Tìm hiểu ăn chay và giữ chay của người Công giáo

Niên lịch phụng vụ của Giáo hội Công giáo theo chu kỳ khép kín và chia thành 05 mùa: mùa Vọng, mùa Giáng sinh, mùa Chay, mùa Thường niên và mùa Phục sinh. Hiện nay Giáo hội Công giáo đang trong mùa Chay, là mùa hy sinh hãm mình, thanh tẩy tâm hồn, canh tân đời sống để chuẩn bị tâm hồn kỷ niệm cuộc Thương khó của Chúa Giêsu Kitô và mừng Lễ Phục sinh.
Tìm hiểu ăn chay và giữ chay của người Công giáo

Ăn chay là một trong ba hoạt động đặc trưng nhất của mùa Chay (cầu nguyện, ăn chay và làm việc bác ái). Ăn chay được giáo hội khuyên làm để biểu lộ lòng ăn năn, sám hối và tưởng nhớ đến cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô. Chúng tôi xin giới thiệu đến độc giả về việc thực hành chay tịnh của người Công giáo.

Thực hành việc chay tịnh là hành động bắt chước Chúa Giêsu “ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày” (Mt 4,2) và “Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả” (Lc 4,2). Hiện nay, việc chay tịnh của người Công giáo gồm ăn chay và kiêng thịt.

Ăn chay

Theo từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, ăn chay là một chế độ ăn, uống những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật; có thể ăn những sản phẩm từ sữa, trứng hoặc mật ong; và hoàn toàn không sử dụng các loại thịt (thịt đỏ, thịt gia cầm và hải sản ) hoặc kiêng ăn các thực phẩm có được từ quá trình giết mổ. Theo quy định của một số tôn giáo thì ăn chay là không ăn tất cả các sản phẩm từ động vật, chỉ ăn các sản phẩm chế biến từ thảo mộc (Phật giáo, Cao Đài); không ăn, không uống, không hút thuốc và kiêng việc chăn gối trong tháng Ramadan (Hồi giáo). Ngoài ra, có những trường phái, những người chủ trương ăn chay để chữa bệnh hoặc để tu luyện như một số tu sĩ, chức sắc các tôn giáo.

Đối với người Công giáo, ăn chay là không ăn hoặc ăn uống ít đi, đạm bạc hơn bình thường, tránh việc ăn vặt trong ngày chay và ăn một bữa no, hai bữa còn lại được phép ăn một chút ít, miễn là phù hợp tập tục của địa phương về lượng và phẩm của thức ăn. Giữa hai bữa ăn, cấm dùng thức ăn đặc, nhưng có thể dùng thức ăn lỏng (trà, nước trái cây, sữa…) vào bất kỳ lúc nào.

Luật ăn chay của Giáo hội Công giáo được quy định trong Bộ Giáo luật 1983, áp dụng bắt buộc với mọi tín đồ từ tròn 18 tuổi đến khi sang tuổi 60. Những người được miễn ăn chay là những người sức khỏe yếu, những người từ 60 tuổi trở lên (những người này vẫn phải giữ luật kiêng thịt), phụ nữ đang cho con bú, những người làm việc nặng nhọc, người nghèo đói và những người được các giám mục, linh mục, bề trên các dòng tu cho phép không phải ăn chay. Người Công giáo bắt buộc phải ăn chay trong ngày thứ tư Lễ Tro và thứ sáu Tuần Thánh.

Kiêng thịt

Theo nguyên tắc chung của Giáo hội Công giáo hoàn vũ thì người tín đồ Công giáo phải kiêng thịt vào các ngày thứ sáu trong năm, ngày thứ tư Lễ Tro và thứ sáu Tuần Thánh. Tuy nhiên không bắt buộc khi ngày thứ sáu cũng trùng với ngày lễ trọng khác hoặc lễ, tết. Ví dụ năm nay (năm 2016), Lễ Tro trùng với ngày mồng 3 Tết nguyên đán, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã hướng dẫn các giáo phận cử hành Lễ tro bình thường theo lịch chung của Giáo hội hoàn vũ và chuyển việc ăn chay, kiêng thịt vào thứ sáu ngày 12 Tết.

Trong ngày kiêng thịt, không được ăn thịt các động vật có tính nóng như: lợn, bò, gà, vịt…nhưng được ăn trứng, được dùng các thức ăn làm từ sữa hay các loại nước thịt. Các loại cá và các thức ăn biển, những loài có tính hàn như: ếch, trai, sò, ba ba, những loài vừa sống trên bờ vừa ở dưới nước và những loài bò sát không bị cấm sử dụng.

Theo quy định của Bộ Giáo luật 1983, những người phải kiêng thịt là các tín đồ từ tròn 14 tuổi cho đến mãn đời. Tuy nhiên, cũng như việc ăn chay, những người vì lý do sức khoẻ (bệnh tật), hay vì khả năng lao động (thí dụ làm trong hầm mỏ) cần phải ăn thịt, hoặc những ai được các vị chủ của mình cho phép ăn thịt không phải thực hiện việc kiêng thịt.

Việc ăn chay và kiêng thịt do Hội đồng Giám mục quy định cụ thể, việc ăn chay có thể thay thế bằng những hình thức khác như: sám hối, hoạt động từ thiện bác ái.

Ở Việt Nam, Giáo hội Công giáo Việt Nam cho rằng, việc ăn chay hãm mình không thể thiếu nhưng không nhất thiết phải làm giống hay làm hơn so với các tôn giáo khác cả về phẩm và lượng. Việc ăn chay, kiêng thịt theo quy định của Giáo hội chỉ muốn nhắc nhở tín đồ Công giáo về ý nghĩa của việc ăn chay và không giới hạn về hình thức áp dụng. Đối với tín đồ đã trưởng thành, việc ăn chay còn được áp dụng bằng nhiều hình thức khác nhau như: ăn chay lời nói (không nói xấu, chửi tục), ăn chay bằng hành động (bỏ đi những tập quán không tốt, những thứ mình ham thích, không xem phim trong mùa chay, nhịn thuốc lá để dành tiền cho người nghèo). Do đó, tại Hội nghị thường niên tháng 4 năm 1991, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã quy định: Trong các ngày thứ Sáu, có thể thay việc kiêng thịt bằng một việc đạo đức hay một việc từ thiện bác ái, như: đọc hay nghe một đoạn Lời Chúa, làm một việc hãm mình đền tội, bố thí cho người nghèo, làm việc công ích.

Như vậy, ăn chay theo Giáo hội Công giáo là nhịn ăn hoặc bớt ăn để diễn tả sự hy sinh tự nguyện, để tưởng nhớ đến cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô và chia sẻ với người nghèo khó trong tinh thần bác ái và phục vụ. Để giữ luật ăn chay, kiêng thịt, tín đồ Công giáo Việt Nam có thể thực hiện theo quy định chung của Giáo hội hoàn vũ hoặc thực hiện một việc đạo đức, từ thiện bác ái, như Hội đồng Giám mục Việt Nam đã cho phép.

 Để có thể giữ chay tốt, Giáo hội Công giáo khuyên tín đồ nên chú ý đến ý nghĩa của việc giữ chay hơn là những tiêu chuẩn và cách thức của việc ăn chay. Nếu chỉ giữ chay với thói quen hình thức, mà không yêu thương, từ tốn, nhã nhặn, tha thứ cho những người xung quanh, thì việc giữ chay không có ý nghĩa gì./.

C.H

Tài liệu tham khảo:

– Ban Giáo lý giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh (1997), Giáo lý Hội thánh Công giáo, Số 575, 1387, 1430, 1434, 2043, 2742.

– Https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%82n_chay.

– Hội đồng Giám mục Việt Nam (2006), Bộ Giáo luật 1983, NXB Tôn giáo, Hà Nội.

– Giáo hoàng John Paul II (1979), Sứ điệp mùa Chay, Số 2

 

http://btgcp.gov.vn