Cũng có những sự kiện khác cho thấy càng ngày Đức Phanxicô càng nghiêng về phía những người chỉ trích quan điểm của Đức Hồng Y Kasper. Thứ nhất, ngài vẫn tín nhiệm Đức Hồng Y Gerhard L. Müller ở chức vị bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin; Thứ hai, Đức Phanxicô đã đặt đứng đầu thánh bộ thờ phượng Đức Hồng Y Robert Sarah, tác giả cuốn “Dieu ou rien”.
Thượng hội đồng về gia đình, Đức Phanxicô đang xích ra xa Đức HY Kasper
Nhà báo Sandro Magister hôm nay, 20 tháng Ba, có bài nhận định rằng Đức Phanxicô càng ngày càng nhích xa khỏi Đức Hồng Y Walter Kasper, và càng ngày càng lưu tâm tới các vị Hồng Y như Caffarra, Muller, và Sarah, tòan là những vị bênh vực giáo huấn Công Giáo về hôn nhân một cách không khoan nhượng.
Về ý tưởng cho phép người ly dị tái hôn được rước lễ, Đức Phanxicô thường cho rằng việc này không giải quyết được gì. Càng không nên, khi những người này đòi hỏi nó. Vì rước lễ “không phải là một huy hiệu, một huân chương. Không”.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây nhất với Televisa, Tây Ban Nha, ngài làm nhẹ các mong chờ của một số người muốn có những thay đổi đáng kể về học lý và thực hành đối với hôn nhân, gọi các chờ mong này là “quá thổi phồng”. Ngài cũng không còn nhắc đến các chủ đề cải cách của Đức Hồng Y Walter Kasper nữa, những chủ đề được ngài ca tụng trước đây, nhưng nay xem ra muốn né tránh.
Ngược lại, trong những thời gian qua, càng ngày ngài càng chú ý tới một vị Hồng Y thần học gia khác, người chủ trương các ý niệm về “Tin Mừng hôn nhân” rất phù hợp với truyền thống: đó là Đức Hồng Y Carlo Caffarra, Tổng Giám Mục Bologna.
Là một giáo sư thần học luân lý, Đức Hồng Y Caffarra chuyên về hôn nhân, gia đình, sinh sản. Và đó là lý do Đức Gioan Phaolô II muốn ngài đứng đầu Giáo Hoàng Học Viện nghiên cứu về hôn nhân và gia đình được chính ngài khai mở năm 1981 tại Đại Học Lateran, sau thượng hội đồng năm 1980 bàn về các chủ đề này.
Bởi thế, việc loại bỏ bất cứ đại diện nào của học viện trên khỏi phiên họp thứ nhất của thượng hội đồng về gia đình năm ngoái đã gây ra sự ngỡ ngàng rất lớn vì học viện này đã phát triển ra khắp thế giới.
Nhưng nay, lỗ hổng đó đã được trám đầy, vì ngày 14 tháng Ba vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cử nhiệm phó chủ tịch của viện này, Giáo Sư José Granados, làm cố vấn cho văn phòng tổng thư ký của thượng hội đồng, dự tính họp vào tháng Mười năm nay.
Còn về phần Đức Hồng Y Caffarra, nếu hội đồng giám mục Ý, vào tháng Năm này, không bầu ngài làm một trong 4 đại biểu tại thượng hội đồng, thì chắc chắn Đức Phanxicô cũng lo liệu để ngài là một trong các nghị phụ, như ngài đã làm ở thượng hội đồng vừa rồi.
Đức Tổng Giám Mục Bologna là một trong năm vị Hồng Y chống đề xuất của Đức Hồng Y Walter Kasper. Các vị đã cô đọng các suy nghĩ của mình trong cuốn “Remaining in the Truth of Christ” (Ở lại trong sự thật của Chúa Kitô) được nhà Cantagalli phát hành tại Ý trước ngày khai mạc thượng hội đồng năm 2014 và hiện được dịch sang 10 ngôn ngữ khác nhau.
Ngay từ đầu, ngài vốn là một trong những người phê bình dứt khoát và bén nhọn nhất bài diễn văn gây náo động của Đức Hồng Y Kasper tại mật nghị hội tháng Hai, năm 2014. Theo ngài, chấp nhận luận điểm này là kết liễu hoàn toàn học lý Công Giáo về tính dục con người.
Trong cuộc phỏng vấn của tờ Il Foglio, ngài nói rằng: “cho phép họ (những người ly dị tái hôn) rước lễ, là Giáo Hội đã hợp pháp hóa cuộc kết hợp thứ hai của họ. Luận lý học là thế. Nhưng nay, tôi xin hỏi, ta sẽ làm gì với cuộc hôn nhân thứ nhất? Người ta bảo cuộc hôn nhân thứ hai không phải là cuộc hôn nhân thứ hai thực sự, vì song hôn là đi ngược lại lời Chúa. Thế còn cuộc hôn nhân thứ nhất? Bị tiêu hủy chăng? Nhưng các vị giáo hoàng luôn dạy rằng quyền của vị giáo hoàng không lên tới điểm đó: Đức Giáo Hoàng không có quyền đối với một cuộc hôn nhân đã thành hiệu và hòan hợp. Giải pháp đề nghị dẫn ta tới chỗ cho rằng cuộc hôn nhân thứ nhất vẫn tồn tại, nhưng cũng có thứ sống chung thứ hai được Giáo Hội hợp pháp hóa.
Do đó, đây là một cuộc thực hành tính dục nhân bản ngoài hôn nhân được Giáo Hội hợp pháp hóa. Nhưng với việc hợp pháp hóa này, cột trụ nền tảng của tín lý Giáo Hội về tính dục đã bị triệt tiêu. Nếu thế, người ta có thể hỏi: tại sao không chấp nhận những cuộc kết hợp tự do ngoài hôn nhân hay tiền hôn nhân? Và tại sao không chấp nhận các mối liên hệ giữa những người đồng tính? Đây không phải chỉ là vấn đề thực hành, nó đụng tới cả tín lý. Không thể tránh được. Người ta bảo nó không đụng tới, nhưng nó có đụng tới. Không chỉ có thế. Nó còn đưa vào một phong tục mà về lâu về dài sẽ xác định tư tưởng người ta, chứ không riêng các Kitô hữu rằng: không hề có chuyện hôn nhân bất khả tiêu một cách tuyệt đối. Và điều này rõ ràng đi ngược lại ý Chúa”.
Cũng có những sự kiện khác cho thấy càng ngày Đức Phanxicô càng nghiêng về phía những người chỉ trích quan điểm của Đức Hồng Y Kasper. Thứ nhất, ngài vẫn tín nhiệm Đức Hồng Y Gerhard L. Müller ở chức vị bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin. Vị Hồng Y này hiện được coi như người có thế giá nhất trong số năm vị Hồng Y chống lại quan điểm của Đức Hồng Y Kasper, cương quyết cảnh cáo chống lại cái “thứ lạc giáo Kytô học tế vi” kia, chuyên nhằm tách biệt tín lý khỏi thực hành mục vụ, với ảo tưởng rằng có thể thay đổi thực hành mục vụ mà không làm hại tới tín lý, đến nỗi các cuộc hôn nhân thứ hai có thể được chúc phúc trong khi vẫn giữ vững tính bất khả tiêu của hôn nhân.
Thứ hai, trong một cử nhiệm quan trọng gần đây tại giáo triều, Đức Phanxicô đã đặt đứng đầu thánh bộ thờ phượng Đức Hồng Y Robert Sarah, tác giả cuốn “Dieu ou rien. Entretien sur la foi” (Thiên Chúa hay Không Gì Cả. Cuộc Đàm Luận về Đức Tin) do nhà Fayard xuất bản tại Pháp. Trong cuốn này, ngài bác bỏ tận gốc ý niệm cho người ly dị tái hôn rước lễ, mà theo ngài, vốn là “ám ảnh của một số Giáo Hội Tây Phương muốn áp đặt cái gọi là các giải pháp ‘có trách nhiệm về thần học và thích đáng về mục vụ’ mà thực ra là đi ngược lại một cách căn để giáo huấn của Chúa Giêsu và huấn quyền của Giáo Hội”.
Hoàn toàn nhất trí với Đức Hồng Y Müller, Đức Hồng Y Sarah tuyên bố: “ý niệm bao hàm việc đặt huấn quyền vào một chiếc hộp xinh xinh và tách biệt nó khỏi thực hành mục vụ, vốn biến đổi theo hoàn cảnh, thời trang, và xung động, là một hình thức ly giáo, một bệnh lý học tâm thần phân liệt (schizophreny) đầy nguy hiểm”.
Và sau khi long trọng quả quyết: vấn đề người ly dị và tái hôn “không phải là một thách thức khẩn trương đối với các Giáo Hội Phi Châu và Á Châu”, ngài tuyên bố rằng: “Tôi long trọng quả quyết rằng Giáo Hội Phi Châu cương quyết chống lại bất cứ cuộc nổi loạn nào chống lại giáo huấn của Chúa Giêsu và của huấn quyền”.
Thực tế, các giám mục Phi Châu từ trước tới nay đã bầu các đại diện cho mình tại thượng hội đồng sắp tới các vị có cùng quan điểm bất khoan nhượng như Đức Hồng Y Sarah, ngoại trừ Đức Tổng Giám Mục Accra, Charles Palmer-Buckle, người từng cho biết ngài ủng hộ không những việc cho phép người ly dị tái hôn được rước lễ, mà cả việc ly dị nữa, nhờ quyền “tháo gỡ”của Đức Giáo Hoàng.
Cũng cần nên nhớ: các chủ trương cứng rắn trên cũng là các chủ trương của các vị giám mục Đông Âu, trong đó, các giám mục Ba Lan là người dẫn đầu. Chúa Nhật 15 tháng Ba vừa qua, nhân hội nghị toàn thể, các vị này đã ra thông cáo chung bác bỏ việc cho phép người ly dị tái hôn được rước lễ. Các ngài gọi đề xuất cho phép này là đề xuất của Đảng Duy Ngoại Tình.
Nguyên văn bản thông cáo chung: “Để chuẩn bị cho thượng hội đồng sắp tới tại Rôma, các giám mục đã suy nghĩ về hôn nhân và gia đình. Suy nghĩ này chứng minh tầm quan trọng của gia đình theo viễn tượng triết học, thần học và giáo luật.
“Được nhận diện một lần nữa là tầm quan trọng không thể miễn chước của bí tích hôn phối, và của gia đình đối với sự lớn mạnh của đời sống Kitô hữu bên trong Giáo Hội.
“Được nhấn mạnh là nhu cầu cổ vũ việc chăm sóc mục vụ các gia đình, là củng cố tín hữu trong việc hiểu biết và thực thi hôn nhân bí tích, được hiểu như sự kết hợp thánh thiêng và bất khả tiêu giữa một người đàn ông và một người đàn bà.
“Giáo huấn và truyền thống của Giáo Hội cho thấy rằng những người đang sống trong một kết hợp không có tính bí tích là tự tước đoạt khỏi mình khả thể rước lễ.
“Việc chăm sóc mục vụ phải được cung cấp cho những người đang sống trong các cuộc kết hợp như trên dể họ duy trì được đức tin và tiếp tục sống trong cộng đồng Giáo Hội. Việc chăm sóc mục vụ cho những ai sống trong các cuộc kết hợp không có tính bí tích cũng phải tính đến trẻ em, những người có quyền được tham dự trọn vẹn vào đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội”.
Ngoài ra, còn có việc Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ bầu 4 đại diện tham dự thượng hội đồng sắp tới: Joseph Kurtz, Charles Chaput, Daniel DiNardo, José H. Gómez. Người “ôn hòa” nhất trong 4 vị này là Đức Tổng Giám Mục Kurtz cũng đã không quên nhận định rằng “điều hết sức quan trọng là không có hố ngăn cách nào giữa cách ta thờ phượng, tin và cung cấp chăm sóc mục vụ. Ưu tư chính đáng là trung thực với giáo huấn của Giáo Hội, và tôi sẽ đem theo thái độ này tới thượng hội đồng”.
Vũ Văn An