Thừa tác viên giáo dân mang chiếc áo ngoài của phó tế được không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Tại Việt Nam, thừa tác viên cho rước lễ mang chiếc áo ngoài của phó tế, như cha có thể thấy trong tấm ảnh đính kèm đây. Thưa cha, như vậy có đúng không? – N. T., Việt Nam.

Đáp: Độc giả của chúng tôi gửi câu hỏi, kèm theo ảnh chụp một người đàn ông đang cho Rước lễ, trong khi mang y phục trông rất giống với chiếc áo ngoài của phó tế, bên ngoài bộ đồ dân sự và cà vạt của ông. Trong tấm ảnh, cũng có một thừa tác viên ngoại thường thứ hai mặc y phục tương tự (người dịch: vì cha không đăng ảnh vào bài này, nên chúng ta không thấy y phục ấy là như thế nào!).

Dựa vào tấm ảnh này, tôi không thể khẳng định liệu đó là sự thực hành của toàn quốc gia, hay của một giáo phận, hay của một giáo xứ duy nhất. Do đó, tôi chỉ giới hạn câu trả lời của tôi vào những gì có trong tấm ảnh, mà không nêu ra giả thiết nào cho việc mở rộng sự thực hành ấy.

Về việc này, huấn thị “Redemptionis Sacramentum” của Thánh Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, ban hành ngày 25-3-2004, nói như sau về việc sử dụng các “phụ tá mục vụ giáo dân”:

“147. Tuy nhiên, nơi nào nhu cầu của Giáo Hội đòi hỏi, vì thiếu thừa tác viên có chức thánh, người giáo dân có thể thay thế trong một số chức vụ phụng vụ, theo các quy định của giáo luật. Các tín hữu này, được gọi và được cử để thi hành một số chức vụ được xác định, ít nhiều quan trọng, được ơn Chúa nâng đỡ. Ngày nay nhiều giáo dân đã và đang phục vụ một cách quảng đại, nhất là trong các xứ truyền giáo, nơi Giáo Hội còn ít được truyền bá hay đang trong hoàn cảnh bị bắt bớ, cũng trong những miền khác trên hoàn cầu bị bị tác động vì thiếu linh mục và phó tế.

“149. Nhiều giáo dân, được biết dưới danh hiệu là người “phụ tá mục vụ”, rất gần đây, đã được cử đến một số giáo phận đã được phúc âm rất xa xưa; không thể chối cãi là họ rất đông đã làm việc vì lợi ích của Giáo Hội, tạo điều kiện dễ dàng cho hành động mục vụ của Giám Mục, các linh mục và phó tế. Tuy nhiên, phải cảnh giác rằng hình dạng của một chức năng như thế không quá đồng dạng với sứ vụ mục vụ của các giáo sĩ. Nói cách khác, phải chăm chú theo dõi đừng để các “phụ tá mục vụ” đảm nhận những chức năng thuộc riêng sứ vụ của các thừa tác viên có chức thánh.

“150. Sinh hoạt của người phụ tá mục vụ phải nhằm mục đích tạo điều kiện dễ dàng cho sứ vụ của các linh mục và phó tế, nhằm gợi lên các ơn gọi làm linh mục và phó tế, và, trong mỗi cộng đoàn, nhằm hăng hái huấn luyện, theo các quy tắc của giáo luật, các giáo dân đảm nhận nhiều chức vụ phụng vụ khác nhau theo những đặc sủng khác nhau.

“151. Trong việc cử hành phụng vụ, người ta chỉ phải nhờ đến các thừa tác viên ngoại thường trong trường hợp thật cần thiết. Quả nhiên, sự trợ giúp này không được dự liệu để đảm bảo cho người giáo dân tham dự đầy đủ hơn, nhưng, tự bản tính, nó là bổ sung và tạm thời. Tuy nhiên, dù cần nhờ đến các thừa tác viên ngoại thường phục vụ, cần phải gia tăng lời cầu nguyện đặc biệt và khẩn thiết, để Chúa nhanh chóng gửi một linh mục đến để phục vụ cộng đoàn và gợi lên nhiều ơn gọi cho Chức Thánh.

“152. Lại nữa, những chức vụ như thế, hoàn toàn có tính cách bổ sung, không được làm cớ để làm phai lạt chính sứ vụ của các linh mục, đến nỗi các vị này lúc bấy giờ chểnh mảng không lo cử hành Thánh Lễ cho dân chúng được ủy thác cho mình, không tự mình chăm sóc bệnh nhân, và tự mình chăm lo rửa tội cho các trẻ em, không chứng hôn phối và cử hành an táng theo nghi lễ Kitô-giáo, đó là những lãnh vực thuộc quyền trước hết của sứ vụ của các linh mục, với sự trợ giúp của các phó tế. Vì thế, trong các giáo xứ, các linh mục phải theo dõi không bao giờ trao đổi một cách không phân biệt các chức vụ của nghĩa vụ mục vụ của mình với chức vụ của các phó tế hoặc của giáo dân, để tránh mọi sự lẫn lộn về chức năng đặc thù của mỗi người.

“153. Vả lại, người giáo dân không bao giờ cho phép đảm trách các chức vụ của phó tế hay linh mục, và mặc những y phục dành riêng cho các ngài, kể cả những y phục tương tự” (Bản dịch Việt ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Do đó, việc mặc y phục tương tự như chiếc áo ngoài của của phó tế trong bức ảnh trên chắc chắn vi phạm qui định trong số 153.

Đồng thời, trong Thánh Lễ, nếu có thể được, chứ không bắt buộc, một thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ có thể mặc chiếc áo chùng trắng (alba), hoặc một y phục khác được chấp thuận, miễn là nó không giống với y phục của linh mục hay phó tế.

Điều này là phù hợp với Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (GIRM), số 339: “Thầy giúp lễ, đọc sách, và các người giúp giáo dân khác có thể mặc áo alba hay áo nào khác, được Hội Ðồng Giám Mục chấp thuận hợp pháp cho từng miền” (Bản dịch Việt ngữ của linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Việc này là có thể được, bởi vì trong Thánh lễ, áo chùng trắng được xem là y phục phụng vụ cơ bản cho tất cả các thừa tác viên phụng vụ, chứ không chỉ dành riêng cho thừa tác viên có chức thánh mà thôi.

Tuy nhiên, tình hình sẽ là khác đi, khi một thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ được yêu cầu hành động một mình ngoài Thánh lễ. Trong trường hợp này, các phê phán của huấn thị “Redemptionis Sacramentum”, số 153, sẽ được áp dụng.

 

(Nguyễn Trọng Đa, Zenit.org 21-4-2015)