Các nhà khảo cổ học ở Bulgaria cho rằng họ đã tìm thấy tro thuộc về một trong 12 vị tông đồ của Chúa Giêsu, cụ thể là của thánh Gioan, người duy nhất trải qua cái chết già trong số những môn đệ của Đức Kitô.
Các cuộc khai quật tại một khu cảng và pháo đài từ thời trung cổ ở Bulgaria đã mở đường cho nhóm khảo cổ học tìm đến một số cổ vật hết sức quan trọng từ thời Chúa Giêsu. Theo tạp chí The Week, một chiếc vò làm bằng chì đựng tro đã được tìm thấy trong ngôi mộ được cho là hài cốt của Thánh Gioan tông đồ, cùng một cái triện hoàng gia Bulgaria từ thế kỷ thứ 10.
Tàn tích nhà thờ Thánh Gioan ở Ephesus (Thổ Nhĩ Kỳ) – ảnh: José Luiz Bernardes Ribeiro
Thánh tích linh thiêng
Theo trang Archaeologyinbulgaria.com, các cổ vật trên được phát hiện trong lúc khai quật pháo đài cổ đại Rusocastro và cảng Burgos (Poros), nơi hiện nay là Burgas, thành phố lớn thứ hai của Bulgaria nằm bên bờ Hắc Hải. Chiếc vò nhỏ làm bằng chì chứa tro được tìm thấy bên trong hòm thánh tích. Hòm thánh tích này được đặt bên trong một nhà thờ Công giáo đời đầu, với thiết kế xây sâu kèm theo hai dãy cột có từ thế kỷ thứ 6. Bản thân chiếc vò rất nhỏ, chỉ dài 2,2 cm. Lớp vỏ ngoài của cổ vật được trang trí bằng nhiều hình chữ thập có hai nhánh dài bằng nhau, và một tay cầm đã bị mất.
Được mô tả là “tài sản thiêng liêng nhằm bảo quản một vật chất thần thánh”, thánh tích được tin là mang theo những quyền năng chữa lành bệnh tật, theo Milen Nikolov, Giám đốc của Bảo tàng Lịch sử Khu vực Burgas. Trong buổi họp báo thông tin về phát hiện mới, ông Nikolov giải thích rằng, thánh tích quan trọng trên gắn liền với những đức tin cổ đại. “Cứ mỗi năm, vào ngày vía của Thánh tông đồ Gioan, lại có bột manna xuất hiện tại mộ của Ngài”, theo vị giám đốc bảo tàng. Dựa trên các dữ liệu lịch sử, các tín hữu Công giáo hành hương từ mọi nơi trên thế giới thường tập trung tại địa điểm đặt ngôi mộ của Thánh tông đồ Gioan ở thành phố cổ đại Hy Lạp là Ephesus (hiện thuộc Thổ Nhĩ Kỳ), và đặt những cánh hoa hồng lên mộ trước khi tiếp nhận bột có công dụng chữa lành vết thương. Nhiều người quyết định lên đường đến mộ Thánh Gioan với hy vọng có thể nhận được ít tro hoặc bột manna mang trở về ngôi làng của mình để thờ phụng với mục đích trừ tà, đuổi quỷ.
Chân dung Thánh tông dồ Gioan trong sách cổ Kells – ảnh: Pulic Domain
Do các hoa văn trang trí trên chiếc vò hợp với những đặc điểm kiến trúc ở Ephesus, các nhà nghiên cứu cho rằng chiếc vò tìm được ở Bulgaria có lẽ cũng xuất xứ từ nơi đó, và mang về nước thông qua một chuyến hành hương, theo trang tin Novinite. “Tất cả các trung tâm hành hương Công giáo đời đầu đều tạo ra các vò đất sét chứa nước thánh; và đến giờ phút này, chỉ có đúng 43 vò chì được ghi nhận trên toàn thế giới”, theo trang Archaeologyinbulgaria.com.
Môn đệ được Chúa yêu quý
Theo Tân Ước, Thánh Gioan là một trong 12 Tông đồ của Chúa Giêsu, là một trong bốn Thánh sử viết Phúc Âm. Người Kitô giáo từ thuở ban sơ đến nay đều ghi nhận Gioan có một vị trí nổi bật trong số các tông đồ. Cùng với Phêrô và Giacôbê, Gioan là nhân chứng khi Chúa Giêsu thực hiện phép lạ cho con gái ông Giarô sống lại (Mc 5:37), Chúa biến hình (Mt 17:1) và trong Vườn Cây Dầu (Mt 26:37).
Thánh tích của Gioan trong vò chì – ảnh: Regional Museum Burgas
Gioan và Phêrô cũng là hai người được sai vào thành phố để thực hiện các việc chuẩn bị cho Bữa tiệc Ly (Lc 22:8). Trong bữa ăn, thánh nhân được ngồi bên cạnh và ngả đầu vào ngực Chúa Giêsu (Gioan 13:23-25). Gioan cũng là môn đệ duy nhất đứng dưới chân thập giá trên đồi Canvê cùng với Đức Mẹ Maria và các phụ nữ khác. Ông cũng là người được Đức Giêsu trối lại cho Mẹ Maria (Gioan 19:25-27). Cũng theo Phúc Âm, trong sự kiện Phục Sinh, Gioan và Phêrô là hai người chạy về hướng hầm mộ và chính ngài là người đầu tiên tin rằng Đức Giêsu thực sự sống lại (Gioan 20:2-10). Nhiều đoạn trong Tân Ước gọi Gioan là “môn đệ được Chúa yêu”.
LING LANG
(WGP.Phan Thiết 30.04.2016)
Kho tàng cổ vật Burgos
Các dự án khai quật lần đầu tiên đã được triển khai tại cảng và pháo đài Burgos từ năm 2008 và tiếp tục đến ngày nay. Bất chấp một số gián đoạn trong những năm qua vì hạn chế đến từ một căn cứ quân sự gần đó, các chuyên gia đã tìm được một villa từ thời La Mã cổ đại, nhiều cổ vật quý, tàn tích dinh thự, những đồ gốm sứ và các bức tường công sự cũng như tháp của pháo đài. Những phát hiện đáng chú ý khác trong lĩnh vực khảo cổ học tại Bulgaria bao gồm di hài của người đàn ông thành Varna, một người giàu sụ có địa vị cực cao vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên; và hang động khổng lồ ở vùng Devetashka, nơi cư trú của người cổ suốt chiều dài 70.000 năm. Cho đến nay, Bulgaria vẫn được xem là một khu vực chôn giấu lịch sử dồi dào của nhân loại, và nhiều di tích quan trọng vẫn còn chờ được khám phá.
Triện cổ của Đại đế Petal I
Giám đốc Nikolov cũng công bố việc tiếp nhận triện hoàng gia Bulgaria từ thế kỷ thứ 10. Dân địa phương đã tìm thấy dấu triện này và trao lại cho giới hữu trách. Dấu triện cổ làm bằng chì độc nhất vô nhị từng thuộc về Đại đế Petar I (năm 927-970) và hoàng hậu Maria thuộc đế quốc thứ nhất của Bulgaria. Đây cũng là triện đầu tiên từng thuộc về một vương triều nước này được tìm thấy tại khu vực.