Năm 2016, hai sự kiện lớn với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam
Năm 2016, đối với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam vừa là “Năm Thánh Lòng Thương Xót”, lại cũng là “Năm Tân Phúc Âm hóa đời sống xã hội”. Năm Thánh Lòng Thương Xót đã được Đức Thánh Cha Phanxicô khai mở vào dịp lễ Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội, ngày 08 tháng 12 năm 2015 tại quảng trường Thánh Phêrô Vatican, và sẽ kết thúc vào ngày lễ Chúa Kitô Vua 20-11-2016; còn Thư Mục Vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, ngày 17 tháng 09 năm 2015 gửi Cộng đồng Dân Chúa, được làm trong Hội nghị thường niên kỳ II tại Tòa Giám mục Xuân Lộc, đã vạch ra Đường Hướng Mục Vụ cho toàn Giáo Hội Việt Nam năm 2016 là: “Tân Phúc Âm hóa đời sống xã hội.”
Hai vấn đề trọng yếu nêu trên, đã được các vị chủ chăn trình bày trong các bài giảng, và hàng trăm bài viết khác… Chúng ta, người giáo dân đã được nghe trực tiếp, hay có thể tìm thấy dẽ dàng trên các trang mạng. Trong phạm vị giới hạn của bài viết, ta cùng tìm hiểu:
Làm cách nào để thực thi: Lòng Thương Xót, và Tân Phúc Âm hóa đời sống xã hội trên quê hương Việt Nam thân yêu hôm nay một cách hiệu quả? Trước tiên ta cùng tìm hiểu:
Mục đích của năm Thánh Lòng Thương Xót
Trong thư mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ngày 17-09-2015 các vị giám Mục đã nêu rõ mục đích và việc cần phải thực hiện của mỗi Kitô hữu “Mục đích của Năm Thánh Lòng Thương Xót là kêu gọi các tín hữu chiêm ngắm dung nhan Thiên Chúa là Cha giầu lòng thương xót, được tỏ hiện trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô, nhờ đó, chúng ta cảm nghiệm được lòng Chúa xót thương, và trở nên dấu chỉ cụ thể của lòng thương xót trong cuộc sống: “Hãy có lòng thương xót như Cha của anh em là Đấng hay thương xót” (Lc 6, 36). Vì thế, trong năm hồng ân này, anh chị em hãy sốt sắng đón nhận lòng thương xót của Chúa qua Bí tích Giao hòa, tha thứ cho nhau và làm hòa với nhau và đồng thời biết quan tâm giúp đỡ những người bị gạt ra bên lề xã hội, và những ai đang đau khổ về tinh thần cũng như thể xác”.
Như thế, mục đích Năm Thánh Lòng Thương Xót có hai phần rõ ràng: Một là các tín hữu khám phá để chiêm ngắm dung nhan Thiên Chúa giầu lòng xót thương, được tỏ bầy trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô; hai là từ cảm nhân Lòng Thương Xót của Chúa, các Kitô hữu hãy biết xót thương nhau, mà cụ thể là tha thứ cho nhau, hòa thuận và giúp đỡ nhau. Vậy còn:
Tân Phúc Âm hóa đời sống xã hội là thế nào?
Trong thư mục vụ của Hội Đồng Giám mục cũng nêu rõ: “Tân Phúc Âm hóa đời sống xã hội chính là sống, chia sẻ, loan báo và làm chứng cho lòng thương xót ngay trong đời sống xã hội. Trước những dấu hiệu đáng ngại trong xã hội ngày nay: Gian dối, vô cảm, bất công, ma túy, bạo lực, phá thai, tự tử…., mỗi người Công Giáo phải trở thành nhân tố tích cực trong việc xây đắp nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống. không có những chứng nhân của lòng thương xót, xã hội sẽ trở thành sa mạc hoang vu, cằn cỗi không sức sống (x Dung mạo Lòng Thương Xót, số 10) ”.
Thực thi lòng thương xót & Tân Phúc Âm hóa đời sống xã hội trong môi ở Việt nam
Môi trường xã hội Việt Nam hôm nay
Trước khi thực thi lòng thương xót, ta cùng tìm hiểu một cách khái quát về môi trường Việt Nam hôm nay. Việt Nam với hơn 90 triệu dân, trong đó có tới 55 dân tộc (sắc tộc) anh em, hiện vẫn còn là một nước nông nghiệp với khoảng 70% người dân sống ở nông thôn, và hơn 30% dân sống ở đô thị. Trong đó người Công Giáo tin thờ Thiên Chúa duy nhất mới đạt khoảng 7% dân số, tức trên 6 triệu Kitô hữu. Số còn lại là các tôn giáo khác, hay không tôn giáo, nhưng hầu hết họ đều tin và cầu khẩn ông Trời. Hiện tượng di dân từ nông thôn về thành thị ngày một tăng. Trong xã hội hôm nay, như đã trích dẫn, đang có dấu hiệu đáng ngại về: “gian dối, vô cảm, bất công, ma túy, bạo lực, phá thai, tụ tử….”. Vậy, việc Tân Phúc Âm hóa trong môi trường Việt Nam hôm nay, bằng chính lòng thương xót của mỗi Kitô hữu chúng ta, với anh em chưa nhận biết, hay chối từ Chúa là điều hết sức cấp bách và khẩn thiết.
Xin giới thiệu một vài phương thức thực hiện
Để thực hiện lòng thương xót với anh em, Giáo hội đã chỉ cho chúng ta một phương thức cụ thể. Đó chính là “Thương Người Có 14 Mối”, trước tiên là:
Thương xác bảy mối:
Thứ nhất: Cho kẻ đói ăn
Thứ hai: Cho kẻ khát uống
Thứ ba: Cho kẻ rách rưới ăn mặc
Thứ bốn: Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc
Thứ năm: Cho khách đỗ nhà
Thứ sáu: Chuộc kẻ làm tôi
Thứ bảy: Chôn xác kẻ chết
Thương linh hồn bảy mối:
Thứ nhất: Lấy lời lành mà khuyên người
Thứ hai: Mở dậy kẻ mê muội
Thứ ba: Yên ủi kẻ âu lo
Thứ bốn: Răn bảo kẻ có tội
Thứ năm: Tha kẻ dể ta
Thứ sáu: Nhịn kẻ mất lòng ta
Thứ bảy: Cầu cho kẻ sống và kẻ chết
Đây là những việc làm rất cụ thể, trong đời sống thường ngày của chúng ta. Nếu ta thực hiện vì lòng yêu mến Chúa, chúng ta chính là những chứng nhân của Chúa Kitô trong cuộc đời này. Những điều được dạy trong 14 mối thương người trên đây lại được Thánh Phanxicô Assisi cụ thể hóa trong lời kinh Hòa Bình đã được nhạc sĩ Kim Long phổ nhạc
Kinh hòa bình
Thánh Phanxicô Assisi (1182-1226), sứ giả hòa bình của nhân loại đã giới thiệu cách thể hiện lòng thương xót một cách cụ thể, bằng cách quên mình để phục vụ anh em, lời văn thật giản dị, nhưng quá sâu lắng, ý nghĩa làm lay động bao người, được thể hiện trong Kinh Hòa Bình:
“Lạy Chúa từ nhân xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm; để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng; để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.
Lạy Chúa xin hãy dạy con tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân; vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.
Ôi Thần Linh thánh ái xin mở rộng lòng con, xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình”.
Lời cầu nguyện, một yếu tố tối quan trọng
Chúng ta đã tìm hiểu: Mục đích, ý nghĩa và cách thực hiện “Năm Thánh Lòng Thương Xót” trong năm 2016, căn cứ vào các điều chỉ dẫn và dạy bảo của Giáo Hội, các Thánh…
Nhưng, một yếu tố hết sức quan trọng mang lại sự thành công chính là: Lời cầu nguyên.
Đức cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận với việc cầu nguyện
Trong cuốn Đường Hy Vọng Người đã chỉ dạy chúng ta: “118, Hoạt động không cầu nguyện là vô ích trước mặt Chúa, máy móc tự động có thể làm hơn con; 119, Thứ nhất cầu nguyên; thứ hai hy sinh; thứ ba hoạt động”
Mẹ Teresa với việc cầu nguyện
Xin trích một đoạn trong cuộc phỏng vấn cuối cùng của tạp chí Time với Mẹ Teresa năm 1989
– Time: Mẹ làm gì sáng nay
– Mẹ Teresa: Cầu nguyện
– Time: Bắt đầu lúc nào?
– Mẹ Teresa: Bốn giờ rưỡi
– Time: Và sau khi cầu nguyện
– Mẹ Teresa: Chúng tôi cố gắng cầu nguyện thông qua công việc của chúng tôi bằng cách làm việc với Chúa Giesu, vì Chúa Giêsu, cho Chúa Giesu. Điều đó giúp chúng tôi đặt cả trái tim và linh hồn vào những việc đó. Người sắp chết, người què, người tâm thần, người không ai mong muốn, không ai yêu thương, họ là Chúa Giêsu cải trang….
Phong Trào Cursillo với việc cầu nguyện (palanca)
Đây là một Phong Trào của Giáo Hội, đang có mặt trên 60 Quốc gia, hoạt động trong gần 1000 giáo phận, với hơn 10 triệu Cursillistas đã có một câu châm ngôn hướng dẫn hành động xuyên suốt của Phong Trào, và đặc biệt là Hậu Cursillo là. Đó là:
“Một Tay năm lấy Chúa, một tay nắm lấy anh em”
Phong Trào coi việc cầu nguyện (Palanca) là chìa khóa vạn năng dân đến những kết quả tốt đẹp trong việc thực hiện mục đích tối hậu của Phong Trào là:
“Làm dậy men tinh thần Ki tô giáo trong xã hội”
Xin Chúa Thánh Thần ngự xuống tâm hồn người tín hữu của Chúa, và soi sáng, thêm sức để chúng con chiêm ngắm được Lòng Thương Xót vô bờ của Chúa. Từ đó, chúng con có động cơ xót thương anh chị em của chúng con trong gia đình với anh em con cháu, trong xứ đạo, trong môi trường sống của chúng con, trong xóm thôn Việt Nam thân yêu hôm nay trong “Năm Thánh Lòng Thương Xót’ và cũng là “Năm Phúc Âm hóa đời sống xã hội”, ngõ hầu nước Chúa ngày một mở rộng, mọi người được hạnh phúc thật sự, khi biết thương yêu nhau chân thành trong cuộc sống nhiều gian nan thử thách hôm nay.
Cursillista Inhaxiô Đặng Phúc Minh