹ nhàng cho bình an và hoà giải.
8.
Năm đó, dịp tôi đang trị bệnh ở Cộng hoà Liên Bang Đức, Đức Hồng Y đã từ Rôma qua thăm tôi. Hai anh em trọ ở một tu viện nữ, mà Ngài quen biết. Chúng tôi đã trao đổi nhiều về những chuyển biến đang xảy ra trên thế giới nói chung và tại Quê Hương Việt Nam nói riêng. Ngài khôn khéo nhắc cho tôi về sự khôn ngoan tránh rập theo thói đời. Lời khuyên đó cũng là lời khuyên của thánh Phaolô xưa (Rm 12,2).
Thói đời, mà Đức Hồng Y nói tới, thì nhiều, nhưng Ngài hay nhắc tới sự phải tránh nhất là những hận thù và những tinh thần lợi ích cục bộ.
Về hận thù, Đức Hồng Y có ý nói về tương quan đối với chủ nghĩa Cộng sản và các tôn giáo khác trong nước, nếu đã có những va chạm trong quá khứ.
Về cục bộ, Đức Hồng Y có ý nói tới nội bộ Hội Thánh Việt Nam với những khác biệt lâu đời.
Tôi thấy Ngài có nhiều kinh nghiệm về những thói đời trong tinh thần cục bộ vẫn tồn tại dưới những hình thức hiệp thông và hợp nhất. Sửa lại những thói đời đó không phải chuyện dễ.
9.
Ngài rất biết là Hội Thánh Việt Nam có nhiều đổi mới. Nhưng Ngài cũng rất biết là “cải biến con người bằng cách đổi mới tâm hồn” như thánh Phaolô khuyên (Rm 12,2), chưa được nhiều. Hơn nữa, sự cải biến con người bằng cách đổi mới tâm hồn sẽ rất có thể đi sai hướng, khi Việt Nam tiếp cận với các phong trào tục hoá, hưởng thụ và cá nhân chủ nghĩa của thế giới tự do mỗi ngày mỗi phức tạp.
10.
Mỗi lần gặp nhau tại Rôma, Đức Hồng Y hay nói với tôi về việc đào tạo nhân sự cho tương lai Hội Thánh Việt Nam. Phải đào tạo thế nào, để trong một tình hình phức tạp, các nhân sự của Hội Thánh Việt Nam “biết phân định ‘đâu là ý Thiên Chúa, cái gì là tốt, cái gì là đẹp lòng Chúa, cái gì là hoàn hảo’” (Rm 12,2).
Theo hướng đó, Đức Hồng Y hay kể cho tôi những kinh nghiệm của Ngài về các Hội Thánh ở Phi châu và ở Nam Mỹ, là những nơi Ngài đã được mời đến giảng tĩnh tâm cho các Hội đồng Giám mục, hoặc đến để thanh tra theo lệnh của Toà Thánh.
Theo Đức Hồng Y, phân định đâu là ý Chúa, cái gì là tốt, là đẹp, trong một Giáo Hội địa phương và ở một thời điểm, đòi các nhân sự tại chỗ phải có những sáng kiến vừa dựa theo Lời Chúa, vừa dựa trên những giá trị cao đẹp của văn hoá truyền thống dân tộc. Giá trị cao đẹp nhất của nền văn hoá truyền thống dân tộc là hiếu thảo và yêu thương.
11.
Được gần Đức Hồng Y Phanxicô, tôi thấy Ngài luôn thao thức cho Hội Thánh Việt Nam biết làm chứng cho đức tin bằng đức ái, và đức khó nghèo.
Đức ái mà Ngài muốn là đức ái đã được thánh Phaolô miêu tả như sau: “Đức ái thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.
“Đức ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,4-7).
12.
Về đức khó nghèo trong Hội Thánh, Đức Hồng Y hay phàn nàn về những tham vọng, những tranh chấp, những phô trương, mà người ta khéo che giấu tinh vi dưới hình thức đạo đức.
Đức Hồng Y biết khá nhiều về những yếu đuối trong Hội Thánh, từ trung ương đến các địa phương. Nhưng Ngài không bi quan, cũng không chủ trương một cuộc cải cách có tính cách chiến thắng theo kiểu thế gian. Nhưng Ngài luôn hy vọng mọi sự sẽ được trở nên tốt hơn, nhờ tình yêu cứu độ của Chúa Giêsu được thể hiện trên thánh giá. Tôi thấy Đức Hồng Y là người khiêm nhường nghèo khó.
13.
Một thoáng nhớ về Đức Hồng Y Phanxicô trên đây đang làm ấm lại những ngày cuối đời của tôi. Tôi còn rất nhớ lời Ngài hay nói với tôi: “Sau này, chú và tôi sẽ về hưu. Chúng mình sẽ ở chung một nơi, cùng nhau giúp tĩnh tâm cho những ai đến nơi đó”. Hình như chúng tôi đang làm như vậy, theo một cách nào đó, thông thoáng như một hy vọng tâm linh, gần gũi như một gặp gỡ tâm tình.
Xin hết lòng cảm tạ Chúa đã cho Hội Thánh Việt Nam một mục tử tốt lành là Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận. Ngài là gương sáng về sự trung thành với Chúa và Hội Thánh. Ngài cũng là gương sáng về sự gắn bó với Quê Hương Việt Nam và thiết tha phục vụ tất cả đồng bào Việt Nam yêu dấu.
Long Xuyên, ngày 26 tháng 11 năm 2013.
+ GB Bùi Tuần