VATICAN. Thiên Chúa luôn muốn bắc những nhịp cầu; chúng ta thì lại dựng lên những bức tường! Và các bức tường luôn luôn sụp đổ! Lòng thương xót sẽ chiến thắng xung đột. ĐTC đã đưa ra thông điệp như trên trong buổi tiếp kiến chung sáng ngày 30.09.2015, tại quảng trường Phêrô và hội trường Phaolô 6. Lần này, ĐTC Phanxicô đã chia sẻ kinh nghiệm về chuyến tông du thứ 10 của mình tại Cuba và Hoa Kỳ.
Sau đây là nguyên văn bài chia sẻ của ĐTC, Ngài nói:
“Kính chào anh chị em
Buổi tiếp kiến hôm nay sẽ diễn ra đồng thời ở hai nơi: tại quảng trường này và ngay cả trong Hội trường Phaolô VI, là nơi mà rất nhiều người ốm đau đang theo dõi buổi tiếp kiến qua màn ảnh rộng. Khi nhận thấy thời tiết hơi xấu, chúng tôi đã quyết định để họ được trú ẩn và có thể bình thản ở đó. Chúng ta họp nhau đây với nhau và để chào hỏi nhau. Trong những ngày vừa qua tôi đã hoàn tất chuyến tông du Cuba và Hoa Kỳ. Chuyến tông du xuất phát từ ý muốn tham dự vào Đại Hội Gia đình Thế Giới lần thứ 8, được dự kiến tổ chức ở Philadelphia. “Hạt nhân nguyên thuỷ” này đã được mở rộng ra đến cuộc thăm viếng Hoa Kỳ và đến trụ sở của Liên Hiệp Quốc, và rồi thậm chí cả Cuba, là nơi đã trở nên chặng dừng đầu tiên của lịch trình. Một lần nữa tôi bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với Chủ tịch Castro, đến Tổng thống Obama và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon vì sự tiếp đón mà tôi đã nhận được. Tôi cám ơn tự đáy lòng các anh em Giám mục và tất cả những cộng tác viên vì sứ mạng to lớn được hoàn thành và vì tình yêu mến đối với Giáo Hội đã được gợi lên từ đó.
“Sứ mệnh của lòng thương xót”: đó là điều tôi đã trình bày cho Cuba, một vùng đất phong phú của vẻ đẹp tự nhiên, văn hoá và đức tin. Lòng thương xót của Thiên Chúa thì lớn hơn mọi vết thương, mọi xung đột, mọi ý thức hệ; và với cái nhìn này của lòng thương xót tôi đã muốn ôm ấp lấy tất cả dân tộc Cuba, nội địa cũng như ở nước ngoài, ngay tại nơi có những sự chia rẽ. Biểu tượng của sự hiệp nhất sâu xa của linh hồn Cuba là Đức Trinh Nữ Bác Ái Mỏ Đồng, vốn đã được tôn phong là Đấng Bốn Mạng của Cuba một trăm năm trước. Tôi đã hành hương đến thánh địa của Đức Mẹ đầy hy vọng, Mẹ chỉ bảo đàng lành của sự công chính, hoà bình, tự do và hoà giải.
Tôi đã muốn chia sẻ với dân tộc Cuba về hy vọng của sự hoàn tất lời tiên báo của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 rằng: Cuba sẽ cởi mở với thế giới và thế giới mở lòng với Cuba. Sẽ không còn sự đóng kín, chẳng còn sự bóc lột của sự nghèo đói, nhưng là tự do trong phẩm giá. Đây là lộ trình khiến cho con tim của nhiều người trẻ Cuba rung động: không phải là lộ trình của sự thoát ly, của những lợi nhuận dễ dãi, nhưng là của trách nhiệm, của việc phục vụ người bên cạnh, của sự quan tâm đến tính mỏng dòn dễ vỡ. Một hành trình vốn rút ra sức mạnh từ gốc rễ Kitô giáo của dân tộc, vốn đã chịu nhiều khổ đau. Một hành trình mà tôi đã khuyến khích trong cách thức cụ thể các linh mục và tu sĩ, những sinh viên và các gia đình. Thánh Thần cùng với sự chuyển cầu của Rất Thánh Đức Mẹ, sẽ làm cho những hạt giống mà chúng ta đã gieo vãi được lớn lên.
Từ Cuba đến Hoa Kỳ: đúng là một sự dịch chuyển đầy biểu tượng, một nhịp cầu mà tạ ơn Thiên Chúa vì người ta đã bắt đầu tái thiết. Thiên Chúa luôn muốn bắc những nhịp cầu; chúng ta thì lại dựng lên những bức tường! Và các bức tường luôn luôn sụp đổ!
Và ở Hoa kỳ tôi đã dừng ở ba chặng: Washington, New York và Philadelphia.
Tại Washington tôi đã gặp các chính khách, dân chúng, các giám mục, linh mục và các tu sĩ, những người nghèo khổ nhất và bị gạt ra ngoài lề xã hội. Tôi đã gợi nhắc về gia sản to lớn nhất của đất nước này cũng như gia sản tinh thần và đạo đức mà người dân nước này đang sinh sống. Và như thế tôi muốn cổ võ cho việc đặt trước công cuộc kiến tạo xã hội trong sự trung tín của nước này, chính nguyên tắc nền tảng của họ, đó là tất cả mọi người được dựng nên bởi Thiên Chúa một cách bình đẳng và họ được phú ban những quyền lợi bất khả nhượng, đó là quyền được sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc. Những giá trị này, như được chung chia bởi tất cả mọi người, tìm thấy trong Tin Mừng sự hoàn thành tròn đầy của nó, cũng như đã được chứng minh một cách hùng hồn qua việc phong thánh cho cha Junípero Serra, tu sĩ dòng Phanxicô, nhà truyền giáo vĩ đại của California. Thánh Junípero đã chỉ dẫn con đường của niềm vui: ra đi và chia sẻ với người khác về tình yêu của Đức Kitô. Đây không chỉ là con đường của Ki tô hữu, mà cũng là của tất cả mọi người đã cảm nếm tình yêu: không chỉ giữ khư khư cho bản thân nhưng chia sẻ nó với người khác. Từ nền tảng tôn giáo và luân lý này, đất nước Hoa Kỳ đã được sản sinh và lớn lên, và cũng từ nền tảng này Hoa Kỳ có thể tiếp tục là mảnh đất của tự do và đón nhận cũng như hợp tác vì một thế giới công bằng và huynh đệ hơn.
Tại New York tôi đã muốn thăm trụ sở của Liên Hiệp Quốc và chào thăm những nhân viên đang làm việc cho chúng ta. Tôi đã gặp gỡ Tổng Thư Ký và Chủ tịch hai Đại hội đồng gần đây nhất của LHQ, và cả Chủ tịch Hội đồng bảo an LHQ. Khi phát biểu trước các Đại biểu của Liên Hiệp Quốc, theo chân các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm của tôi, tôi đã nhắc lại sự cổ vũ của Giáo Hội Công Giáo đối với tổ chức này và về vai trò của nó trong việc thúc đẩy cho phát triển và hoà bình, đồng thời tái mời gọi một cách cụ thể sự cần thiết của bổn phận đã được nhất trí và có tác động hiệu quả cho việc quan tâm đến tạo thành. Tôi đã tái xác nhận một lần nữa lời kêu gọi chấm dứt và ngăn ngừa bạo lực chống lại các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo cũng như chống lại những dân thường.
Vì bình an và tình huynh đệ chúng tôi đã cầu nguyện tại đài tưởng niệm Ground Zero, cùng với các đại diện của các tôn giáo, cũng như các thân nhân của những người đã mất và cả nhân dân thành phố New York, vì thế đã có sự phong phú của nhiều văn hoá khác nhau. Và tôi cũng đã cử hành thánh lễ tại sân vận động Madison Square Garden vì hoà bình và công lý.
Ở Washington cũng như New York tôi đã muốn thăm viếng một vài cơ sở bác ái và giáo dục, tượng trưng cho vô vàn cơ sở của cộng đồng Công giáo – của các linh mục, nữ tu, nam tu, giáo dân – phục vụ trong lĩnh vực này.
Đỉnh cao của chuyến tông du là Đại Hội Gia đình thế giới ở Philadelphia, nơi mà tầm nhìn được mở rộng ra đến khắp cả thế giới, ngang qua “lăng kính”, vì thế có thể nói, của gia đình. Gia đình, một giao ước giữa một người nam và một người nữ, là lời đáp trả đối với thách thức to lớn của thế gian này, đồng thời cũng là một thách đố kép: sự đổ vỡ của gia đình và khuynh hướng đồng nhất hoá, hai thái cực vốn chung sống và cậy dựa vào nhau, và cùng với nhau ủng hộ mẫu hình kinh tế tiêu thụ. Gia đình là lời đáp trả bởi vì nó là tế bào của một xã hội vốn giúp cân bằng giữa chiều kích cá nhân và cộng đồng, và cùng lúc đó, nó có thể là hình mẫu của một sự quản lý có thể bảo vệ được cho tài sản và tài nguyên của tạo hoá. Gia đình là chủ thể chính yếu của một môi trường học nguyên vẹn, bởi vì nó là chủ thể xã hội tiên khởi, vốn bao hàm bên trong mình hai nguyên tắc nền tảng căn bản cho nền văn hoá nhân loại trên trần gian: nguyên tắc thông hiệp và nguyên tắc sản sinh. Chủ nghĩa nhân văn Kinh Thánh giới thiệu cho chúng ta biểu tượng này: một cặp đôi con người, thông hiệp và sản sinh, được Thiên Chúa đặt để trong khu vườn của thế gian, để vun xới và trông nom nó.
Tôi muốn gửi lời cám ơn huynh đệ và nồng nhiệt đến Đức Cha Chaput, Tổng Giám mục của Philadelphia, vì sự đóng góp của ngài, lòng thương xót của ngài, cũng như nhiệt huyết và tình yêu sâu xa của ngài đối với các gia đình trong công tác tổ chức sự kiện này. Có thể thấy rõ, không phải chỉ là ngẫu nhiên mà là do sự quan phòng khi thông điệp, hay đúng hơn là, chứng từ của Đại Hội Gia đình thế giới đã diễn ra vào thời điểm này ở Hoa Kỳ, vốn là một đất nước mà thế kỷ trước đã đạt đến sự phát triển vĩ đại về kinh tế và kỹ thuật mà không từ bỏ những gốc rễ tôn giáo của mình. Giờ đây cũng chính những gốc rễ này đòi hỏi phải bắt đầu lại từ gia đình để tái suy tư và thay đổi mẫu hình của sự phát triển, cho thiện ích của toàn thể gia đình nhân loại”.
Chuyển dịch từ Ý ngữ: Jos. Nguyễn Huy Mai