VATICAN. Giáo Hội chẳng có cánh cửa nào được bọc thép và lòng thương xót của Thiên Chúa luôn luôn mở toang cửa. Đây là sứ điệp được ĐTC gửi gắm trong bài huấn dụ tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 18.11.2015, tại quảng trường Phêrô trước sự hiện diện của khoảng vài chục ngàn khách hành hương.
Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ của ĐTC, Ngài nói:
“Anh chị em rất thân mến
Cùng với bài suy niệm này chúng ta đã ở rất gần ngưỡng cửa của Năm Thánh. Trước mặt chúng ta là cửa Thánh nhưng không chỉ đơn thuần là cửa Thánh, một thứ khác: cánh cửa vĩ đại của Lòng Thương Xót của Thiên chúa, vốn sẽ đón nhận sự ăn năn của chúng ta hầu trao ban ân sủng tha thứ của Ngài. Cánh cửa được mở một cách quảng đại, chỉ cần chúng ta can đảm chút xíu để băng qua ngưỡng cửa ấy. Mỗi người chúng ta đang có trong lòng mình những điều đè nặng lương tâm hay không? Tất cả chúng ta là tội nhân! Hãy tận dụng giây phút này để bước đến và băng qua ngưỡng cửa của lòng Thương xót của Thiên Chúa là Đấng không bao giờ mỏi mệt vì tha thứ, không bao giờ mỏi mệt vì chờ đợi chúng ta! Ngài luôn nhìn ngắm chúng ta, đồng hành luôn với chúng ta.
Từ Thượng Hội Đồng Giám mục mà chúng ta đã tiến hành tháng mười vừa qua, tất cả các gia đình, và toàn thể Giáo Hội, đã đón nhận một sự khích lệ to lớn để gặp gỡ nhau tại ngưỡng cửa của cánh cửa đã được mở này. Giáo Hội đã được thúc đẩy để rộng mở những cánh cửa của mình, để bước ra cùng với Thiên Chúa hầu gặp gỡ những con cái mình đang lữ hành, đôi khi không chắc chắn, đôi khi bị rối loạn, trong những thời khắc khó khăn này. Các gia đình Ki tô giáo, một cách cụ thể, đã được khuyến khích để mở rộng cánh cửa ra với Thiên Chúa là Đấng đang chờ đợi để bước vào, hầu mang lại phúc lành và tình bạn của Ngài. Và nếu cánh cửa Thương Xót của Thiên Chúa luôn rộng mở, thì những cánh cửa của các nhà thờ của chúng ta, của tình thương trong cộng đoàn của chúng ta, của các gíao xứ của chúng ta, của các thể chế của chúng ta, giáo phận của chúng ta, phải luôn luôn đựơc rộng mở, bởi vì như thế, tất cả mới có thể bước ra qua cánh cửa Thương xót này của Thiên Chúa. Năm thánh có nghĩa là cánh cửa vĩ đại của Lòng thương xót của Thiên Chúa nhưng ngay cả những cánh cửa nhỏ của các nhà thờ của chúng ta cũng phải đựơc mở rộng để Thiên Chúa có thể bước vào và rất nhiều lần để cho tù nhân Thiên Chúa có thể bước ra khỏi những cơ cấu của chúng ta, khỏi sự ích kỉ và rất nhiều thứ khác.
Thiên Chúa không bao giờ phá cửa: bản thân Ngài cũng xin phép để bước vào. Sách Khải Huyền nói: “Này Ta đứng ngoài cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa thì Ta sẽ đến với người ấy, dùng bữa với nó và nó sẽ ở với Ta” (Kh 3, 20). Và trong thị kiến vĩ đại cuối cùng này của sách Khải Huyền, thành đô của Thiên Chúa đã tự mặc khải chính mình: “Trong cả ngày, những cánh cửa của Ta không bao giờ đóng”, điều này sẽ được duy trì luôn luôn, bởi vì “sẽ chẳng còn đêm tối” (Kh 21, 25) . Có những nơi chốn trên trái đất này mà ở đó người ta không đóng cửa bằng chìa khoá. Nhưng vẫn còn rất nhiều nơi các cửa được bọc thép đã trở nên một điều gì đó hết sức bình thường, Chúng ta không được quy phục ý tưởng phải áp dụng hệ thống này, ngay cả vì lý do an ninh, cho toàn bộ đời sống của chúng ta, cho đời sống của gia đình, của thành phố, cho xã hội. Và lại càng không được như thế đối với đời sống của Giáo Hội. Như thế là rất tệ hại! Một Giáo hội không hiếu khách như thế thì giống như một gia đình tự đóng kín trong chính mình, lăng nhục Tin Mừng và làm cho thế giới này khô héo.
Việc canh cửa đầy tính biểu tượng này – của ngưỡng cửa, của những lối đi, của những biên cương – đã trở nên hết sức quan trọng. Chắc chắn cánh cửa phải bảo vệ nhưng không phải để đẩy người ta ra xa. Người ta không được phá cửa, nhưng nguợc lại, phải xin phép, bởi vì sự híếu khách phản ánh trong sự tự do của việc tiếp đón, và bị che mờ đi trong sự hống hách của sự xâm chiếm. Người ta mở cửa thường xuyên để xem xét thử bên ngoài có ai đang đợi không, và đúng hơn xem có ai quá nhút nhát nên không dám gõ cửa.
Cánh cửa nói lên rất nhiều điều về ngôi nhà, ngay cả về Giáo Hội. Việc canh cửa tái đòi hỏi một sự nhận định cẩn thận, và đồng thời, phải khơi gợi niềm tin tưởng lớn lao. Tôi muốn cám ơn những ai đang trông nom những cánh cửa: trong những căn hộ chung cư, trong những thể chế dân sự, trong những nhà thờ. Thông thường sự khôn ngoan và tử tế của người gác cổng có khả năng mang lại một hình ảnh đầy tính nhân văn và sự tiếp đón của toàn bộ ngôi nhà rồi, ngay từ cửa vào. Cần phải học hỏi từ những người nam và người nữ này, những ai đang trông cửa những nơi này để găp gỡ và tiếp đón của thành phố đối với mọi người.
Thực sự là, chúng ta biết rõ ràng rằng chính bản thân chúng ta là những người trông nom và phục vụ cho Cánh cửa của Thiên Chúa, và cánh cửa của Thiên Chúa được gọi là gì? Ai biết cánh cửa ấy không? Ai là Cánh cửa của Thiên Chúa? Thưa là Đức Giêsu. Ngài soi sáng cho chúng ta tất cả những cánh cửa của sự sống, bao gồm cả cánh cửa qua đó chúng ta được hạ sinh và chết đi. Chính bản thân Ngài đã khẳng định: “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ” (Ga 10, 9). Đức Giêsu là cửa cho chúng ta bước vào và bước ra. Bởi vì chuồng chiên của Thiên Chúa là một chỗ trú thân, chứ không phải là một nhà tù! Chỉ có những kẻ trộm mới tìm cách tránh các cửa vào bởi vì họ có những ý muốn xấu, và lẻn vào chuồng chiên để lừa dối chiên và lợi dụng chúng. Chúng ta phải đi qua cửa mà vào và lắng nghe tiếng nói của Đức Giêsu: nếu chúng ta nghe thấy cung giọng của Ngài, chúng ta sẽ an toàn, chúng ta sẽ được cứu. Chúng ta có thể bước vào không chút sợ hãi và bước ra mà chẳng có gì nguy hiểm. Trong câu chuyện tuyệt đẹp này của Đức Giêsu, Ngài nói đến cả người giữ cửa, vốn có bổn phận mở cửa cho Mục tử nhân lành (Ga 10, 2). Nếu người giữ cửa nghe thấy giọng của Mục Tử, thì sẽ mở cửa, và cho cả đàn chiên của Mục Tử chăm nom có thể bước vào, tất cả, bao gồm cả những con bị lạc trong rừng, rồi sẽ được Mục Tử đi tìm để mang về. Người giữ cửa không chọn lựa chiên, cũng như thư ký của các giáo xứ không chọn lựa con chiên, nhưng tất cả chiên đều được kêu gọi bởi Mục Tử nhân lành. Ngay cả người giữ cửa cũng phải vâng nghe lời của Mục Tử. Và rồi, chúng ta có thể xác tín rằng chúng ta phải trở nên người giữ cửa. Giáo hội là người gác cổng cho ngôi nhà của Thiên Chúa, chứ không phải là chủ nhân của ngôi nhà của Thiên Chúa.
Thánh Gia Na-da-rét hiểu rất rõ cửa đóng hay cửa mở có ý nghĩa như thế nào, đối với những ai đang chờ con chào đời, đối với ai không có chỗ dung thân, đối với ai đang phải chạy trốn khỏi nguy hiểm. Các gia đình Kitô giáo hãy làm nơi ngưỡng cửa nhà mình một dấu chỉ nhỏ bé của Cánh cửa của thương xót và đón tiếp của Thiên Chúa. Và chỉ như thế thì Giáo hội mới có thể được biết đến, trong mọi ngóc ngách của mặt đất này: như là người gác cổng của một Thiên Chúa đang gõ cửa, như là sự tiếp đón của Thiên Chúa là Đấng không bao giờ đóng sập cửa trước mặt chúng ta, cùng với lời xin lỗi rằng đó không phải là nhà của chúng ta. Cùng với tinh thần này tất cả chúng ta đã đến gần Năm Thánh, chúng ta ở gần Cửa Thánh, nhưng quan trọng hơn là cánh cửa của lòng thương xót của Thiên Chúa vĩ đại! Và cũng có cánh cửa của cõi lòng chúng ta để đón nhận tất cả cũng như đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa hay trao bao sự tha thứ của chúng ta và đón nhận tất cả những ai gõ cửa của chúng ta.”
Chuyển dịch từ Ý ngữ: Jos. Nguyễn Huy Mai